“Tôi thích thời trang, tôi khuyết tật thì có làm sao?”
“Tôi thích cái đẹp, thích thời trang, thích những nơi sang trọng hiện đại. Nhưng có người lại bảo người khuyết tật thì có nhiều lo toan cho cuộc sống, người khuyết tật không phù hợp đến những nơi như vậy. Ơ! Tại sao lại như vậy nhỉ? Tôi khuyết tật thì có làm sao?…”.
Đó là tâm sự của bạn Ngọc Huyền được trưng bày trong khuôn khổ chương trình “Ừ, thì khiếm khuyết” do Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) tổ chức từ ngày 15/12 – 22/12.
Ừ, tôi khuyết tật, thì làm sao?
Trong không gian trưng bày nhỏ này tại hội quán Đời Rất Đẹp là hình ảnh 15 bạn trẻ khuyết tật năng động với những câu chuyện, những suy nghĩ của họ về xã hội, cuộc sống. Tất cả những bức ảnh đều do chính các bạn trẻ khuyết tật lên ý tưởng, chụp và kể lại câu chuyện của chính họ. Họ không phải là những tay máy chuyên nghiệp, nhưng họ có những câu chuyện.
Qua mỗi câu chuyện, người khuyết tật (NKT) muốn nói lên tiếng nói và quan điểm của mình về nhu cầu được tiếp cận và các câu chuyện chân thật về vấn đề tiếp cận trong cuộc sống đời thường. Trong đó, người xem không ai thấy 1 dòng than trách, bi quan nào của NKT, họ chỉ cảm thấy những trở ngại cuộc sống mà NKT gặp phải và nỗi bức xúc muốn thay đổi điều đó.
Qua hình ảnh, Ngọc Huyền kể lại câu chuyện mình thích vào quán café nhạc sôi động để vui chơi với bạn bè, trước nhiều con mắt tò mò ngạc nhiên. Cô kể: “Âm nhạc sôi động làm tôi thôi nghĩ về những khó khăn trong cuộc sống. Lúc đầu đến thì cũng có khá nhiều ánh mắt ngạc nhiên và hơi là lạ nhìn tôi. Tôi đã quen rồi những ánh mắt nhìn của mọi người”.
Tuy vậy, cô vẫn bức xúc: “Nhưng tôi ghét ánh mắt đó, nó làm tôi khó chịu và bào mòn ý chí của tôi. Phải vượt qua nó, phải vượt qua nó, tôi luôn tự nói với mình hàng ngàn lần câu nói này. Đi nhiều lâu dần rồi mọi người thấy việc tôi có mặt ở đó cũng bình thường. Những ai đọc câu chuyện này nếu có đến một nơi giải trí sôi động nào đó mà gặp những NKT. Hãy xem đó là một việc bình thường. Đừng để sự tò mò và hành động của mình làm tổn thương người khác”.
Bạn Như Ý cũng không ngần ngại khoe việc mình lái xe 3 bánh từ Sài Gòn về tận Phú Yên, để chứng tỏ mong muốn khám phá cuộc sống của NKT. Thế nhưng, anh phải ngại ngùng khi di chuyển trong phố thị Sài thành vì chẳng tìm được chỗ để xe. Anh tâm sự: “Có rất ít chỗ chịu nhận giữ cho dù tôi đồng ý trả phí gấp 2 lần xe hai bánh, vì người ta nói xe mình cồng kềnh, khó dắt, chiếm chỗ. Vì vậy, tôi phải xích xe ngoài lề đường. Tôi sợ bị mất xe hay mất phụ tùng xe. Có lần tôi đã bị công an cắt dây xích đưa xe về phường. Mỗi khi đi đâu tôi rất lo cho “đôi chân của mình” nhưng đành chịu!”.
Trong chương trình còn có hội thảo bàn về cơ hội tiếp cận các công trình xây dựng của NKT diễn ra vào ngày 21/12. Bạn Võ Đình Dương (24 ruổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Đi lại, khám phá cái mới và tìm kiếm cơ hội làm việc, học tập, vui chơi là nhu cầu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi thấy NKT gặp quá nhiều rào cản, đặc biệt là từ các công trình công cộng. Theo tôi, phá bỏ rào cản ở đây là phải tạo ra những công trình chung, ai cũng sử dụng được”.
Chương trình kết thúc bằng hội thảo bàn về luật và chính sách tác động đến đời sống NKT và thực tế áp dụng trong đời sống diễn ra vào ngày 22/12. Tất cả chương trình được tổ chức trong khuôn khổ chuổi sự kiện “Ừ, thì khiếm khuyết…” đều cho người tham gia thấy được một mặt khác của cộng đồng NKT: lạc quan và cố gắng vươn lên. Chính những trở ngại trong cuộc sống do khiếm khuyết của thân thể gây nên khiến tinh thần của họ phải cao, ý chí đủ bền để đương đầu với tất cả; như một bạn trẻ khuyết tật tâm sự: “Ừ, tôi khuyết tật, thì làm sao?…”.
