Tổng Bí thư lưu ý Lạng Sơn cần kết hợp kinh tế với quốc phòng
Ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn.
Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Lạng Sơn, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Lạng Sơn đã thực hiện đạt 19/23 chỉ tiêu.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chưa đạt mục tiêu đề ra là 10%/năm, nhưng cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, GDP bình quân đầu người đạt 33,4 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 14,9%.
Nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển toàn diện, bước đầu hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu thị trường.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2014 đạt 3,5 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2010. Thu ngân sách năm 2014 đạt gần 6.000 tỷ đồng, riêng quý I năm 2015 đạt hơn 1.340 tỷ đồng.
Tổng Bí thư tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn (ảnh: TTXVN).
Tỉnh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tập trung củng cố những tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, kiện toàn cấp ủy và tăng cường cán bộ ở địa bàn khó khăn, tăng cường quản lý, phát triển đảng viên, tạo chuyển biến rõ rệt cả về nội dung, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Video đang HOT
Năm 2014, Lạng Sơn đã kết nạp 2.400 đảng viên mới, quý I năm 2015 kết nạp 461 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 55.297 đảng viên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng, tạo bước phát triển mới trong thời gian qua.
Đặc biệt, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một cách bài bản, mang lại kết quả rõ rệt, qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, suy thoái biến chất, sửa chữa khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, xây dựng Đảng bộ đoàn kết thống nhất, thực sự trong sạch vững mạnh.
Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Lạng Sơn cần đánh giá lại tiềm năng, thế mạnh, nhận rõ thuận lợi và khó khăn của một tỉnh đi lên từ nông, lâm nghiệp, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu mà các tỉnh biên giới phía Bắc không nơi nào có được.
Lạng Sơn cần tập trung phát triển nông, lâm nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng xuất khẩu, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Với hơn 230km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn có điều kiện đẩy mạnh lưu thông, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, đang phát triển sôi động và có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Nhân dịp Đại hội Đảng bộ sắp tới, tỉnh cần rà soát, tìm hướng phát triển lâu dài cho nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng Bí thư chỉ rõ chủ trương của Đảng là phát triển toàn diện và đồng bộ, nhanh nhưng phải vững chắc. Lạng Sơn cần chọn khâu đột phá để phát triển vươn lên.
Xây dựng nông thôn mới là mũi nhọn cần phát triển mạnh trong thời gian tới, tỉnh cần tổng kết, nhân rộng những mô hình tốt, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới.
Tổng Bí thư lưu ý Lạng Sơn chủ động làm tốt công tác quốc phòng an ninh, kết hợp kinh tế với quốc phòng, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các tỉnh biên giới Trung Quốc, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó cán bộ là then chốt của then chốt, là cái gốc của cách mạng. Lạng Sơn cần tập trung làm tốt công tác cán bộ, có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, cho sắp tới và cho lâu dài.
Tổng Bí thư mong muốn Lạng Sơn cần chủ động đề xuất cơ chế chính sách, chú ý liên kết vùng, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn và các bộ, ngành Trung ương nhằm huy động tối đa các nguồn lực để phát triển, làm sao thu hút mạnh hơn các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư hy vọng và tin tưởng, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp đạt kết quả tốt, Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn sẽ tạo một cú hích để Lạng Sơn có bước phát triển đột phá, bứt phá vươn lên không thua kém các tỉnh bạn ở khu vực phía Bắc Tổ quốc.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận những kiến nghị xác đáng của tỉnh Lạng Sơn liên quan đến cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với khu kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ khởi công đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của tỉnh và toàn vùng.
Sáng 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Chi Lăng (thuộc huyện miền núi Chi Lăng) – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã có những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao như na, bưởi, quýt, ớt…
Riêng diện tích trồng na đã đạt gần 1.200 ha, sản lượng ước đạt 8.100 tấn, mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng/năm.
Năm 2014, bình quân thu nhập của người dân xã Chi Lăng đạt 22 triệu đồng/người/năm, bình quân toàn huyện đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2011 xuống còn khoảng 10% năm 2014; riêng xã Chi Lăng chỉ còn 53 hộ trong tổng số 1.300 hộ, thuộc diện nghèo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, ý chí vượt khó vươn lên của cán bộ, đảng viên.
Cùng với nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, quan tâm phát triển Đảng, nhất là ở các xã, thôn khó khăn, Đảng bộ Chi Lăng đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc theo hướng mở rộng dân chủ, hướng về cơ sở, nói đi đôi với làm.
Thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tại Chi Lăng đã được tiến hành đúng quy định, điều lệ Đảng, đảm bảo nội dung, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tổng Bí thư mong muốn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của một vùng quê anh hùng, vươn lên làm giàu bằng chính tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tổng Bí thư nhắc nhở Đảng bộ xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Phùng Văn Lít, thương binh 1/4 ở thôn Làng Đồn; gia đình bà Chu Thị Vinh, dân tộc Nùng, ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, là những gia đình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao từ cây na, cây bưởi, kết hợp với trồng lúa, chăn nuôi.
Theo Nguyễn Sự
TTXVN/Vietnam