Tổng thống Ba Lan tìm hướng giải quyết khủng hoảng chính trị
Ngày 18/12, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã chủ trì các cuộc đàm phán hòa giải nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại nước này trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính phủ bước sang ngày thứ ba liên tiếp.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Từ ngày 16/12, hàng nghìn người biểu tình đã đổ ra đường phố ở thủ đô Warsaw và các nơi khác trên cả nước để phản đối những chính sách được cho là “phản dân chủ” của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền.
Trong đêm 16/12, hàng chục nghị sỹ đối lập đã chiếm giữ phòng họp chính của Quốc hội Ba Lan để thể hiện sự phẫn nộ đối với PiS về vấn đề ngân sách và kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế mới đối với truyền thông.
Trong khi đó, các lối vào tòa nhà quốc hội cũng bị người biểu tình phong tỏa.
Thủ tướng Beata Szydlo và thủ lĩnh PiS Jaroslaw Kaczynski chỉ có thể rời khỏi tòa nhà quốc hội nhờ có sự hộ tống của cảnh sát.
Sau cuộc gặp ngày 18/12 với Tổng thống Duda, các lãnh đạo đối lập cho biết họ đã yêu cầu bãi bỏ áp dụng các hạn chế đối với truyền thông và yêu cầu bỏ phiếu lại tại Quốc hội đối với kế hoạch ngân sách năm 2017.
Theo phe đối lập, kế hoạch chi tiêu năm 2017 đã được thông qua một cách trái phép khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành tại một khu vực khác của tòa nhà quốc hội trong khi phòng họp chính đã bị các nghị sỹ đối lập chiếm giữ.
Dự kiến, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiếp tục có cuộc gặp tương tự với lãnh đạo PiS Jaroslaw Kaczynski và Marek Kuchcinski, Chủ tịch Hạ viện để tìm cách khôi phục khả năng hoạt động của Quốc hội nước này.
Từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 10/2015, đảng PiS đã liên tục vấp phải sự phản đối xoay quanh một loạt các chính sách gây tranh cãi như thắt chặt luật nạo phá thai và cải cách tòa án hiến pháp.
Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Chính phủ Ba Lan bãi bỏ những thay đổi về quy trình hoạt động của tòa án hiến pháp nước này nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Video đang HOT
Bất đồng chính trị mới nhất tại Ba Lan xuất phát từ việc đảng cầm quyền PiS đề xuất giới hạn mỗi cơ quan báo chí truyền thông chỉ được cử tối đa 2 phóng viên vào đưa tin các phiên họp của Quốc hội đồng thời cũng cấm họ chụp ảnh và quay phim.
Theo phe đối lập và giới truyền thông, lệnh cấm mới này sẽ cản trở báo chí ghi lại hình ảnh các nghị sỹ vi phạm quy định hoạt động, ví dụ như việc bỏ phiếu thay cho một đồng nghiệp vắng mặt.
(Theo Vietnam )
Nỗi cô đơn của Tổng thống Hàn Quốc trước ngày bị luận tội
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải trải qua những ngày đầy áp lực và cô đơn bởi vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân lâu năm.
Vụ bê bối Tổng thống Park Geun-hye để người bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia đã đẩy danh tiếng cũng như sự nghiệp chính trị của bà đến bên bờ vực sụp đổ. Ảnh minh họa: AFP
Quốc hội Hàn Quốc ngày 9/12 thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đình chỉ toàn bộ quyền lực của bà để chờ Tòa án Hiến pháp ra quyết định cuối cùng. Nếu Tòa án Hiến pháp trong vòng 180 ngày tới thông qua kiến nghị này, bà Park sẽ chính thức mất chức Tổng thống Hàn Quốc.
Bà Park những ngày qua ít xuất hiện trước công chúng. Vụ bê bối bà để người bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia chính là nguyên nhân đẩy danh tiếng cũng như sự nghiệp chính trị của bà đến bờ vực sụp đổ.
New York Times dẫn lời một số cố vấn thân cận với Tổng thống Park cho hay những ngày qua, bà chọn cách giam mình trong Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, luôn sống trong tâm lý dằn vặt, tuyệt vọng và lúc nào cũng chỉ cô độc một mình.
Ở tuổi 64, bà Park chưa kết hôn và không có con cái. Em trai và em gái bà không liên lạc suốt nhiều năm. Ba cố vấn thân cận nhất đã bị sa thải vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối khiến bà bị luận tội. Choi Soon-sil, người bạn bà Park coi là thân thiết nhất, tâm điểm trong vụ bê bối, đã bị bắt giữ.
Bà Park đã ngừng tham gia các cuộc họp nội các. Chiều nay bà sẽ có cuộc họp với các thành viên nội các để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, người sẽ trở thành quyền Tổng thống trong thời gian chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.
Trong một bài phát biểu xin lỗi gửi tới người dân Hàn Quốc, bà Park cho biết bà đã có "vô số đêm" mất ngủ và từng cảm thấy hối hận vì quyết định trở thành tổng thống.
"Bà ấy trông rất xanh xao", ông Chung Jin-suk, lãnh đạo nhóm các nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền, người hôm 6/12 tới gặp Tổng thống Park tại Nhà Xanh, miêu tả. "Bà ấy nhiều lần nói rằng cảm thấy có lỗi với các nghị sĩ của chúng ta".
Theo truyền thông Hàn Quốc, bà Park bị tố tạo điều kiện để người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil tống tiền nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thu lợi hàng chục triệu USD, đồng thời thao túng các công việc chính quyền từ trong bóng tối. Vụ việc bị vỡ lở hồi tháng 10.
