“Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu”
“Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu”, nguyên Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, tên thường gọi là Bảy Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch An Giang. Ảnh: Duy Chiến
Mở đầu những trăn trở về nông nghiệp và người nông dân VN, ông Bảy Nhị chia sẻ câu chuyện thăng trầm của cá ba sa – loài cá được dựng tượng đài tại Châu Đốc – An Giang vì tầm quan trọng của nó.
Làm ăn kiểu “tình chị duyên em”
Sau khi thịt cá ba sa phi lê tìm được đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ đầu những năm 1990, trải qua quá trình nghiên cứu, khảo sát vất vả, ông Nhị và các đồng nghiệp đã thành công trong việc cho loài cá này sinh sản nhân tạo. Một thời cơ vàng dường như mở ra khi chúng ta chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường lúc đó đang rất lớn.
Vậy nhưng…
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi còn nhớ có lúc cao điểm giá cá ba sa xuất khẩu lên đến 8 USD/kg! Các bè cá mới mọc san sát trên sông Hậu. Các nhà máy, cơ sở chế biến tấp nập ra đời.
Lúc ấy tôi cũng lo là để phát triển tự phát sẽ chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh sẽ không đảm bảo chất lượng, có sự gian dối nên đề nghị Nhà nước phải quản lý, nhất là khâu giống. Nhưng không ai nghe cả. Họ nói: “Thị trường là tự do! Nhà nước không nên can thiệp”.
Khi nhu cầu cá ba sa tăng nhanh thì khách hàng ở Mỹ, mấy ông Việt kiều gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá ba sa kiếm lời khủng. Cá tra dễ nuôi, năng suất cao, trong khi cá ba sa rất ‘trưởng giả”, khó tính. Cũng nên biết rằng, trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi cá ba sa thương phẩm thành công.
Vậy là bất chấp tất cả, có quy hoạch hay không, bất kể đất lúa màu mỡ, rất nhiều người cứ thế đào ao nuôi cá tra rồi quy hoạch sau. Phong trào rộ lên từ tỉnh đầu nguồn, lan ra khắp ĐBSCL, rồi đến lượt các nhà máy chế biến cũng bị hút vào cuộc, thi nhau vay vốn đầu tư.
Từ sau năm 2000, sản lượng nuôi tăng vọt, số nhà máy chế biến cũng tăng theo. Từ đó cung vượt cầu, sinh ra cạnh tranh kiểu “tự hủy diệt”. Cứ sau mỗi kỳ hội chợ thủy sản ở Boston (Mỹ), Brussels (Bỉ) hay ở Việt Nam là giá cá lại sụt, vì các DN đến hội chợ chủ yếu “đi đêm” chào giá thấp.
Khi dự hội nghị Chính phủ tại Hà Nội, tôi từng phát biểu tình hình này với tâm trạng rất bức xúc. Bức xúc nhất là việc gian lận đánh tráo cá tra vào, mà tôi gọi là “Tình chị duyên em”, khiến cá ba sa không còn mấy người nuôi. Hành vi này làm mất uy tín VN trên thương trường, vừa làm cạn kiệt một giống loài là nguồn thực phẩm quí hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Bây giờ ngay tại An Giang, quê hương của cá ba sa mà cá ba sa cũng chẳng còn. Tôi đi tiếp khách vào nhà hàng thấy thực đơn có món cá ba sa, bèn gọi. Dù đã hỏi, căn dặn nhà hàng mấy lượt là phải đúng cá ba sa, họ dạ dạ vâng vâng nhưng đưa lên toàn cá tra! Tôi giận quá, truy hỏi tại sao, họ trả lời:”Dạ, bây giờ không còn ai nuôi cá ba sa nữa. Bác thông cảm!”. Chết không?
Con cá ba sa trời ban tặng cho miền sông Hậu đã đi vào truyện cổ tích mất rồi. Tôi đang viết lại câu chuyện này để con cháu mai sau còn nhớ trên quê hương mình có giống cá “độc nhất vô nhị” mà không giữ được!
