Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về kinh tế tập thể
Chiều 14-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT).
Các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan, tổ chức quốc tế; đầu cầu trực tuyến các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại hội nghị.Ảnh: TRẦN HẢI
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), Liên minh HTX, cùng các thành viên về những thành tích rất đáng khích lệ trong thời gian qua; kết quả đạt được góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của khu vực KTTT, HTX trong sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Thủ tướng cũng điểm lại và làm sâu sắc thêm kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong phát triển KTTT, HTX. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số quan điểm, định hướng về phát triển KTTT:
Một là, tiếp tục khẳng định quan điểm, định hướng nhất quán của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của KTTT phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta như trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung năm 2011). Đó là “Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Hai là, phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Nó tập hợp các nguồn lực nhỏ, sử dụng có hiệu quả để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn…
Ba là, kinh tế hợp tác (KTHT) không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã viên. HTX và các hình thức KTHT là nhân tố quan trọng góp phần ổn định, bảo đảm công bằng xã hội.
Cuối cùng, nước ta đi lên từ một nền kinh tế phổ biến là các hộ kinh tế nhỏ, cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, do đó phát triển KTHT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua phát triển KTHT, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn mạnh ra thị trường thế giới; được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng… Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát huy hiệu quả sức mạnh của HTX kiểu mới và các mô hình KTTT. Các giá trị trung tâm cần phải có là “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên HTX – người lao động – khách hàng – người tiêu dùng – đối tác, và đổi mới sáng tạo” trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường.
Video đang HOT
Đề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:
Một là, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị cần tập trung chỉ đạo. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Hai là, phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) phù hợp cơ chế thị trường định hướng XHCN, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và cả nước. Đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động HTX mà Bác Hồ đã chỉ dạy.
Ba là, KTTT phải được quan tâm phát triển, đánh giá toàn diện cả về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Phát triển KTTT trở thành hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phổ biến trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước và đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên và cộng đồng.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, THT; sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012…
Năm là, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp trong vận động hội viên, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KTTT. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với khu vực KTTT, nòng cốt là HTX như đối với doanh nghiệp.
Sáu là, củng cố Liên minh HTX Việt Nam với tầm nhìn là liên minh của tổ chức đại diện cho 30 triệu xã viên. Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX thông qua “khuyến khích, hỗ trợ, học hỏi và truyền bá”. Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên…
Để thực hiện đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc xây dựng thể chế, chính sách; định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho KTHT ngày càng phát triển. Tiếp tục nghiên cứu và khẩn trương đề xuất với Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình KTHT hiệu quả.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng ba tặng các tập thể; các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX (Nghị quyết số 13-NQ/TW năm 2002) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu sản phẩm của các HTX.
Theo NDĐT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Không có lý do gì để đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm trễ nữa
Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra và thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận buổi làm việc với các cơ quan liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá thời gian qua tiến độ triển khai công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để đưa dự án vào vận hành thương mại, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng thầu phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ công trình theo đúng thiết kế đã được phê duyệt và có sự đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập.
"Tổng thầu phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình, không có bất cứ lý do gì để dự án chậm trễ nữa. Đẩy nhanh tiến độ, nhưng chất lượng phải tốt và đảm bảo. Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn độc lập và chủ đầu tư phải đánh giá kỹ lưỡng và dự án phải được các cơ quan, đơn vị liên quan chấp thuận đảm bảo an toàn mới đưa vào khai thác thương mại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại là hoàn thiện mỹ quan, khắc phục những tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu...
Trước khi dự án vận hành thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn hệ thống. Đặc biệt, các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.
"Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào đảm bảo an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng thầu, Ban Quản lý dự án, thành phố Hà Nội và đơn vị tư vấn kiểm định ngồi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Các bên phải phối hợp chặt chẽ để cố gắng từ 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công năm 2011, sau 8 lần sai hẹn về đích và lần gần nhất theo cam kết của Bộ Giao thông Vận tải là vào tháng 4/2019, nhưng cũng bất thành.
Phó Thủ tướng đi kiểm tra tại nhà ga Cát Linh. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Dự án này sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).
Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải (Ban Quản lý dự án đường sắt được giao trực tiếp quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư). Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga.
Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.
Theo Quang Toàn (TTXVN)
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại vào tháng 11 Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng GTVT hứa sẽ cố gắng khai thác thương mại từng phần tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong 1-1,5 tháng tới. Sáng 1/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và làm việc với Bộ GTVT cùng UBND TP Hà Nội về các dự án...