Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đề xuất hỗ trợ 50% chi phí tiền lương cho người lao động
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố xem xét, hỗ trợ Tổng công ty 50% chi phí tiền lương cho người lao động làm việc trong khối vận tải công cộng để giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 28/3, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã sắp xếp cho gần 7.500 người lao động tạm nghỉ việc, trong đó có 6.000 lao động phục vụ trên các tuyến xe buýt; khoảng 1.500 lao động trong lĩnh vực kinh doanh.
Người dân được khuyến cáo hạn chế sử dụng vận tải công cộng để ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Lê Phú/Báo Tin tức
Việc người dân được khuyến cáo hạn chế sử dụng vận tải công cộng để ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19, toàn bộ xe vận tải khách liên tỉnh và hợp đồng du lịch, thương mại, dịch vụ đều bị đình chỉ, khiến hầu như mọi hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đều ngừng.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ khác của Tổng công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong quý I/2020, nhất là khi dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1/4. Doanh thu kinh doanh sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả lương, chế độ cho hàng nghìn lao động của Tổng công ty.
Đối với gần 7.500 người lao động nghỉ việc, Tổng công ty đã chủ động bằng mọi nguồn lực, chi trả các khoản theo chế độ, chính sách theo đúng quy định, bảo đảm ổn định nội bộ và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Bên cạnh đó, Tổng công ty tìm mọi cách để cắt giảm chi phí; trong đó, tập trung tiết giảm chi phí quản lý; triệt để ứng dụng, cải tiến công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất; giãn tiến độ triển khai một số dự án đầu tư; tạm dừng tất cả các khoản mua sắm, xây dựng, cải tạo, duy tu cơ sở vật chất chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời, rà soát, tiết giảm tối đa các khoản chi thường xuyên như: điện, nước, thông tin liên lạc, khánh tiết, đối ngoại; cắt giảm 20 – 40% tiền lương của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Tổng công ty và cấp đơn vị trực thuộc…
Video đang HOT
Với cán bộ, công nhân viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng đã giảm ngày công khối gián tiếp, phân công luân phiên lực lượng lao động trực tiếp làm việc để tiết giảm chi phí, ổn định một phần thu nhập cho người lao động.
Tổng công ty cũng đề xuất thành phố xem xét, hỗ trợ Tổng công ty 50% chi phí tiền lương cho người lao động làm việc trong khối vận tải công cộng để giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuyết Mai
Doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp thích ứng trong tình hình dịch COVID-19
Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, những doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực đặc thù như điện, nước, xi măng tại Hải Dương vừa triển khai phòng, chống dịch vừa duy trì hiệu quả sản xuất và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Sát khuẩn tay đối với người vào làm việc tại Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Chủ động cách ly ngay tại nơi làm việc
Cùng với việc đảm bảo an toàn lao động, khử khuẩn và giữ vệ sinh tại nơi làm việc, giám sát chặt sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp này đang triển khai hiệu quả việc hạn chế tiếp xúc, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, đặc biệt là cách ly đội ngũ lao động nòng cốt...
Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương hiện có trên 1.700 cán bộ, công nhân viên. Ngay sau khi có công văn của Tổng công ty xi măng Việt Nam về thực hiện cách ly đối với lực lượng lao động nòng cốt trong Tổng công ty, Công ty Vicem Hoàng Thạch đã bố trí cách ly đối với 40 người tại trung tâm vận hành của công ty. Theo đó, có 8 người thuộc xưởng bột liệu,19 người ở xưởng clinker, 12 người ở xưởng xi măng và 1 lái xe thuộc văn phòng công ty. Kể từ ngày 1/4, toàn bộ 40 người này đã được bố trí ăn riêng, ở tại nhà khách của công ty, hàng ngày có xe riêng đưa đón đến nơi làm việc, về khu nhà ở, nhà ăn, tuyệt đối không tiếp xúc với những người thuộc các bộ phận khác trong công ty. Toàn bộ nơi ở, nhà ăn và xe chuyên chở đội ngũ này đều được phun khử trùng để đảm bảo tuyệt đối an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ông Trần Hữu Tiệp, Quản đốc phân xưởng Clinker, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch chia sẻ: "Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của công ty, chúng tôi chấp hành nghiêm việc cách ly. Đối với lực lượng nòng cốt, bộ phận vận hành trung tâm, anh em ăn ở tập trung, tiến hành giao ban hàng ngày qua ứng dụng zalo để đảm bảo các yêu cầu công việc. Đến nay, việc sản xuất vẫn được duy trì ổn định".
Trước kia, giờ cơm trưa tại nhà ăn số 1 của công ty Hoàng Thạch thường tập trung khoảng 200 người. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, công ty đã chia cơm vào cặp lồng, sau đó chuyển đến phòng giao ca của các đơn vị. Tương tự, 4 nhà ăn còn lại trong công ty cũng triển khai đồng loạt việc này.
Còn tại Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, doanh nghiệp đã chủ động triển khai sớm các công tác phòng chống dịch. Với tính chất đặc thù của Trung tâm Điều khiển xa là không có người thay thế nếu để xảy ra dù chỉ một nhân viên bệnh. Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Hải Dương đã tiến hành cách ly toàn bộ cán bộ công nhân viên Trung tâm để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đội ngũ này. Bắt đầu từ ngày 30/3, toàn bộ Trung tâm đã được cách ly với các đơn vị khác. Công tác điều hành chỉ đạo công việc đều triển khai qua điện thoại, mạng nội bộ. Đặc biệt, mọi sinh hoạt của cán bộ công nhân viên Trung tâm đều được cách ly triệt để.