Thưa ông, thời ông làm chủ tịch UBND tỉnh, An Giang xây tượng cá ba sa, bông lúa – hai biểu tượng kinh tế nông nghiệp của An Giang. Nay cá ba sa đã “đi vào cổ tích”, ông có lo cây lúa cũng theo bước?
Video đang HOT
Tượng đài cá Basa tại Châu Đốc. Ảnh: Bazantravel
Ông Nguyễn Minh Nhị:Có chuyện này tôi mới nghe mà hết hồn hết vía! Nhiều hộ nông dân đang áp dụng kiểu ăn gian, ngày mốt cắt thì bữa nay xả nước vào ruộng, phun thuốc vào. Hôm sau xả nước ra để ngày mai cắt lúa. Kiểu gian dối này cho thêm khoảng 1 tấn/ha.
Tôi điện hỏi mấy anh em DN có biết không? Họ trả lời biết rồi, nhưng không sao vì họ có máy móc thiết bị đo độ ẩm, dễ gì ăn gian được. Chết là mấy ông hàng xáo đi thu mua, nhưng họ cũng chỉ một lần bị mắc lừa nông dân thôi.
Người ta nói “điếm vườn sao bằng điếm chợ”, nông dân mình cứ tưởng làm vậy là khôn, có cái lợi trước mắt. Nhưng chính họ sẽ bị trả giá nhiều nhất, không chỉ bị thương lái biết rồi ép trở lại, mà họ không thấy rằng uy tín của hạt gạo không có thì họ cũng bị thiệt nhất.
Làm ăn không nhìn xa thấy rộng, chỉ thấy lợi trước mắt, bất chấp thiệt hại lớn gấp nhiều lần sau đó. Nuôi cá cũng vậy, trồng lúa cũng vậy, rất chụp giật…
Đừng trách người nông dân
Thưa ông, tại sao tầng lớp nông dân luôn được xem là thật thà, chất phác mà lại có những trò gian dối như vậy? Không chỉ có trong nuôi cá và trồng lúa, họ sẵn sàng phun thuốc trừ sâu vào rau để sáng mai thu hoạch bán, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nông dân mình có nhiều cái tệ, nhưng không trách họ được, và cũng không nên trách. Họ không có điều kiện để hiểu biết hết nên thấy cái gì có lợi là làm, hứng lên là làm. Có ai chỉ họ làm cái gì cho có hiệu quả đâu? Họ phải tự mày mò, tự mưu sinh, làm ra sản phẩm may thì bán được, không may thì lãnh đủ nợ nần!
Họ không có tổ chức, không có ai hướng dẫn họ làm cái gì, không nên làm cái gì, làm ra bán ở đâu. Họ phải tự mưu sinh bằng những cách làm hại chính cả họ. Và, cuối cùng họ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Theo tôi biết, ở các nước, nông dân được quan tâm, được tổ chức rất tốt chứ không bỏ mặc như nông dân ở ta đâu.
Theo ông, nguyên nhân những khiếm khuyết đó của nông dân ta, mà trầm kha nhất là chụp giật, tầm nhìn ngắn, tự đục vào chân mình là gì?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ngày xưa, nông dân ta luôn được đánh giá là lương thiện, đạo đức, cần cù. Còn ngày nay, họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đã lây lan rộng chứ không chỉ nông dân. Nhưng với nông dân thì quả thật đau lòng, vì họ lẽ ra phải là thành trì của đạo đức, của sự lương thiện, chất phác phải không?
Theo tôi, chúng ta phải nhìn sâu xa vào những nguyên nhân từ trong chính sách. Bản chất của nông dân là gắn với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy. Nông dân là đất, đất là nông dân.
Khi đất không phải của nông dân mà chỉ được sử dụng có thời hạn thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa.
Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất, vì ngày mai có còn là của mình nữa đâu! Nhiều cái xấu ra đời từ đây, chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa, sẵn sàng đánh đổi vì những lợi ích ngắn hạn.
Tôi còn nhớ hồi mới giải phóng, ta thực hiện chính sách “nhường cơm sẻ áo” giống như ở miền Bắc trước đây. Hồi ấy, những người có nhiều ruộng đất trong Nam là do họ cần cù, siêng năng, chịu khó mà có nên nặng lòng với đất. Tôi nhớ như in nhiều nông dân nghèo được Nhà nước chia lại ruộng của những người này, đã không nhận. Họ nói: “Người ta làm sáng tối, không biết nghỉ mới có nhiều đất. Mình lấy không của người ta coi sao được!”.
Tôi báo cáo việc này lên Tỉnh ủy, ông Bí thư lúc ấy kết luận: “Nếu không nhận đất thì không phải là nông dân, thì không cho nữa!”. Đơn giản thế thôi. Lúc ấy chúng ta không lường được hậu quả tai hại như ngày nay đang chứng kiến.
Người nông dân vốn dĩ là tốt, đã chuyển hóa và tha hóa từ đó. Lúc đầu thấy nhận đất của người khác, tức mồ hôi và nước mắt của người khác là “kỳ lắm”, “coi không được”, quyết không nhận! Nay thì khác rồi. Hai đám ruộng của hai nhà liền ranh còn lấn nhau từng chút huống chi những chuyện khác có nhiều lợi ích hơn. Cái gì lợi cho mình thì dẫu có hại cho người khác cũng làm.
Cái tình của người nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng như xưa. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra.
“Nói một đàng làm một ngả” nhiều quá
Từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, về hưu trở lại làm nông dân trồng lúa và nuôi cá, ông nhìn nhận các chủ trương, chính sách và công tác quản lý nhà nước với nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tình trạng chung nhất là “Nói một đàng làm một ngả” nhiều quá. Có muôn thứ chuyện chứng minh cho điều này.
Chẳng hạn chuyện vận động nông dân làm ra nhiều lúa gạo rồi bán không được, mặc cho họ bị thua lỗ. Xui nông dân nuôi con nọ, trồng thứ cây kia rồi bỏ chạy mất, không biết bán cho ai. Lẽ ra, bảo nông dân trồng lúa thì phải có công ty mua số lúa làm ra chứ. Có bên quăng thì phải có bên hứng, phải tổ chức cho khớp nhau thì nói và làm mới đi đôi chứ?
Gần đây tôi nghe Bộ NN – PTNT triển khai kế hoạch chuyển 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp, đậu nành và màu. Tôi thấy băn khoăn không hiểu trồng những thứ đó rồi nông dân bán cho ai hay lại đẩy họ vào chỗ khó như các chương trình chăn nuôi bò trước kia?
Thưa ông, theo tôi biết hàng năm Chính phủ vẫn cho thu mua tạm trữ, giảm áp lực tiêu thụ lúa cho nông dân mà?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chuyện này tôi quá hiểu! Khi lúa chín rộ, các công ty lương thực sàng bên này, lách bên kia để chậm triển khai. Bởi giá lúa càng thấp thì họ càng có lợi. Đến khi triển khai cũng đâu có làm đúng như tinh thần chỉ đạo. Nông dân gần như chẳng được gì.
Tôi có ông bạn cùng quê xứ Tịnh Biên làm công tác thu mua lúa. Tôi đến mấy trạm thu mua của ông ấy kiểm tra, thấy có hai giá mua, cao và thấp khác nhau. Giá rẻ để ngoài là giá mua thật cho nông dân, còn giá cao cất bên trong, khi có đoàn kiểm tra đến thì trưng ra! Bữa tôi bất ngờ đến, họ thay không kịp, tôi hỏi sao làm ăn vậy. Họ trả lời: “Giá cao là giá Nhà nước quy định. Còn giá thấp là giá thu mua theo… thị trường!”. Bất nhẫn vậy đấy. Nhà nước cho vay không lãi để thu mua song thực chất họ mua vẫn ép nông dân chứ có nương gì đâu!
