Tổng công ty Đường sắt xin “ứng” hơn 471 tỷ đồng để trả nợ
Theo VNR, việc Tổng công ty này đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
(Ảnh minh hoạ).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại Tổng công ty này.
Theo đó, VNR cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, VNR đã yêu cầu nhà thầu triển khai hoàn thành công trình đúng theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Đến nay, công trình xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2, kế hoạch 1856 đều cơ bản hoàn thành vào quý II/2013 và cuối năm 2013.
Theo VNR, việc VNR đang nợ hơn 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu. Trong đó, nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
“Trong khi công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu nợ tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động”, báo cáo của VNR cho biết.
Mặc khác, theo VNR, các nhà thầu trước đây trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn, vì vậy việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thể thực hiện được.
Video đang HOT
“Tổng công ty không thu hồi được hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức, tiền nợ khác của Tổng công ty vì các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ Tổng công ty”, VNR cho biết.
Từ những điều trên, VNR kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước hơn 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để Bộ Giao thông Vận tải giao VNR thanh toán hết cho nhà thầu.
Liên quan tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu tháng 9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo thanh tra, trong đó chỉ ra hàng loạt các sai phạm tại đơn vị này.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, từ năm 2010 đến hết năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (12 đoàn có trong kết hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).
Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng – sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, dù hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng tổng công ty này vẫn trích tối đa quỹ thưởng ban điều hành với số tiền trên 1,85 tỷ đồng theo loại hình doanh nghiệp xếp loại A là chưa phù hợp.
Thanh tra Chính phủ đã khẳng định: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước” trước việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng hai khu đất vàng diện tích gần 1.000 m2, có giá trị rất lớn ở Thủ đô Hà Nội (số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu) thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.
Ngoài ra, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, việc quản lý giao dịch tài sản không đúng, chỉ hạch toán công nợ phải thu với Công ty cổ phần Công trình đường sắt mà không hạch toán hoạt động kinh doanh Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng vốn vay của Chính phủ Áo quy mô 387,4 tỷ đồng, tiềm ẩn việc thất thoát thuế và có dấu hiệu của tội “ Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Bộ luật Hình sự.
Phương Dung
Theo Dantri
Ý kiến trái chiều việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc tỷ đô
Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng cần khẩn trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam để đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, tuy nhiên cựu đại biểu Quốc hội không ủng hộ dự án vì sẽ đẩy nợ công lên cao.
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ này đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Trong báo cáo sẽ phân tích hiệu quả, quy mô công trình, lộ trình, khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đánh giá tác động nợ công..., để chứng minh dự án khả thi hay không.
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói sẽ cố gắng trình trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi trong 2 năm tới (dự kiến 2018). Sau khi Quốc hội có chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông sẽ tiến hành làm dự án khả thi, đưa ra các khả năng huy động vốn cụ thể, phần nào nhà nước huy động, phần nào sẽ kêu gọi xã hội hóa và đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ không lo ngại báo cáo tiền khả thi bị Quốc hội bác bỏ như lần trước (Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD vào năm 2010). "Báo cáo sẽ làm rõ hiệu quả đầu tư, có thẩm định Nhà nước tốt nhất để trình Quốc hội, còn quyết định đầu tư hay không là do Quốc hội", Thứ trưởng Đông nói.
Tàu cao tốc ở Châu Âu
Phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhìn nhận do hạn chế hạ tầng nên vận tải đường sắt hiện chưa đáp ứng nhu cầu hành khách. Trên tuyến còn 300 cầu yếu, nên tải trọng và tốc độ tàu bị hạn chế (tàu khách dưới 80 km/h, tàu hàng 50 km/h). "Đường sắt có ưu điểm chở được khối lượng lớn, chặng xa, độ an toàn cao, song để đáp ứng nhu cầu người dân thì phải tăng tốc độ chạy tàu khách trên 100 km/h, có đường sắt cao tốc Bắc Nam là rất lý tưởng", ông Hoạch nói.
Cũng ủng hộ nghiên cứu dự án tiền khả thi tàu cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng một đất nước có địa lý kéo dài mà trông cậy vào đường bộ thì không hợp lý (vận tải đường bộ hiện chiếm hơn 60% cơ cấu vận tải). Trong tương lai, khi đất nước phát triển, hành khách sẽ bỏ thói quen đi xe khách, chỉ đi xe quãng ngắn dưới 300km do tính an toàn không cao.
Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Japantimes
"Đáng lẽ nước ta phải xây dựng đường sắt cao tốc cách đây cả chục năm, giờ mới tính đến là chậm, song chậm còn hơn không. Hiện tất cả đè nặng lên đường bộ, khi bị ùn tắc thì cuống lên", ông Thanh nói.
Từng phản bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam tại Quốc hội khóa 12, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết vẫn cho rằng không nên tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc vào thời điểm này. Ông cho rằng, đường sắt cao tốc sẽ không hấp dẫn nhiều người sử dụng vì có giá vé cao tương đương vé máy bay, hành khách lại không được mang nhiều hành lý...
Theo ông Thuyết, hiện ngân sách nhà nước còn khó khăn hơn trước đây, nếu thực hiện dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư nhiều tỷ USD, phần lớn vốn đi vay sẽ tạo gánh nặng cho đất nước.
"Quốc hội phải hết sức thận trọng khi bàn thảo Luật đường sắt nếu đưa dự án đường sắt cao tốc vào Luật", GS Nguyễn Minh Thuyết nói và cho rằng thay vì đầu tư đường sắt cao tốc, Chính phủ cần đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường sắt hiện tại thành 2 chiều để tăng năng lực vận chuyển.
Năm 2010, Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay, nhiều ý phản đối vì hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ cho hậu thế. Gần đây, Chính phủ đã đưa quy định đường sắt tốc độ cao vào nội dung điều chỉnh của Luật Đường sắt (sửa đổi), nhằm hướng tới tương lai phát triển đường sắt của Việt Nam.
Đoàn Loan
Theo VNE
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam được tái khởi động Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ thẩm định dự án đường sắt cao tốc, nếu được thông qua sẽ hoàn thành một số đoạn trước 2030. Chiều 12/8, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường...