Tốn cả ngàn tỷ đồng, dòng kênh vẫn ô nhiễm
Nhiều năm qua, do thiếu kiểm tra giám sát, tình trạng xả thải vô tội vạ đã khiến một số hệ thống kênh, rạch ở TPHCM và tiếp giáp một phần thuộc tỉnh Bình Dương bị ô nhiễm nặng nề.
Đáng nói, dù ngân sách nhà nước đã bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để cải thiện nguồn nước, song tình trạng ô nhiễm không hề thuyên giảm, ảnh hưởng rất lớn cuộc sống người dân.
Dù tốn cả ngàn tỷ đồng để cải tạo, đến nay kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm nặng nề. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Vật vã với mùi hôi
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài hơn 6km xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TPHCM). Hàng chục năm qua, con rạch này được đánh giá có mức độ ô nhiễm lớn nhất tại TPHCM. Ghi nhận thực tế cho thấy, con rạch có màu đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Dọc 2 bên bờ là đủ các loại rác thải sinh hoạt như túi ni lông, chai lọ… nổi lềnh bềnh, tạo thành từng mảng lớn. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân quanh khu vực. Ông Nguyễn Viết Xuân (người dân sống cạnh rạch Xuyên Tâm thuộc phường 24, quận Bình Thạnh) cho biết: “Hệ thống cống rãnh khu vực này thường xuyên bị tắc do lượng rác thải quá nhiều, thậm chí có những hôm xác động vật chết bốc mùi không chịu nổi”.
Một con kênh khác là kênh Ba Bò, một trong những tuyến tiêu thoát nước chính của tỉnh Bình Dương và TPHCM, với tổng chiều dài 6,6km. Phía đầu nguồn, tỉnh Bình Dương có các tuyến thoát nước chính chảy vào kênh Ba Bò: nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình tại các phường thuộc TP Thuận An và TP Dĩ An; tuyến thoát nước thải sau xử lý của KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An. Ghi nhận tại hiện trường, nước thải chảy từ phía tỉnh Bình Dương vào hồ điều tiết, rồi len lỏi qua kênh chính chảy về phía hạ nguồn sông Sài Gòn. Nước chảy tràn qua bậc tam cấp tạo ra lớp bọt trắng, nổi bên trên mặt nước, bốc mùi nặng.
Đi ngược về hướng Bình Dương, đường dẫn nước vào kênh Ba Bò càng hẹp, có đoạn nhiều mảng nước đen, đoạn thì nổi đầy váng màu vàng y như dầu nhớt. Ông Nguyễn Viết Hải (ngụ khu phố 1, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) than: “Suốt nhiều năm qua, sinh hoạt của người dân trong phường đã bị ảnh hưởng rất nhiều; người già, trẻ em thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp phần lớn do ô nhiễm từ dòng kênh Ba Bò. Nhiều hộ trong vùng đã phải bán nhà chuyển đến nơi khác sinh sống vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm”.
Video đang HOT
Cần giám sát nguồn thải
Nguyên nhân chính dẫn đến việc rạch Xuyên Tâm ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn là do ý thức một bộ phận người dân chưa cao, nhiều người vẫn thản nhiên “tiện tay” xả rác xuống dòng kênh. Chính quyền các địa phương tuy đã khuyến cáo, nhưng thiếu giám sát, nên nhìn chung vẫn không có sự chuyển biến tích cực. Năm 2002, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, nhưng đã 18 năm trôi qua, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”!
Trong khi đó, đối với tình trạng ô nhiễm nặng nề ở kênh Ba Bò, một số chuyên gia về môi trường nhận định nguyên nhân là do hồ lắng, hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, chứ không xử lý được nước thải công nghiệp. Còn theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò mỗi ngày thêm ô nhiễm là do một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh này.
Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát, phân tích mẫu nước kênh Ba Bò và xác định ô nhiễm do chất hoạt động bề mặt khá cao, vượt quy chuẩn từ 5 đến hơn 8,4 lần và trải đều từ thượng nguồn đến hạ nguồn kênh. Hàm lượng ô nhiễm hữu cơ và chất hoạt động bề mặt tích tụ lâu ngày trong hồ điều tiết nên khi trời mưa, lưu lượng xả lớn làm cho nước nổi bọt.
Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh này yêu cầu Công ty CP Đại Nam và Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tiến hành nạo vét các hố ga của hệ thống thoát nước mưa tại KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường thoát nước sau xử lý về hồ điều tiết, để không xả nước thải về kênh như hiện nay. Nhằm hạn chế ô nhiễm, tỉnh Bình Dương, nơi đầu nguồn con kênh, đã đầu tư gần 350 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đoạn qua phường Bình Hòa (TP Thuận An).
Liên quan tình trạng ô nhiễm dọc kênh Ba Bò, năm 2007, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt dự án cải tạo kênh với tổng vốn đầu tư 307 tỷ đồng. Năm 2009, dự án phát sinh xây thêm hồ sinh học (6ha), trạm bơm xử lý ô nhiễm…, khiến cho tổng vốn đầu tư cải tạo kênh Ba Bò nâng lên thành 744 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư để cải tạo kênh Ba Bò của TPHCM và Bình Dương đã lên đến gần 1.100 tỷ đồng.
