Tổng hợp công thức nấu chè ngon không thể bỏ lỡ
Chè là một món ăn ngon giải khát không thể thiếu trong những ngày nắng nóng của các chị em phụ nữ. Nấu chè không quá khó, nhưng cũng cần công thức và hướng dẫn chuẩn mới ngon.
Nào! Cùng tham khảo những công thức dưới đây để biết bí quyết nấu chè ngon dành tặng gia đình mùa hè này nhé!
1. CHÈ BƯỞI
Nguyên liệu:
- Phần bưởi: 1 trái bưởi loại nào cũng được; 200gr bột năng; 80 gr đường; muối.
- Phần đậu xanh: 150gr đậu xanh không vỏ; 40gr bột năng hòa chung với 100ml nước lạnh; 1,3 lít nước; 1/4 muỗng cà phê muối; 140gr đường; 2 lá nếp hoặc lá dứa; 1/3 muỗng cà phê tinh dầu hoa bưởi (nếu có). Lưu ý: Nếu bạn thích ăn chè bưởi nóng thì nên giảm lượng đường tránh chè quá ngọt.
- Phần nước dừa: 200ml nước cốt dừa; 30gr đường; 1 chút xíu muối; 1 muỗng cà phê bột năng 40ml nước hòa chung trong 1 cái chén.
Cách làm:
Bước 1: Bưởi gọt lấy phần trắng (cùi bưởi) thái miếng vừa ăn không quá nhỏ.
Bước 2: Cho vào cái tô to 1 muỗng canh muối 1 xíu nước lạnh bóp cho muối tan ra. Bóp mỗi lần khoảng 1-2 phút. Sau đó xả qua nước lạnh 5-6 lần cho vỏ bưởi hết đắng. Bạn có thể ăn thử.
Bước 3: Nấu 1 ít nước, khi nước sôi cho cùi bưởi vào luộc sơ 3 phút là tắt bếp, đổ cùi bưởi ra rổ.
Bước 4: Vắt ráo cùi bưởi cho vào âu cùng 40gr đường bóp trộn với nhau khoảng 2-3 phút, để 30-40 phút cho cùi bưởi ngấm vị ngọt. Đây là bí quyết giúp cùi bưởi của bạn không bị đắng.
Bước 5: Cuối cùng cho bột năng vào trộn chung tạo 1 lớp dày bao quanh cùi bưởi.
Bước 6: Nấu 1 nồi nước, khi nước sôi thì cho cùi bưởi áo bột năng vào luộc. Khi thấy cùi bưởi nổi lên bạn luộc thêm 1-2 phút nữa thì vớt ra cho ngay vào âu nuớc đá lạnh để 5 phút cho cùi bưởi trong và giòn thì vớt ra tô.
Bước 7: Đậu xanh vo sạch, ngâm qua đêm hấp chín.
Bước 8: Nước lạnh đường lá nếp cho vào nồi bắtl ên bếp nấu sôi 5-7 phút cho lá dứa ra mùi thơm. Sau đó đổ từ từ hỗn hợp bột năng đã hòa với nước vào khuấy liên tục cho nước trong sánh.
Bước 9: Cuối cùng cho đậu xanh đã hấp bưởi và muối vào nhẹ nhàng khuấy đều khoảng 3 phút thì tắt bếp. Bây giờ bạn cho nước hoa bưởi vào đảo nhẹ là hoàn tất.
Bước 10: Nước cốt dừa đường muối cho vào nồi khuấy tan, bắc lên bếp nấu sôi lăn tăn thì cho nước bột năng cho vào hòa chung tạo độ sánh là tắt bếp.
2. CHÈ KHOAI DẺO THẠCH SƯƠNG SÁO
Nguyên liệu:
1 củ Khoai lang thường
1 củ Khoai lang tím
1 củ Khoai môn
25g bột thạch sương sáo đen
Bột năng
Nước cốt dừa, sữa đặc, sữa tươi không đường, Dừa nạo.
Cách làm:
1. Làm khoai dẻo
Bước 1: Đem khoai lang thường, khoai lang tím, khoai môn ra thái miếng.
Video đang HOT
Bước 2: Lấy nồi hấp cách thủy rồi đặt khoai vào trong, hấp đến khi chọc đũa vào thấy mềm khoai. Nên để cách vị trí các loại khoai vì màu sắc rất dễ phai và lẫn nhau.
Bước 3: Đem các loại khoai lên cân, sau đó ước lượng 10% lượng đường đổ vào trộn đều (trộn riêng từng loại khoai vào bát khác nhau) (ví dụ 200g khoai tím sẽ đổ 20g đường vào trộn). Sau đó trộn vào 30% bột năng vào bát (rây bột rồi đổ vào).
Bước 4: Trộn đến khi bột dính thành khối, cho ra mặt thớt, lăn dài. Thái nhỏ 1 viên 8mm rồi rắc bột lên cho khô.
2. Nấu khoai dẻo
Bước 1: Đun một nồi nước, đến khi sôi thì thả các viên khoai vào, đun đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa một chút, đun tiếp 2- 3 phút nữa là được.
Bước 2: Khi thả khoai vào đun, nước sẽ biến màu xanh lam, đây là hiện tượng rất bình thường. Sau đó thả viên khoai vào một bát nước lạnh sẽ khiến khoai săn lại mà dẻo hơn.
3. Làm thạch sương sáo đen
Bước 1: Lấy 50g đường đổ vào 75g nước mát và khuấy đều.
Bước 2: Đổ từ từ 25g bột thạch sương sáo vào bát và khuấy tiếp đến khi hòa tan, sau đó rây qua lọc một lần.
Bước 3: Đun 1 lít nước, đến khi sôi thì đổ hỗn hợp thạch vào nồi, đảo đều đến khi hòa tan thì tắt bếp.
Bước 4: Rây một lần nữa hỗn hợp rồi đổ vào bát, đợi đến khi nguội thì cho vào tủ lạnh ngăn mát (rây để giúp bề mặt thạch không nổi bong bóng).
Bước 5: Thạch đã đông, mang ra cắt hình vuông nhỏ vừa đủ ăn, lắc đều bát giúp thạch không bị dính vào nhau.
4. Trang trí
- Thả viên khoai, sương sáo và xoài vào bát, rồi đổ nước cốt dừa lên và thưởng thức thôi nào.
- Nếu thích ăn ngọt hơn có thể thêm chút mật ong vào bát.
3. CHÈ KHÚC BẠCH
Nguyên liệu:
35gr bột gelatin
90gr đường cát
250ml sữa tươi không đường
250ml kem tươi whipping cream
1 thìa bột cacao (nếu bạn muốn làm vị socola )
1 thìa bột trà xanh (nếu bạn muốn làm vị trà xanh)
Hạnh nhân lát 1 ít
120gr đường phèn
500ml nước, hoa quả ăn kèm: dưa hấu, nhãn, dâu tây…
Cách làm:
Bước 1: Phần nước đường: cho đường, nước vào nồi đun sôi cho đường tan hết, để nguội và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Bước 2: Gelatin và 1 chút nước cho vào bát con ngâm 5-10 phút cho nở mềm rồi cho vào nồi đun cách thủy khuấy nhẹ cho gelatin tan chảy.
Bước 3: Kem tươi, sữa tươi, đường cho vào 1 nồi khác đun nhỏ lửa gần sôi thì cho gelatin vào khuấy tan và lọc hỗn hợp cho mịn.
Bước 4: Chia hỗn hợp thành 3 bát nếu bạn muốn làm 3 vị khác nhau, 1 bát để nguyên màu trắng, 1 bát cho bột trà xanh vào khuấy tan, 1 bát cho bột cacao vào khuấy tan, để nguội bớt thì cho vào ngăn mát tủ lạnh 2 giờ cho đông lại.
Bước 5: Hạnh nhân cho vào lò nướng vàng hoặc cho lên chảo rang vàng. Khi ăn, mang chè ra cắt khúc vừa ăn, thêm hoa quả tùy thích, rắc hạnh nhân lên trên, rót nước đường vào và ăn lạnh thật tuyệt vời.
4. CHÈ BÀ BA
Nguyên liệu:
1/2 chén mỗi loại: Đậu phộng, hạt sen khô, bột báng (ngâm qua đêm cho nở mềm (trừ bột báng ngâm trước lúc nấu khoảng nửa tiếng).
1 củ khoai mỳ (sắn): Ngâm qua đêm với nước muối, sau đó đem xả lại, bỏ sợi lõi và cắt khúc
1 chén đậu xanh cà: ngâm qua đêm cho nở mềm
2 củ khoai lang nhỏ: gọt vỏ và thái hạt lựu
5 tai nấm mèo: ngâm nở, bỏ cồi và cắt sợi
1 bó lá dứa 50g bột nước cốt dừa
1 hộp nước cốt dừa
300gr đường cát trắng
Cách làm:
Bước 1: Nấu đậu xanh cho mềm nhừ. Làm tương tự với hạt sen và đậu phộng.
Bước 2: Hoà nước cốt dừa với 2 lít nước vào nồi và đun sôi. Khi nước sôi, cho lá dứa vào cùng bột nước cốt dừa vào nấu cùng.
Bước 3: Nước sôi trở lại, cho thêm khoai mì, khoai lang, đậu phộng, đậu xanh, nấm mèo vào nồi và nêm lại độ ngọt cho vừa miệng.
