Tôm luộc lên là ăn, vá nhanh đường ống nước
Hai phát ngôn gây hứng khởi nhất tuần qua liên quan đến chuyện thủy sản vượt quá chỉ tiêu vi sinh và đường ống sông Đà bị sự cố lần thứ 16.
Đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 16.
Những người dân khốn khổ của các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Từ Liêm… hồi hộp chờ đợi mãi thì cũng đã đến lúc đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 16. Khoảng cách giữa các lần cái đường ống trứ danh này gặp sự cố đang ngày một ngắn dần lại. Lần vỡ ông thứ 15 xảy ra vào ngày 26/9, cách đây những… 1 tháng 13 ngày.
Lần này đường ống nước đã có một sự tiến bộ vượt bậc, vì may sao nó không vỡ toang toác mà chỉ bị “rò rỉ”, có bạn đọc đã bình luận: “Nghe âu yếm chết đi được. Chẳng khác nào chuyện Sở GTVT TP HCM bảo ở thành phố chúng tôi không có tắc đường mà chủ ùn ứ, vì xe cộ vẫn còn nhúc nhích”.
May mắn quá, lần này đường ống nước không bị vỡ mà chỉ bị “rò rỉ”, tuy nhiên, dân thì vẫn méo mặt vì để vá lại đường ống vỡ, công ty Vinaconex vẫn phải tạm dừng cấp nước trên toàn hệ thống. Báo chí lại mô tả cảnh người dân ở Từ Liêm quần áo bẩn chất đống không có nước để giặt, nước không có để nấu ăn. Ôi dào, tưởng chuyện gì mới chứ cảnh ấy quen rồi.
Ông Nguyễn Văn Tốn- Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex cho biết: “Đường ống đã vá xong rồi, việc rò rỉ lần này không quá nghiêm trọng nên đơn vị không phải thay ống mới mà chỉ vá tạm”. Nghe thật là hoan hỉ xiết bao.
Nghĩ cho cùng thì rò rỉ với vỡ thì có khác nhau là bao, cuối cùng cũng vẫn phải đào đất lên mà vá víu sửa chữa chứ đâu có chữa theo kiểu “thần giao cách cảm” được? Thế nhưng nghe Vinaconex bảo lần này “rò rỉ” chứ không vỡ, dân Hà Nội có lẽ cũng thấy trong lòng… êm ái hơn.
Một phát ngôn thứ hai khơi nguồn cảm hứng không kém phát ngôn về vá đường ống nước, đó là câu chuyện liên quan đến tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua bị trả về hàng loạt.
Video đang HOT
Báo Hải quan cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, con số các lô hàng vi phạm các chỉ số an toàn thực phẩm và hóa chất kháng sinh lần lượt là 165 và 78 lô. Đối với hàng xuất khẩu, theo cảnh báo của các thị trường, 9 tháng đầu năm đã có 181 lô hàng bị cảnh báo về chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng, kháng sinh hạn chế sử dụng, vi sinh và các cảnh báo khác.
Tôm luộc lên là ăn?
Theo ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT, các mặt hàng thực phẩm sản xuất tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều phải đáp ứng các chỉ số về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Trước băn khoăn của phóng viên về một số mặt hàng bị trả về do không đáp ứng yêu cầu chất lượng của nước ngoài lại được đem về tiêu thụ trong nước, ông Tiệp cho biết, khi hàng trả về tiêu thụ trong nước cũng không có vấn đề gì. “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”, ông Tiệp nói.
“Tôm luộc lên là ăn được”, đó là lời khuyên của ông Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản với người tiêu dùng trong nước. Nghe thật khôi hài. Nếu lời khuyên này mà đưa ra với người tiêu dùng ở các thị trường khó tính nước ngoài, chắc phát ngôn của ông Cục trưởng phải “gây bão” chứ chẳng chơi.
Trong khi nước ngoài trả lại hàng vì chỉ số hóa chất kháng sinh vượt quá mức độ cho phép, ông Cục trưởng lại bảo: “Không vấn đề gì, luộc lên là ăn được”. Than ôi, ngoài món luộc thì có cách chế biến nào khác nữa không, mong ông đã thương thì thương cho trót mà tận tình chỉ giúp cho dân.
Lại nhớ đến một đồng nghiệp khác của ông Tiệp là ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật ở Bộ NN&PTNT với phát ngôn nổi tiếng: “Hoa quả Trung Quôc nhiễm độc nhưng vẫn an toàn, một người ăn 70 quả táo/ngày mới đáng lo”.
Cuộc sống ở ta tuy khó khăn nhưng vẫn ngập tràn niềm vui, có phải không thưa bạn đọc? Đường ống gặp sự cố đến lần thứ 16, nhưng đại diện Vinaconex bảo: “Rò rỉ thôi mà, vá một loáng là xong”. Hàng thủy sản bị trả về, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản bảo: “Chỉ cần luộc lên là ăn được”.
Cứ nghe lời các bác, dân tha hồ mà sống vui sống khỏe sống có ích đến già.
Mi An
Theo_Báo Đất Việt
Hà Nội sắp có nước sạch từ sông Hồng
Hà Nội đang gấp rút triển khai nhà máy nước mặt sông Hồng để giải quyết sự thiếu hụt nước sạch nghiêm trọng.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội đang đối mặt với sự thiếu hụt nước sạch nghiêm trọng. Thành phố đang có nhiều biện pháp trong đó có việc huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng thêm nhiều nhà máy nước công suất lớn, sử dụng nguồn nước mặt để bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân, giảm áp lực lên nguồn nước ngầm đang dần trở nên khan hiếm.
Ảnh minh họa
Hiện nay, tổng công suất cấp nước của hệ thống cấp nước đô thị tại Hà Nội đạt trung bình trên 1.008.500 m3/ngày. Theo quy hoạch cấp nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2020, nhu cầu dùng nước trung bình tại đô thị và khu vực nông thôn liền kề của Hà Nội lên đến 1.287.000 m3/ngày. Năm 2030, con số này tăng lên 1.939.000 m3/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước giai đoạn 2020 và 2030, Hà Nội cần xây dựng thêm một số nhà máy nước có công suất lớn sử dụng nguồn nước mặt.
Trước tình hình đó, cộng thêm việc cần tìm phương án hạn chế những ảnh hưởng đối với sinh hoạt của người dân khi nhà máy nước Hòa Bình và tuyến đường ống dẫn nước sạch từ Hòa Bình về Hà Nội xảy ra sự cố, giảm dần việc khai thác nước ngầm theo quy hoạch cấp nước, Hà Nội đã có đẩy nhanh việc xây dựng thêm những nhà máy xử lý nước sử dụng nguồn nước mặt. Một trong những dự án đang được gấp rút triển khai là nhà máy nước mặt sông Hồng.
Tại cuộc họp trung tuần tháng 7, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao các đơn vị liên quan phải động thổ xây dựng nhà máy này trong tháng 10. Tại cuộc họp sau đó vào đầu tháng 9, ông Hùng tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn tất thủ tục thành lập công ty CP Nước mặt sông Hồng, đồng thời yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Ông Hùng cũng giao các đơn vị liên quan triển khai lấy ý kiến cộng đồng theo đúng quy định, công bố quy hoạch tổng thể mặt bằng cũng như giải quyết các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giao để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nhận thấy sự cần thiết thành lập một công ty liên kết để phát huy vốn đầu tư của nhà nước, đồng thời thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm quản lý, máy móc thiết bị hiện đại của các đối tác bên ngoài. Đến nay, công ty CP Nước mặt sông Hồng đã được thành lập để thực hiện dự án bởi 3 pháp nhân, gồm công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (20% vốn), công ty CP Thành Long (79%) và công ty CP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội (1%).
Nhà máy Nước mặt sông Hồng được đầu tư với số vốn 3.692 tỉ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm, quy mô xây dựng trên diện tích 20,5 ha tại huyện Đan Phượng.
Nhà máy sử dụng dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác xử lý và phân phối nước sạch. Khi đi vào hoạt động, nguồn nước từ đây sẽ được cấp cho người dân tại các khu vực trung tâm và đáp ứng một phần nhu cầu tại các khu vực chưa có hệ thống cấp nước như khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc Quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.
Mai Anh
Theo_VietNamNet
Nắp cống gặp sự cố, cả khu dân cư ngập nặng Đương công thoat nươc cua môt công ty găp sư cô đa khiên khu dân cư đường số 9 (P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức TP.HCM) chìm trong biển nước. Theo người dân, nước bắt đầu tràn lên đường vào lúc 1g30 sáng. Đến khi nước vào nhà bà con mới hay và hô hoán khiêng vác các vật dụng đưa lên...