Tồn đọng rác phế liệu, Tổng cục Hải quan xin “nhận trách nhiệm”
Để xảy ra tình trạng hàng nghìn container rác phế liệu nhập khẩu và tồn đọng tại các cảng biển, Tổng cục Hải quan đã xin “nhận trách nhiệm”. Cơ quan này cũng kêu gọi các Bộ, ngành liên quan khác cùng mạnh dạn nhận trách nhiệm để cùng xử lý.
Tại cuộc họp khẩn tìm giải pháp xử lý container tồn đọng tại các cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức, ông Phạm Minh Hiệu – Chuyên viên Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng các bên từ chủ hàng, chủ tàu, cảng biển… đều nói mình là nạn nhân.
Về phía Hải quan, Tổng cục Hải quan “xin nhận trách nhiệm” về việc xử lý hàng tồn đọng. Lý do dẫn đến hàng tồn đọng có rất nhiều, từ chủ quan đến khách quan nhưng cơ quan Hải quan là đầu mối xử lý vấn đề này.
Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận các ý kiến về việc thời gian xử lý lô hàng tồn đọng quá lâu. Từ năm 2013 đến nay, ngành Hải quan đã có phân công “ nhạc trưởng” xử lý vấn đề này.
Cụ thể, hằng năm, lãnh đạo Cục Hải quan thành phố sẽ thành lập hội đồng xử lý những lô hàng tồn đọng này. Trong trường hợp tồn đọng quá nhiều, sẽ thành hội đồng làm việc suốt năm, còn nếu hàng ít thì sẽ thành lập các hội đồng để xử lý riêng lô hàng đó.
Tổng cục Hải quan xin “nhận trách nhiệm” về tình trạng ùn ứ container rác phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển. (Ảnh tư liệu).
Ông Hiệu cũng cho rằng, việc hãng tàu cho rằng họ là nạn nhân là chưa thỏa đáng. Vì Luật Hải quan hiện nay có quy định việc người đi khai hải quan phải chịu trách nhiệm về thông tin hàng hóa mình khai.
“Đến khi hãng tàu nhận được mô tả hàng hóa doanh nghiệp gởi mà dài lê thê như tiểu thuyết, lằng nhằng như… văn tả cảnh, thì hãng tàu có trách nhiệm xem lại các thông tin trong văn bản. Nếu không xem lại thì việc mô tả hàng hóa sẽ dễ dàng sai sót”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hiệu, trong tháng 6 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng (TP.HCM) sau khi nhận được văn bản của Tân Cảng về tình trạng tồn đọng các container phế liệu, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trình Bộ Tài nguyên Môi trường và báo cáo Thủ tướng các kiến nghị xử lý hàng tồn đọng tại các cảng.
“Chúng ta không thể ưu tiên xử lý các lô hàng tồn ngay bây giờ mà phải thực hiện song song với xử lý hàng tồn và những lô hàng dự kiến sẽ đến trong thời gian tới. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn cụ thể trong việc giảm thời gian xử lý xuống”, ông Hiệu cho biết thêm.
Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra, đánh giá năng lực của doanh nghiệp trước khi cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu rác phế liệu. Ảnh: Thuận Hải.
Cũng liên quan đến việc cấp giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu, trong một cuộc họp tại Cục Hải quan TP.HCM mới đây, Cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trong việc rà soát các hồ sơ xin cấp giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, xem xét đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
“Nếu họ sản xuất được 1.000 tấn mà xin nhập 10.000 tấn, không có nghĩa là mình sẽ cấp phép cho họ 5.000 tấn mà chỉ cấp đủ lượng hoặc thậm chí ít hơn so với năng lực xử lý. Đồng thời, chỉ cho phép nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất, không cấp phép cho doanh nghiệp thương mại”, ông Hiệu đề xuất.
Liên quan đến việc triển khai các thông tin liên quan đến danh mục hàng phế liệu được phép nhập khẩu, danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu… trên Cổng thông tin một cửa, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường. Thế nhưng đến nay, cơ quan này vẫn chưa cập nhật các thông tin như đã kiến nghị.
Cuối cùng, ông Thiện chúc các vị khách đại biểu dự họp cùng nhận trách nhiệm trong việc xử lý hàng tồn đọng và vấn đề nhập khẩu phế liệu như hiện nay.
Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện việc cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm. Năm 2016, Bộ này cấp 60 giấy phép cho các doanh nghiệp và đại lý nhập khẩu phế liệu, năm 2017, cấp 46 giấy phép cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp ủy thác, năm 2016 cấp 39 giấy phép, 2017 cấp 30 giấy, 2018 đến hết tháng 5, cấp 59 giấy trong đó 33 dn trực tiếp nhập khẩu và 26 đại lý ủy thác nhập khẩu phế liệu. Ngoài ra, hiện đã có 12 tổ chức được Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ định thực hiện việc giám định các lô hàng phế liệu nhập khẩu về cảng.
Theo Danviet
Hải quan đang điều tra thêm một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu
Ngoài Công ty Đức Đạt vừa bị Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố về việc làm giả giấy tờ nhập khẩu phế liệu, hiện Tổng cục và hải quan các địa phương cũng đang thu thập tài liệu, rà soát các doanh nghiệp nghi vấn tương tự.
Đây là thông tin được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết tại cuộc họp báo chiều nay, 30/7.
Theo đó, đại diện Tổng cục Hải quan, dù quan điểm của hải quan là kiên quyết xử lý phết liệu nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, nhập khẩu chất thải và hàng hoá cấm khác nhưng việc quản lý vẫn gặp không ít khó khăn.
Một trong những vấn đề khó khăn là thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đáng nói là thủ đoạn làm giả giấy tờ của doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông lấy ví dụ về trường hợp Công ty Đức Đạt, có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình vừa bị Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố. Theo ông Quang, tất cả các giấy tờ của doanh nghiệp này trong quá trình nhập khẩu đều làm giả như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan...
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đến thời điểm này, hải quan mới khởi tố 1 doanh nghiệp là Công ty Đức Đạt. Tuy nhiên, hiện Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo, tham mưu Cục Điều tra chống buôn lậu, hải quan các địa phương chủ động điều tra nghiên cứu phát hiện sai phạm, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn phân cho từng đơn vị và đang điều tra tích cực toàn ngành.
"Chúng tôi chưa trả lời được ngay sẽ khởi tố bao nhiêu doanh nghiệp, vì khi điều tra phải đảm bảo quy trình. Theo quy định, doanh nghiệp chỉ phải nộp các giấy tờ bản sao chứng thực, để kết luận là giả phải thu thập đủ bản chính. Quá trình thu thập không đơn giản, thẩm quyền hải quan thiếu, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn để gặp được người lãnh đạo có thẩm quyền. Chưa dám dùng từ "trốn" nhưng doanh nghiệp đang "né", gây khó khăn cho quá trình điều tra" - ông Quang nói.
Việc phát hiện doanh nghiệp vi phạm nhập khẩu phế liệu gặp nhiều khó khăn
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, cơ quan chức năng cũng gặp khó trong việc phát hiện doanh nghiệp nào chưa được ngành tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu vì hiện chưa có thông tin trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ông khẳng định, phía hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp trên cổng thông tin danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cũng như giấy thông báo lô hàng nhập khẩu để kiểm tra để phía hải quan có cơ sở đối chiếu.
Tuy nhiên, tới 27/7 vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường mới cung cấp danh mục của hơn 200 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu. Còn danh mục của các Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn còn thiếu.
Một vấn đề khó khác theo ông Thành, phế liệu nhập khẩu là hàng đặc thù nên muốn kiểm tra phải lấy mẫu tại 4,5 điểm trong container.
"Theo quy định, có thể lấy mẫu tại các điểm như 4 điểm đáy, 1 điểm đỉnh hoặc theo hình chữ Z. Điều này đồng nghĩa muốn lấy mẫu, cơ quan chức năng phải mở hết container ra, trong khi việc này là không thể" - ông Thành cho hay.
Theo ANTD
Cục Hàng hải họp khẩn xử lý container "rác" tồn đọng tại các cảng biển Rất nhiều đại diện đến từ các hãng tàu, chủ hàng, cảng biển cho đến Cục hàng hải, Vụ Vận tải, Tổng cục Hải quan... đều có mặt để mong tìm hướng xử lý container hàng hóa phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Cuộc họp do Cục hàng hải Việt Nam và Vụ Vận tải (Bộ GTVT) phối hợp tổ chức...