Tổng thống Indonesia ra lệnh đánh đắm tàu cá xâm nhập trái phép
Tổng thống Indonesia Joko “ Jokowi” Widodo yêu cầu phải “cứng rắn” với các tàu đánh bắt cá trái phép ở Indonesia bao gồm cả việc đánh đắm tàu.
Theo Jakarta Post, trong tuyên bố đưa ra ngày 18/11, ông Jokowi nhấn mạnh biện pháp này dù tàn nhẫn nhưng là phù hợp nhất là trong bối cảnh Indonesia chịu thiệt hại khoảng 24,7 tỷ USD mỗi năm do các hoạt động đánh bắt cá trái phép của các tàu cá nước ngoài.
Ông Jokowi khẳng định, biện pháp này là cần thiết để tránh có thêm những thiệt hại về sau.
Tổng thống Indonesia Jokowi (Ảnh JPNN)
“Không cần phải bắt giữ những tàu cá trái phép, hãy đánh chìm chúng”, ông Jokowi nói.
Ông Jokowi cho biết hiện mỗi năm có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia và việc có những hành động cứng rắn sẽ khiến các tàu cá này phải chùn bước.
“Hãy đánh chìm từ 10-20 tàu. Điều này sẽ khiến những ngư dân đánh bắt trái phép phải cân nhắc thật kỹ”, ông Jokowi nói nhưng vẫn yêu cầu “phải sơ tán các thuyền viên trên tàu trước khi hành động”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để thực hiện được mệnh lệnh này, ông Jokowi cho biết ông sẽ tham vấn tư lệnh quân đội Indonesia, Tướng Moeldoko, Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Marsetio và Bộ trưởng Thủy sản và các vấn đề về Biển Susi Pudjiastuti.
Trước đó, trong cuộc họp Nội các ngày 17/11, bà Susi cho biết Bộ của bà gần đây đã bắt giữ 4 tàu cá đang đánh bắt cá trái phép tại khu vực phía Bắc Kalimantan.
Ông Jokowi cho rằng sẽ thật “nực cười” nếu ngư dân Indonesia phải chịu cảnh khốn khó dù nước này có một vùng biển rộng lớn chỉ vì những hoạt động đánh bắt cá nói trên.
“Trong chuyến thăm khu vực phía Tây Nam Sulawesi, tôi đã đến một khu trữ hàng đông lạnh đã bị bỏ không từ lâu bởi không có nguồn cung cấp cá. Điều này quả thực quá nực cười”, ông Jokowi nói.
Trong khi đó, Đô đốc Marsetio cho biết Hải quân Indonesia có khoảng 60-70 tàu tham gia tuần tra trên biển nhưng chỉ có sử dụng 15 tàu mỗi ngày bởi không có đủ nhiên liệu chạy tàu.
“Chúng tôi cần khoảng 5,6 tỷ lít dầu một năm nhưng Chính phủ mới chỉ cấp được cho chúng tôi khoảng 13% số này”, ông Marsetio nói./.
Trần Khánh
Theo Vietbao
Tổng thống Indonesia tuyên thệ nhậm chức
Ngày 20-10, ông Joko Widodo tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống thứ 7 của Indonesia.
Buổi lễ nhậm chức được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để hàng triệu người dân Indonesia theo dõi. Tham dự buổi lễ có nhiều quan chức cao cấp đến từ 20 quốc gia.
Sau lời tuyên thệ, ông Widodo ôm chặt cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trong tiếng vỗ tay của mọi người rồi 2 ông đổi ghế cho nhau phía trước hội trường.
Đây là lễ nhậm chức đầu tiên có mặt cả cựu tổng thống và người kế nhiệm trong lịch sử Indonesia. Chính phủ Indonesia hy vọng sự chuyển tiếp thân mật như trên sẽ mở ra một thời kỳ ổn định về chính trị cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Các thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Najib Razak (Malaysia), Sultan Hassanal Bolkiah (Brunei) và Tony Abbott (Úc) cũng đến chúc mừng ông Widodo cùng với khách mời danh dự là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ông Joko Widodo tuyên thệ nhậm chức hôm 20-10. Ảnh: EPA
Trước khi tuyên thệ, phát ngôn viên Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia (MPR) Zulkifli Hasan đã vinh danh cựu Tổng thống Yudhoyono vì những đóng góp cho nền kinh tế, chính trị, hòa bình của đất nước trong 1 thập kỷ cầm quyền, đồng thời kỳ vọng ông Yudhoyono sẽ tiếp tục phục vụ đất nước.
Trong bài phát biểu, ông Widodo nhấn mạnh người dân Indonesia cần đoàn kết và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để đưa đất nước tiến lên. Vị tân tổng thống đề cập đến mục tiêu đạt được chủ quyền về chính trị, kinh tế tự cung tự cấp và giữ vững nền văn hóa bản địa.
Ông Widodo còn chỉ ra hướng chính sách đối ngoại của Indonesia trong tương lai, trên cương vị quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á, đó là chính sách ngoại giao "vô điều kiện và tích cực" để đóng góp cho một trật tự thế giới ổn định dựa trên chủ quyền và công lý xã hội.
Đắc cử hồi tháng 9 với 53,2 % số phiếu, con đường phía trước của ông Widodo còn rất nhiều chông gai. Nội các của ông Widodo không nắm đa số ghế trong quốc hội mà thuộc về đối thủ Prabowo Subianto. Kế hoạch thiết lập nội các gồm các bộ trưởng có kinh nghiệm sẽ cực kỳ quan trọng để bù đắp thiếu sót của ông Widodo, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trên chính trường.
Ông Widodo cũng phải giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách 2014 khi mức thâm hụt dự kiến là 2,4 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song song với nạn tham nhũng giống như một căn bệnh ung thư khó chữa trong bộ máy chính phủ.
Và hiện tại, mối họa Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không chỉ của riêng Iraq và Syria mà đã lan tới Indonesia.
Các nhóm cực đoan Darul Islam ở tỉnh West Java đã cố gắng thiết lập một Vương quốc Hồi giáo ở Indonesia kể từ năm 1940, gắn với một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ. Ông Widodo sẽ phải đề ra biện pháp bóp nghẹt các mối đe dọa từ trong trứng nước nếu không muốn nhìn thấy cuộc xung đột vũ trang lan rộng khắp lãnh thổ.
Theo_Người lao động
Đoạn kết buồn của Tổng thống Indonesia Theo tờ Jakarta Globe, thành tựu 10 năm cầm quyền của ông Susilo Bambang Yudhoyono có phần bị hoen ố chỉ vì một sự do dự trong những ngày tại vị cuối cùng. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - Ảnh:Reuters Ông Yudhoyono, thân thuộc với công chúng xứ vạn đảo với cái tên SBY, trúng cử tổng thống Indonesia năm 2004. Năm...