Tồn kho bất động sản leo thang
Hiện tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết lên đến hơn 223.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong đó đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực của lượng hàng tồn kho tăng nhanh. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều lực cản và suy giảm 2 năm liên tiếp (2018-2019), năm 2020 lại chịu thêm tác động của Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.
HoREA cho rằng, điều đáng quan ngại hiện nay là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng quá nhanh. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị núi hàng tồn kho đã vọt lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp địa ốc niêm yết cho thấy có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Riêng 2 tập đoàn hàng đầu chiếm 63% tổng tồn kho toàn thị trường.
Thị trường bất động sản phía đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Còn hàng tồn kho đã ra thành phẩm nhưng chưa bán được sẽ làm mất tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm do không bán được hàng hoặc không có hàng để bán. Kết thúc năm tài chính 2019, đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 47% của năm 2018.
Video đang HOT
HoREA cho rằng, để giải nguy cho thị trường bất động sản trước núi hàng tồn kho này, các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và địa phương cần giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP HCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành.
Nếu tháo gỡ được vướng mắc này, các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp được tiếp tục triển khai thực hiện dự án sẽ bớt khó khăn, tiếp tục bổ sung sản phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
(Nguồn: VnExpress)
"Cơn bĩ cực" của doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ tại Tp.HCM
Áp lực chi phí ngày càng lớn, không có sản phẩm để bán ra đã khiến nhiều lãnh đạo công ty địa ốc quy mô vừa và nhỏ thừa nhận "đuối sức", thậm chí trên bờ vực phá sản bất cứ lúc nào.
Đó là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ gặp phải khi tham gia thị trường mấy năm trở lại đây. Những cái nhăn mặt, những tiếng thở dài...là cách họ thể hiện trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay.
"Sản phẩm không có bán, nhưng hàng tháng công ty anh vẫn chi 6-7 tỉ đồng để nuôi nhân viên, chi phí mặt bằng.... Áp lực lắm chứ em!", một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS Tp.HCM than thở.
Có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc phải nợ lại lương của nhân viên trước Tết, hứa sau Tết trả nhưng chưa có hàng bán nên vẫn chưa thanh toán được cho nhân viên. "Cơn bĩ cực" có lẽ là cụm từ đúng nhất với cả môi giới BĐS lẫn lãnh đạo công ty địa ốc ở thời điểm này.
Có một thực tế, thời điểm trước Tết nguyên đán nhân viên kinh doanh ở các doanh nghiệp BĐS nghỉ việc khá nhiều vì không có hàng bán, không có thu nhập. Chưa kể, lượng doanh nghiệp BĐS dừng hoạt động trong năm 2019 cũng tăng lên đáng kể, nhất là các sàn môi giới, các công ty quy mô nhỏ ra nhập thị trường ít năm.
Có những doanh nghiệp quy mô vừa, nuôi gần 100 nhân viên, hàng tháng phải chi ra tiền tỉ để trả lương nhưng không có doanh thu đã khiến họ kiệt kệ, không ít lãnh đạo phải xoay sở vay mượn đủ đường để có tiền nuôi nhân viên. Áp lực đối với họ ngày càng lớn khi mà qua Tết vẫn chưa thể ra được sản phẩm, chưa có nguồn thu.
"Nói thật với em, anh không muốn nhân viên của mình nghỉ việc, nhất là với những người đi với công ty ở thời điểm đầu. Thế nhưng chi phí hàng tháng gồng gánh nhiều quá, anh bị stress. Nên nếu nhân viên nào xin nghỉ, anh thấy nhẹ nhõm vô cùng. Nhẹ nhõm là bởi anh nghĩ, với tình thế như này, nghỉ việc là phương án tốt cả cho họ, cho anh. Nếu sau này, công ty làm ăn ổn định trở lại, chắc chắn anh sẽ mời họ về làm với mình. Còn bây giờ khó khăn quá, để họ tìm công việc khác qua "cơn bĩ cực" này là tốt cho họ, cho gia đình họ nữa...", vị Tổng giám đốc của một doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM chia sẻ.
"Cơn bĩ cực" có lẽ là cụm từ đúng nhất với cả môi giới BĐS lẫn lãnh đạo công ty địa ốc ở thời điểm này. Ảnh: Minh họa
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có hơn 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu... đã phải giải thể.
Có lẽ ở giai đoạn này, khó khăn đang chồng khó khăn khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào trạng thái "bế tắc". Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chộp giật thì thực tế có khá nhiều doanh nghiệp startup ở lĩnh vực BĐS bằng nhiệt huyết, đam mê nhưng gặp thời điểm thị trường còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ đã khiến họ đuối sức.
Theo cách họ chia sẻ, dù thị trường đang khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng để cơ cấu lại, xoay sở bám trụ với thị trường và hi vọng thị trường sẽ tươi sáng trở lại trong thời gian sớm nhất. Một số doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực thì lấy lĩnh vực khác "đỡ" cho BĐS để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn...
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nguồn cung BĐS hiện nay là đáng lo ngại. Vì thế, mở được nút thắt này thị trường sẽ phát triển ổn định trở lại. Để thị trường phát triển trở lại theo ông Khương cần sự quyết liệt trong khâu giải quyết thủ tục pháp lý, đừng để doanh nghiệp BĐS phải đợi quá lâu. Vì càng đợi lâu họ càng lâm vào khó khăn.
Còn theo đại diện DKRA Vietnam, để tháo gỡ thách thức cần có sự chung tay một cách quyết liệt của tất cả các bên, trong đó quan trọng nhất là vai trò điều phối và quản lý của Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành. Cụ thể, thị trường bất động sản 2020 đòi hỏi những đột phá về cải thiện chính sách, pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án,... kịp thời tạo điều kiện cho nguồn cung mới ra thị trường.
Bên cạnh đó, để thị trường phát triển bền vững cần chương trình nhà ở quốc gia dài hơi tiếp nối gói vay 30 ngàn tỷ và chính sách nhà ở xã hội đã được triển khai trước đó, nhằm hỗ trợ cho người mua nhà ở thật và hạn chế tình trạng đầu cơ khiến giá BĐS tiếp tục lên cao.
"Nhìn chung, để vượt qua các thách thức trong năm 2020, tất cả chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, đơn vị môi giới, nhà môi giới, khách hàng, nhà đầu tư đều phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược thích hợp, đồng thời không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường minh bạch hóa thông tin dưới sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước', đại diện đơn vị này nhấn mạnh.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ
4 bẫy điển hình trên thị trường bất động sản 2020 Nhà đầu tư dễ sa lầy nếu lướt sóng, phụ thuộc vốn vay, mua giá đỉnh và đặt cược tất tay dòng tiền. Thị trường bất động sản phía Đông TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Trần Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho biết, trong 12 tháng tới thị trường bất động sản đứng trước "đầu sóng...