‘Tôi vào khu cách ly, ăn tết cùng con’
“Tôi không lo điều kiện ăn ở của con có vấn đề, mà muốn vào để động viên, ăn Tết cùng cho cháu đỡ tủi thân”, anh Hải nói khi quyết định cùng con trải qua 21 ngày cách ly ở trường.
Chị Hương (trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không quên được buổi tối “bão táp” mà cả nhà phải chuẩn bị đồ đạc cho con đi cách ly ngay trong đêm. Từ 6h chiều 30/1, khi Bộ Y tế công bố thêm danh sách các ca bệnh mới, tin nhắn trong nhóm lớp học của con chị liên tục đổ về. Các phụ huynh bày tỏ sự sốt ruột khi danh sách ca bệnh có tên một phụ huynh của lớp.
Cả buổi tối hôm đó, chị Hương cầm điện thoại không rời. Vợ chồng chị ngồi suốt mấy giờ trong tâm trạng bồn chồn, thấp thỏm, liên tục cập nhật thông tin từ nhóm chat của phụ huynh.
Đến 22h, điều mà anh chị không mong muốn nhất ập đến. Cô giáo thông báo Hà Nội ghi nhận thêm ca mới mắc Covid-19, là bạn học cùng lớp với con gái chị. 57 học sinh lớp 3E, trường Tiểu học Xuân Phương, vừa từ F2 trở thành F1. Chị Hương nhận được tin con mình phải đi cách ly tập trung ngay trong đêm.
“Con bé ôm chị nó rồi cả 2 khóc như mưa. Vợ chồng tôi lúc ấy cũng lo đến phát khóc, nhưng phải cố gắng bình tĩnh để chuẩn bị đồ đạc cho cháu”, chị Hương kể.
Tiếp tế đồ chơi, truyện tranh cho trẻ trong khu cách ly
Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) đang cách ly nhiều học sinh sau khi tiếp xúc với ca mắc Covid-19. Phải ở đây qua Tết, nhiều phụ huynh chuẩn bị bánh chưng, đồ chơi cho các em.
Cả nhà là F2
Sau khi nhận thông tin con phải cách ly ngay trong đêm, chị Hương nén nỗi lo, vội vàng đi chuẩn bị quần áo và một số vật dụng cá nhân cho con. Không thể mang đồ đạc quá cồng kềnh, chị tự nhủ sẽ tiếp tế đồ cho con những ngày tới.
Cả đêm đó, cả nhà chị không ai chợp mắt nổi. Chỉ trong vài giờ, con gái chị bỗng nhiên trở thành F1 và cả nhà là F2. Đủ thứ suy nghĩ hỗn độn xuất hiện lúc đó nhưng chị không dám nghĩ đến điều tồi tệ nhất.
Nhiều phụ huynh mang sách, truyện và đồ cá nhân vừa tiếp tế cho con mình đang cách ly ở trường Tiểu học Xuân Phương, vừa ủng hộ nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà.
Đến hôm sau, em gái chị Hương là giáo viên của trường Tiểu học Xuân Phương thông báo sẽ vào khu cách ly của trường. Dì sẽ vừa chăm cháu, vừa chăm sóc những bạn học sinh khác của lớp trong 21 ngày tới. Nỗi lo của chị Hương giảm còn một nửa.
“Đêm đầu tiên cách ly, cháu còn lạ lẫm nên khá lo lắng, khóc nhiều. Nhưng đến hôm nay, tâm lý ổn định hơn, lại thấy có cô giáo và các bạn cùng lớp nên cháu vui vẻ hơn nhiều, đã chơi đùa với các bạn và đọc sách, học tập theo hướng dẫn của các cô”, chị Hương kể sau 2 ngày xa con.
Nhắc đến cái Tết đang cận kề trong khi con gái và em gái của chị chắc chắn ăn Tết trong khu cách ly, chị Hương nói rằng điều đó không còn quan trọng với chị nữa. Điều chị quan tâm nhất hiện tại là tình hình sức khỏe của con. Với chị, không gì sung sướng hơn khi được nhìn thấy kết quả xét nghiệm âm tính của hai dì cháu.
Phụ huynh xin cách ly cùng con
Cùng tâm tư với chị Hương, anh Hải (phụ huynh của học sinh lớp 3E) nhận được thông tin con phải đi cách ly trong khi đang làm việc ở xa. Mặc dù đã có vợ ở nhà quán xuyến mọi việc, anh vẫn trở về và quyết định sẽ vào khu cách ly cùng con.
Chiều 1/2, anh đến trước cổng khu cách ly, đề xuất với lực lượng chức năng được vào trong để cách ly 21 ngày cùng con. Hai vợ chồng anh mang theo một vali quần áo, vài đồ đạc cá nhân, thấp thỏm đứng bên ngoài chờ quyết định của đơn vị quản lý khu vực cách ly.
Anh Hải tạm biệt vợ, vào trong khu cách ly tập trung để chăm sóc con trai trong 21 ngày tới. Ảnh: Mỹ Hà .
Nhận được yêu cầu bất ngờ từ phụ huynh, bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, giải thích rõ với anh Hải rằng ở trong khu cách ly, cô giáo và nhà trường đã đảm bảo chăm sóc sức khỏe, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cho các cháu một cách tốt nhất. Nếu phụ huynh có công việc cần giải quyết, có thể yên tâm trở về nhà và liên lạc hàng ngày với con qua điện thoại.
Nhưng lời giải thích của nhà trường không xoa dịu được nỗi lo lắng trong lòng anh. Sau vài phút cân nhắc, anh quyết định vẫn vào cách ly cùng con. “Tôi không lo điều kiện ăn ở của con có vấn đề, mà chủ yếu muốn vào để động viên con, ăn Tết cùng con cho cháu đỡ tủi thân”, anh Hải giải thích về quyết định của mình.
Xách vali tiến về phía cổng trường của con, nay đã trở thành điểm cách ly tập trung, anh ngoái lại, hất tay ra hiệu cho vợ đi về. Hàng rào cách ly trở thành vật cản khiến gia đình anh chia cách, anh vào trong với con trai lớn, chị trở về nhà chăm sóc con nhỏ. Gia đình anh sẽ ăn Tết ở hai nơi, dù chỉ cách nhau vài trăm mét.
Điểm tiếp tế sách, đồ chơi
Chiều 1/2, sau hai ngày thực hiện việc cách ly cho các học sinh lớp 3E tại trường Tiểu học Xuân Phương, nhiều đoàn xe tiến về phía hàng rào trước cổng trường. Nhiều phụ huynh mang thêm truyện, đồ chơi theo mong muốn của các cháu.
Chia sẻ với Zing , anh Phí Thành Công (trú tại phường Xuân Phương) cho biết cháu của anh là một học sinh lớp 3E. Sau khi có thông báo cháu phải cách ly tập trung, em gái anh – mẹ của cháu – cũng theo vào khu cách ly để chăm sóc cho con.
“Mẹ cháu bảo công tác cách ly được phục vụ rất tốt, đồ ăn uống theo bữa và tráng miệng đầy đủ. Tâm lý cháu cũng thoải mái, chỉ đòi một số đồ chơi. Ở nhà, bố cháu phải chăm bà nội, nhà neo người nên tôi tranh thủ công việc, mang thêm đồ vào cho 2 mẹ con”, anh Công chia sẻ.
Đoàn giáo viên trường Mầm non Yên Hòa tiếp tế bánh chưng cho các đồng nghiệp và học sinh lớp 3E, trường Tiểu học Xuân Phương. Ảnh: Duy Anh.
Bên cạnh những món đồ tiếp tế của phụ huynh, nhiều đoàn xe khác đến từ các trường trên địa bàn thành phố và những phụ huynh ở trường khác cũng mang theo một số vật phẩm, với mong muốn được chia sẻ với nhà trường.
Dẫn đầu đoàn của trường Mầm non Yên Hòa, bà Cao Thị Thơm, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết bà nghe thông tin về điểm cách ly của trường Tiểu học Xuân Phương trên báo. Bản thân là người làm giáo dục nên bà rất hiểu và thương các thầy cô, cũng như những học sinh đang phải thực hiện cách ly tập trung.
Với mong muốn bày tỏ tấm lòng của mình, bà cùng các giáo viên của trường Mầm non Yên Hòa đã đặt và mang 72 chiếc bánh chưng đến điểm tiếp tế của khu cách ly. Những chiếc bánh này sẽ được chuyển thẳng vào trong để cô trò có thể sử dụng.
“Cùng làm trong ngành nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được những khó khăn của nhà trường và các cháu lúc này. Chúng tôi mong muốn góp chút tấm lòng để động viên nhà trường trong đợt dịch bệnh này”, bà Thơm nói trong xúc động.
Cũng trong buổi chiều hôm qua, nhiều đoàn xe tương tự đã tiến vào điểm tiếp nhận để trao tặng nhà trường những thùng sách, truyện và đồ chơi cho các cháu. Những món đồ không được trao nhận trực tiếp, nhưng các đoàn tiếp tế đều vui vẻ, vì họ biết rằng món đồ mình gửi đi sẽ giúp những ngày cách ly sắp tới của các con trôi qua nhanh hơn.
Tối 30/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo thành phố ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đó là N.Đ.N.K., nam, 9 tuổi, học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bệnh nhi này là con trai của ông N.Q.M. (nam, 41 tuổi, trú tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm), người được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 30/1. Đây là trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lây virus khi đi dự đám cưới ở Hải Dương. Gia đình bệnh nhân này có 7 người, gồm bố mẹ, vợ, em vợ và 2 con. Đến nay, 6 người trong số này đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đêm 30/1, trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) trở thành khu cách ly tập trung sau khi cơ quan chức năng xác định nhiều học sinh, giáo viên ở đây tiếp xúc với người mắc Covid-19. Các học sinh, phụ huynh và giáo viên trường Xuân Phương cùng thân nhân của K. trở thành F1, phải cách ly tập trung.
Hiện tại, trường Tiểu học Xuân Phương là nơi cách ly của 57 học sinh, 11 giáo viên, 47 phụ huynh theo trông con. Thời gian cách ly từ 30/1 đến hết 20/2.
Ăn Tết bằng trợ cấp thất nghiệp
Giờ này năm ngoái, anh Công nhận thưởng Tết hơn 20 triệu đồng nhưng hiện tại, anh đã thất nghiệp tròn 12 tháng.
8h sáng ngày đầu tuần, Trung tâm dịch vụ việc làm (quận Cầu Giấy) chật kín người đi làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp. Anh Công ( nhân vật đã đổi tên ) ngồi hàng ghế cuối, kế bên là một đồng nghiệp. "Bao nhiêu năm làm chung giờ đi lĩnh thất nghiệp cùng nhau. Nghĩ cũng vui", người đàn ông nói và cho biết anh cùng bạn đã 9 tháng cùng nhau có mặt tại đây vào ngày 25 hàng tháng.
Anh Công điền thông tin vào tờ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, sáng 25/1. Ảnh: Phan Dương.
Họ từng công tác trong một công ty bao bì ở quận Hoàng Mai. Năm ngoái, công ty tái cơ cấu, nhân sự và lương đều bị cắt giảm cộng với cơ chế quản lý mới khiến nhiều người bất mãn, nhiều người bị thôi việc.
Gắn bó với công ty suốt 19 năm, anh nhớ chính xác từng cái tay nắm cửa bị mất đinh ốc. Nơi đây có những người đồng nghiệp đã có mặt trong những dấu mốc quan trọng đời anh: kết hôn, sinh con, thăng chức, hiếu hỉ... "Có hôm pha ấm trà, bất giác gọi tên 'lão bạn' mới sực nhớ ra 'lão' nghỉ việc hàng tháng trước đó rồi", anh kể.
Anh Công cũng trăn trở và quyết định nộp đơn xin nghỉ cuối năm đó. Người đàn ông 45 tuổi, có hai con đang học lớp 1 và 10, dự định ăn Tết xong sẽ xin việc. Nhưng Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam ngày 28 Tết. Đại dịch phá hỏng mọi kế hoạch tìm việc mới của anh. Suốt từ tháng 2 tới tháng 5 anh hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà. Chiếc ôtô trả góp mua từ cuối năm trước, định chạy xe công nghệ nhưng nằm xó ba tháng, anh đành trả lại để không mắc nợ thêm.
Một sáng tháng 6, lần đầu tiên Công được gọi đi phỏng vấn. Hôm đó người đàn ông cao chừng 1m7 bước vào một cao ốc ở Hồ Tây, dự tuyển làm phó phòng nhân sự một công ty bất động sản. Đối thủ của anh là năm ứng viên đều dưới 27 tuổi. Anh nghe họ nói nhiều thuật ngữ chuyên ngành bất động sản bằng tiếng Anh, người chia sẻ từng làm ở công ty nước ngoài, nhảy việc chục lần rồi. Bỗng anh nhận ra mình lạc lõng.
Cuộc phỏng vấn đó cũng giống các cuộc phỏng vấn trong các tháng tiếp theo, đều lặp lại kịch bản "chúng tôi sẽ thông báo kết quả sau". Có một điều khác là anh ngày càng trở nên thờ ơ. "Tôi chẳng buồn hay thất vọng, vì tôi biết điểm yếu của mình là tuổi tác", Công nói.
Điều anh thấy được an ủi là mỗi tháng nhận được 9 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này là "cứu tinh" để góp với vợ chi tiêu gia đình. Thông thường, vợ chồng anh hay chi vào Tết 30-40 triệu đồng, trong đó 10 triệu cho đào và quất. "Năm nay gãy một nửa thu nhập, chắc phải hà tiện thôi", người đàn ông chỉnh lại gọng kính, thở dài.
Công không phải là trường hợp hiếm hoi. Tổng cục thống kê từng cho biết cả nước có đến 32,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.
Anh Dũng, 50 tuổi, quận Hai Bà Trưng, từng là trợ lý giám đốc cho công ty bảo hiểm hàng không ở Ninh Bình, bị giảm lương, dẫn tới nghỉ việc. Cũng như anh Công, anh Dũng xác định "tuổi của mình khó tìm được việc". Ảnh: Phan Dương.
"Người ta làm lớn mất lớn. Vợ chồng tôi có cái quán cóc nhỏ cũng bị đánh cho tan tác nữa là", chị Phan Thị Thành (quận Bắc Từ Liêm) than, trong lúc đang đợi đến lượt tại Trung tâm dịch vụ việc làm, sáng 26/1.
Thời điểm này các năm trước là "mùa gặt" của vợ chồng chị. Anh Phú - chồng chị - có một xe bán bánh mỳ và các đồ vặt trên phố cổ. Trước và sau Tết, lượng khách, đặc biệt khách du lịch ngoại quốc tấp nập đổ về. Chị Thành lúc này cũng ngơi việc ở công ty, chuyển sang phụ giúp chồng. Có những ngày họ bán được 300-400 chiếc bánh mỳ. Mỗi vụ Tết có thể để ra được vài chục triệu tiền lãi.
Năm nay thu nhập của họ chỉ bằng "nửa năm ngoái". Dịch bệnh khiến anh Phú "nằm nhà" suốt ba tháng. Khi tình hình dịu đi, anh mở lại hàng nhưng bán không được nổi 10 chiếc bánh mỗi ngày, đành dẹp quán. Bốn tháng nay anh làm shipper.
Còn chị Thành bị nghỉ việc từ tháng 6 do công ty cắt giảm nhân sự. Từ đó chị kiếm việc buôn bán lặt vặt. Trong nhà giảm chi tiêu và tiết kiệm tối đa. Hồi tháng 7, túng quá, cặp vợ chồng rút sổ tiết kiệm 60 triệu ra để chi tiêu. Tới tháng 11, số tiền hết veo.
