Tôm càng xanh chết hàng loạt vì nước mặn
Hơn 1.400 ha ao nuôi tôm càng xanh, cá tra bị thiệt hại 30% do nước có độ mặn cao, khiến nhiều nông dân thua lỗ.
Buổi trưa, ông Nguyễn Văn Thường (51 tuổi, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú) cầm thau nhựa xuống xuồng, bơi ven bờ ao tôm 1,6 ha. Dọc bờ ao, những con tôm càng xanh bốn tháng tuổi, to bằng ngón tay cái, vỏ ngả sang màu gạch chết nổi lềnh bềnh. Ông Thường một tay bơi xuồng, tay còn lại vớt những con chết lẫn những con lờ đờ. Sau nửa tiếng, số tôm trong thau đã gần 2 kg, ông thường mang ra sau nhà, những con còn sống ông biếu người quen, còn tôm chết ông đào một hố nhỏ rồi chôn lấp để khỏi lây lan mầm bệnh cho các ao khác.
Địa phương có truyền thống nuôi tôm càng xanh quảng canh xen với lúa, từ tháng 8 âm lịch, ông Thường bắt đầu gieo sạ, đến tháng 11 khi lúa bắt đầu chín thì thả tôm. Năm nay, do mặn xâm nhập sớm và sâu, nhiều nông dân không kịp trở tay, đa số lúa bị nhiễm mặn. Diện tích lúa nhà ông Thường đã sớm đắp bờ ngăn, nhưng nước mặn vẫn vào đồng, thiệt hại khoảng 50%. Gia đình ông chỉ còn trông vào vụ tôm, nên thả 250.000 con tôm sú, càng xanh giống, chi phí con giống lẫn thuốc men, thức ăn hơn 80 triệu đồng.
“Vụ năm ngoái, lúa lẫn tôm trừ chi phí tôi lãi 150 triệu đồng. Vụ này dự kiến chỉ hơn một tháng nữa là thu hoạch, nhưng giờ chắc trắng tay”, ông Thường nói.
Nhiều nông dân như ông Thường cho hay, nếu tình hình này kéo dài, sang năm nông dân sẽ tính đến phương án thay đổi giống lúa lẫn giống thủy sản, để thích nghi với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Tôm càng xanh bốn tháng tuổi chết do nước quá mặn, được ông Nguyễn Văn Thường vớt lên từ ao nuôi. Ảnh: Hoàng Nam.
Kế bên vuông tôm của ông Thường, mấy hôm nay, bà Lê Thị Sương (74 tuổi) cùng ba người con thay phiên nhau dùng vợt lưới đi quanh ao vớt tôm chết. Gia đình bà có hơn 4 ha tôm càng xanh, thời điểm này những năm trước, chỉ cần quăng chài xuống ao là bắt được mấy ký tôm. Còn bây giờ, ao tôm chỉ còn trơ nước, mỗi ngày phải vớt cả nghìn con tôm chết đem chôn.
“Những năm trước, nước mặn lắm cũng chỉ 17 phần nghìn trở lại, con tôm càng xanh còn chịu được, còn năm nay, độ mặn đo dưới ao đã trên 20 phần nghìn, cứ đà này vài hôm nữa ao tôm sẽ chết hết”, bà Sương nói.
Toàn xã Mỹ An có khoảng 330 ha ao nuôi tôm càng xanh quảng canh, đa số đều thiệt hại khoảng 80%. Theo người dân, đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không như bây giờ.
Video đang HOT
Gần 2 kg tôm càng xanh chết dưới ao được chủ vuông vớt lên, đem đi chôn để không ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Nam.
Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500 ha ao nuôi cá tra, trê, mè.
Vụ này, do nước quá mặn làm thủy sản nuôi ăn yếu, chậm lớn và hao hụt, gần 1.000 ha ao nuôi tôm càng xanh và hơn 400 ha ao nuôi cá tra, mè bị ảnh hưởng khoảng 30%, thiệt hại sơ bộ gần 80 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ đến các địa phương nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ thông tin chuyên môn cần thiết để sớm có biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Hạn mặn năm nay vượt mốc lịch sử 2016, đã làm khoảng 95.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Dự báo, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4. Ở các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An), nước mặn sẽ xâm nhập sâu 100 -110 km.
Đến nay, 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Chính phủ cũng vừa đồng ý hỗ trợ 5 tỉnh này 350 tỷ đồng để chủ động ứng phó tình trạng thiếu nước.
Hoàng Nam
Hạn mặn miền Tây khốc liệt: Giọt nước chở từ Bình Dương xuống Bến Tre cho dân
Hai doanh nghiệp ở Bình Dương chở 6.000 m3; 800 bình chứa nước ngọt loại 21 lít; 5.000 bình chứa loại 30 lít về cho người dân Bến Tre giữa hạn mặn khốc liệt đang uy hiếp miền Tây.
Liên tục có hàng trăm người đã kéo đến để được cấp phát nước ngọt miễn phí của các doanh nghiệp Bình Dương. Ảnh: Bắc Bình
Ngày 16.3, ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTT VN) tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị đang phối hợp với Chi cục Thủy lợi Bến Tre tiếp nhận nước ngọt và dụng cụ trữ nước để phân phát cho các hộ dân đang thiếu nước ngọt sử dụng do hạn mặn tại 3 địa phương này.
Theo ông Đảnh, sà lan trọng tải 1.200 m3 nước ngọt đầu tiên của Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương đã cập bến sông Bến Tre tại bờ kè phường 7, TP.Bến Tre và cấp phát nước cho bà con trên địa bàn TP.
Một cụ già đã mang dụng cụ chứa nước đến bưng nước ngọt về Ảnh: Bắc Bình
Theo kế hoạch, Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương sẽ hỗ trợ miễn phí tổng cộng 6.000 m3 nước và 800 bình chứa nước ngọt loại 21 lít/bình cho bà con đang khó khăn về nước ngọt ở TP. Bến Tre, H.Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Đây là nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Song song đó, Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) tặng bà con đang gặp thiên tai xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre 5.000 thùng chứa nước loại 30 lít, đồng thời cho mượn 2 xe chuyên dụng vận chuyển nước ngọt và chịu tất cả chi phí nhân công, nhiên liệu vận hành chở nước ngọt đến các xã, ấp đang thiếu nước ngọt ở Bến Tre.
Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương phát nước ngọt và lượng người đến lấy nước ngày càng đông đúc hơn Ảnh: Bắc Bình
Theo ông Đảnh, từ khi Bến Tre công bố thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, đầu mối là MTTQVN tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước ngọt để phân phát cho bà con. Tuy vậy, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 100.000 dân (trong đó có hơn 5.000 hộ nghèo, cận nghèo) vẫn đang thiếu nước ngọt trầm trọng.
Diễn biến xâm nhập mặn đang hoành hành hết sức phức tạp gây ảnh ngày càng nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và càng ngày càng nhiều hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng ở Bến Tre.
Bị "hù" khi vừa chở nước đến cho bà con
Ông Đỗ Minh Cường, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương cho biết chuyến sà lan chở nước đầu tiên cập bờ sông Bến Tre vào đêm 15.3 và không lâu sau đó các nhân viên vận chuyển nước bị một số người lạ mặt "hù dọa" sẽ gây bất lợi cho họ và nguồn nước này.
Tuy vậy, nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng địa phương nên những người lạ mặt đã không còn xuất hiện xung quanh sà la chở nước nữa, ông Cường thông tin.
Lực lượng chức năng và công an khu vực liên tục có mặt tại khu vực cấp phát nước miễn phí để đảm bảo trật tự và giúp đỡ cho những người gặp khó khăn khi vận chuyển nước về nhà Ảnh: Bắc Bình
Rất đông các xe lôi chở bồn chờ đợi lấy nước ngọt miễn phí đi bán nhưng đa số họ đều thất vọng rời khỏi Ảnh: Bắc Bình
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, từ sáng sớm tại khu vực cấp phát nước, ông Đoàn Văn Đảnh và ông Nguyễn Phúc Linh, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bến Tre, đại diện UBND TP. Bến Tre và công an khu vực đã liên tục có mặt tại đây.
"Nguồn nước này có chất lượng tốt hơn nhiều so với nước mà tôi đã mua từ các sà lan đậu tại Bến Lở (P.1, TP.Bến Tre) với giá 250.000 đồng/m3. Nước trong trẻo, ngọt mát hơn hết thảy những nguồn nước ngọt mà tôi đã sử dụng trong đợt thiên tai năm này", bà Trần Sa Riêng (ở P.6, TP. Bến Tre) chia sẻ.
Càng về trưa, số lượng người đến xin nước càng đông đúc hơn và liên tục có đến hàng trăm người dân trên địa bàn TP. Bến Tre mang dụng cụ đến để được cấp phát nước chở về nhà.
Theo thanhnien.vn
Đây là thứ giúp dân miền Tây thoát ám ảnh khát cháy: Bẫy nước ngọt Hạn hán, mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng phức tạp, bất thường. Phần lớn các con sông, giếng, ngay cả nước máy cũng đều bị nhiễm mặn và lợ. Cây cối héo khô, mất mùa vì thiếu nước thì người dân nơi đây cũng đang điêu đứng trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Cây lúa...