Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) bế tắc đường ra
Các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp gặp vướng mắc, không thể triển khai khiến Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy ( SBIC) ngày càng sa lầy, kiệt quệ.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan gần đây, ông Cao Thành Đồng, Quyền Tổng giám đốc SBIC thừa nhận, các vấn đề vướng mắc trong thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp 5 năm gần đây hầu như chưa được tháo gỡ. Kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, vì thế, vẫn giậm chân tại chỗ.
Một trong những vướng mắc lớn nhất khiến SBIC không thực hiện được việc bán doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn là hầu hết các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đều trong tình trạng mất cân đối tài chính, âm vốn chủ sở hữu, trong khi nợ vay rất lớn.
“Việc chuyển nhượng vốn phải gắn liền với thu hồi công nợ là yêu cầu bắt buộc, bởi vốn vay của SBIC chủ yếu từ nguồn trái phiếu phát hành thông qua bảo lãnh của Chính phủ. Do đó, tiến trình đàm phán, chuyển nhượng để đạt được cả hai mục tiêu này là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi. Trong tình trạng này, dù có đối tác quan tâm, nhưng cũng khó có đối tác nào đủ kiên nhẫn để theo đuổi”, đại diện SBIC cho biết.
Cũng theo ông Đồng, hiện SBIC chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ vốn tại nhiều công ty cổ phần, công ty đầu tư liên kết.
Do đó, việc chuyển nhượng vốn gặp khó khăn khi phần vốn chưa góp sẽ không được quyền chuyển nhượng, bởi theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì tư cách cổ đông của SBIC trong các công ty gần như không còn do chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, trong khi cũng không thể chuyển nhượng quyền mua cổ phần này cho người khác.
Mặt khác, SBIC không thể chủ động thực hiện phá sản hay áp dụng hình thức tái cơ cấu khác đối với các doanh nghiệp này, vì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính doanh nghiệp và ý kiến của đại hội đồng cổ đông các công ty.
Việc giải thể đối với các công ty 100% vốn và đơn vị trực thuộc SBIC cũng gặp khó khăn, do không có nguồn tài chính để trả nợ.
Video đang HOT
Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, kết quả rà soát cho thấy, nếu chiểu theo các quy định hiện hành thì không doanh nghiệp nào của SBIC có thể thực hiện giải thể được. Điển hình là 2 trường trung cấp nghề công nghiệp tàu thủy II và III.
Với tình trạng tài chính kiệt quệ hiện nay, 2 trường trung cấp nghề này không đủ điều kiện để thực hiện giải thể theo quy định.
Bi đát hơn, một số công ty thuộc SBIC sau khi làm thủ tục giải thể không thành do không đủ điều kiện tài chính để giải thể đã nộp đơn phá sản lên tòa án, cũng bị tòa án từ chối tiếp nhận do đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong số này, có những “xác sống” vật vờ vô định hơn 6 năm nay mà vẫn chưa được cho “chết” hẳn.
Tương tự, việc thực hiện thủ tục phá sản ở một số đơn vị cũng tắc do không có tiền nộp bổ sung vốn để giải quyết các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến các khoản nợ của doanh nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý có nghĩa vụ phát sinh do thực hiện bảo lãnh vay vốn của SBIC đối với các khoản vay tại Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) và nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mà SBIC đã chính thức thừa nhận không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Trước thảm trạng này, gần đây, SBIC lại có đơn xin hướng dẫn cách thức giải thoát cho những “xác sống” trên; đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời chưa áp dụng hoặc tạm dừng các biện pháp phong tỏa tài sản, cưỡng chế hóa đơn, tính phạt chậm nộp thuế đối với Công ty mẹ SBIC và các đơn vị thành viên trong quá trình tái cơ cấu.
Đáng chú ý, SBIC đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương chưa thực hiện thu hồi đất các dự án để tìm đối tác chuyển nhượng dự án hoặc tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất để có nguồn thu trả nợ từ nay đến năm 2020.
Thực tế này đang đặt ra câu hỏi nhức nhối: Liệu đến bao giờ mới cắt bỏ được các “ung nhọt” của SBIC sau 10 năm tái cơ cấu bất thành?
