Tổng thống Hàn Quốc thăm 3 nước Bắc Âu: Nỗ lực tạo xung lực mới
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành chuyến thăm chính thức 3 nước Bắc Âu gồm Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển từ ngày 9-16/6 với mục đích chính là mở rộng hợp tác với ba nước này, theo đuổi tầm nhìn quốc gia và thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc lựa chọn thủ đô Helsinki làm điểm đến đầu tiên có những lý do nhất định. Phần Lan sẽ nắm giữ ghế Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/7 và quốc gia này cũng được biết đến là nước đi đầu trong tiến trình Helsinki với những nỗ lực nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nội dung chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Moon và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto là phương án phối hợp kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, tăng cường hợp tác song phương hiệu quả và thực chất.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã trình bày lộ trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời đề nghị sự ủng hộ của Phần Lan. Tổng thống Moon Jae-in cho biết, các bên đang tiến hành đối thoại để tiếp tục các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ. Tổng thống nước chủ nhà Niinisto đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Phần Lan đối với những nỗ lực của Seoul nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước cũng nhất trí mở rộng giao lưu, hợp tác về nhân lực, hỗ trợ công dân Hàn Quốc tới du học, xin việc làm hay khởi nghiệp tại Phần Lan.
Tại Na Uy – nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc 60 năm trước, vấn đề Triều Tiên được đặc biệt nhấn mạnh đúng vào ngày kỷ niệm một năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên ở Singapore. Tổng thống Moon Jae-in hy vọng sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi diễn ra chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm nối lại đối thoại Mỹ – Triều. Theo Tổng thống Moon Jae-in, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên mới đây gửi thư cho Tổng thống Mỹ cho thấy xung lực đối thoại vẫn còn.
Tuy nhiên, xung lực đó có thể tiêu tan nếu thế bế tắc trong tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa hiện nay tiếp tục kéo dài. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ kiên định để đạt được hòa bình, đồng thời nhắc đến khái niệm “hòa bình tích cực” của nhà xã hội học nổi tiếng người Na Uy Johan Galtung, tức không chỉ dừng lại ở một nền “hòa bình thụ động” không chiến tranh hay xung đột vũ trang mà là nền hòa bình mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân thông qua giao lưu và hợp tác một cách tích cực.
Video đang HOT
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác từ các lĩnh vực truyền thống như đóng tàu, hải dương và thủy sản, sang các ngành công nghiệp tương lai, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp thân thiện môi trường, sử dụng và lưu trữ hydro, nguồn năng lượng thế hệ mới không gây hại môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí,..
Việc Tổng thống Moon Jae-in chọn Thụy Điển trong chuyến thăm này mang tính biểu tượng và có chủ đích. Thụy Điển hiện có ba phái bộ ngoại giao tại Seoul, Bình Nhưỡng và làng đình chiến Panmunjom bên trong Khu phi quân sự (DMZ), có mối quan hệ lâu năm với Triều Tiên. Phái đoàn ngoại giao Thụy Điển ở Bình Nhưỡng là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của phương Tây được thiết lập ở Triều Tiên từ năm 1975.
Đặc biệt, Đại sứ quán Thụy Điển bảo vệ các lợi ích ngoại giao của Mỹ, Canada và Australia ở Triều Tiên, đồng thời được coi là kênh liên lạc quan trọng không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên đã thể hiện sự tin tưởng vào tính trung lập và khách quan của Thụy Điển. Ông viện dẫn việc Thụy Điển từ bỏ chương trình hạt nhân sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để thuyết phục Triều Tiên học theo kinh nghiệm này, từ đó đạt được thịnh vượng thông qua biện pháp hòa bình.
Phát biểu trước Quốc hội Thụy Điển, ông Moon Jae-in đã hối thúc Bình Nhưỡng tiếp tục đối thoại, bất kể là song phương hay đa phương, cho đến khi giành được lòng tin của cộng đồng quốc tế. Theo ông, hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại chứ không phải vũ khí hạt nhân. Do đó, Triều Tiên cần cho cộng đồng quốc tế thấy được cam kết dỡ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và thiết lập cơ chế hòa bình. Trong một thông điệp ngầm gửi tới Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ mỗi hệ thống chính trị đều cần được tôn trọng và đảm bảo. Nếu Triều Tiên đi theo con đường đối thoại, không ai được phép đe dọa hệ thống chính trị hay an ninh của quốc gia này, bởi đối thoại dựa trên lòng tin là phương pháp để giải quyết mọi vấn đề.
