Tôm càng xanh “cứu” lúa ở Vĩnh Thuận
Huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng có thế mạnh về trồng lúa và nuôi thủy sản. Do thời tiết diễn biến phức tạp nên năm 2016, người trồng lúa phải hứng chịu nhiều thiệt hại, song bù lại bà con lại có một vụ tôm càng xanh bội thu.
Gặp phóng viên, chị Võ Thị Kim Chi ngụ ấp Ba Đình, xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) cho biết: “Năm vừa qua, gia đình tôi thả nuôi 3ha tôm càng xanh và đã thu hoạch được 2 vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng”. Cũng theo chị Chi, trước kia gia đình chị trồng lúa và nuôi tôm sú. Tuy nhiên, thời gian gần đây trồng lúa cho hiệu quả không cao, nhất là năm 2016, nhiều diện tích lúa bị mất trắng do nhiễm mặn. Trong khi đó, nuôi tôm sú thu nhập cũng không được như ý nên từ 2 năm gần đây, gia đình chị đã quyết định chuyển hẳn sang nuôi tôm càng xanh và đạt hiệu quả rất khả quan.
Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: T.H
Hộ anh Nguyễn Văn Thừa (ngụ ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam) cũng bắt đầu chuyển sang nuôi tôm càng xanh từ đầu năm 2016. Anh Thuận cho biết: “Khoảng 15-16 năm trước, diện tích hơn 3ha của gia đình tôi chỉ trồng được lúa 2 vụ và dừa nước, nhưng kém hiệu quả. Sau đó ít năm gia đình chuyển đổi sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Lúc đầu mô hình này cũng không mấy hiệu quả, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi. Chỉ khoảng 5-6 năm nay, nhờ tìm hiểu kỹ cách cải tạo vuông nuôi, chọn con giống, phương pháp chăm sóc nên mô hình 1 lúa – 1 tôm đã cho thu nhập khá. Đặc biệt năm 2016, tôi chuyển sang nuôi tôm càng xanh trên cả 3ha, với 2 vụ nuôi/năm, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng”.
Thống kê của Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, hiện tổng diện tích tôm thả nuôi của huyện đạt gần 25.000ha; sản lượng thu hoạch trên 11.000 tấn, trong đó, riêng tôm càng xanh đạt trên 5.000 tấn. Theo ông Phan Văn Cử – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, nhờ sản lượng tôm nuôi đạt kết quả cao nên sẽ bù đắp cho hơn 50% giá trị sản lượng lúa bị hao hụt do bị nhiễm mặn trong năm 2016.
Video đang HOT
Tương tự, tại các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, một phần của xã Bình Minh (Vĩnh Thuận), dọc sông Cái Lớn người dân cũng trúng đậm vụ nuôi tôm càng xanh. Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Bình Nam, đến đầu quý I.2017, diện tích nuôi tôm toàn xã đạt trên 2.800ha, sản lượng trên 1.956 tấn, năng suất bình quân trên 361 kg/ha. Riêng xã Vĩnh Bình Bắc, diện tích nuôi thủy sản (chủ yếu nuôi tôm) đạt trên 2.200ha, tổng sản lượng 1.560 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Diện tích nuôi tôm được mở rộng, sản lượng tôm tăng cao, đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân tăng thu nhập.
Anh Lâm Văn Thoại (ở ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam) khẳng định: “Nuôi tôm càng xanh bây giờ khỏe re, kỹ thuật đơn giản hơn nuôi tôm sú nhiều. Gia đình tôi vừa thu hoạch 1,5ha, sau khi trừ các chi phí, thu về lợi nhuận gần 70 triệu đồng”.
Năm 2016, nông dân huyện Vĩnh Thuận lao đao vì cây lúa bị nhiễm mặn, dẫn đến mất mùa nghiêm trọng, nông dân gần như mất trắng. Tuy nhiên, với sự linh hoạt của bà con nông dân khi chọn con giống phù hợp, tôm càng xanh đã làm ruộng đồng nơi đây “hồi sinh”.
Theo Danviet
Tôm càng xanh phù hợp với vùng bị xâm nhập mặn
Tôm càng xanh là vật nuôi phù hợp với nước có độ mặn từ 4 - 6, thậm chí 10, đạt giá trị kinh tế cao, bền vững cho người nông dân. Đặc biệt, tôm càng xanh toàn đực nuôi bán thâm canh trong ao tôm biển sẽ đạt lợi nhuận từ 44% trở lên so với vốn đầu tư.
Vật nuôi phù hợp vùng mặn
Ông Lê Văn Từng, ngụ ấp Giồng Lân, xã An Hiệp, H.Ba Tri (Bến Tre), cho biết qua hơn 6 tháng thả 24.000 con tôm giống càng xanh toàn đực nuôi bán thâm canh trong ao tôm biển 3.000 m2, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng. Tương tự, ông Phạm Hữu Nghĩa (ấp 5, xã An Đức, H.Ba Tri) thả 24.000 con tôm giống thu lãi 25,6 triệu đồng; ông Phạm Văn Oanh (ấp Giồng Sao, xã An Ngãi Tây, H.Ba Tri) cũng thu lãi 18 triệu đồng từ nuôi tôm càng xanh trong ao tôm biển của gia đình.
Thu hoạch tôm càng xanh nuôi vùng mặn ở Bến Tre.
Theo ông Châu Hữu Trị, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bến Tre, những năm gần đây, tình hình nuôi tôm biển gặp nhiều khó khăn do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp cho nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu, năm 2015 Trung tâm KNKN triển khai mô hình trình diễn "nuôi tôm càng xanh toàn đực theo hình thức bán thâm canh" trong vùng nuôi tôm biển.
Mô hình được thực nghiệm tại 3 xã thuộc vùng mặn của H.Ba Tri, tôm nuôi trong diện tích 3.000 m2/hộ. Bình quân tỷ lệ lợi nhuận của những hộ tham gia mô hình này đạt 44% so với tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, tôm càng xanh sống, sinh trưởng tốt trong nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6, thậm chí 10. Đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn hiện nay. Giá trị kinh tế của tôm càng xanh mang lại rất cao, ít vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ rất tốt, bền vững cho người nông dân. Mô hình này không sử dụng thuốc và hóa chất như nuôi tôm biển, nên không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thủy hải sản khác.
Ông Trị cho biết nông dân trước khi thả nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao tôm biển thì cần tháo cạn nước, nạo vét bùn, diệt tạp, tu sửa lại bờ, cống, phơi đáy và bón vôi... Bình quân 1 ao 3.000 m2 thả 24.000 con giống có kích cỡ từ 1,5 - 2 cm là phù hợp nhất. Thức ăn cho tôm càng xanh ăn trong suốt quá trình nuôi là thức ăn công nghiệp. Giai đoạn đầu cho ăn thức ăn bột pha với nước tạt đều xung quanh ao, khi chuyển sang thức ăn viên thì rải đều quanh ao. Trong 2 tháng đầu cho ăn 3 lần/ngày, sau đó cho 2 lần/ngày...
Ông Trị cho hay nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh trong ao tôm biển, chi phí đầu tư cho 3.000 m2 khoảng 50 triệu đồng, khá phù hợp cho người ít vốn. Lãi thu được sau khi trừ chi phí có thể đạt 50% vốn đầu tư.
Nhân rộng mô hình
Tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện môi trường nước có độ mặn cao. Tuy nhiên, quá trình tăng độ mặn phải từ từ, tránh tình trạng tăng đột biến khiến tôm bỏ ăn và hao hụt. Tôm càng xanh thời gian qua chưa được phát triển mạnh là do trước đây nuôi tôm bình thường, nay đã lai tạo được giống tôm toàn đực, nuôi lớn nhanh, cho năng suất cao.
Đặc biệt kỹ thuật nuôi mới là giăng lưới, bẻ càng nên khi con tôm lột tránh được tình trạng con này ăn con kia, cho ăn thức ăn công nghiệp, dùng quạt tạo ô xy... Đối với những ao nuôi tôm biển khó khăn, việc thả nuôi tôm càng xanh theo quy trình kỹ thuật mới này sẽ cho lượng tôm thu hoạch có tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả cao. Thị trường tôm càng xanh tuy có biến động nhưng vẫn ở mức người nuôi có lãi. Hiện lãnh đạo H.Ba Tri đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình nuôi tôm thành công trong tỉnh và xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện mặn xâm nhập.
Ông Châu Hữu Trị cho hay năm 2016, Trung tâm KNKN Bến Tre tiếp tục thực hiện thêm 2 mô hình điểm để nhân rộng ra toàn địa bàn tỉnh. Đây là một định hướng phát triển nằm trong "đề án tái cơ cấu nông nghiệp" trước điều kiện mặn xâm nhập sâu, dịch bệnh trên tôm biển khó lường. Tôm càng xanh được xác định là đối tượng nuôi lý tưởng trước yêu cầu nêu trên.
Theo Khoa Chiến (Thanh Niên)
Tôm sú, tôm càng "đầu hàng" tôm thẻ Chạy theo lợi nhuận trước mắt, người dân nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ con tôm truyền thống (tôm càng xanh, tôm sú), đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ngành chức năng đã cảnh báo, việc gia tăng quá nhanh diện tích nuôi tôm thẻ sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Ồ ạt "xé...