Tội phạm truy nã trốn ở đâu? – Kỳ 3: Hồ sơ giả tràn lan
Qua bắt giữ nhiều đối tượng truy nã núp bóng công nhân, cơ quan công an cảnh báo các công ty, xí nghiệp trong việc tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng người lao động vào làm việc.
Để tìm hiểu quy trình tuyển dụng vào làm việc, chúng tôi quay trở lại Công ty gỗ K.Đ (H.Tân Uyên, Bình Dương), nơi đối tượng Lê Đình Thảo (SN 1985, quê H.An Minh, tỉnh Kiên Giang) bị Công an tỉnh Kiên Giang truy nã về tội hiếp dâm trẻ em, “đội lốt” dưới cái tên Lê Đình Khang.
Công an Bình Dương bắt Hoàng Văn Nhất theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: Tuy Phong
Hồ sơ giả vẫn… lọt
Bộ phận nhân sự của Công ty gỗ K.Đ cho biết trong quá trình tuyển dụng lao động không khó để phát hiện hồ sơ giả của công nhân (kể cả trường hợp đối tượng Thảo), nhưng vì nhu cầu tuyển lao động quá lớn nên đành phải “nhắm mắt” chấp nhận, kể cả việc biết họ sử dụng hồ sơ giả xin việc. “Mặt khác, đa số công nhân ở các tỉnh xa khác đến đây xin việc nhưng thủ tục làm một bộ hồ sơ tốn rất nhiều thời gian, chi phí… nên nhiều người đã sử dụng hồ sơ giả hoặc hồ sơ của người khác để đi làm”, một nhân viên bộ phận nhân sự Công ty gỗ K.Đ tiết lộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, bảo vệ tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, từ ngày 16.1 đến ngày 18.1, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm trên toàn quốc đã truy bắt và vận động ra đầu thú hơn 1.000 đối tượng truy nã; tăng hơn 63% so với trước khi mở đợt cao điểm.
Còn tại một doanh nghiệp nước ngoài đóng tại KCN Tam Phước (Đồng Nai), nơi Đoàn Thị Hồng Anh Đào (SN 1985, quê Thanh Hóa) bị bắt theo lệnh truy nã sau 8 năm trốn lệnh truy nã “biến” thành Đoàn Thị Mai, cũng có lý giải tương tự. “Do nhu cầu tuyển dụng công nhân giày da rất cao nên chúng tôi cũng không xem kỹ về sơ yếu lý lịch. Hơn nữa, việc làm giả hồ sơ hiện nay tràn lan và rất tinh vi nên cũng khó phát hiện”, lãnh đạo phòng nhân sự công ty này cho biết.
Chỉ cần ghé vào những trung tâm giới thiệu việc làm dọc tuyến đường Bùi Văn Hòa, P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) không khó để kiếm một bộ hồ sơ giả (mang họ tên người khác) với đầy đủ con dấu xác thực ở địa phương. Gần đây, Công an TP.Biên Hòa triệt phá rất nhiều đường dây làm giấy giả, con dấu giả của cơ quan nhà nước, trong đó có rất nhiều hồ sơ xin việc cho công nhân.
Dễ như mua rau
Video đang HOT
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Văn Nem, Trưởng phòng PC52 Công an Bình Dương, cho biết: “Chỉ tính riêng trong 8 tháng cuối năm 2011, PC52 Bình Dương đã bắt được 127 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó 23 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đa số các đối tượng trốn lệnh truy nã đều sử dụng hồ sơ, họ và tên giả để đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp…”. Cũng theo thượng tá Nem, các đối tượng trốn lệnh truy nã sử dụng giấy tờ giả để đi làm, đăng ký tạm trú, tạm vắng khá đầy đủ nên rất khó khăn trong việc truy bắt. Nhiều đối tượng đã lẩn trốn hàng chục năm, hình dáng bề ngoài đã thay đổi khá nhiều nên rất khó khăn trong công tác nhận dạng.