Trên đây là công thức những món chè phổ biến và được yêu thích nhất . Chúc các bạn thành công với những công thức hữu ích trên!
Theo amthuc365.vn
Chè xôi cốm của cụ bà ngoài 70 tuổi, hơn nửa thế kỷ lưu giữ ký ức mùa Thu HN
Không phổ biến như các loại chè khác như: chè thập cẩm, chè đỗ đen, chè bưởi..., thi thoảng ta mới bắt gặp một cửa hàng có bán chè xôi cốm, mà cũng phải là vào đúng mùa cốm về, đó là lúc đất trời chuyển sang thu.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết về mùa cốm xanh trong bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" như thế này: "Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua". Dường như cốm đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Chè xôi cốm gọi mùa Thu Hà Nội.
Và khi hương cốm dịu thơm thoảng ẩn trong từng giọt nắng trong veo của tiết trời thu và từng cơn gió heo may nhè nhẹ đưa cũng là lúc người ta chợt nhận ra những món ăn nặng trĩu kỷ niệm đong đầy cả trời thu Hà Nội, đó là những bát chè xôi cốm đậm đà, giản dị mà khó quên nép mình trên con phố Gia Ngư hơn nửa thế kỷ qua.
Ở Hà Nội không khó để tìm đến thưởng thức những cốc chè thập cẩm, chè sen, chè bưởi,... nhưng rất khó để tìm được một bát chè xôi cốm mang chút ngọt dịu của mùa thu. Bởi vậy, nếu những ai đã từng bị mê hoặc bởi chút ngọt dịu mùa thu ấy chắc hẳn sẽ không thể quên được quán chè xôi nằm nép mình trên con phố Gia Ngư của bác Lê Thịnh hơn nửa thế kỷ qua.
Có thể nói, quán chè này tập hợp tất cả những gì tinh túy nhất của thức chè Hà Nội từ chè kho, cốm xào, xôi dừa, gấc, đậu xanh đến chè nước. Đặc biệt, món ăn yêu thích của mùa thu Hà Nội mà nhiều người tìm được hương vị khi đến đây đó là xôi cốm ăn cùng với chè hoặc nước hoa nhài.
Mặc dù, quán chè khá giản dị, chỉ chiếm một góc nhỏ trên mặt đường phố Gia Ngư nhưng vẫn đủ để cuốn hút mọi người mỗi khi đi qua bởi màu sắc bắt mắt của tất cả các loại xôi chè, chè đá được bày la liệt trên bàn, nào là xôi, chè, nước hàng, đậu đỗ, sen, hoa nhài,... Cùng với đó là thoang thoảng mùi thơm len lỏi vào trong những làn gió heo may, mùi thơm của cốm, của đậu xanh và của hương hoa nhài.
Chè xôi cốm là món được gọi nhiều nhất mỗi khi mùa Thu về.
Nghe nói đây là quán bán chè xôi cốm hạt sen đầu tiên ở Hà Nội, chính bởi vậy, chè xôi cốm được coi là đặc sản ở đây mỗi khi trời đất chuyển mình sang Thu. Và mọi người dù ở xa đến mấy cũng đều tìm đến đây để thưởng thức hương vị của mùa thu ấy, để nhớ về những kỷ niệm đã qua.
Trong bát chè xôi cốm ở quán là sự tổng hòa của nhiều hương vị của cốm, của đỗ xanh, của hạt sen, chút sữa dừa và dừa non.
Khi thưởng thức, mọi người sẽ cảm nhận được sự dẻo quyện của xôi cốm cùng với vị ngọt dịu, bùi bùi của đậu xanh và sần sật của những sợi dừa tươi thêm chút vị ngọt của sữa dừa, nước đường và chút thơm, bùi của hạt sen. Các hương vị ấy cứ nhẹ nhàng và thanh khiết, tan chảy trong miệng, đầy cuốn hút ngay từ lần thử đầu tiên.
Chè xôi cốm vừa ngon ngọt nhẹ nhàng, lại thanh mát và nức hương thoảng hấp dẫn vô cùng.
Nước hoa nhài ngọt mát tinh khôi trong cốc chè hạt sen thạch đen hoa nhài khiến người ta cứ phải húp trọn tất cả.
Thạch đen giòn giòn man mát, kèm theo vài những viên trân châu nhỏ mềm và chút hương hoa nhài khiến ai cũng phải ngất ngây. Tuy nhiên với những người không thích ăn ngọt có thể gọi nhiều đá để hợp khẩu vị hơn.