Dư luận đang chờ đợi những giải pháp đủ mạnh từ các cấp có thẩm quyền nhằm thu hồi và giải phóng những nguồn lực còn lại tại Tổng công ty, tránh để tiếp tục lãng phí thất thoát tài sản nhà nước theo thời gian.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Bài học từ con tàu đắm Vinashin
Từng là tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh trong khối doanh nghiệp (DN), nhưng "tháng năm rực rỡ" của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chỉ toả hào quang được hơn 3 năm rồi... chìm. Còn gánh nặng hậu Vinashin thì tới nay đã gần 10 năm vẫn chưa xử lý xong. Sau hàng loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý, tập đoàn hạ cấp về tổng công ty, đổi tên thành SBIC, thực chất vẫn là "bình mới rượu cũ".
Vinashin từng một thời là tập đoàn lớn nhất trong các tập đoàn nhà nước, với các tàu đóng mới liên tục được hạ thuỷ
"Quả đấm thép" sa lầy...
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) ra đời năm 2006, trên cơ nâng cấp từ tổng công ty cùng tên. Vinashin khi đó là một trong những "quả đấm thép" của nền kinh tế, từng mạnh nhất trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, công ty con trải khắp nước, ở nhiều lĩnh vực. Từ chỗ chỉ có 23 đơn vị thành viên, khi lên tập đoàn, Vinashin nhanh chóng tăng lên hơn 240 đơn vị. Các tên tuổi lớn trong đóng tàu thuộc Vinashin như: Đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Nam Triệu...
Khi lên tập đoàn, Vinashin đặt mục tiêu tự chế tạo các loại tàu trọng tải 50.000 tấn, chiếm 10% thị phần đóng tàu thế giới. Để thực hiện khát vọng đó, Vinashin được Chính phủ cho phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, và hàng nghìn tỷ đồng khác được huy động trong nước. Năm 2006, Vinashin đã ký các đơn hàng đóng tàu đến hết năm 2009.
Giai đoạn 2006 - 2008, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng như vũ bão, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007). Và Vinashin đi tiên phong trong đầu tư đa ngành, không chỉ đóng và sửa chữa tàu thủy. Với việc thành lập, góp vốn vào hơn 240 công ty con, Vinashin xuất hiện từ sản xuất thép, xi măng, xây dựng khu công nghiệp, tới bảo hiểm, ngân hàng, thậm chí cả xe máy, hàng không... Tập đoàn này trở thành ông lớn đa ngành nhất trong số các tập đoàn nhà nước. Cao điểm sử dụng tới 70.000 lao động (cả lao động thời vụ).
Phát triển nóng với số vốn lớn trong tay, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp, và khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Vinashin đã bộc lộ các yếu kém và sa lầy. Đầu tư ngoài ngành là nguyên nhân chính tạo nên "cái chết chóng vánh" cho người anh cả ngành đóng tàu, được đánh dấu bằng hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ được Thanh tra Chính phủ chỉ ra năm 2010. Theo đó, tới cuối năm 2009 (3 năm lên tập đoàn), tổng tài sản của tập đoàn hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% vốn đi vay. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.
Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2010, tới năm 2013 chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC. Như vậy, Vinashin lên tập đoàn chỉ 7 năm, trong đó có 4 năm hoạt động đúng nghĩa. Vì từ năm 2010, tới nay là quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại Vinashin, xử lý hậu quả của các vi phạm, khuyết điểm, làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả trước đó. Từ đó tới nay đã gần 10 năm trôi qua, hậu quả của 4 năm lên tập đoàn vẫn chưa xử lý xong, nợ nần chồng chất, nhiều đơn vị bị xoá sổ.
Từ năm 2013, Tập đoàn Vinashin đã chuyển xuống tổng công ty và đổi tên thành SBIC. Tuy vậy, chỉ "bình mới, rượu cũ" khi mớ hỗn độn thời Vinashin vẫn còn đó Ảnh: Phạm Thanh
Mớ hỗn độn còn nguyên
Quyền Tổng Giám đốc SBIC Cao Thành Đồng cho biết, theo các Đề án Tái cơ cấu, SBIC giảm quy mô chỉ giữ lại công ty mẹ và 8 đơn vị thành viên. Đơn vị thực hiện tái cơ cấu 236 đơn vị theo các hình thức bán, chuyển giao, cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, phá sản... Những DN thuộc diện tái cơ cấu, SBIC đã cắt giảm lao động, chỉ giữ người trông coi, bảo vệ tài sản và hoàn thiện hồ sơ tái cơ cấu (tức chỉ có bảo vệ, người đại diện theo pháp luật và kế toán).
