Tổng công ty Sông Đà đăng ký trở thành công ty đại chúng
Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo về việc nhận được Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của CTCP Tổng Công ty Sông Đà.
Tổng công ty Sông Đà trở thành công ty đại chúng (Nguồn: SDC)
Được biết, Tổng Công ty Sông Đà là một doanh nghiệp có vốn nhà nước, được thành lập từ năm 1961.
Ngành nghề kinh doanh chính của Tổng Công ty là thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng, điện, thủy lợi. Bên cạnh đó, SDC còn đóng vai trò là Tổng thầu xây lắp, Tổng thầu EPC cho các công trình xây dựng.
Tới cuối năm 2017, Tổng Công ty Sông Đà (SDC – Mã CK: SJG) đã thực hiện phiên đấu giá phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, quy mô vốn điều lệ của SDC là 4.500 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, và tiến hành giảm tỷ lệ xuống dưới 50% vào năm 2020. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp chiếm 0,183% vốn điều lệ.
Video đang HOT
Số cổ phần còn lại được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (30%) và tiến hành bán đấu giá công khai (18,82% vốn điều lệ).
Do không tìm được nhà đầu tư chiến lược, nên số cổ phần tương đương với 48,82% vốn điều lệ của SDC đã được đem bán đấu giá công khai, với mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần, vào ngày 25/12/2017.
Phiên đấu giá thu hút được tới 221 nhà đầu tư cá nhân, nhưng số lượng đặt mua cổ phần chỉ chiếm 0,36% quy mô chào bán. Với kết quả này, cổ đông nhà nước chưa thể thực hiện lộ trình thoái vốn theo kế hoạch cổ phần hóa.
Tính đến ngày 12/3/2018, Bộ Xây dựng (cơ quan đại diện vốn nhà nước) đang nắm giữ tới 448.596.112 cổ phần, chiếm tỷ lệ 99,79% vốn điều lệ của SDC.
Đến ngày 26/3/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu, chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 9/4/2018, ông Hồ Văn Dũng (sinh năm 1962 – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc SDC) đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của SDC nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Chức vụ Tổng Giám đốc do ông Hồ Văn Dũng để lại đã được HĐQT quyết định giao cho ông Trần Văn Tuấn (sinh năm 1969) vào ngày 10/4/2018.
Nếu được UBCKNN chấp thuận, Tổng Công ty Sông Đà sẽ phải thực hiện các quy định công bố thông tin theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP về hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Theo đó, công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng.
Như vậy, với việc trở thành công ty đại chúng, SDC sẽ tiến thêm một bước về minh bạch thông tin đối với các nhà đầu tư./.
Phạm Duy
Theo viettimes.vn
Sửa Luật Chứng khoán: Tăng tính minh bạch của thị trường
Nhiều chuyên gia đánh giá, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán (TTCK).
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức ngày 7/11.
Làm rõ những bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 cùng một số văn bản hướng dẫn liên quan đã góp phần đưa TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đến 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016.
Tuy nhiên, với quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động TTCK đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật Chứng khoán và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho TTCK phát triển bền vững và an toàn. Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương thông tin, Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng dựa trên 4 chủ trương căn bản. Thứ nhất, luật xây dựng dựa trên chỉ đạo của Đảng, phát triển TTCK trở thành kênh đầu tư huy động vốn dài hạn của nền kinh tế. Thứ hai, luật dự thảo xây dựng kế thừa những quy định Luật Chứng khoán từ năm 2006, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Theo UBCKNN, việc sửa đổi luật lần này bám sát các nguyên tắc chỉ đạo quan trọng: Kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định còn chưa rõ, bất cập; luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và TTCK...
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật do Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới 3 mục tiêu căn bản: Hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với TTCK, bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung, làm rõ các vấn đề còn bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Đồng thời luật hóa các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; bổ sung các điều luật trên cơ sở tham khảo các TTCK phát triển trong khu vực và thế giới nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tăng thẩm quyền thanh tra cho cơ quan quản lý
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) Nguyễn Thanh Kỳ, nhìn chung, Dự thảo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, một số mục tiêu đã được đặt ra và giải quyết tương đối rõ nét. Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra UBCKNN như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, DN viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, quy định về tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán cũng là một bước tiến quan trọng. Theo VASB, điều này giúp cho UBCKNN có thể thực thi các chế tài như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Tránh được tình trạng không thể xử lý dứt điểm các thành viên thị trường vi phạm do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản DN, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi cho công chúng. Đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ đem lại những thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.
"Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần làm rõ các quy định về chào bán chứng khoán, khái niệm về lãnh thổ. Bởi trong thời đại toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính, chứng khoán có thể diễn ra xuyên biên giới. Ví dụ một tổ chức phát hành ở nước ngoài có thể thực hiện chào bán chứng khoán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không cần hiện diện tại Việt Nam. Trong trường hợp này có rủi ro là việc chào bán chứng khoán xuyên biên giới bị lọt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam." - Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect
Theo kinhtedothi.vn
Tối thiểu 20% vốn do 100 nhà đầu tư nắm giữ: Thu hẹp phạm vi công ty đại chúng? Quy định về tính đại chúng trong tiêu chí xác định công ty đại chúng và đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đang thu hẹp phạm vi và có thấy gây khó cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư lo ngại thu hẹp phạm vi công ty đại chúng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trong giai đoạn...