Không những vậy, bát chè xôi cốm còn hấp dẫn hơn cả bởi nhiều màu sắc thiên nhiên, màu của lúa non, vàng đậu xanh, trắng sữa của dừa khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức đều không thể quên.
Có lẽ, thiện cảm đầu tiên của mọi người đặt chân tới quán đó là sự nhiệt tình, cởi mở của bác chủ quán. Được biết bác tên là Lê Thị Thịnh, năm nay đã ngoài 70 nhưng vẫn đều đặn nấu xôi, nấu chè bán hàng vui tuổi già mỗi ngày.
Không gian ở đây tuy nhỏ, được tận dụng từ nhà ở nhưng vô cùng sạch sẽ, thoải mát, mát mẻ, phù hợp cho mọi người đi dạo phố cổ, thư thả thưởng thức, tận hưởng và đắm chìm trong hương vị của những thức quà Thu ấy.
Vừa đơm những bát chè xôi cốm gửi cho khách, bác Thịnh vừa chia sẻ, bác gắn bó với hàng chè nhỏ này đã hơn 50 năm và nghề bán chè đến với bác như một cái duyên. Trước đây, khi còn nhỏ xíu bác đã theo bà ngoại phụ bán chè. Bác nghỉ công việc này khi lớn lên nhưng dường như nghề chọn người nên sau khi lập gia đình, bác gắn bó với nó đến tận bây giờ, tính sơ sơ cũng được nửa thế kỷ với bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội.
"Thời gian còn ít tuổi làm cho bà ngoại để phát huy nghề thôi nhưng nào ngờ bị cuốn hút và yêu nghề, đi làm rồi lại quay lại với chè.
Trước đây, chè có 1 nghìn đồng/ bát. Tôi bán chuyên về chè phố cổ như đậu đen, chè bà cốt, chè sen, xôi vò và các loại chè đĩa, chè con ong, chè cốm, đậu xanh đãi. 40 năm trở lại đây, tôi bán thêm xôi gấc, vừng dừa và cốm dừa, chè xôi cốm", bác Thịnh chia sẻ.
Bà chủ ở đây cũng rất dễ tính và mến khách, luôn tươi cười, chính vì vậy mọi người có thể thoải mái yêu cầu những món ăn mà mình yêu thích, có thể xin thêm mà không phải e ngại.
Quầy hàng với màu sắc bắt mắt của đủ thứ loại chè, xôi.
Được biết, mùa hè, bác Thịnh chủ yếu làm chè đá bán còn mùa đông bác làm thêm cả bánh trôi tàu. Mùa thu cửa hàng bác lại chuyên xôi chè đường, chè xôi cốm.
Nói về chè xôi cốm, bác Thịnh cho biết, 15 năm trước đây, món chè xôi cốm được nhiều người yêu thích nên mỗi ngày bác phải làm vài tạ xôi cốm để phục vụ, tuy nhiên hiện nay, mỗi ngày bác chỉ làm vài chục kg xôi cốm để phục vụ khách hàng.
"Bát chè xôi cốm là sự tổng hòa của hạt sen, đậu xanh, dừa. Nấu xôi cốm ngon là phải ngâm hạt gạo 4-5h, sau đó đồ lên đến khi hạt gạo nở đều, mềm dẻo là bắc ngay ra, nếu không sẽ bị nát và mất đi hương vị thơm ngon đặc trưng của cốm. Cốm phải ủ theo giờ, làm tơi, khi làm phải thể hiện độ dẻo có hương vị thơm vì cốm từ lúa non. Hạt sen trong bát chè xôi cốm cũng phải ninh đủ độ để cho nhừ không bị vỡ", bác Thịnh cho hay.
Cốm, hoa nhài, hạt sen là những thức quà của mùa Thu được kết hợp trong bát chè xôi cốm.
Mặc dù hiện nay có vô vàn quán chè mọc lên như nấm nhưng bác Thịnh vẫn mãi gắn bó với những món chè truyền thống bởi nó không chỉ là nghề gia truyền, không chỉ giúp bác mưu sinh cuộc sống, nuôi các con khôn lớn mà còn là những kỷ niệm, nơi lưu giữ những dấu chân thời gian, hương vị của mùa đẹp nhất Hà Nội.
Theo eva.vn
Thật thán phục người Tây Ninh, chỉ từ phần bỏ đi của quả bưởi mà lại làm nên đặc sản lừng danh Nếu có đến đây, nhớ "tậu" món nem bưởi này về làm quà cho người thân bạn nhé! Bưởi là một loại quả quen thuộc của vùng nhiệt đới, đặc biệt là phía Nam nước ta. Người dân không chỉ thưởng thức chúng như một kiểu trái cây mọng nước, thơm ngọt mà nhiều biến tấu độc đáo khác với hương vị này...