Tôm Long Tỉnh, món đặc sản khiến vua Càn Long phải tấm tắc khen ngon
Sự kết hợp giữa tôm nõn và lá trà Long Tỉnh thượng hạng nghe có vẻ rất kỳ lạ, nhưng đây lại là một món đặc sản nổi tiếng của Hàng Châu, Trung Quốc.
Tôm Long Tỉnh là món ăn có sự kết hợp khá độc đáo giữa tôm nõn tươi ngon và những búp trà Long Tỉnh thượng hạng. Đây là một trong những món đặc sản nổi tiếng của Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc. Bất cứ du khách nào khi có dịp ghé thăm nơi đây cũng đều phải thưởng thức món ăn độc đáo này.
Tôm Long Tỉnh có cách làm khá đơn giản nhưng lại có yêu cầu vô cùng cao ở khâu lựa chọn nguyên liệu chế biến. Những con tôm được chọn phải là tôm sú Tây Hồ (Trung Quốc) còn tươi rói.
Sau khi được sơ chế, bóc vỏ, ướp gia vị, tôm được bọc một lớp bột ngô mỏng rồi mang đi xào sơ trong khoảng 15 giây, sao cho vừa chín tới để giữ được hương vị ngọt mềm, tươi ngon.
Sau đó, người ta sẽ hãm những búp trà Long Tỉnh – loại trà trứ danh của Hàng Châu, Trung Quốc trong nước ở nhiệt độ khoảng từ 85 – 90 độ C. Bước cuối cùng là cho tôm vào sốt cùng nước trà, đến khi phần nước sốt hơi sền sệt, miếng tôm sáng bóng là được.
Điểm tạo nên sự đặc biệt của món ăn này nằm ở lá trà Long Tỉnh. Đây là loại trà được trồng ở vùng Long Tỉnh, Hàng Châu. Trà hầu như được chế biến thủ công hoàn toàn theo phương thức truyền thống, có màu xanh biếc, hình dáng búp trà như lưỡi chim sẻ, hương thơm đậm đà, dư vị khi uống êm ngọt.
Đây là loại trà vẫn được người Trung Quốc ca ngợi là có 4 điểm tứ tuyệt “sắc xanh, hương thơm, vị ngọt, hình dáng đẹp”, do đó nó còn được xếp vào là một trong mười loại danh trà của Trung Quốc.
Không chỉ đặc biệt từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, lịch sử của món Tôm Long Tỉnh cũng khá thú vị. Theo dân gian kể lại, món Tôm Long Tỉnh ra đời có liên quan đến Hoàng đế Càn Long.
Video đang HOT
Chuyện kể rằng, có một lần vua Càn Long mặc thường phục đi vi hành đến Hàng Châu, trong lúc đang ngao du ngắm cảnh gần thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn, nhà vua đành đến một ngôi nhà ở gần đó để trú mưa.
Chủ nhân ngôi nhà là một cô thôn nữ hiếu khách, thấy có người đến trú mưa bèn nhiệt tình pha trà Long Tỉnh mời khách. Vua Càn Long vốn là một bậc thầy về thưởng thức trà, cảm nhận được hương vị thơm ngon của tách trà khiến ông vô cùng thích thú. Nhà vua muốn mang một ít về để thưởng thức nhưng lại ngại không dám nói và cũng không muốn để lộ thân phận của mình. Nhân lúc cô thôn nữ không để ý, ông bèn lấy một nắm trà, giấu vội trong long bào mặc ở dưới lớp áo choàng bên ngoài.
Sau khi mưa tạnh, nhà vua từ biệt cô thôn nữ hiếu khách và tiếp tục hành trình du sơn ngoạn thủy. Đến khi mặt trời bắt đầu xuống núi, cảm thấy thấm mệt và đói bụng, vua Càn Long bèn ghé vào một quán ăn nhỏ bên Tây Hồ để nghỉ ngơi và gọi vài món ăn, trong đó có món tôm xào.
Sau khi gọi món, nhà vua chợt nhớ tới nắm trà mình vừa lấy được lúc trú mưa, muốn hãm trà uống để giải khát nên bèn gọi tiểu nhị tới lấy trà mang đi pha. Tuy nhiên trong lúc lấy trà, nhà vua vô tình để lộ một góc áo long bào, thấy vậy tiểu nhị vội vàng mang lá trà chạy xuống bếp báo cho chủ quán. Chủ quán khi đó đang làm món tôm xào, nghe tin Hoàng thượng giá đáo do quá hoảng hốt nên tiện tay bỏ nhầm nắm lá trà mà tiểu nhị vừa mang xuống vào trong chảo tôm.
