Tổng hợp COVID-19 ngày 6/11: Đồng Nai có số ca nhiễm cao nhất; 800.000 người dưới 18 tuổi đã tiêm vaccine
Ngày 6/11, Việt Nam ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó Đồng Nai đứng đầu các địa phương có số ca nhiễm cao nhất.
Trước tình hình dịch đang tăng trở lại, nhiều địa phương đã chủ động linh hoạt phòng, chống dịch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi cũng được đẩy mạnh.
Đồng Nai trên 1.000 ca mắc COVID-19 mới
Tính từ 16 giờ ngày 5/11 đến 16 giờ ngày 6/11, Việt Nam ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 55 tỉnh, thành phố. Trong số các ca nhiễm mới, có 11 ca nhập cảnh và 7.480 ca ghi nhận trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó; có 3.108 ca trong cộng đồng).
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN
Đồng Nai có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất với 1.085 ca, TP. Hồ Chí Minh là 986 ca, Bình Dương 921 ca, An Giang 490 ca, Kiên Giang 475 ca, Cà Mau 318 ca, Tây Ninh 267 ca, Bạc Liêu 265 ca, Tiền Giang 229 ca, Bình Thuận 205 ca, Sóc Trăng 203 ca, Cần Thơ 201 ca…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bạc Liêu (giảm 203 ca), Bình Thuận (giảm 93 ca), Đắk Nông (giảm 76 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đồng Nai (tăng 132 ca), An Giang (tăng 79 ca), Cà Mau (giảm 77 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.349 ca/ngày.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (437.615 ca), Bình Dương (238.079 ca), Đồng Nai (71.176 ca), Long An (35.642 ca), Tiền Giang (17.871 ca).
Trong ngày 6/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.754 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 839.101 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca. Số ca tử vong là 58 ca.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 63 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
800.000 người dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine
Đảm bảo an toàn khi tiêm cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Đến nay, đã có các địa phương tiến hành tiêm cho đối tượng này là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình và Quảng Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Tây Ninh, Vĩnh Long…
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 5/11, các tỉnh đã tiêm được hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12 – 17 tuổi. Đến nay, công tác tiêm chủng đã được thực hiện đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 4/11/2021, Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được cho 629.604 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh trong số trẻ em đã được tiêm, có 246.478 người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi, 383.126 trẻ trong độ tuổi từ 12-15 tuổi. Trong số các trường hợp đã tiêm, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Đến nay, chiến dịch tiêm chủng vẫn đang được tổ chức an toàn với loại vaccine sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là Comirnaty của Pfizer.
Tại Ninh Bình, tính đến ngày 31/10, hầu hết các điểm tiêm trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đồng loạt học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi đang học tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm chủng. Đã có trên 32.000 học sinh và học viên được tiêm an toàn. Với đối tượng là học sinh không đủ điều kiện tiêm, như có bệnh lý nền, tiền sử dị ứng… được tổng hợp về trung tâm y tế trên địa bàn để triển khai khám sàng lọc và tiêm sau khi kết thúc chiến dịch. Chỉ sau 2 ngày, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine cho học sinh bậc THPT.
Từ ngày 1/11, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, với số lượng gần 31.600 em.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 2/11, Đà Nẵng bắt đầu chiến dịch tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng, sớm cho học sinh trở lại trường học. Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố. Theo đó, số liều vaccine được tiêm trong đợt này là 45.942 liều, tương đương 45.942 người. Để đạt tiến độ tiêm chủng theo kế hoạch, ngành y tế và các địa phương đã dự kiến huy động 102 đội tiêm chủng tại 16 địa điểm tiêm trên toàn thành phố.
Một số tỉnh cũng mới bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi như: Tỉnh Tây Ninh triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 5- 31/11 cho 98.489 trẻ; tỉnh Cà Mau triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh từ ngày 4/11 cho hơn 86.600 trẻ từ 12-17 tuổi; tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn từ ngày 3/11 cho dự kiến trên 88.500 trẻ trong độ tuổi này.
Bên cạnh các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm cho đối tượng này khi có vaccine phân bổ phù hợp như: Hà Nội, Ninh Thuận, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… Các địa phương đã lên kế hoạch, sẵn sàng phương án triển khai.
Các tỉnh dự kiến trong tháng 11 triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 như: Ninh Thuận dự kiến tiêm cho khoảng 62.771 trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đây là số trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề và trẻ em trong độ tuổi đang sống trên địa bàn tỉnh nhưng không đi học, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi…; tỉnh An Giang cũng có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong tháng 11/2021 (dự kiến trong 3 – 7 ngày tùy thuộc vào lượng vaccine được phân bổ)…
Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi với số lượng trên 87.400 trẻ trong độ tuổi này.