Tùng Nguyên – Thanh Hoa
Video đang HOT
Theo Dantri
Tình yêu cảm động của người đàn ông khuyết tật và vợ kém 13 tuổi
Gần 10 năm trở thành vợ của chàng trai khuyết tật Nguyễn Văn Hùng, chị Đỗ Thị Thủy chưa một lần hối hận vì quyết định của mình.
" Cô tiên" bên giếng nước
Ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế xoay, bên chiếc máy tính của cửa hàng Internet giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1969) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên gặp chị Thủy: "Hôm đó tôi dọn hàng nước bán như thường lệ thì Thủy vào quán. Thấy tôi tật nguyền, Thủy bắt lời hỏi han. Tôi không ngờ được đó là ngày định mệnh để chúng tôi đến với nhau", anh Hùng kể.
Đó là vào một ngày đầu năm 2002. Quê ở Việt Yên, Bắc Giang nhưng chị Thủy (SN 1982) quyết định lên Thái Nguyên bán hàng giúp người cô, cũng là để tự lo cuộc sống cho mình. Cuộc gặp gỡ đầu lướt qua rất nhanh, tuy nhiên với chị Thủy, cái nhìn đầu tiên đã khiến chị trăn trở thật nhiều.
Đó chưa hẳn là một cảm giác yêu đương thật sự mà dường như là thương xót, cảm thương hoàn cảnh của anh. Chị nghĩ bụng phải làm gì đó giúp cho anh ấy đỡ cực.
Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, mắt anh lại rưng rưng.
Những ngày sau đó, mỗi khi xong việc đưa hàng, chị lẳng lặng lẻn ra sau giếng, nơi anh Hùng vẫn thường múc nước. Biết được thời gian anh Hùng sẽ ra đây, chị múc sẵn gầu nước đầy để đó rồi lại kín đáo quay về.
Anh Hùng vốn từ nhỏ đã tật nguyền, bàn chân nhỏ thó, co quắp. Tấm thân và đôi tay thiếu linh hoạt khiến anh cử động rất khó khăn. Thế nhưng, không vì thế mà anh dựa dẫm vào mọi người. Từ nhỏ, anh vẫn lăn lộn ra đồng bắt tôm, bắt cá giúp gia đình. Lớn lên, anh dọn một nong hàng nước nhỏ bán vài ba thứ lặt vặt.
"Thời đó không có nước máy như bây giờ, tất cả đều phải múc bằng tay, mỗi lần múc nước tôi cứ phải nhoài người, đu hết sức mới vực được gầu nước nặng lên, nhưng không bao giờ tôi nhờ ai giúp hết", anh Hùng nói.
Thế nên, từ khi thấy những gầu nước múc sẵn để bên giếng anh không khỏi băn khoăn và quyết tâm tìm ra người đã lặng lẽ làm việc ấy. Cuối cùng, "cô tiên" bên giếng nước cũng được anh Hùng tìm ra. Anh lặng lẽ giữ bí mật ấy trong lòng, nhưng bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập dội tới: "Tại sao Thủy lại làm thế, có phải cô ấy cũng thương hại mình như nhiều người khác?".
Đường duyên bén chậm
Trong khi anh Hùng vẫn đang tự hỏi mình thì chị Thủy đã bắt đầu cảm mến chàng trai tật nguyền nhưng đầy nghị lực ấy. Chị tâm sự: "Nhiều hôm rảnh việc, tôi sang nghe anh ấy kể chuyện. Chuyện anh ấy lớn lên bình thường rồi bị bệnh, cơ thể co rút lại như bây giờ, nghe xong tội lắm... tôi cũng chẳng biết bắt đầu yêu anh ấy từ bao giờ nữa".
Về phía anh Hùng, cám cảnh cho số phận không may mắn của mình, từ lâu anh đã dẹp bỏ đi mơ ước nhỏ nhoi của một người đàn ông đến tuổi trưởng thành, đó là lập gia đình. Anh hiểu được hoàn cảnh của mình sẽ trở thành khó khăn cho người khác. Thế nên, đã từng có lúc suy nghĩ về một người vợ như chị Thủy lại lóe lên trong đầu anh, nhưng rồi anh lại tự nhủ: "Ai người ta lại thèm lấy người như mình".
