Tổng thống Mỹ cam kết tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong bối cảnh giá khí đốt tại Mỹ thấp hơn châu Âu khoảng 4 lần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định cam kết cấp phép cho các dự án hạ tầng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng từ châu Âu.
Một con tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng. Ảnh minh họa: Reuters
Tuyên bố này được ông Trump đưa ra trong phát biểu trực tuyến hôm 23/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ).
Hiện tại, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ chỉ bằng một phần tư so với châu Âu. Điều này đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất khí đốt tại Mỹ mong muốn mở rộng quy mô xuất khẩu LNG sang thị trường châu Âu, đặc biệt khi châu lục này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Joe Biden, các dự án hạ tầng xuất khẩu LNG đã bị đình trệ do việc cấp phép bị “đóng băng”.
Tập đoàn năng lượng TotalEnergies, vốn đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực LNG tại Mỹ, đã đặt vấn đề với Tổng thống Donald Trump về kế hoạch của ông trong việc cấp phép cho các dự án mới. Câu trả lời từ ông Trump không chỉ là sự khẳng định mạnh mẽ mà còn là một cam kết rõ ràng. Ông tuyên bố sẽ cấp phép cho các cơ sở hạ tầng mới, mở đường cho việc tăng cường xuất khẩu LNG từ Mỹ sang châu Âu.
Việc tân Tổng thống Mỹ cam kết thúc đẩy xuất khẩu LNG mang đến kỳ vọng lớn cho châu Âu, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường năng lượng nội địa Mỹ.
Giá khí đốt thấp tại Mỹ hiện nay là do nguồn cung dồi dào, nhưng sự gia tăng tiêu thụ nội địa – đặc biệt từ các nhà máy điện khí phục vụ các dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo – có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Nếu kết hợp với việc tăng xuất khẩu, điều này có thể đẩy giá khí đốt trong nước lên cao, gây áp lực cho người tiêu dùng Mỹ.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu về khí thải methane có thể là trở ngại lớn đối với LNG của Mỹ. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất khí đốt phải có những cải tiến công nghệ để đáp ứng yêu cầu từ thị trường quốc tế.
Video đang HOT
Ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu LNG, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ ý định giảm giá dầu thô bằng cách yêu cầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC ) tăng sản lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này mâu thuẫn với mục tiêu tăng cường sản lượng dầu mỏ của Mỹ. Nếu giá dầu giảm, các nhà sản xuất dầu nội địa sẽ không có động lực để mở rộng sản xuất, đi ngược lại mục tiêu mà ông Trump đã đề ra trong nhiệm kỳ của mình.
Mặc dù còn nhiều thách thức, sự quyết liệt trong cam kết của Tổng thống Trump đối với ngành năng lượng đang gửi tín hiệu mạnh mẽ đến các đồng minh châu Âu rằng Mỹ sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp năng lượng, đồng thời đảm bảo lợi ích của mình trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đầy biến động.
Trung Quốc gửi 'tín hiệu' mới cho châu Âu trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Châu Âu đang lo lắng về khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và Trung Quốc nhìn thấy cơ hội.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gửi thông điệp tới những người đồng cấp châu Âu vào cuối tuần qua: cho dù thế giới có thay đổi thế nào, Trung Quốc sẽ "nhất quán và tin cậy" - một "động lực cho sự ổn định".
Tuyên bố mà ông Vương Nghị nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu đang thận trọng theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới - lo ngại rằng sự trở lại tiềm tàng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác của họ với Washington.
Những mối lo ngại đó bùng lên trong tuần qua sau khi ông Trump nói rằng sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO đã không chi đủ tiền cho quốc phòng - một mối đe dọa bất ngờ đối với nhiều người ở châu Âu khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Thời điểm đưa ra bình luận của ông Trump là cơ hội đối với Trung Quốc, khi Ngoại trưởng Vương Nghị đang thăm châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách khôi phục mối quan hệ đang xấu đi với EU - một nỗ lực trở nên cấp bách hơn bởi các vấn đề kinh tế trong nước và căng thẳng đang diễn ra với Mỹ.