Từ đó tới nay, bà Park đã đưa ra ba lời xin lỗi trên truyền hình với nhiều cảm xúc. "Trái tim tôi tan vỡ mỗi khi nghĩ về việc mình không thể làm gì để xoa dịu nỗi thất vọng cũng như sự tức giận của người dân dù tôi có xin lỗi tới 100 lần đi chăng nữa", bà Park nói.
Hàng loạt cuộc biểu tình quy mô đã diễn ra ở Hàn Quốc yêu cầu Tổng thống Park từ chức và thúc giục việc luận tội bà. "Tổng thống nghe tiếng nói của người dân với trái tim trĩu nặng", Jung Youn-kuk, phát ngôn viên cho bà Park, nói sau một cuộc biểu tình.
Theo lời kể của một số cố vấn, bà Park tháng trước còn mời các lãnh đạo Thiên chúa giáo và một nhà sư Phật giáo tới tư dinh để xin lời khuyên về cuộc khủng hoảng. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc không tiết lộ nội dung các cuộc gặp.
Ngay tại quê hương bà Park ở thành phố Daegu, làn sóng phản đối bà cũng dâng cao. Tuần trước, bà có chuyến thăm ngắn tới Daegu và ngay lập tức phải đối mặt với một cuộc biểu tình đòi bà từ chức.
Nơi đong đầy ký ức
Bà Park (đứng sau cùng) trong bức ảnh không rõ ngày tháng chụp cùng cha mẹ và hai em. Ảnh: Yonhap
Đối với bà Park, Nhà Xanh là nơi ngập tràn ký ức, theo New York Times. Bà lần đầu tiên chuyển tới sống tại Nhà Xanh vào năm 9 tuổi, khi cha bà, tướng Park Chung-hee, lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1961. Năm 22 tuổi, mẹ bà bị giết trong một âm mưu ám sát nhằm vào cha bà. Năm 1979, cha bà bị ám sát. Bà rời dinh tổng thống và mãi tới năm 2013 mới đặt chân trở về nơi gắn bó với tuổi thơ trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc.
Quãng thời gian này, bà Park sống khép mình tại một khu dân cư phía nam thủ đô Seoul, trong một căn nhà dán đầy ảnh cha mẹ.
"Căn nhà giống như một viện bảo tàng về tướng Park Chung-hee", Choi Sang-yeon, cây bút từ nhật báo JoongAng Ilbo, miêu tả. "Như thể đồng hồ của bà ấy đã ngừng lại ở thập niên 70 và bà ấy dành rất nhiều thời gian trò chuyện với người cha quá cố".
Choi thêm rằng ông cảm thấy không khí ở đó " đầy u ám và nặng nề".
Theo những người am hiểu vấn đề, sống tại Nhà Xanh, bà Park thường dành các buổi tối để đọc báo cáo công việc. Bà hạn chế các cuộc họp riêng một đối một với những cố vấn cấp cao.
Đầu bếp cũ của Tổng thống Park từng kể với một tạp chí Hàn Quốc rằng bà thường xuyên ăn một mình, vừa ăn vừa xem tivi. Bà Park cho biết bà phải cắt đứt mối liên hệ với em gái và em trai để ngăn chặn để xảy ra kịch bản gia đình trị trong chính quyền.
Người mà bà Park tin cậy nhất, kiêm nhiệm luôn cả công việc cố vấn không chính thức cho bà là Choi Soon-sil. Sau khi trở thành tổng thống, bà Park cho hay bà vẫn tiếp tục nhờ bạn thân lâu năm chăm sóc tủ quần áo của mình cũng như các vấn đề cá nhân khác.
Tuy nhiên, công tố viên lại nói những việc bà Choi nhúng tay vào không chỉ dừng lại ở đó. Họ đã truy tố bà về hành vi tống tiền cùng một số tội danh khác. Vì bà Park không thể bị truy tố khi vẫn đương chức, bản cáo trạng đối với bà Choi xác định bà Park là một đồng phạm.
Trong những lần đưa ra lời xin lỗi, bà Park cho biết bà không thể tha thứ cho bản thân bởi quá mất cảnh giác trước bà Choi, người đã nói chỉ muốn giúp đỡ bà ở những thời điểm "cô đơn" và "khó khăn".
Bà đã cố gắng khôi phục lại hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước thông qua việc bổ nhiệm các vị trí đại sứ và thứ trưởng trong nội các. Chính quyền bà Park cũng thúc đẩy việc ký kết một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự gây tranh cãi với Nhật Bản.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá những nỗ lực kể trên có thể chưa đủ và đã quá muộn. Bằng chứng là đám đông biểu tình bên ngoài Nhà Xanh hôm 3/12 không cho thấy bất kỳ chút cảm thông nào. "Nếu cô đơn đến vậy sao bà không vào tù cùng với Choi Soon-sil đi", một người hét lên.
Khoảng 1,7 triệu người tham gia cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hôm 3/12, yêu cầu Tổng thống Park từ chức. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tổng thống Hàn Quốc tiêu tan sự nghiệp vì cô đơn? Phe đối lập đã nhất trí trình đề xuất luận tội Tổng thống ngày hôm nay (2-12). Trong khi các chính trị gia thường bị tiêu tan sự nghiệp bởi tham nhũng hay tình ái, lý do của tổng thống Hàn Quốc thực sự hy hữu. Người biểu tình đeo mặt nạ có hình bà Park Geun-hye (phải) và bạn gái của bà,...