Tổng Giám đốc WHO cảnh báo sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu
Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra ngày 23/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tất cả các nước trên thế giới cần tăng cường năng lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, đẩy mạnh việc giám sát, truy vết và cách ly đối với bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung ở Kigali (Rwanda), Tổng Giám đốc WHO nêu rõ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại những quốc gia mới bị lây nhiễm tiếp tục chủ yếu ở những nam giới đồng tính và những người này thường có quan hệ tình dục với nhiều người. Ông cảnh báo tình trạng truyền nhiễm từ người sang người đang tiếp diễn và dường như đang bị đánh giá thấp.
Theo thống kê mới nhất của WHO, tính từ đầu năm tới nay, các nước khu vực Trung Phi đã ghi nhận thêm 3.200 ca mắc và gần 1.500 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, khoảng 70 ca tử vong bị nghi có liên quan đến căn bệnh này. Người đứng đầu WHO cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ dường như đang lây lan với số ca mắc nhiều hơn con số thống kê.
Theo kế hoạch, trong ngày 24/6, IHR sẽ đưa ra khuyến cáo về “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” (PHEIC) đồng thời đưa ra đánh giá về nguy cơ đối với sức khỏe con người, nguy cơ về sự lây lan trên toàn cầu cũng như nguy cơ của bệnh này đối với việc đi lại trên thế giới. Dựa theo khuyến cáo của IHR, ông Tedros sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có coi bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC hay không. Kể từ năm 2009, WHO đã ban bố 6 PHEIC, trong đó lần cuối cùng là đối với đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Theo ông Philippe Duneton, người đứng đầu cơ quan Unitaid -đơn vị về cách thức ngăn chặn, chẩn đoán và điều trị các bệnh, cho rằng không dễ để có thể phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ dựa trên xét nghiệm bởi việc này cơ bản chỉ được thực hiện ở cấp độ lâm sàng. Do vậy, điều quan trọng là phải thực hiện xét nghiệm sớm nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mắc, đặc biệt là ở những người tiếp xúc với người bệnh.
Liban xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế Liban ngày 20/6 xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại nước này. Bệnh nhân vừa từ nước ngoài về và đang được cách ly tại nhà.
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm tính đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận hơn 2.100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và một trường hợp tử vong tại 42 quốc gia trên thế giới, trong đó 84% số ca mắc được phát hiện ở châu Âu. Theo WHO, số ca mắc trên thực tế còn có thể cao hơn. Ngày 18/6, WHO đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu trong dữ liệu của mình về bệnh, nhằm thống nhất phản ứng tốt hơn đối với loại virus này.
Dự kiến WHO sẽ tiến hành họp khẩn ngày 23/6 tới để xác định xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không. Đây cũng là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra.
Giới chức WHO cho biết dù đang phối hợp cùng các nước thành viên và các nhà sản xuất vaccine nhằm phát triển một cơ chế đảm bảo tiếp cận công bằng với sinh phẩm y tế này, nhưng WHO không khuyến nghị tiêm phòng đại trà nhằm ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm này.
WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 23/6 tới nhằm đánh giá liệu sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay hay không. Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN...