Tổng thống Mỹ kêu gọi người dân đoàn kết nhân 1 năm vụ bạo loạn ở Đồi Capitol
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/1 đã có bài phát biểu nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol của những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump khiến 5 người thiệt mạng và hơn 140 sĩ quan cảnh sát bị thương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC., ngày 6/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden khẳng định cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là minh chứng lớn nhất của nền dân chủ trong lịch sử của nước Mỹ với việc thu hút được nhiều người dân Mỹ đi bỏ phiếu hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào khác, được giám sát và quá trình kiểm phiếu diễn ra cẩn thận nhất. Theo Tổng thống Biden, nền dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa và kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi đưa ra hành động đối với luật về quyền bầu cử và tỏ sự lạc quan vào tương lai của đất nước. Ông kêu gọi người dân tiếp tục viết các chương tiếp theo trong lịch sử, đồng thời cho rằng ngày 6/1 không phải đánh dấu sự chấm dứt của nền dân chủ mà đó là sự khởi đầu của một thời kỳ phục hưng, của tự do và công bằng.
Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC., ngày 6/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng công bố một số hoạt động tại Đồi Capitol nhân sự kiện 6/1, trong đó có một buổi cầu nguyện hay phút tưởng niệm tại Hạ viện… Hơn 100 nhóm hoạt động lên kế hoạch cho các buổi cầu nguyện và tụ họp trên toàn quốc.
Trong ngày 6/1, an ninh xung quanh thủ đô Washington được thắt chặt.
Mỹ khẳng định quan hệ song phương với Nga tiến triển trong thời gian qua
Ngày 7/12, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Moskva Jason P. Rebholz nhấn mạnh Washington và Moskva đã đạt được những bước tiến trong các vấn đề song phương những ngày gần đây.
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Sputnik, trong trả lời phỏng vấn Ria Novosti, ông Jason P. Rebholz nói rõ ngoại giao là giải pháp có trách nhiệm duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng mà hai bên đang đối mặt. Chính vì vậy, Mỹ cần mở ra các kênh liên lạc, đặc biệt trong những giai đoạn căng thẳng leo thang, và hai bên đã đạt được những bước tiến trong những ngày gần đây về các vấn đề song phương. Ông P. Rebholz nhấn mạnh Washington hy vọng mối quan hệ song phương tiếp tục tiến triển theo hướng này.
Liên quan đến vấn đề về phái bộ ngoại giao hai nước, ông Rebholz khẳng định việc các nhà ngoại giao Nga rời khỏi Mỹ "không phải một sự trục xuất". Theo người phát ngôn này, Mỹ đã nói rõ trước đó với Nga rằng phía Moskva có thể "thay thế những người rời đi bằng cách bổ nhiệm các thành viên khác vào các vị trí trong phái đoàn ngoại giao".
Hồi cuối tháng 11, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Washington đã thông báo trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình và họ phải về nước muộn nhất là vào ngày 30/1/2022. Nhằm đáp trả động thái này, một tuần sau đó, Moskva ra yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ đã ở nước này hơn 3 năm phải về nước trước ngày 31/1/2022.
Theo người phát ngôn P. Rebholz, cách tiếp cận nói trên của Mỹ là nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước vì cả hai nước sẽ luân chuyển nhân viên với tần suất tương tự.
Mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do căng thẳng liên quan đến một số vấn đề như an ninh mạng, Syria và Ukraine.
Mỹ tuyên bố "tẩy chay ngoại giao" Olympic Bắc Kinh Mỹ sẽ không cử quan chức dự Olympic Bắc Kinh vào đầu năm tới để phản đối Trung Quốc. Washington đã tham vấn các đồng minh về quyết định này và hiện chưa rõ có nước nào "nối gót" Mỹ hay không. Mỹ sẽ không cử quan chức, đại diện ngoại giao dự Olympic Bắc Kinh 2022 ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters). Straits...