“Qua công tác đấu tranh của công an cho thấy việc làm một bộ hồ sơ giả với đầy đủ: giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, bản sao CMND, bản sao hộ khẩu, giấy chứng nhận tạm trú… là không khó khăn. Giá mỗi bộ hồ sơ như vậy từ 80.000 đến 100.000 đồng và dễ dàng mua được ở các dịch vụ ở gần các khu công nghiệp. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, tránh tạo kẽ hở để tội phạm truy nã lợi dụng lẩn trốn”, thượng tá Nem cảnh báo.
Tại Đồng Nai có 32 khu công nghiệp với hàng ngàn công ty, xí nghiệp đang hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Do đó, Đồng Nai cũng được nhiều đối tượng trong diện truy nã chọn làm nơi trú ngụ bằng cách thay tên đổi họ, mua hồ sơ giả để vào làm công nhân.
Theo trung tá Hồ Đình Liệu, Đội trưởng Đội tổng hợp Phòng PC52 Công an tỉnh Đồng Nai, từ khi đi vào hoạt động (tháng 7.2010) đến nay PC52 đã bắt được 111 đối tượng truy nã (trong số khoảng 700 đối tượng mà phòng tiếp nhận); vận động được 76 đối tượng truy nã ra đầu thú. “Qua rà soát cho thấy rất nhiều đối tượng trốn lệnh truy nã thay tên đổi họ, mua hồ sơ, bằng cấp chứng chỉ giả để nộp vào các công ty xin làm công nhân. Một kẽ hở hiện nay là tại các công ty hầu như không có nghiệp vụ để phát hiện hồ sơ giả. Một phần do công tác tuyển dụng dễ dãi nên đối tượng bị truy nã dễ dàng trà trộn để lẩn trốn. Chưa hết, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp thường ngại thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng nên cũng góp phần tạo điều kiện cho đối tượng bị truy nã ẩn náu”.
Theo Phòng PC52, tại Đồng Nai từng có nhiều xóm có biệt danh là xóm “Nghệ An”, “Nam Định”, khu “Hải Phòng”, ngã tư “Phú Thọ”… là nơi tụ tập nhiều người từ các tỉnh về quần tụ, chung sống theo tập quán địa phương. Từ những nơi này, PC52 đã truy bắt nhiều đối tượng trốn truy nã, ẩn náu để làm công nhân.
Thay tên đổi họ cưới vợ hai
Tối 24.11.2011, PC52 Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Hoàng Văn Nhất (SN 1974, quê xã Thiện Tâm, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn. Theo lời khai của Nhất, khoảng tháng 10.2011, Nhất cùng hơn 10 đối tượng khác tổ chức đánh bạc (xóc đĩa) với mỗi ván lên đến hàng chục triệu đồng. Khi Công an Lạng Sơn đột kích bắt giữ đồng bọn, thì Nhất trốn thoát rồi vào Bình Dương ẩn nấp, xin vào làm công nhân một công ty xây dựng. Tại đây, nhờ thay tên đổi họ mà Nhất còn cưới được cô vợ trẻ dù ở quê Nhất đã có vợ và 3 con. Sau khi nhận thông tin từ Công an Lạng Sơn, PC52 rà soát, khoanh vùng đối tượng và nhanh chóng bắt được Nhất khi đối tượng này vừa về nhà trọ thăm vợ hai. ( T.P)
Theo Thanh Niên
Tội phạm truy nã trốn ở đâu? - Kỳ 2: Mượn tên "thoát xác"
Để trốn tránh pháp luật, nhiều đối tượng truy nã đã chọn một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thuộc Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM làm nơi ẩn náu.
Nguyễn Văn Kiên bị Công an Hải Phòng truy nã trốn vào Bình Dương làm công nhân
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Bình Dương vừa bắt giữ và bàn giao nghi phạm Hà Văn Dương (SN 1991, quê Lạng Sơn, trốn lệnh truy nã về tội giết người) cho Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an).