"Cho dù thế giới có thay đổi như thế nào, Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia lớn có trách nhiệm, sẽ giữ các nguyên tắc và chính sách chính của mình nhất quán và ổn định, đồng thời đóng vai trò là lực lượng chính cho sự ổn định trong một thế giới hỗn loạn", ông Vương Nghị nói trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh Munich, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và châu Âu "tránh xa những rắc rối về địa chính trị và ý thức hệ" và hợp tác cùng nhau.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, trong khi lời kêu gọi của ông Vương Nghị có thể được một số nước châu Âu lắng nghe, nơi các nhà lãnh đạo hy vọng ổn định các khía cạnh trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng gặp phải một vấn đề lớn khi đạt được tiến bộ thực sự trong việc hàn gắn mối quan hệ với EU: mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Noah Barkin, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF), cho biết: "Thông điệp của ông Vương Nghị gửi tới các nước châu Âu là không nên để những khác biệt về địa chính trị cản trở sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Nhưng điều chưa đề cập là Trung Quốc chưa sẵn sàng thay đổi quan điểm và chính sách khiến châu Âu lo lắng nhất, cụ thể là mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga".
Châu Âu đang lo lắng về sự trở lại tiềm tàng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân tố "Trump"
Các nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoa dịu những lo ngại của châu Âu về vị thế của Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể có ít tác động trong EU.
"Chừng nào xung đột ở Ukraine còn tiếp diễn, các chính sách của EU đối với Trung Quốc sẽ chuyển sang liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Rất có thể, châu Âu sẽ cùng với Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ quan trọng vì coi an ninh kinh tế của EU là tối quan trọng", theo Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London.
EU đang xem xét một loạt biện pháp giúp khối này "giảm thiểu rủi ro" cho chuỗi cung ứng châu Âu từ Trung Quốc, đảm bảo các công nghệ quan trọng và bảo vệ thị trường của mình khỏi những gì họ coi là "hàng hóa Trung Quốc giá rẻ không thực chất". Bắc Kinh coi chính sách của châu Âu bị ảnh hưởng quá mức bởi Mỹ.
Ông Vương Nghị cũng phản đối các biện pháp như vậy ở Munich, cảnh báo rằng "những ai tìm cách kiềm chế Trung Quốc dưới danh nghĩa 'giảm thiểu rủi ro' sẽ mắc phải một sai lầm lịch sử".
Nhà ngoại giao Trung Quốc đã gặp một số đối tác châu Âu bên lề hội nghị an ninh Munich, trước khi tiếp tục tới Tây Ban Nha. Ông Vương Nghị cũng sẽ đến thăm Pháp trong tuần này.
Theo các nhà phân tích, ông Vương Nghị có thể đạt được nhiều thành công hơn trong việc ổn định quan hệ với từng quốc gia thành viên EU quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - và những quốc gia đang có tâm lý không chắc chắn về cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ.
Theo Liu Dongshu, Phó Giáo sư tại khoa Các vấn đề Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông, trong các cuộc gặp ở châu Âu, ông Vương Nghị có thể "sử dụng 'nhân tố Trump' để chỉ ra rằng việc hoàn toàn đứng về phía Mỹ không mang lại lợi ích tốt nhất cho các nước châu Âu".
Với tư cách là tổng thống, ông Trump không chỉ lên tiếng hoài nghi về hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Âu mà còn tận dụng thuế quan đối với thép và nhôm châu Âu, gây ra các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa Mỹ từ châu Âu.
Bắc Kinh đã đạt được một số tiến bộ trong việc xoa dịu quan hệ với các nước châu Âu trong năm qua, bao gồm cả trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào mùa xuân năm ngoái - một bước phát triển mà ông Vương Nghị hy vọng sẽ tiếp tục phát huy.
"Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới một số nước châu Âu, các bên sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giữ mối quan hệ với Bắc Kinh ổn định, một phần để tránh nguy cơ xảy ra xung đột thương mại hai mặt trận với Bắc Kinh và Washington nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng", chuyên gia Barkin của GMF kết luận.
Mỹ xem xét lại việc xuất khẩu khí đốt, khiến châu Âu lo sợ EU đang trông chờ vào việc Mỹ phê duyệt các dự án LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) mới lớn, nhưng người mua châu Âu đang hồi hộp theo dõi đánh giá của chính quyền Biden về việc liệu việc xuất khẩu có vì lợi ích quốc gia hay không. Tàu chở LNG từ Mỹ đang neo đậu dọc theo một bến nổi...