Đĩa tôm dâng lên những tưởng nhà vua sẽ trách phạt, nào ngờ khi vua Càn Long thấy món tôm sáng bóng như pha lê, vừa trắng vừa mềm, lại xen lẫn những lá trà Long Tỉnh xanh tươi, nếm thử thấy hương vị vô cùng đặc biệt liền luôn miệng tán thưởng: “Món ngon! Món ngon!”.
Kể từ đó, món Tôm Long Tỉnh trở nên vô cùng nổi tiếng và được các đầu bếp dần dần hoàn thiện công thức để trở nên càng thơm ngon, hấp dẫn. Ngày nay, món Tôm Long Tỉnh là một món ăn tiêu biểu đại diện cho Hàng Châu, là đặc sản mà bất cứ ai khi ghé tới thăm Tây Hồ đều phải nếm thử.
Độc đáo bánh chưng đen Na Kim
Khác với bánh chưng xanh dưới xuôi, đồng bào người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai) có một loại bánh chưng độc đáo, với gạo trộn từ than của cây núc nác, cùng một số loại gia vị đặc trưng của vùng núi.
Đó chính là bánh chưng đen, thứ bánh trước kia chỉ xuất hiện vào mùa Tết, nhưng giờ đây đã khá phổ biến và trở thành món đặc sản được nhiều khách du lịch tìm mua mỗi khi đến với vùng đất này.
Bánh chưng đen Na Kim.
Trước kia, cứ mỗi độ cây đào trước sân chuẩn bị thay lá, những mầm nụ, những búp lá non đang lấp ló dần, bà Vàng Thị Hoa (người Tày, thôn Na Kim, xã Tà Chải, Bắc Hà, Lào Cai) lại lụi cụi đi lấy những khúc thân cây núc nác được đem về từ những lần đi rừng trong cả năm, phơi nỏ trên gác bếp xuống để đốt lấy than. Cây núc nác được người Tày coi là vật trừ tà ma, hay treo quả ở cửa. Cây núc nác dễ sống, mọc hoang cả trên núi, trong rừng, thậm chí ven đường đi. Thân, cành bẻ ra mang về bỏ lên gác bếp hong cho khô, cứ hong ở đó chờ đến khi nào cần dùng thì đem xuống.
Mùa Tết, một trong những việc cần chuẩn bị là gói bánh chưng. Khác với bánh chưng dưới xuôi, bánh chưng đen gói nhỏ và dài, chiều dài chắc chỉ độ hơn bàn tay một chút, vắt bánh đều đặn tròn căng hơi giống bánh tét nhưng ngắn hơn. Bánh dùng toàn đặc sản bản địa: nếp bản địa, lợn đen ở bản, hạt tiêu, thảo quả..., chỉ cần mở nồi ra vớt là cả nhà thơm sực mùi ấm nóng của nếp, của miếng thịt lợn béo tươm mỡ đượm ra nhân đỗ xanh, của tiêu cay nồng và thảo quả thơm quyện.
Bà Vàng Thị Hoa gói bánh chưng đen.
Gia đình bà Vàng Thị Hoa đã qua nhiều đời gói bánh chưng đen. Năm nay 60 tuổi, bà kể rằng trước kia, từ thời ông bà đã có tục gói bánh chưng đen truyền thống. Bà dạy cho mẹ, mẹ lại dạy cho con gái, cứ thế những người trong thôn Na Kim đã giữ được nghề truyền thống như vậy.
Giã than.
Than núc nác vừa được giã xong.
Điểm đặc biệt của bánh chưng đen Na Kim là chỉ sử dụng những nguyên liệu truyền thống của địa phương. Chẳng hạn như gạo nếp, là giống lúa nếp bản địa. Đã có người dùng loại nếp khác, ở đâu ngon nhưng vào bánh chưng đen Na Kim quả thực không hợp, phải đổi về giống nếp cũ. Nếu chẳng may năm nào đó mất mùa, bởi vì giống nếp bản địa này vốn cũng không được trồng nhiều, do tính chất thời tiết, khí hậu ở Bắc Hà chỉ trồng được một vụ lúa mỗi năm, thì người làm bánh phải lặn lội sang Điện Biên mua nếp. Không biết tại sao, ngoài nếp Bắc Hà, lại chỉ có giống nếp Điện Biên là hòa hợp được với những mùi vị đặc trưng độc đáo của bánh chưng đen Na Kim.
Sáng sảy than sau khi giã xong.
Còn nữa, bánh chưng đen nhiều vùng khác cũng có, nhưng phần lớn là đốt than từ rơm, trấu, chỉ riêng bánh chưng đen Na Kim là chỉ lấy than từ cây núc nác. Bản thân những cành, thân, gỗ cây núc nác khi đốt lấy than cũng phải đốt riêng, tuyệt đối không đốt chung với các loại gỗ, củi khác, không được tranh thủ đốt cùng bếp củi đun nấu bình thường.
