Tổng thống Mỹ kêu gọi cải tổ Tòa án Tối cao liên bang
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/7 cho biết có kế hoạch thúc đẩy một đạo luật nhằm mang lại những thay đổi cơ bản đối với Tòa án Tối cao liên bang, trong đó có việc giới hạn nhiệm kỳ và xây dựng bộ quy tắc đạo đức mang tính ràng buộc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 14/5/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington D.C., Tổng thống Biden cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao cho phép Tổng thống được hưởng các quyền miễn trừ lớn ngay cả khi phạm tội là một ví dụ của việc ra quyết sách nguy hiểm và cực đoan, đặt tất cả người dân Mỹ trước những nguy cơ. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng nêu bật một loạt vấn đề quan ngại về mặt đạo đức, đe doạ sự liêm chính của tòa án.
Dự kiến, vào cuối chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Đạo luật quyền dân sự, trong đó nêu những đề xuất cải cách Tòa án Tối cao liên bang. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Biden dự kiến sẽ nêu vấn đề nhiệm kỳ suốt đời của Thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang đã cho phép Tổng thống bổ nhiệm có thể duy trì ảnh hưởng rất lâu kể cả sau khi nhiệm kỳ kết thúc. Đề xuất quy trình bổ nhiệm của Tổng thống sẽ theo chu kỳ 2 năm/1 thẩm phán và nhiệm kỳ thẩm phán là 18 năm.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng sẽ đề xuất một bộ quy tắc đạo đức yêu cầu thẩm phán công khai các món quà, hạn chế hoạt động chính trị công khai và không tham gia những vụ việc mà người thân có xung đột về lợi ích.
Tổng thống Biden cũng sẽ kêu gọi sửa đổi Hiến pháp nhằm giới hạn quyền miễn trừ rộng rãi của Tổng thống mà 6 thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ đã ủng hộ trong phán quyết công bố vào cuối tháng trước.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã ca ngợi nỗ lực của Tổng thống Biden, khẳng định sẽ đồng hành với nhà lãnh đạo thứ 46 của Nhà Trắng trong nỗ lực này. Trong khi đó, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã tuyên bố dự luật này sẽ “chết yểu” ngay khi được trình lên Hạ viện.
Chính phủ Mỹ tiếp tục xóa nợ sinh viên
Ngày 18/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tiếp tục xóa 1,2 tỷ USD nợ sinh viên cho 35.000 người, nâng tổng số người được xóa nợ theo chương trình của chính quyền Mỹ lên 4,76 triệu người.
Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết theo kế hoạch trên, mỗi người sẽ được xóa 35.000 USD nợ sinh viên.
Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên được Tổng thống Biden đưa ra năm 2022 với chi phí ước tính khoảng 430 tỷ USD. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ xóa nợ lên tới 20.000 USD cho những người có mức thu nhập dưới 125.000 USD/năm.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái đã ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai kế hoạch này. Sau đó, ông Biden cam kết tìm biện pháp khác để giải quyết vấn đề nợ sinh viên nói trên. Tháng 5 vừa qua, ông Biden tuyên bố xóa 7,7 tỷ USD nợ sinh viên cho 160.000 người.
Trong những năm qua, đảng Dân chủ thúc đẩy Chính phủ Mỹ xóa nợ sinh viên, trong khi đa số thành viên đảng Cộng hòa phản đối đề xuất này.
Trong khi đó, nợ sinh viên ngày càng tăng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lãi suất cao. Hệ quả là ngày càng nhiều người trẻ tại Mỹ khó mua được nhà hoặc đầu tư.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng về quyền miễn trừ truy tố với ông Trump Tổng thống Biden cảnh báo phán quyết của Tòa án Tối cao về quyền miễn trừ truy tố với ông Trump là "tiền lệ nguy hiểm". Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Raleigh, thủ phủ Bắc Carolina, ngày 28/6/2024. Ảnh: AA/TTXVN Theo hãng tin Reuters ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích...