“Tôi xin trả anh về với chị”
Tôi ngó người phụ nữ ấy y như thể trước mặt mình là một người ngoài hành tinh. Tôi không bao giờ quên cái ngày anh “đi công tác” về và chìa tờ đơn ly dị trước mặt tôi: “ Anh đã suy nghĩ kỹ. Nếu cứ kéo dài cuộc sống thế này thì chỉ làm khổ nhau thôi. Em ký đi để chúng ta giải thoát cho nhau”.
Giọng anh thật nhẹ nhàng mà tôi nghe như có trăm ngàn mũi kim đâm vào tim mình. “ Anh muốn sống với cô ấy thì cứ dọn ra ở riêng, em không muốn các con bị sốc. Bé Thư sắp sửa thi tốt nghiệp mà anh…” - tôi cố kiềm nhưng nước mắt cứ tuôn trào. Anh im lặng một lúc rồi lắc đầu: “Tụi nó lớn hết rồi. Nếu cái gì cũng vịn lý do con cái còn nhỏ dại thì sẽ không bao giờ giải quyết dứt khoát được mớ bùi nhùi này đâu. Anh đã quyết rồi. Em không ký thì anh cũng sẽ đơn phương nộp đơn ly hôn“.
Anh nói và làm đúng như vậy. Tòa mời hòa giải, tôi giấu con, lẳng lặng ra tòa một mình. Tôi không chấp nhận ly hôn nhưng lý lẽ không đủ sức thuyết phục quan tòa và cả anh. Sau 2 lần hòa giải không thành, vị thẩm phán nói riêng với tôi: “ Anh ấy đã không muốn thì chị cũng đừng cố. Một khi anh ấy muốn sống với người khác thì chị có níu kéo cũng vô ích, lại càng làm cho anh ấy có cớ gây khó dễ cho mấy mẹ con. Thật tình nhìn chị, tôi cũng không đành lòng nhưng đã là luật pháp thì phải chấp hành…”.
Khi bé Thư biết chuyện, nó gần như câm nín bởi xưa nay, trong mắt chị em nó, anh là một người cha toàn mỹ. Nó luôn tự hào với bạn bè, thầy cô vì có cha là một cán bộ khoa học giỏi giang, là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng. Câu nó hay nói với bạn bè là: “Ba tao đó!” với ánh mắt sáng ngời. Vậy mà giờ đây, mọi thứ đã sụp đổ trước mắt nó. “Tại sao lại như vậy hả mẹ? Tại sao ba mẹ ly dị? Chẳng lẽ từ trước tới nay, hai người đóng kịch trước mặt tụi con?”- nó hỏi tôi mà nước mắt giàn giụa.
Đúng là chúng tôi đã đóng một cách xuất sắc vở kịch hạnh phúc trước mắt các con kể từ khi anh gặp lại người yêu cũ sau nhiều năm thất lạc. Anh bảo cuộc chia ly trước đây là do hoàn cảnh, Ngọc vẫn chưa yêu ai dù đã nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài. Và điều quan trọng nhất là hai người vẫn còn yêu nhau. Anh muốn bù đắp cho Ngọc những gì mà ngày xưa hai người đã thề nguyền. Ngày trước, cô ấy vẫn đi đi về về thì anh không đòi ly hôn; còn bây giờ, người ta đã về ở hẳn nên anh muốn mọi việc phải dứt khoát, rõ ràng.
Vậy là cuộc hôn nhân kéo dài 18 năm của chúng tôi chấm dứt. Tôi không biết mình buồn hay vui vì suốt một tuần lễ, tôi không nghĩ được gì, làm được gì. Cả chuyện ăn uống, tôi cũng không nhớ. Đến nỗi bé Thư trở thành người an ủi, động viên mẹ: “ Mẹ còn có con và em Quân mà, mẹ có bề gì, tụi con biết sống với ai?”. Nói rồi nó lại ôm mẹ mà khóc.
Video đang HOT
Không lẽ tôi tự mắng mình vì vẫn còn bận lòng về những kẻ không xứng đáng? (Ảnh minh họa)
Cái cảnh con dỗ dành mẹ rồi mẹ lại dỗ dành con kéo dài rất lâu nhưng cuối cùng rồi cũng chấm dứt. Tôi bảo con: “Dù sao thì mình vẫn phải sống con à”.
Vậy là mẹ con tôi quyết định đứng dậy để sống cho thật tốt, thật đàng hoàng để không ai có lý do gì bảo rằng, cái nhà ấy không có nóc. Bé Thư vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, vào đại học. Thằng Quân noi gương chị cũng cố gắng học giỏi để mẹ vui lòng.
Tôi không ngờ, cuối cùng mọi thứ bỗng trở nên thoải mái, dễ chịu như vậy. Chỉ 3 năm sau khi ly hôn, vết thương mà anh gây cho tôi đã lên da non. Tôi nói với bé Thư: “ Hạnh phúc của mẹ bây giờ là hai chị em con”. Con bé dụi đầu vào ngực mẹ: “Con thương mẹ quá!”.
Cứ tưởng mọi thứ sẽ êm trôi theo ngày tháng, tôi sẽ không còn phải bận tâm bất cứ điều gì về anh. Vậy mà một ngày kia, Ngọc tìm đến tận nhà, xin phép được “nói chuyện phải trái với tôi”. Lần đầu tiên khoảng cách giữa tôi và người phụ nữ ấy gần nhau như vậy.
Câu chuyện của cô ta bắt đầu bằng người đàn ông chung của hai người. “ Chúng tôi chỉ hạnh phúc được thời gian đầu. Vỏn vẹn chừng 3 tháng. Sau đó thì anh ấy bắt đầu thay đổi, tính tình cộc cằn, thô lỗ, hay nổi nóng, đòi hỏi vô lý… Tôi làm sao có thể chìu chuộng anh ấy như chị? Làm sao có thể hầu hạ anh ấy ngày ba bữa cơm, giặt giũ quần áo và ủi sẵn cho anh ấy, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng… Tôi cũng phải đi làm, cũng có cuộc sống riêng của mình chứ đâu phải là vật sở hữu của anh ấy? Bây giờ tôi xin trả ảnh về với chị. Tôi đã gởi đơn ly hôn. Mong chị hãy rộng lòng đón nhận anh ấy trở về bởi tôi biết chỉ có chị mới có thể làm một người vợ tốt của anh ấy…”.
Tôi ngó người phụ nữ ấy y như thể trước mặt mình là một người ngoài hành tinh. Đây là người phụ nữ mà chồng tôi đã đánh đổi vợ con mình sao? Nếu đúng vậy thì cái sự học, sự nhận thức của anh quá kém cỏi. Có lẽ chính vì vậy mà anh im lặng chịu đựng chớ không dám hé môi than phiền dù không ít lần tôi gặp anh đầu bù, tóc rối mỗi khi ghé thăm con.
Bất giác tôi nổi giận. Tôi bảo cô ta: “ Tôi có cuộc đời của tôi, không liên quan gì tới mấy người. Làm ơn về đi cho”. Nói rồi tôi bảo bé Thư tiễn khách.
Chừng một tuần lễ sau, con bé thỏ thẻ nói với tôi: “ Ba và cô Ngọc gọi điện bảo tụi con tới ăn cơm…”.Tôi nhìn con, lẩm bẩm: “ Đúng là đồ khùng!”.
Tôi chẳng biết mình mắng ai khùng nhưng trong lòng thấy tức giận vô cùng. Và tôi cũng không hiểu vì sao, suốt mấy ngày qua, tôi cứ luôn miệng lẩm bẩm một cách vô thức: “Đúng là đồ khùng!”.
Không lẽ tôi tự mắng mình vì vẫn còn bận lòng về những kẻ không xứng đáng?
Theo 24h
Khi người tình xin... một đứa con
Anh bạn tôi tâm sự: có người vừa "xin" anh một đứa con. Anh bảo còn đang suy nghĩ, nhưng quả thật có vẻ hào hứng, cùng với câu nói cửa miệng "đàn ông mà, có gì để mất".
Điều kiện kinh tế của anh khá vững vàng, người tình của anh vừa xinh đẹp vừa đáng yêu, rất ngưỡng mộ anh, chỉ muốn "giữ lại chút gì làm kỷ niệm".
Dù tôi hết lời khuyên can, nhưng đáp lại anh chỉ cười cười, cho rằng đời phải có những bí mật nho nhỏ, những niềm vui ngoài luồng, thì mới... thú vị. Hơn nữa, anh cũng thích có thêm một cô con gái (anh đã có hai con trai... hàng "chính hãng" rồi).
Hệ lụy sau khi có con ngoài dã thú là tất yếu...
Tôi chẳng biết làm gì hơn, đành buông xuôi, kèm hăm dọa rằng, rồi anh sẽ phải ân hận đấy, hệ lụy nhiều lắm. Nhưng anh gạt đi, cho rằng tôi chỉ khéo lo...
Cô nhân tình bé bỏng của anh sau khi sinh con, bắt đầu yêu sách, đòi hỏi. Đủ mọi "chiêu" được đưa ra, khi thì con bệnh, con thèm, con muốn. Khi thì so sánh với các con anh, sao chúng có cái này, cái kia. Rồi thì sao anh nỡ để vợ con mình sống xập xệ thiếu thốn. Và cái điều anh có nằm mơ chắc cũng không dám nghĩ tới, người yêu bắt đầu tấn công sang vợ anh, ghen ngược, yêu cầu anh đủ thứ trách nhiệm, bổn phận...
Câu chuyện của anh bạn làm tôi nhớ đến một trường hợp khác. Anh T. làm ăn thất bại, phải quay về bên vợ con để tìm hướng giải quyết. Đau đầu nhất là ngay lúc khó khăn đó, cô bồ, người có với anh đứa con ngoài giá thú, đã liên tục làm mình làm mẩy. Cho rằng anh bỏ rơi cô ấy để quay về với vợ con, cho rằng anh tham tiền nên đánh đổi tình yêu bấy lâu, cô bồ bất chấp lời năn nỉ hãy cho anh thời gian để thu xếp công việc, cứ đòi anh phải qua lại chăm nom, yêu đương lãng mạn như ngày nào. Anh chẳng còn tâm trí đâu mà đáp ứng.
Và chuyện gì đến phải đến. Vợ bé của anh đã tung hê tất cả, cố tình để gia đình anh biết chuyện dan díu giữa họ. Ngay lúc hoang mang vì thất bại trong sự nghiệp, anh càng trắng tay khi bị cả nhà hắt hủi... Ngập trong mớ bòng bong do chính mình gây ra, anh cười như mếu, bảo từ nay xin chừa.
Nhiều người đàn ông, sau khi tạo dựng được sự nghiệp, bắt đầu nghĩ đến chuyện ưu ái bản thân, tận hưởng cuộc sống để bù lại những năm tháng cực khổ. Họ cứ nghĩ đơn giản, đàn ông mà, chỉ là vui chơi qua đường, miễn đừng mang bệnh và không ảnh hưởng đến gia đình là được. Nhưng mấy ai hiểu, những cuộc tình chóng vánh bên ngoài đó chẳng phải không để lại di chứng gì, mà thậm chí còn rất nặng nề. Nhất là khi một cô gái trẻ quyết tâm có con thì đừng nên xem đó là bình thường. Họ viện dẫn đến tình yêu, đến gắn bó, nhưng xin thưa, cái giá phải trả của những người đàn ông ham vui vô cùng đắt đỏ.
Câu chuyện của đồng nghiệp tôi là một ví dụ. Một cô gái tỏ ra quan tâm anh H. hơn mức bình thường, luôn tỏ ra sẵn sàng đến với anh dù cô ấy biết rõ gia đình anh đang hạnh phúc, bình thường. Đàn ông mà, cứ thử một lần xem sao. Quả thật anh cũng vô cùng hào hứng và đầy cảm xúc với sự mới mẻ và tươi trẻ của cô. Mãn nguyện là vậy, nhưng anh cũng thường xuyên mang cảm giác ân hận và có lỗi với vợ con, dù đã cố bù đắp. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ được một thời gian, cho đến ngày cô gái kia yêu cầu anh ly dị vợ để cưới cô ấy, nếu anh ngại thì cô ta sẽ nói chuyện thẳng với vợ anh.
Khi đó, anh H. mới hốt hoảng. Sau lúc bối rối và nhiều suy tính, cũng có tiếc nuối, anh quyết định sẽ cho cô một khoản tiền lớn và khuyên cô nên tìm người đàn ông khác có thể mang lại cho cô ấy một mái gia đình.
Khỏi phải nói, "thỏ con đáng yêu" ngay lập tức nổi khùng lên. Cô ta cào cấu anh một trận tơi tả và gọi ngay cho vợ anh khiến người phụ nữ tội nghiệp ngã bệnh vì không chịu nổi cú sốc khủng khiếp đó. Anh như người tỉnh lại sau cơn say dài, ra sức chăm sóc, xin lỗi vợ. Cũng may, nhờ người vợ bao dung mà gia đình họ không tan nát, nhưng giữa hai vợ chồng đã có một vết rạn. Vợ anh thi thoảng vẫn thở dài buồn bã. Những lúc đó, anh đau như bị ai cứa dao vào lòng, day dứt...
Ai bảo, đàn ông thì chẳng có gì để mất?
Theo PNO
Chúng ta cưới Hai người gặp nhau, yêu nhau, kết thúc là một đám cưới và dọn về sống chung một nhà. Từ đây họ tạo cho mình một tổ ấm riêng, với nhiều trách nhiệm hơn trước sự chứng kiến và chúc phúc của gia đình bè bạn. Kẹo lá dừa Có kẻ theo chồng với nụ cười nở trên môi, có kẻ ngậm ngùi...