Nguyên liệu làm bánh chưng đen.
Có nếp rồi, khâu quan trọng nhất là trộn than với nếp cho ra màu gạo đen đặc trưng. Gỗ cây núc nác phơi cho khô nỏ, đen đốt thành than. Quá trình đốt than này là lâu nhất, thường mất tới 2-3 tiếng đồng hồ. Bà Vàng Thị Hoa bảo, khi đốt phải trông bếp, sao cho gỗ cháy vừa đủ thành than là phải tắt bếp, lấy luôn than ra cất vào lọ, nếu không than sẽ cháy ra tro hết. Than đó đem giã hoặc nghiền vụn ra thành bột, trộn với gạo rồi đem đi giã, xong rồi mới sàng sảy sạch sẽ. Nhân bánh cũng có đỗ xanh đồ chín, thịt lợn đen trộn với muối, tiêu bột (tiêu hạt xay thành bột chứ không xay vỡ như dưới xuôi) và thảo quả cũng giã mịn hoặc xay thành bột. Bánh luộc hết khoảng 7-8 tiếng đồng hồ, vớt ra cũng để cho ráo hết nước ăn mới ngon.
Nếu ăn bánh chưng đen Na Kim, thì không nên giữ khẩu vị của bánh chưng xanh với thịt lợn quê ướp mắm tiêu ở dưới xuôi. Hạt nếp dày, nhuyễn, quyện với vị oi oi đầm đậm của than, miếng nhân đượm mùi thơm của miếng thịt lợn bản dày mỡ dày bì, lớp mỡ được đun nhừ trên lửa 7-8 tiếng tươm ra, ướp béo ngậy cả đám đỗ chung quanh đó, giữa mùi thơm tưng bừng và ấm sực của tiêu và thảo quả.
Bánh chưng đen trở thành công việc đem lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Vàng Thị Hoa.
Bà Hoa cho biết, trước kia chỉ vào mùa Tết mới làm bánh chưng, bây giờ nhu cầu mọi người ăn quanh năm, chưa kể vào mùa du lịch, du khách đến Bắc Hà ai cũng thích mua một vài cặp bánh về làm quà. Mỗi ngày, bà Hoa gói khoảng 7-8 kg gạo, tương đương với khoảng 40 chiếc. Hằng ngày bà bán ở quanh khu vực chợ và đền Bắc Hà. "Nhanh thì trong buổi sáng là hết, còn chậm thì lai rai, nhưng cứ cuối ngày là hết bánh". Có những đợt khách đặt nhiều, số lượng bánh lên tới cả trăm chiếc. Bình thường với nhân lực gồm hai vợ chồng bà, cùng vợ chồng cô con gái, không thể nảo làm xuể với các đơn đặt bánh nhiều như thế này. Nhưng từ ngày có sự hỗ trợ của dự án với nguồn vốn từ Chính phủ Australia thông qua Great tài trợ cho Trung tâm phát triển kinh tế CRED thực hiện, Tổ nhóm sản xuất bánh chưng Na Kim đã được thành lập, ban đầu có bốn thành viên, sau đã thu hút đông đảo hơn chị em phụ nữ tham gia. Các bà, các chị chia sẻ, hỗ trợ nhau thực hiện các đơn đặt hàng số lượng lớn, giúp nhau làm bánh hằng ngày, cũng như động viên nhau trong nhiều công việc khác. Có Tổ nhóm, nhiều đơn hàng lớn "đi" bon bon, nhẹ nhàng, không khó khăn, vất vả, mà ai cũng được hưởng lợi.
Một trong những điều mà bà Vàng Thị Hoa có chút lo lắng là, hiện tại con cháu trong nhà mải học, mải làm việc, không ai để ý đến việc học gói bánh chưng đen. Mà bánh chưng đen, ngoài việc là một món ăn đặc sắc của Bắc Hà, còn có ý nghĩa trong đời sống của người Tày ở Bắc Hà, giống như bánh chưng xanh của người Việt. Thế nhưng, có lẽ, giống như lẽ tự nhiên, hay như giống nếp bản địa của Bắc Hà, có thể không nhiều, nhưng bánh chưng đen vẫn có những cách để tồn tại, để được gìn giữ qua nhiều thế hệ, như nó đã từng được gìn giữ.
Kỳ 2: Đậm đà thịt trâu gác bếp Tây Bắc Thịt trâu gác bếp (hay còn gọi là trâu hun khói) là đặc sản trứ danh vùng Tây Bắc. Trong những ngày Tết, món đặc sản này được nhiều người mua làm quà tặng người thân, bạn bè hoặc đãi khách. Thịt trâu gác bếp - món đặc sản vùng Tây Bắc. Thịt trâu gác bếp có nguồn gốc từ dân tộc Thái....