Chia sẻ với những khó khăn của bộ phận trực vận hành khi phải cách ly trong nhiều ngày, Ban lãnh đạo Điện lực Hải Dương đã quan tâm bố trí riêng khu vực ăn, nghỉ đảm bảo tiện nghi và tách biệt, cầu thang đi riêng, áp dụng mức tiền ăn mỗi người 200.000 đồng/ngày.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Trung tâm Điều khiển xa (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương) cho biết, anh em trong đơn vị đều nhận thức được tầm quan trọng của công việc nên ai cũng hăng hái, trách nhiệm cao với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ chủ động, ngành điện Hải Dương đã và đang đảm bảo cấp đủ điện liên tục, an toàn, thông suốt cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp điện cho các cơ sở y tế, những nơi cách ly tập trung, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch.
Sản xuất an toàn, liên tục
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất trong mùa dịch COVID-19, cùng với việc cách ly 40 người tại Trung tâm vận hành, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch duy trì đủ quân số và chia 3 ca, 4 kíp, người lao động giữ khoảng cách đúng quy định tại các phân xưởng. Riêng bộ phận văn phòng của công ty như phòng tài chính kế toán, công nghệ thông tin áp dụng linh hoạt chế độ làm việc tại nhà đối với người lao động. Đến nay, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Quý I/2020, sản lượng xi măng của công ty ước đạt trên 613.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt trên 940 tỷ đồng.
Anh Trần Hữu Tiệp, Quản đốc phân xưởng Clinker, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch trao đổi công việc qua Zalo với các cán bộ, công nhân đang làm việc cách ly trong trung tâm vận hành. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Ở lĩnh vực cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, trong thời gian qua, cùng với các đơn vị trong Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương, Chi nhánh kinh doanh nước sạch số 5 đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh. Hiện, chi nhánh đang cấp nước cho trên 22.000 khách hàng.
Theo ông Mạc Huy Hoàng, Giám đốc chi nhánh, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguyên vật liệu, dự phòng máy móc thiết bị cho những tình huống hư hỏng nếu có nên mọi hoạt động sản xuất vẫn bình thường, đơn vị vẫn đảm bảo cung cấp nước liên tục cho khách hàng. Đơn vị cũng đã sẵn sàng các cơ sở vật chất dự phòng cho tình huống nếu thành phố Hải Dương có dịch, sẽ đảm bảo cách ly 20 cán bộ công nhân viên tại nơi làm việc.
Xác định nhiệm vụ sản xuất nước là quan trọng nhất nên hiện tại chi nhánh đang cách ly khu vực nhà máy sản xuất và nhà ăn ca. Những khu vực này được dựng biển báo giới hạn khu cách ly. Chỉ những công nhân sản xuất nước, cán bộ kỹ thuật sản xuất nước, bộ phận kiểm soát chất lượng nước được ra vào khu vực này. Mỗi ca làm việc, đơn vị bố trí tối đa 6 người trong khu vực này và yêu cầu mỗi cán bộ tuân thủ giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Công tác phun khử khuẩn được chi nhánh tiến hành tối thiểu 2 lần/ngày, sau mỗi buổi làm việc.
Anh Lê Bá Thiêm, công nhân vận hành của Chi nhánh chia sẻ: "Trong tình hình dịch bệnh, trước hết, mỗi người chúng tôi đều tự nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch, đặc biệt là việc phòng hộ an toàn, không tiếp xúc gần. Anh em cũng nâng cao ý thức trong chuyên môn, kiểm soát chặt chất lượng nước đầu vào và đầu ra, đảm bảo áp lực nước đến với khách hàng, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố nhỏ nhất có thể xảy ra...".
Cùng với đó, Chi nhánh triển khai khoảng 50% quân số làm tại nhà máy, số còn lại làm việc tại nhà. Việc đấu nối hệ thống cấp nước mới, cải tạo xây dựng mạng lưới đường ống, xử lý vi phạm trong mua bán nước trong giai đoạn này được tạm dừng. Thay vì thu tiền nước tại quầy như trước, nhân viên đơn vị sẽ thu tại nhà khách hàng với trang bị phòng dịch đúng quy định.
Khử trùng khu ăn, ở cách ly của các cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Hiện Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương đang cấp nước cho trên 232.200 khách hàng trực tiếp. Các đơn vị trực thuộc công ty đều nghiêm túc tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, có kịch bản ứng phó đối với những tình huống dịch cụ thể. Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe người lao động và an toàn cho việc cấp nước trong mùa dịch, doanh nghiệp cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước mặt của đơn vị, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước đầu nguồn và trên toàn mạng tiêu thụ, nâng hiệu quả kiểm định chất lượng nguồn nước...
Có thể nói, bằng những nỗ lực chủ động thích ứng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã và đang góp phần tích cực khắc phục mọi khó khăn do dịch gây ra, đảm bảo cho hoạt động sản xuất an toàn và hiệu quả, đời sống sinh hoạt của người dân được thuận lợi nhằm ổn định trật tự xã hội.
Mạnh Minh
Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ứng phó dịch Covid-19: Giảm thiểu cú sốc Song song với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sức khỏe cộng đồng và áp lực đối với hệ thống y tế công cộng, "cơn ác mộng" về nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản hay mất việc làm đang đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới. Trong bối cảnh chưa thể vội...