Vài hôm nữa nhận được 2.780.000 đồng trợ cấp thất nghiệp, chị Thành dự định dành 500.000 đồng mua cho hai đứa con bộ quần áo mới, số còn lại để mua sắm đồ ăn. Thông lệ mỗi năm anh chị biếu ông bà nội 3 triệu, tặng ông bà ngoại cây đào to, rượu tây và lì xì mỗi người 1 triệu. Năm nay khoản này sẽ không còn nữa. "Chắc ông bà sẽ hiểu cho mình thôi", chị Thành bảo.
Do tác động của Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Phan Dương.
Chị Nguyễn Thu Hà (Đại Mỗ) cũng đang đếm từng ngày đến hôm nhận được khoản 2,7 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp - thường sẽ có sau một tuần khai báo. Chị đã tính hết sẽ tiêu vào những việc gì. "Đưa cho mẹ chồng 2 triệu đi mua đồ mặn ăn Tết, còn lại sẽ mua bánh kẹo nhưng sợ không đủ".
Mấy năm nay anh chị luôn cố tiêu Tết trong khoảng 15 triệu đồng tiền thưởng của vợ lẫn chồng. Năm nay, Hà, làm tạp vụ cho một công ty mỹ phẩm Nhật Bản, mất việc từ tháng 4. Chồng chị làm công nhân đúc đồng cũng bị giảm lương mất 4 tháng. Từ lúc đó, nỗi lo tiền bạc thường trực trong chị. Người phụ nữ hai con nhớ chính xác từng con số: 2.080.000 đồng học thêm của thằng lớn, 940.000 đồng học phí mẫu giáo của thằng nhỏ. "Nếu không có khoản này tôi thật không biết xoay xở ra sao", chị nói.
Trong những tháng chờ xin việc, Hà phụ chị chồng bán rau ở chợ Đại Mỗ, kiếm đồng ra vào mua thức ăn hàng ngày. Đầu tháng trước chị bị đau bụng, chồng giục đi khám mà chị bảo "Nằm nghỉ một lúc là khỏi". Sang ngày thứ tư anh đành nghỉ việc đưa vợ đi viện. Hôm đó Hà khám ra bệnh dạ dày, tốn 1,8 triệu đồng. Suốt quãng đường về chị càu nhàu chồng: "Để im cũng khỏi".
Một năm thất nghiệp chắc chắn chi tiêu Tết cũng phải "chặt". Nhà chị sẽ cắt giảm chỉ còn đào hoặc quất, gói ghém mua quần áo mới cho cả nhà trong khoảng 2 triệu đồng. "Hai vợ chồng đặt kế hoạch năm nay mua một bàn thờ mới mà không thành", chị cho hay.
Hơn 10 giờ sáng, màn hình hiện đến số 2244. Anh Công đi về phía ô cửa, tuần tự điền thông tin vào hai trang A4 của tờ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là tháng cuối cùng được hưởng khoản này, nhưng điều anh Công lo là duy trì bảo hiểm như thế nào để được hưởng chế độ nghỉ hưu. Đa số đồng nghiệp của anh đã chọn kinh doanh tự do. Anh vẫn còn tham vọng đi làm, chỉ là không biết cơ hội còn mở với mình không.
Chỉ sau năm phút anh và người đồng nghiệp đã điền thông tin xong. Họ ra xe, mỗi người đi về một hướng. Anh Công nói với theo: "Ăn Tết vui vẻ nhé!".
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2020, khoảng 1,03 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 24% so với năm 2019. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cầu Giấy, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 20%. Giám đốc trung tâm Tạ Văn Thảo cho biết, cao điểm nhất vào tháng 5, trung tâm tiếp nhận gần 11.700 hồ sơ, tăng hơn 40%.
Đưa hơn 230 công dân Việt Nam từ Thái Lan về nước Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định. Ngày 1/10, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và hãng Hàng không Quốc gia...