Tội phạm sử dụng súng tự chế: Bài 2: Sẽ có pháp lệnh xử lý nghiêm
Đó là khẳng định của Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự khi trả lời phỏng vấn PV ANTĐ về những biện pháp sẽ được áp dụng nhằm khắc phục triệt để tình trạng sử dụng trái phép súng tự chế.
Chế tài mạnh sẽ hạn chế tình trạng sử dụng trái phép vũ khí tự chế
- PV: Tại một số tỉnh, thành phố bùng phát tình trạng sử dụng vũ khí tự chế, thưa Thiếu tướng, phải chăng công tác giám sát, quản lý tại các địa phương này chưa triệt để?
-
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Các biện pháp quản lý vũ khí đều được lãnh đạo bộ chỉ đạo quyết liệt. Do đó, trong 2 năm qua công an các địa phương đã thu hồi 6.234 súng các loại, 1.487 công cụ hỗ trợ, 464 lựu đạn, 792 quả đạn các loại, 4.437 kíp nổ, 1.454 kg thuốc nổ, 108 quả bom bi, 9 quả bom, 25 quả mìn, 27 đầu đạn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tình hình tội phạm sử dụng các loại vũ khí “ nóng” vẫn phức tạp, trong đó có việc tội phạm sử dụng các loại súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải không nằm trong danh mục súng quân dụng thuộc quản lý của nhà nước.
- PV: Vướng mắc lớn nhất là hành vi này chưa bị xử lý hình sự, vậy các cơ quan chức năng đã làm gì để hạn chế những bất cập này, thưa Thiếu tướng?
- Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều những vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến súng tự chế, mà phổ biến là súng bắn đạn hoa cải, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ soạn thảo Pháp lệnh về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đến nay, nội dung dự thảo đang chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, các loại vũ khí tự chế, súng ám sát hay súng bắn đạn hoa cải… sẽ được đưa vào danh mục quản lý và có chế tài xử lý nghiêm. Sau khi Pháp lệnh này được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để xử lý triệt để các các hành vi có liên quan tới sử dụng vũ khí tự chế gây mất ANTT.
Video đang HOT
- PV: Việc buôn bán trái phép các loại vũ khí ở khu vực biên giới hiện đang diễn ra phức tạp. Theo Thiếu tướng, cần phải làm gì để hạn chế tình trạng này?
- Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho thấy, nguồn vũ khí tự chế không chỉ thẩm lậu vào nội địa qua khu vực biên giới mà còn được tự chế trong nước. Để giải quyết vấn đề bức xúc này, công an các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; xử lý nghiêm tình trạng tàng trữ trái phép vũ khí, các loại chất nổ; xây dựng nhiều phong trào như toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, toàn dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm; tăng cường đấu tranh trấn áp các đối tượng phạm tội đảm bảo ANTT địa bàn.
Ngoài ra, tại các tỉnh biên giới, lực lượng công an còn phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng kiểm soát khu vực cửa khẩu, các đường biên để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vận chuyển, buôn lậu vũ khí.
Hiện tại, Tổng cục Cảnh sát PCTP cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận; đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương đưa ra xét xử, tạo khí thế răn đe tội phạm.
- PV: Trước mắt, các địa phương phải làm gì để xử lý nghiêm hành vi sử dụng súng tự chế?
- Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Trước khi Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thông qua, các địa phương cần tiếp tục tích cực vận động nhân dân thu hồi vũ khí vật liệu nổ, tăng cường các biện pháp quản lý hành chính để phát hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất sử dụng trái phép các loại vũ khí. Đặc biệt chú trọng công tác quản lý hành chính tại các tỉnh biên giới. Tập trung chỉ đạo điều tra, giải quyết các băng ổ tội phạm có tổ chức chuyên sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án…
- PV: Theo Thiếu tướng ngoài súng bắn đạn hoa cải, súng bút, súng ám sát thì những loại vũ khí nào sẽ nằm trong danh mục được điều chỉnh?
- Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Bất kỳ loại vũ khí nào dù là tự chế hay vũ khí được trang bị cho các lực lượng vũ trang khi rơi vào tay tội phạm đều rất nguy hiểm. Do đó các loại súng kèm theo đạn tương ứng như súng tiểu liên, súng các bin, súng trường, súng thể thao, súng tự chế, súng săn, súng bắn hơi cay hoặc lựu đạn, laze, vật liệu nổ… đều thuộc diện Pháp lệnh điều chỉnh.
- PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Theo ANTD
Tội phạm sử dụng súng tự chế: Bài 1: "Hàng nóng" trong tay sát nhân "máu lạnh"
Xuất hiện từ cuối năm 2006, đến nay, súng tự chế đã trở thành "đồ chơi chết người" được nhiều nhóm côn đồ và đối tượng phạm tội sử dụng...
Một số khẩu súng hoa cải bị lực lượng công an thu giữ
Cứ mâu thuẫn là bắn
Quá nửa đêm, phố Xã Đàn, quận Đống Đa vắng người qua lại. Màn đêm yên tĩnh bất ngờ bị xé toang bởi tiếng súng vang lên chát chúa. Trước đó, một nhóm thanh niên điều khiển xe máy đã rượt đuổi, tạt đầu chiếc xe taxi. Khi đã vượt được lên phía trên, nhóm đối tượng không chỉ dùng gậy, mã tấu đập phá chiếc xe ô tô mà còn phá cửa truy sát người phụ nữ ngồi phía trong. Bất ngờ chiếc xe ô tô rồ ga lao đi, tên sát nhân chĩa nòng súng đen ngòm về phía cửa kính. Cả khu phố hốt hoảng. Lái xe và người phụ nữ ngồi ghế sau gục ngã, chiếc xe taxi cũng loạng choạng, đâm sầm vào lề đường. Vụ nổ súng xảy ra rạng sáng 29-4, khiến chị Nguyễn Thị Liên (SN1991, trú tại quận Hoàng Mai) chết tại chỗ bởi "chùm" đạn chì của súng hoa cải xuyên thấu thái dương...
Không phải đến thời điểm này, nhiều năm trước, súng tự chế (trong đó phổ biến nhất là súng bắn đạn hoa cải) đã được giới giang hồ xem như "đồ chơi" lận lưng mỗi khi cần giải quyết mâu thuẫn. Sở dĩ loại súng này ngày càng phổ biến vì đây là loại vũ khí có nguồn hàng dồi dào, dễ cất giấu và đặc biệt là khi bắn không cần phải ngắm. Khả năng sát thương cao của súng hoa cải thể hiện ở việc mỗi khi bóp cò sẽ có hàng trăm mảnh chì bung ra như hoa cải, dễ dàng khiến đối thủ tàn phế hoặc tử vong. Bên cạnh đó, việc "chế" đạn cho loại súng này cũng dễ dàng không mất quá nhiều thời gian càng làm gia tăng sự xuất hiện của súng hóa cải trong các vụ giải quyết ân oán giữa các băng nhóm có "số má".
Chỉ cần những lý do không đâu như nhìn đểu, va chạm giao thông... cũng khiến nhiều "cao bồi làng" sẵn sàng nổ súng. Chiều một ngày cuối tháng 3, hơn chục thanh niên tay lăm lăm dùi cui, phóng lợn và súng tự chế bắn đạn ghém đã khống chế 3 chiếc xe taxi chạy lòng vòng trên Quốc lộ 32, thuộc địa phận thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Mục tiêu mà các đối tượng này đang tìm kiếm là Lê Duy Hiếu, học sinh một trường THPT - người trước đó đã xích mích và có cuộc khẩu chiến qua điện thoại với 2 đối tượng cầm đầu nhóm này. Và chiều hôm đó, nếu không có sự ngăn chặn kịp thời của lực lượng cảnh sát, trận loạn đả "sống mái" giữa 2 nhóm trai làng có lẽ đã xảy ra.
Thiếu chế tài xử lý
3 năm trước, Phạm Cao Sơn (tức Sơn "Súng"), trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng được xem là "lái súng" có tiếng ở vùng đất cảng. Nguyên là thợ quân khí, sau đó làm thợ sửa chữa súng tại cửa hàng kinh doanh súng thể thao nên với vỏ bọc này, nhiều năm liền, Sơn là đầu mối chuyên cung cấp "hàng nóng" cho các đối tượng giang hồ. Từ vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế cho đến súng bút - loại vũ khí mới tại thời điểm đó đều có sẵn trong "shop" súng lậu của Sơn.
Kế hoạch bắt Phạm Cao Sơn được tiến hành nhanh gọn sau khi chuyên án bắt giữ một "trùm" ma túy tại Hải Phòng được thực hiện. Bắt quả tang Sơn đang giấu trong người 3 khẩu súng bút, 30 viên đạn súng thể thao loại 6 ly, sau đó là hàng chục khẩu súng khác tại nơi ở của đối tượng nhưng vấn đề khó nhất vẫn là làm sao để xử lý nghiêm hành vi của "lái súng" này. Và phải mất nhiều lần giám định tang vật, cơ quan chức năng mới có đủ cơ sở để xử lý hình sự đối tượng Phạm Cao Sơn về tội mua bán, tàng trữ trái phép súng quân dụng. Ngay cả khi phải đối mặt với mức án 24 tháng tù giam, nhiều người vẫn cho rằng, bản án dành cho hành vi nguy hiểm cho xã hội của Sơn là quá nhẹ...
Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, những vụ án, đối tượng liên quan đến súng tự chế trong thời gian qua đều được lực lượng công an nhanh chóng điều tra, xử lý. Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật không quy định về việc xử lý hình sự những trường hợp này nên thực tế khi triển khai vẫn còn những vướng mắc.
Cụ thể, nếu sử dụng các loại súng AK hoặc súng nguyên bản khác thì ngoài tội giết người, cố ý gây thương tích có thể xử lý đối tượng vi phạm về hành vi mua bán và tàng trữ trái phép súng quân dụng. Tuy nhiên, súng bắn đạn hoa cải, súng ám sát và các loại súng tự chế nói chung không nằm trong danh mục súng quân dụng nên không thể xử lý theo các tội danh độc lập như mua bán, tàng trữ trái phép súng quân dụng, ngay cả khi loại vũ khí này có khả năng sát thương không kém gì những vũ khí bị cấm.
Có cùng quan điểm, đại diện Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng khi chỉ có thể xử lý hành chính đối với trường hợp mang súng tự chế mà chưa hoặc không gây án. Đặc biệt, dù các đối tượng này tái phạm, tội danh xử lý vẫn chỉ là "Mua bán và tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ", không thể áp dụng các mức xử lý nghiêm khắc của tội danh "Mua bán và tang trữ trái phép vũ khí quân dụng".
(Còn nữa)
Theo ANTD
Hai anh em tướng cướp vùng biên Một đêm 30 Tết, có một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con đã chết một cách tức tưởi bởi những phát súng lạnh lùng của tên tướng cướp máu lạnh họ Vi. Sau khi lấy đi toàn bộ tài sản, tên tướng cướp này lạnh lùng bước qua xác 4 nạn nhân mà hắn và đồng bọn vừa...