Tình yêu của họ cứ bị bao bọc bởi thành kiến như vậy trong một thời gian dài. Phải đợi đến cuối năm 2002, trước khi về quê ăn tết, chị Thủy mới mạnh dạn gửi lại cho anh Hùng một lá thư, đó là lá thư tình đầu tiên của chị.
Nhận được thư, cảm giác đầu tiên của anh Hùng đó là tức giận, anh bộc bạch: "Lúc đó tôi nghĩ là Thủy trêu đùa với một người tàn tật như tôi... nhưng tĩnh tâm lại một chút mới thấy những việc Thủy làm cho tôi và con người Thủy, tôi nghĩ đó là sự thật".
Trong khi đó, ở Bắc Giang khi về nhà chị Thủy đã đem chuyện chị phải lòng một người đàn ông tật nguyền kể với bố mẹ. Không quá bất ngờ, cả gia đình nhất loạt phản đối việc chị yêu một người như thế.
Dù đã tự lực được nhiều việc, nhưng có lúc anh Hùng vẫn phải nhờ tới sự giúp đỡ của vợ.
Vượt qua thử thách
Không thuyết phục được đứa con gái bướng bỉnh, bố mẹ chị Thủy liền cử con trai ngay lập tức đến Thái Nguyên tìm anh Hùng để xem "đó là đứa nào mà làm cho con cái mình mê mệt đến thế".
Sau khi xác minh trở về, thông tin mà anh chị Thủy cung cấp càng khiến cho bố mẹ chị hạ quyết tâm phải ngăn trở cuộc tình khập khiễng này (anh Hùng không những bị tật nguyền mà còn lớn hơn chị Thủy 13 tuổi). Không để chị tiếp tục trở lại Thái Nguyên, đầu năm 2003, bố mẹ bố trí đưa chị vào thành phố Hồ Chí Minh, gửi gắm một người bà con với hy vọng khoảng cách về địa lý sẽ giúp chị quên đi người đàn ông không xứng đôi vừa lứa ấy.
Bị giám sát chặt chẽ nhưng chị vẫn trốn ra ngoài để gọi điện về cho anh Hùng. Ba tháng sau khi phương án cách ly được thực hiện, biết không thể làm lung lay ý chí của cô con gái bướng bỉnh, gia đình đành phải cho chị trở lại Thái Nguyên hạnh ngộ với người thương. Cũng chỉ mất vài tháng sau đó, cả hai gia đình đã thống nhất việc tổ chức hôn lễ cho đôi trẻ. Lễ cưới diễn ra vào ngày 16 tháng 4 năm 2003.
Anh Hùng và chị Thủy trong đám cưới.
Tuy nhiên, trong đám cưới hôm ấy, chú rể không dám đi đón dâu về. Anh Hùng nói trong nghẹn ngào: "Tôi muốn đón vợ tôi về lắm chứ, nhưng nhìn người mình thế này, họ hàng bà con nhà Thủy thấy thì khổ cô ấy thêm".
Đám cưới là ngày hạnh phúc nhất của đời người, nhưng hôm ấy chị Thủy chỉ muốn nó trôi qua thật nhanh khi phải một mình từ nhà gái về hôn trường. Rồi những tiếng xì xào bàn tán, nghi hoặc khiến chị có lúc tưởng như không chịu đựng nổi.
Khó khăn rồi cũng qua đi khi tình yêu trở thành động lực và sợi dây gắn kết "đôi đũa lệch" ấy. Sau khi lấy nhau, anh Hùng học thêm về máy tính rồi mở một quán Internet ngay trên đường lộ chính. Không lâu sau đó, anh chị sinh bé gái đầu lòng là cháu Nguyễn Đỗ Kim Ngân. Ba năm sau (2007), hạnh phúc như nhân lên khi bé trai Nguyễn Minh Hiếu chào đời.
Cuộc sống không quá dư dả về vật chất, nhưng bên người vợ tảo tần và hai đứa con ngoan, nụ cười dường như luôn thường trực trên đôi môi đã từng héo hắt vì sự thiệt thòi cơ thể của anh Hùng.
Gia đình hạnh phúc của anh Hùng, chị Thủy.
Tại cửa hàng Internet ở nhà, anh Hùng chị Thủy vẫn thường xuyên cập nhật thông tin khắp nơi.
Nhớ lại ngày xưa, ký ức của anh Hùng vẫn còn phảng phất những gam màu buồn.
Theo Tiin
Trẻ thiểu năng bị xâm hại, tiếng kêu xé lòng Chỉ từ đầu năm đến nay, gần như tháng nào cũng có trẻ thiểu năng bị xâm hại. Mật độ và mức độ của những vụ việc thương tâm này đang ở tình trạng báo động. Những bé gái tật nguyền bị những kẻ vô nhân tính xâm hại đang gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức xã hội, tình người....