Với 8 đơn vị SBIC giữ lại, với hơn 4.000 lao động, theo ông Đồng, hiện thị trường vận tải biển thế giới vẫn chưa phục hồi, năng lực tài chính các đơn vị chưa đủ để tham gia đấu thầu đóng tàu có giá trị lớn. Do đó, các DN đã chuyển sang thị trường nội địa, sang lĩnh vực gia công cơ khí, đóng mới toa tàu để có việc làm. Dù vậy, doanh thu của các DN này vẫn giảm qua từng năm. Thực tế đó cùng với các khoản chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá, khấu hao tài sản lớn, hầu hết kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của các đơn vị thuộc SBIC đều lỗ, âm vốn chủ sở hữu (cả 8 DN giữ lại và không giữ lại).
Theo Bộ GTVT, năm 2014, SBIC lỗ luỹ kế 60.275 tỷ đồng, đỉnh điểm là năm 2017 lên tới 77.088 tỷ đồng, năm 2018 dù có giảm nhưng vẫn ở mức 65.600 tỷ đồng. Riêng Cty mẹ - SBIC lỗ lũy kế năm 2014 là 65.588 tỷ đồng, năm 2018 hơn 72.190 tỷ đồng.
Các đơn vị vang bóng một thời của Vinashin hiện khó khăn tới mức nợ lương, Bảo hiểm Xã hội (BHXH), có đơn vị thiếu tiền nên bị cắt điện, nước, không có tiền thuê bảo vệ trông coi tài sản còn lại. Theo BHXH Việt Nam, hết tháng 6/2019, đang quản lý thu các chế độ BHXH, BH Y tế, BH Thất nghiệp của 46 DN thuộc SBIC (trong đó 44 đơn vị đã được khoanh nợ). Với tổng số lao động hơn 4.200 người. Tổng số nợ BHXH hơn 415,6 tỷ đồng. Trong đó, 44 đơn vị được khoanh vẫn còn nợ hơn 392,5 tỷ đồng, các đơn vị không khoanh đang nợ hơn 23 tỷ đồng.
Để thu hồi nợ BHXH, gần nhất là tháng 5 vừa qua, BHXH Việt Nam tiếp tục có văn bản đề nghị SBIC trả nợ BHXH theo cam kết bảo lãnh. Tuy nhiên, SBIC hồi đáp không có nguồn tài chính để trả nợ. Do nợ, người lao động chưa được giải quyết chế độ, nên có nhiều đơn thư gửi cơ quan BHXH.
Máy móc tàu thuỷ được các đơn vị thành viên Vinashin nhập mới nguyên chiếc từ năm 2009 về các cảng ở Hải Phòng, và bỏ đó tới nay không ai tới lấy vì các đơn vị bên bờ vực phá sản Ảnh: Phạm Thanh
Theo SBIC, giai đoạn 2014-2018, do các đơn vị của SBIC đều lỗ, theo quy định lương trả cho người lao động theo hợp đồng. Tuy nhiên, để giữ chân lao động, SBIC phải tạm tính để trả lương. Cụ thể, tại Cty mẹ - SBIC trả lương cho lao động từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng, lãnh đạo từ 26 - 27 triệu đồng/tháng; các đơn vị thành viên trả lương theo bình quân tại địa phương, với lao động từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, người quản lý từ 12 - 16,5 triệu đồng/người/tháng. Với các đơn vị dừng hoạt động, tiền lương của người lao động từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, người quản lý 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Tienphong.vn
Rủi ro "bốc hơi" nguồn thu từ cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam là những cái tên bị cơ quan chức năng nhắc đến do mắc phải những lỗi trong sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn. Chưa được Thủ tướng đồng ý vẫn tăng vốn Chây ì nộp tiền về quỹ, tự...