Sát thủ núp bóng công nhân
Thượng úy Phạm Đăng Khánh, trinh sát PC52 Bình Dương kể: "Ngày 10.10.2011, Công an tỉnh Lạng Sơn có quyết định truy nã Hà Văn Dương về tội giết người. Từ các nguồn tin do công an tỉnh bạn cung cấp thì nhiều khả năng Dương đang làm công nhân cho một lò gạch tại xã Hội Nghĩa, H.Tân Uyên". Qua xác minh, xã Hội Nghĩa có 25 lò sản xuất gạch, nhưng không có người nào tên Hà Văn Dương. Rà soát hơn 50 cơ sở lò sản xuất gạch khác ở các xã Thạnh Phước, Khánh Bình, Tân Hiệp (thuộc H.Tân Uyên), trinh sát cũng không tìm ra manh mối tên Dương.
Đến ngày 11.11.2011, trinh sát xác định được Dương đang làm công nhân cho Công ty sản xuất gỗ P.W (xã Hội Nghĩa), nhưng với tên mới là Vi Văn Dương. Đúng 16 giờ chiều cùng ngày, vừa tan ca, Dương bị công an ập đến bắt giữ. Khi bị bắt, Dương khai nhận vào đầu tháng 10.2011 đã cùng 7 đối tượng khác tại Bản Giống, xã Lộc Yên, H.Can Lộc (Lạng Sơn) hỗn chiến với một nhóm thanh niên cùng xã bằng dao và mã tấu. Dương đã dùng dao đâm chết một người. Sau khi gây án, y bỏ trốn vào Bình Dương thay đổi họ và núp bóng làm công nhân.
Vào ngày 6.10.2011, PC52 Bình Dương cũng đã bắt giữ Nguyễn Văn Bình (SN 1984, quê Châu Thành, An Giang) trốn lệnh truy nã về tội giết người của Công an tỉnh An Giang. Theo các trinh sát, việc tìm kiếm tung tích của Bình cũng hết sức gian nan, bởi đối tượng này lấy giấy tờ giả đi làm công nhân tận TP.HCM với cái tên Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng vợ con thì ở trọ tại P.Thuận Giao, TX.Thuận An (Bình Dương).
Sau khi bị bắt, Bình khai nhận đã dùng dao đâm chết bạn nhậu ngay tại nhà bởi lý do hết sức đơn giản. Trong lúc đang nhậu tại nhà thì đứa con của Bình vào... "phá mồi" nên Bình liền đánh cháu nhỏ. Thấy vậy, người bạn can ngăn. Chỉ có vậy mà Bình xuống bếp lấy dao lên đâm chết bạn nhậu rồi bỏ trốn lên Bình Dương.
Trước đó, vào ngày 23.6.2011, các trinh sát PC52 Công an Đồng Nai cũng bắt giữ Lê Thanh Tùng (SN 1984, quê Phú Yên) trốn lệnh truy nã về tội giết người. Theo hồ sơ, vào ngày 5.2.2008, do mâu thuẫn, Tùng đã ra tay sát hại vợ của mình rồi bỏ vào tỉnh Bình Thuận lẩn trốn. Sau đó, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp Công an tỉnh Bình Thuận tổ chức truy bắt nhưng Tùng kịp trốn thoát. Sau đó, Tùng đón xe vào P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đổi tên thành Lê Thanh Tính và xin vào làm công nhân cửa sắt tại P.Tân Hòa. Suốt 3 năm dưới vỏ bọc là một công nhân giỏi nghề, siêng năng, Tùng đã che mắt được người dân địa phương.
Đại gia đình xài tên giả
Núp bóng công nhân 8 năm PC52 Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt giữ Đoàn Thị Hồng Anh Đào (SN 1985, quê Thanh Hóa) sau hơn 8 năm trốn lệnh truy nã. Theo hồ sơ, vào năm 2003, Đào điều khiển xe gắn máy tông chết người rồi bỏ trốn. Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định truy nã toàn quốc và truy xét gắt gao, Đào trốn vào Đồng Nai. Ban đầu, Đào liên tục thay đổi nhà trọ rồi xin làm thuê tại H.Long Thành. Đến năm 2004, Đào mua bộ hồ sơ giả, bằng cấp giả và đổi tên thành Đoàn Thị Mai và xin vào làm công nhân cho một công ty nước ngoài tại KCN Tam Phước (H.Long Thành). Sau khi rà soát tàng thư truy nã, trinh sát PC52 xác định Mai chính là Đào, đối tượng đang bị truy nã. K.C
Mới đây, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp và truy bắt tội phạm có lệnh truy nã theo chỉ đạo của Bộ Công an, các trinh sát PC52 Bình Dương khá vất vả mới bắt được Lê Đình Thảo (SN 1985, quê Kiên Giang) bị Công an tỉnh Kiên Giang truy nã về tội hiếp dâm trẻ em.
Từ nguồn thông tin ít ỏi của Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Thảo đang làm công nhân ở một công ty gỗ nằm xen giữa lô cao su trên địa bàn H.Tân Uyên. Rà soát tại nhiều công ty gỗ trên địa bàn xã Tân Hiệp và Khánh Bình (H.Tân Uyên), nhưng không có ai tên Lê Đình Thảo. Tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì bất ngờ từ nguồn tin cơ sở cho biết tại khu nhà trọ ở xã Tân Hiệp (H.Tân Uyên) có một gia đình thuê trọ, đa số họ tên lót là Lê Đình. Ngay lập tức, trinh sát xuống xác minh thì có Lê Đình Khang và ông Lê Đình Dục (bố Khang). Kiểm tra hồ sơ của Khang đang làm công nhân trong Công ty gỗ K.Đ, trinh sát nhận được bộ hồ sơ với bản lý lịch khá hoàn hảo. Để tránh bị xáo trộn trong công ty, trinh sát PC52 "mời" Khang lên để hỏi một số thông tin nhưng thực chất là để nhận diện. Sau hơn 2 giờ đồng hồ đấu tranh, Khang thừa nhận mình chính là Thảo và ngoan ngoãn tra tay vào còng số 8.
Qua xác minh người mang tên Lê Đình Dục là cha của Thảo nhưng cũng không phải tên thật. Thảo khai nhận từ cha ruột đến mẹ đẻ, chị ruột đều đã thay đổi tên bằng những bộ hồ sơ giả để đi làm công nhân.
"Má mì" làm ở công ty gỗ
Cuộc truy bắt "má mì" Bùi Thị Hồng Đào (SN 1967, quê Hậu Giang) bị Công an tỉnh Hậu Giang truy nã về tội mua bán trẻ em và môi giới mại dâm cũng không kém phần gay cấn. Từ thông tin của công an tỉnh bạn cung cấp, Đào đang làm công nhân công ty sản xuất gỗ tại Bình Dương với con gái, nhưng không rõ cụ thể ở đâu (chỉ có số điện thoại của con gái).
Theo kế hoạch, thượng úy Phạm Đăng Khánh tìm cách làm quen với con gái của Đào để lần ra địa chỉ hai mẹ con đang ở. Sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin, con gái Đào đồng ý gặp mặt thượng úy Khánh tại một quán cà phê. Đến lần hẹn sau, thượng úy Khánh may mắn được cô gái mời về khu nhà trọ. Tại đây, anh chú ý đến một người mà cô gái giới thiệu là dì ruột Nguyễn Thị Lan, đang làm công nhân ở Công ty gỗ M.P. Qua mô tả hình dáng, tuổi tác của Công an Hậu Giang, thông tin về "má mì" Bùi Thị Hồng Đào dần lộ diện. Bằng biện pháp nghiệp vụ và sự hỗ trợ của lực lượng ở địa phương, "má mì" đã bị bắt ngay trong phòng trọ và thừa nhận mọi hành vi phạm tội.
Theo Thanh Niên
Tội phạm truy nã trốn ở đâu? Nhiều tội phạm trốn lệnh truy nã "biến" thành những công nhân, anh tài xế, người bảo vệ... cho đến khi bị công an lần ra dấu vết. Trong khi bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai truy nã ráo riết về tội cướp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Võ Hoàng Điệp (SN 1984, ngụ KP.6, P.Tân...