Ông cũng đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức nếu Bình Nhưỡng thể hiện nỗ lực phi hạt nhân hóa chân thành. Theo ông, lòng tin phải đến từ hai phía và những bên không tin vào đối thoại sẽ làm chậm lại tiến trình hòa bình. Một khi quá trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất, hai miền Triều Tiên sẽ nỗ lực hướng tới giải giáp vũ khí thông thường. Hiện đà đối thoại vẫn được duy trì do các kênh liên lạc phi chính thức giữa hai miền Triều Tiên, giữa Washington và Bình Nhưỡng, vẫn đang diễn ra.
Cùng với những thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chuyến thăm 3 nước Bắc Âu của Tổng thống Moon Jae-in rõ ràng nằm trong kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ của nhiều nước đối với ý tưởng hòa bình của ông trước thềm một loạt cuộc gặp, trong đó có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này. Hy vọng nỗ lực của Tổng thống Moon jae-in sẽ tạo động lực mới có thể giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, từ đó thúc đẩy tiến trình đối thoại để biến những cam kết mà các bên liên quan đạt được trước đó sớm trở thành hiện thực.
Phạm Mạnh Hùng (Pv TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc)
Theo Tintuc
TT Hàn Quốc sắp xếp công việc để theo dõi sát thượng đỉnh Mỹ - Triều
Các quan chức Nhà Xanh cho biết ông Moon Jae In không có lịch trình làm việc chính thức nào vào ngày 28/2 để có thể theo dõi sát sao diễn biến của thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Theo Korea Herald, phát ngôn viên Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc) Kim Eui Kyeom cho biết ông Moon Jae In nhiều khả năng sẽ theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhã lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un qua tivi.
Tổng thống Hàn Quốc cũng sẽ cập nhật những báo cáo mới nhất về sự kiện mà ông cho là sẽ định hình quan hệ liên Triều trong tương lai.
Ông Moon được cho là đã theo dõi sát sao cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump và bữa ăn tối ngày 27/2, được tường thuật trực tiếp trên toàn thế giới.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được truyền hình trực tiếp tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên được kỳ vọng sẽ đưa ra một thỏa thuận mới về quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên vào ngày 28/2.
Ông Moon Jae In đã bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ mang tới những tiển triển tốt đẹp.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng hy vọng về sự ra đời của một thỏa thuận phi hạt nhân hóa nâng cao, có thể dẫn tới việc loại bỏ ít nhất một phần các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế với Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào tuần trước, ông Moon khuyến khích ông Trump sử dụng các dự án hợp tác kinh tế liên Triều làm phần thưởng cho những bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Ông Moon trước đó đã đóng vai trò làm người trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên, cho biết mục tiêu hàng đầu của ông là loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, không quan trọng là ai sẽ được ghi nhận công lao đó.
"Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã tiến xa đến thế này sau khi đi trên con đường mà chưa ai chọn trước đây", ông Moon cho biết.
Tuy nhiên ông Moon khẳng định tương lai của bán đảo Triều Tiên vẫn phải được quyết định cuối cùng bởi Hàn Quốc và Triều Tiên.
"Chúng ta không còn nằm bên ngoài phạm vi của lịch sử. Tôi hy vọng chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với niềm tự hào và tự tin rằng sức mạnh để quyết định và mở ra 100 năm tới nằm ở chính chúng ta", ông Moon phát biểu trước nội các vào ngày 26/2.
Nhà Xanh cho biết Tổng thống Trump và Tổng thống Moon có thể nói chuyện trong muộn ngày 28/2 vì ông Trump đã hứa sẽ thông báo kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cho ông Moon vào thời gian sớm nhất.
Ông Moon và ông Trump cũng đã đồng ý sẽ gặp mặt trực tiếp để thảo luận về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, và về định hướng cho những nỗ lực trong tương lai để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo Zing.vn
Tổng thống Phần Lan nêu điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga Mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine và việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. (Nguồn: yle.fi) Ngày 9/4, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga sẽ vẫn tiếp tục được duy...