UBND thành phố Hà Nội cũng mới có kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021- 2022.
Theo đó, thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thành phố triển khai tiêm cho trẻ ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Với mục tiêu trên 95% trẻ từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêm chủng đủ mũi vaccine COVID-19, thời gian thành phố triển khai dự kiến trong quý IV năm 2021 đến hết quý I năm 2022.
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Bộ Y tế cũng khẳng định đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Hiện nhiều địa phương cũng đã đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Ngày 6/11, trước tình hình số ca F0 tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã chủ động linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19.
Theo đó, thị xã Phổ Yên đã quyết định thành lập 10 điểm hỗ trợ người dân phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại 8 xã, phường gồm: Thành Công, Vạn Phái, Thuận Thành, Tân Phú, Đông Cao, Tân Hương, Tiên Phong và Bãi Bông. Tại các điểm hỗ trợ, ngoài việc được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, người dân còn nắm được thông tin mới nhất của dịch COVID-19 trên địa bàn, từ đó chủ động các biện pháp, nâng cao ý thức phòng dịch.
Từ ngày 1/11 đến nay, trung bình mỗi ngày, số người đi và về thị xã Phổ Yên từ các tỉnh lân cận khoảng 1.500 người/ngày. Cũng từ ngày 6/11, thị xã Phổ Yên cho tạm dừng hoạt động các chợ trên địa bàn một số xã, phường. Đây là các địa phương có liên quan đến quá trình di chuyển của ca F0 và là những nơi có nhiều F1, F2. Thị xã cũng phát phiếu đi chợ cho người dân vào chợ Ba Hàng thuộc phường Ba Hàng theo lịch trình 3 ngày/lượt/hộ. Đồng thời, chính quyền yêu cầu tạm dừng một số loại hình kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; yêu cầu người dân không được tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học…
Huyện Phú Bình có nhiều xã tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang. Chính quyền huyện cũng đã quyết định tạm dừng đến trường đối với học sinh 20 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn với khoảng hơn 11.000 học sinh và gần 700 giáo viên, chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Từ ngày 1/11/2021 đến chiều 6/11, tỉnh Thái Nguyên có 29 ca mắc COVID-19, trong đó 27 ca được ghi nhận trong cộng đồng và 2 ca từ các tỉnh phía Nam trở về. Tỉnh Thái Nguyên cũng vừa ra quyết định phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt thứ 14 gồm 120.200 liều cho các địa phương trong tỉnh. Thái Nguyên đã tiêm cho gần 583 nghìn người, đạt trên 62% số người từ 18 tuổi trở lên.
* Trong khi đó, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã quyết định từ ngày 6/11 tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở những vùng nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các F0 không triệu chứng.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vùng nguy cơ cao tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cụ thể, từ ngày 6 đến ngày 8/11, thành phố Buôn Ma Thuột xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ở 16 trong tổng số 21 xã, phường có ổ dịch phức tạp với khoảng 83.951 hộ gồm 294.959 khẩu.
Tính đến chiều 6/11, thành phố Buôn Ma Thuột đã ghi nhận 1.166 ca mắc COVID-19, trong đó 95% số ca mắc mới trong vòng 14 ngày qua và đều được ghi nhận ngoài cộng đồng.
Từ 16 giờ ngày 05/11 đến 16 giờ ngày 6/11, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 121 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên con số 4.931, có 2.403 trường hợp được điều trị khỏi bệnh và 28 ca tử vong. Trong 7 ngày gần nhất tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.038 ca mắc mới – con số cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay tại địa phương.
* Do trên địa bàn có nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ngày 6/11, UBND thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng phục vụ khách tại chỗ đối với các cơ sở kinh doanh ăn, uống trên ở thành phố và chỉ cho phép bán hàng mang về nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian thực hiện quy định mới là từ lúc 0 giờ ngày 7/11.
Huyện Tân Hồng đã phong tỏa y tế từ ngày 4/11 đến ngày 10/11 toàn bộ khu vực Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (từ chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ 30 đến chốt phòng, chống dịch COVID-19 bãi Đá trên đường tuần tra biên giới) thuộc ấp Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ) với 10 tổ gồm 375 hộ (1.167 nhân khẩu).
Ngày 6/11 tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 198 ca nhiễm SARS-CoV-2, có 36 ca trong cộng đồng. Hiện tại tỉnh có tất cả 12 huyện, thành phố có dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng); 131 trong tổng số 143 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; có 8 xã, thị trấn ở cấp độ 3 (vùng cam); có 7 xã thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ). Tỉnh đã tiêm 1.516.822 liều vacciene phòng COVID-19 (mũi 1 là 904.535 liều, đạt 66,64%, mũi 2 là 612.287 liều, đạt 45,11% dân số tỉnh).