Tôi cũng nhiều lần đi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với anh em. Ký xong về giá lúa lên là… bẻ chĩa ngay!
Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu sau này thành một xã hội giả dối. Thế hệ chúng tôi dù sao cũng được “chích ngừa”, còn phản kháng lại được.
Còn thế hệ sau thì sao? Lo lắm!
Theo Duy Chiến (thực hiện)
Vietnamnet
Choáng với những hóa đơn tiền thuốc
Cầm tờ hóa đơn tiền thuốc đi qua đi lại trong khu vực quầy thuốc để chờ gọi tên vào nhận thuốc, cô gái trẻ lộ rõ vẻ mặt lo lắng, thỉnh thoảng cô lại chép miệng: "Tiền thuốc gì mà đắt dữ vậy, chắc khám và mua thuốc lần này thôi, không dám mua thuốc nữa đâu".
Dù giá mỗi đơn thuốc rất cao, nhưng các bệnh nhân vẫn "cắn răng" chấp nhận mua thuốc trị bệnh
Đó là tâm trạng của nữ sinh viên năm nhất Lý Ngọc Duyên (quê ở Châu Đốc, An Giang), Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, khi cô đang đứng chờ gọi tên để nhận thuốc tại quầy thuốc Nhà thuốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vào một buổi sáng trung tuần tháng 7 này.
Duyên cho biết, đây là lần đầu tiên em đến đây khám bệnh. Mấy ngày trước, Duyên thấy mũi của mình hơi ngứa và khó chịu, đến đây khám, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm mũi xoang dị ứng.
Sau đó, bác sĩ ghi toa thuốc cho Duyên với 6 loại thuốc, tổng cộng uống trong vòng 10 ngày. "Lúc đó, em nghĩ, cao lắm chắc cũng vài trăm nghìn, nhưng không ngờ, khi nộp đơn thuốc vào sổ, chờ gọi tên đóng tiền thì lại lên đến gần 800.000 đồng. Em thấy "choáng", định không đóng tiền, khỏi mua thuốc, nhưng nghĩ lại lỡ rồi, liều đóng tiền mua thuốc luôn.
Chắc tháng này, mất "sổ lương" rồi, phải làm thêm kiếm tiền bù vào, chứ không dám xin tiền nhà nữa đâu", Duyên cho biết.
Cũng theo Duyên, sức khỏe em bình thường, nhưng mấy ngày qua, thời tiết thay đổi, trời hay mưa, thỉnh thoảng bị chảy nước mũi. Lúc đầu em nghĩ chắc bị cảm thông thường, mua thuốc cảm uống nhưng không thấy hết, mới đến đây khám xem như thế nào.
Bác sĩ cho biết, với bệnh này phải tái khám và uống thuốc thường xuyên, hạn chế tiếp xúc khói bụi, chứ bệnh này hay trở đi trở lại.
"Mới một lần khám mà tiền thuốc cao như vậy, tiền đâu mà đi khám mua thuốc uống liên tục được. Thui, bệnh tới đâu hay tới đó", Duyên chặc lưỡi cho biết.
Là một sinh viên, phải phụ thuộc kinh tế vào gia đình ,Duyên đã "choáng" với toa thuốc lên đến gần 800 nghìn đồng.
Chúng tôi có mặt tại khu vực quầy bán thuốc của nhà thuốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong một không gian chật chội, không có được một chiếc ghế ngồi cho bệnh nhân chờ nghe tên đóng tiền và nhận thuốc. Các bệnh nhân cứ qua lại nhốn nháo, người thì chờ gọi tên đóng tiền, người thì chờ gọi tên vào nhận thuốc.
Tại đây có trương một tấm bảng lớn: "Điểm bán bình ổn giá thuốc năm 2014".
