Tổng thống Hàn Quốc gần như chấp nhận sẽ bị miễn nhiệm
Sáng 7/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có bài phát biểu và gần như chấp nhận việc bị miễn nhiệm trong cuộc luận tội sắp tới do phe đối lập khởi động.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố lệnh thiết quân luật trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Seoul, ngày 3/12/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ông Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ để Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đưa ra mọi quyết định, bao gồm cả nhiệm kỳ của ông, để có thể ổn định đất nước vào giai đoạn hiện nay.
Theo Yonhap, trong sáng nay, Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon cho rằng việc Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức sớm là điều không thể tránh khỏi. Ông nói rõ rằng Tổng thống Yoon hiện không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. PPP sẽ cân nhắc và thảo luận về phương án hành động tốt nhất.
Trước đó vào ngày 5/12, Lãnh đạo đảng cầm quyền Han Dong-hoon cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol cần phải nhanh chóng bị đình chỉ quyền lực. Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Ban lãnh đạo đảng tại Quốc hội, ông Han nói rõ: “Dựa trên những sự việc mới được tiết lộ, tôi tin rằng cần phải nhanh chóng đình chức vụ Tổng thống của ông Yoon Suk-yeol nhằm bảo vệ đất nước Hàn Quốc và người dân”.
Dự kiến, trong chiều tối ngày 7/12, Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát sẽ bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội tổng thống liên quan tới lệnh thiết quân luật mà Tổng thống Yoon ban bố hôm 3/12.
Video đang HOT
Cũng trong bài phát biểu trên truyền hình sáng ngày 7/12 cũng là lần đầu xuất hiện trước công chúng sau vụ thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã lên tiếng xin lỗi người dân Hàn Quốc. Theo Yonhap, ông Yoon giải thích đã ban bố thiết quân luật vì “gấp rút trên cương vị là tổng thống”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ không trốn tránh trách nhiệm pháp lý, chính trị liên quan đến tuyên bố thiết quân luật này. Ông cam kết sẽ không có lệnh thiết quân luật lần thứ 2, cũng như xin lỗi vì đã gây lo ngại, bất tiện cho công chúng khi ban bố lệnh này.
Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Yoon đã gặp gỡ lãnh đạo PPP để thảo luận về các biện pháp giải quyết hậu quả từ việc ban bố thiết quân luật vừa qua. Nhiều nhà phân tích đánh giá tương lai Tổng thống Hàn Quốc đã gần như được định đoạt sau khi ban bố và rút lại lệnh thiết quân luật.
Ngày 4/12, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nhận định việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật vừa qua là một “phán đoán sai lầm”, nhất là khi nhìn lại quá khứ chính trị bất ổn trước đây tại nước này.
Ông Kurt Campbell cho rằng Tổng thống Hàn Quốc đã thực hiện một việc được xem là “vô cùng có vấn đề” và “vô cùng bất hợp pháp”. Bên cạnh đó, ông cũng bảy tỏ “hết sức an tâm” về vị thế của nền dân chủ Hàn Quốc khi các đảng phái chính trị phản đối việc áp đặt sắc lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc.
Phát biểu về quyết định luận tội tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung, người đứng đầu đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ (DP) cho biết: “Thay vì dự đoán kết quả, điều bắt buộc là động thái này phải được thông qua”. Ông cũng cho rằng rằng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào lập trường của các nhà lập pháp PPP.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ không tuân lệnh thiết quân luật
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Seon-ho tuyên bố ông sẽ không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào để thực hiện thêm một tuyên bố thiết quân luật.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng xin lỗi vì những lo ngại gây ra bởi tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào đầu tuần này và khẳng định các báo cáo trước đó về việc ban hành thêm lệnh thiết quân luật là không đúng sự thật.
Phát biểu trong một buổi họp báo diễn ra vào ngày 6/12, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho tuyên bố rằng ông sẽ không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào để thực hiện thêm một lệnh thiết quân luật khác.
Tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khiến cả nước và chính đảng cầm quyền của ông, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), phải sửng sốt khi thông báo áp đặt tình trạng thiết quân luật với lý do "loại bỏ các lực lượng chống nhà nước" và vượt qua sự cản trở của các đối thủ chính trị.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng biện pháp này.
Rạng sáng 4/12, chỉ vài giờ sau khi lệnh được ban bố, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp với tỷ lệ đồng thuận 100%, thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.
Khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban hành lệnh thiết quân luật, Nội các Hàn Quốc sau đó phê chuẩn chấm dứt thiết quân luật.
Sáng 4/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật.
Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này, vốn là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Ngày 5/12, đảng Dân chủ (DP), lực lượng đối lập chính ở Hàn Quốc cho biết họ đang thúc đẩy việc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol về việc tuyên bố thiết quân luật vừa qua.
Đảng Dân chủ và 5 đảng đối lập khác đã đệ trình việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon cấu thành hành vi vi phạm Hiến pháp và các luật khác. Đề xuất luận tội trên do 191 nhà lập pháp đối lập đưa ra.
Theo hãng tin Reuters, đảng Dân chủ đã lên kế hoạch bỏ phiếu luận tội vào tối 7/12, trong khi lực lượng cảnh sát quốc gia đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc "phản quốc" chống lại Tổng thống Yoon Suk-yeol, được đệ trình bởi một đảng đối lập và các nhà hoạt động.
Hiện nay, Quốc hội Hàn Quốc có 300 ghế, do đó để được thông qua cần có thêm ít nhất 8 nhà lập pháp của đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đồng ý luận tội ngoài 191 nhà lập pháp đã đồng ý hiện nay.
Trung Quốc lên tiếng về khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc Trung Quốc đã từ chối đưa ra lập trường về cuộc khủng hoảng chính trị tại nước láng giềng Hàn Quốc, cho rằng tình hình này là vấn đề nội bộ của Hàn Quốc. Phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 5/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, cho biết...