Quảng Ninh tạo mọi điều kiện đón người dân từ phía Nam trở về
Người dân Quảng Ninh có nhu cầu trở về tỉnh từ vùng dịch sẽ được miễn toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kinh phí tổ chức cách ly tập trung, tiêm ngay vaccine...
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức xét nghiệm và cách ly miễn phí với người dân từ phía Nam trở về.
Đây là động thái của tỉnh này nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ tối đa để đón tất cả người dân là công dân tỉnh Quảng Ninh và gia đình đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...) có nhu cầu trở về địa phương.
Theo văn bản số 7145 Quảng Ninh mới ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo:
Các công dân có nhu cầu trở về khẩn trương liên hệ, thông tin đến UBND các cấp xã nơi cư trú. Cấp xã tổng hợp, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố ngay khi nhận được thông tin từ người dân.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có người dân đăng ký trở về khẩn trương phối hợp cùng gia đình bố trí phương tiện đón công dân; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh để kịp thời tiếp nhận, đưa về địa phương (yêu cầu bố trí phương tiện phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không bắt buộc phải sử dụng xe cứu thương).
Trường hợp người có phương tiện đi lại bằng ô tô đảm bảo an toàn phòng, chống dịch có thể cho phép di chuyển về nơi cách ly để giảm thiểu thời gian chờ đợi. Đồng thời thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; bố trí cách ly y tế tập trung hoặc tổ chức cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc (đối với cả trường hợp cách ly tập trung và cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà), kinh phí tổ chức cách ly tập trung (nếu có bao gồm kinh phí ăn uống, lưu trú) của người dân trở về địa bàn do UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí; người dân không phải chi trả .
Trường hợp công dân cách ly y tế tại nơi cư trú có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp UBND cấp xã chủ động nắm bắt thông tin, báo cáo UBND huyện để có giải pháp hỗ trợ toàn bộ lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo thực hiện cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
UBND các các địa phương có chốt kiểm soát chỉ đạo lực lượng kiểm soát chủ động bố trí khu vực phù hợp sẵn sàng để người dân chờ giải quyết thủ tục về tỉnh; thông tin đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để thu xếp về phương tiện (trong trường hợp người trở về không có phương tiện) đón người về địa phương và thực hiện các biện pháp cách ly, xét nghiệm.
Quá trình triển khai thực hiện cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi công dân, hỗ trợ tối đa về thủ tục; đặc biệt lưu ý người già, phụ nữ có thai, trẻ em và các trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ khác.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có người từ vùng dịch về địa phương có trách nhiệm tổng hợp đề nghị sở Y tế bố trí nguồn vaccine tiêm ngay cho người dân theo chỉ định, quy định đối với các trường hợp người dân chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ vaccine.
Kịp thời hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn khi trở về địa phương về ăn ở, sinh hoạt, việc làm, đào tạo nghề, học tập... theo nghị quyết của HĐND tỉnh về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch trên địa bàn và các quy định có liên quan của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt, tổng hợp nhu cầu việc làm, đào tạo để đảm bảo đời sống, việc làm cho người dân; gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để xem xét, giải quyết hỗ trợ theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu, địa phương có người từ vùng có dịch tổng hợp đề nghị Sở Y tế bố trí nguồn vắc xin tiêm ngay cho người dân theo chỉ định, quy định đối với các trường hợp người dân chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ vắc xin (Ảnh minh họa).
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ động phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho người dân ngay khi có đề nghị của các địa phương, đảm bảo an toàn tiêm chủng và quy định hiện hành; chỉ đạo Bệnh viện số 2 sẵn sàng tiếp nhận, điều trị đối với trường hợp F0 (nếu có).
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Trưởng Công an các địa phương chủ động nắm bắt tình hình người dân có nhu cầu trở về địa phương, phối hợp thật chặt chẽ với UBND huyện, thị xã, thành phố trong công tác tổ chức đưa đón người dân về nơi cư trú, cách ly, theo dõi đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi tối đa, an toàn ở mức cao nhất.
Đồng Nai còn thụ động trong việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Đó là nhận định của TS.BS Nguyễn Đức Sơn - tổ trưởng tổ hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại Đồng Nai - về kế hoạch xét nghiệm diện rộng của địa phương này. TS.BS Nguyễn Đức Sơn - tổ trưởng tổ hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại Đồng Nai - đánh...