Trong gần 30 phút ngồi nghe các nhân viên nhà thuốc ở đây đọc tên bệnh nhân vào đóng tiền mua thuốc, chúng tôi không nghe toa thuốc nào dưới 500.000 đồng!?. Toa thuốc nào cũng từ 500.000 đến 700.000 đồng, có toa trên cả hàng triệu đồng.
Tuy nhiên, qua quan sát các toa thuốc, bác sĩ chẩn đoán chủ yếu là các bệnh: viêm đa xoan, viêm họng, viêm mũi xoang dị ứng, viêm tai giữa... Đây chỉ là những bệnh thường gặp, không phải những chứng bệnh nặng, hay bệnh nguy hiểm, hiểm nghèo.
Đang đứng dựa vào một chiếc xe máy kế bên nhà thuốc chờ nghe đọc tên vào đóng tiền mua thuốc, chị H. giật mình khi nghe nhân viên nhà thuốc gọi tên: "Bệnh nhân N.K.H, đóng 1.253.000 đồng". Vừa đi chị H. vừa lẩm bẩm trong miệng: "Sao tiền thuốc hôm nay cao dữ vậy trời!".
Chị H. cho biết, chị bị viêm tai giữa gần 10 năm qua, nhưng lúc trước chị uống thuốc không đều, nên còn uống thuốc thì hết ù tai, hết uống thuốc thì tai ù trở lại.
Lần này chị quyết tâm điều trị tới nơi tới chốn, uống thuốc liên tục với hy vọng bệnh hết hẳn, không muốn kéo dài, dây dưa nữa.
"Hơn 2 tháng qua, tui đến khám và mua thuốc uống liên tục, mỗi lần khám bác sĩ cho toa uống 10 ngày, tiền thuốc khoảng 800.000 đồng, nhưng sao hôm nay lại cao như thế không biết. Cứ 10 ngày tốn hơn triệu đồng tiền thuốc, lấy đâu ra tiền uống tháng này qua tháng khác. Kiểu này sợ uống thuốc không liên tục nữa quá", chị H. tỏ vẻ lo lắng.
Là một tài xế xe tải đường dài, chuyện đi đường thường xuyên hít phải khói bụi, nên khi anh Trần Ngọc Hòa (41 tuổi, ngụ ở Thủ Đức, TP.HCM) phát hiện mũi mình có vấn đề, anh nghĩ ngay chắc là bị viêm xoang. Và đúng như dự đoán, sau khi anh chụp CT tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã cho kết quả, anh bị viêm đa xoang.
"Bệnh viêm xoang chỉ là bệnh bình thường, thuộc dạng mạn tính, phải uống thuốc thường xuyên. Tui chỉ mới bệnh nhẹ, bác sĩ cho có 5 loại thuốc mà đã tốn hơn 700.000 đồng. Bệnh mạn tính mà tiền thuốc cao quá, lấy đâu ra tiền mua thuốc uống thường xuyên nổi" anh Hòa phân trần.
Thật khổ thân cho những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thông thường, nhất là bệnh nhân nghèo, đối với họ một toa thuốc cho một lần khám lên đến gần cả triệu đồng là cả một vấn đề.
Trong khi đó, những bệnh nhân này phải uống thuốc thường xuyên, nhiều người đành phải ngậm ngùi chấp nhận phó mặt sức khỏe cho trời, bởi họ không thể nào tiếp tục "cõng" trên vai những toa thuốc có giá trị vượt quá khả năng của mình.
Theo Một Thế Giới
Dưa hấu sủi bọt chỉ là quá trình lên men tự nhiên Mấy ngày gần đây clip quay cảnh quả dưa hấu sủi bọt trắng liên tiếp phun ra từ những vết dao đâm làm cư dân mạng hãi hùng, thậm chí sợ không dám ăn vì cho rằng dưa có thể bị tiêm hóa chất. Không đáng ngại! Một nông dân trồng dưa có nick name là Nguyễn Duy Bách cho rằng, có thể...