Dù ngân sách đã bỏ ra không hề nhỏ nhưng thực tế kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm, và tình trạng ô nhiễm sẽ triền miên nếu chính quyền tỉnh Bình Dương, TPHCM không quyết liệt có giải pháp ngăn chặn triệt để các nguồn xả thải công nghiệp từ các KCN đầu nguồn, nước thải khu dân cư.
Nam Định: Sông Lèo ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân
Cả đoạn sông dài hàng cây số nổi lên màu nước đen kịt, mùi ô nhiễm bốc lên khiến ai cũng phải bịt mũi mỗi khi qua lại... đó là thực trạng hiện nay của sông Lèo, đoạn chảy qua xã Nam Vân, thành phố Nam Định.
Có mặt tại sông Lèo (còn có tên gọi khác là sông An Lá) đoạn chảy qua xã Nam Vân, trước mắt chúng tôi là một màu nước đen kịt bốc mùi ô nhiễm nặng nề. Dưới mặt sông xác cá nổi rải rác, ruồi nhặng bu kín. Nhiều năm qua các hộ dân sinh sống dọc đường Địch Lễ và đường kè thôn Vân Lợi cùng các khu vực khác gần sông Lèo phải khốn khổ khi sống chung với ô nhiễm.
Những ngày qua nước sông Lèo đổi màu đen bốc mùi ô nhiễm nghiêm trọng
Chị Nguyễn Thu Trang nhà ở thôn Vân Trung cho biết: "Nhà tôi cách sông Lèo cả trăm mét, nhưng những hôm trở trời, mùi hôi nồng nặc thốc lên theo gió lùa vào khiến cả nhà tôi đau đầu, chóng mặt".
"Vào mùa mưa sông đầy nước còn đỡ, cứ về mùa heo, nước cạn, lập tức màu nước chuyển sang đen kịt đáng sợ, mùi ô nhiễm phát tan ra đến không khí ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân", ông Trần Văn Thái, nhà ở thôn Vân Lợi cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, một số người dân địa phương còn cho biết, nguồn ô nhiễm sông Lèo bắt nguồn từ phía đầu nguồn từ một số làng nghề và một số công ty khu vực phía nam thành phố Nam Định. Men theo thực tế hai bên bờ sông Lèo địa phận xã Nam Vân để tìm nguồn ô nhiễm nhưng chúng tôi không phát hiện ra nguồn thải nào đáng kể mà nguồn ô nhiễm đổ về chủ yếu xuất phát từ phía đầu nguồn.
Xác cá chết nổi trên mặt nước đen kịt, dạt vào ven sông đoạn qua thôn Vân Lợi, xã Nam Vân
Lần theo dấu tích của nguồn nước đen kịt về phía đầu nguồn, chúng tôi thấy có một số nguồn nước thải. Cụ thể nguồn nước thải từ một nhà máy bánh kẹo; một doanh nghiệp sửa chữa ô tô; một phòng khám đa khoa; và một nguồn thải từ làng nghề bún Phong Lộc (phường cửa Nam, thành phố Nam Định) trực tiếp xả thải ra khiến nước sông Lèo đổi thành màu. Dòng nước ô nhiễm này chảy men qua các địa bàn như: xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Nam Nghĩa, và đến Nam Vân dường như bị cô đặc thành một màu đen đáng sợ.
Và cứ như vậy, cảnh "quýt làm cam chịu" diễn ra đã hàng chục năm qua, phía đầu nguồn thì cứ kinh doanh, sản xuất sinh lời, phía hạ nguồn phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm, bệnh tật.
Không chỉ ảnh hưởng đến khu dân cư, tình trạng ô nhiễm còn đang ngày đêm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan di tích Khu nhà tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ nằm trên xã Nam Vân nơi thường xuyên đón các đoàn công tác và nhân dân các nơi về tham quan.
Được biết, tình trạng ô nhiễm sông Lèo đã được người dân kiến nghị nhiều lần lên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tuy nhiên cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, xử lý. Thậm chí tình hình ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Phía đầu nguồn sông Lèo có nhiều nhà máy, nhà xưởng, làng nghề xả thải ngầm ra sông
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Nam Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nam Vân cho biết: "Tình trạng ô nhiễm sông Lèo là vấn đề nan giải của địa phương nhiều năm qua. Việc người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm là có cơ sở, địa phương tiếp thu và đã có báo cáo lên cấp trên để có giải pháp tháo gỡ. Thực tế tại địa phương không có nguồn phát thải, mà tình trạng ô nhiễm là do phía đầu nguồn đổ về. Xã chúng tôi cũng là nạn nhân của hoạt động sản xuất, kinh doanh phía đầu nguồn sông Lèo".
Trước thực trạng đã trình bày trên, đề nghị cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục, đồng thời cần vào cuộc làm rõ nguồn gốc gây ô nhiễm cho sông Lèo từ những đâu để có biện pháp xử lý vấn đề từ gốc, nhằm đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt cho người dân.
Khử mùi bãi rác Nam Sơn: Để tận gốc... PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, sử dụng công nghệ Bio-Nano chỉ xử lý được mùi của nước rỉ rác, còn các nguồn gây mùi khác thì không xử lý được. Công ty Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) vừa gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề...