“Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp xảy ra ở một số địa phương”
Tội phạm về xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã giảm hơn so với năm 2016. Tuy nhiên, tội phạm về môi trường, ma tuý lại tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma tuý, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp đã xảy ra ở một số địa phương.
(Ảnh minh hoạ)
Đó là một trong những nội dung được nêu trong văn bản của Bộ Tư pháp vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017.
Tội phạm tham nhũng giảm hơn so với năm 2016
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Các cơ quan công an tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực, tiếp nhận, xác minh và giải quyết tin báo tố giác tội phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phát hiện kịp thời, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân với nòng cốt là lực lượng công an, biên phòng, các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể so với năm 2016.
Qua theo dõi, tổng hợp cho thấy vi phạm pháp luật hình sự diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ngân hàng, thuế, hải quan, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm.
Trong đó tội phạm về xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã giảm hơn so với năm 2016. Tuy nhiên qua theo dõi cho thấy, tội phạm về môi trường, tội phạm về ma tuý lại tăng lên so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho biết sự đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma tuý, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động đã xảy ra ở một số địa phương.
Video đang HOT
Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định nội dung tranh chấp, khiếu kiện trong năm 2017 diễn ra chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai: Việc thu hồi đất, khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tố cáo một số cán bộ, công chức sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai,…
Các khiếu kiện, tranh chấp còn liên quan đến vấn đề về chế độ, chính sách cho người có công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, các dự án BOT, về thuế, phí, lệ phí, chống tham nhũng…
“Đáng lưu ý, số vụ việc khiếu kiện về sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, khiếu nại về nhà ở tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao cấp có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện một số đoàn đông người đi khiếu kiện. Các vụ việc liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại cũng diễn biến khá phức tạp, bùng phát khiếu kiện đông người. Ví dụ như khiếu nại của các hộ dân mua căn hộ chung cư tại 8B Lê Trực (Hà Nội), tiểu thương chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (Thanh Hoá), chợ An Khánh (Đồng Nai), chợ Buô Ma Thuột (Đắk Lắk),…”- báo cáo nêu rõ.
Nhà nước phải bồi thường hàng chục tỷ đồng
Bộ Tư pháp đánh giá, năm 2017 hoạt động giải quyết bồi thường đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện nghiêm túc, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ và giải quyết đúng pháp luật.
Theo số liệu của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 111 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới (tăng 1 vụ việc so với năm 2016), đã giải quyết xong 42/111 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29,327 tỷ đồng, còn 69 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 32 vụ án dân sự (có 13 vụ án thụ lý mới) đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết bồi thường (hoạt động tố tụng hình sự có 16 vụ án, hoạt động thi hành án dân sự có 2 vụ án, hoạt động quản lý hành chính có 5 vụ). Trong đó, 8 vụ với tổng số tiền trên 803 triệu đồng đã giải quyết xong, còn 15 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, Nhà nước phải chi tiền bồi thường nhiều nhất.
“Như vậy tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của toà án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là trên 30,1 tỷ đồng (giảm 23,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016)”- báo cáo cho hay.
Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ được thực hiện nghiêm túc với nhiều vụ việc hơn so với năm 2016. “Trong các lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì lĩnh vực tố tụng hình sự vẫn là lĩnh vực mà Nhà nước phải chi trả tiền bồi thường nhiều nhất, tuy nhiên số vụ việc phải hoàn trả lại ít nhất”- Bộ Tư pháp nhìn nhận.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, trong năm 2017, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện với 10 vụ việc, với tổng số tiền trên 166,4 triệu đồng. Cụ thể, việc hoàn trả được thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính (3 vụ việc với số tiền 35,2 triệu đồng), thi hành án dân sự (4 vụ việc với số tiền 28,5 triệu đồng) và tố tụng (2 vụ việc với số tiền trên 102,6 triệu đồng) – thấp hơn rất nhiều số tiền mà ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra bồi thường.
Thế Kha
Theo Dantri
ĐBQH "bật mí" về ý tưởng cho tham quan nhà tù để chống tham nhũng
Chia sẻ với Dân Việt, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, ý tưởng về việc đưa học viên của trường cán bộ đi tham quan nhà tù để giáo dục phòng ngừa tham nhũng mà ông phát biểu trên nghị trường thực ra do một đại biểu khác gợi ý, đặt vấn đề.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân trong lần phát biểu trước Quốc hội. (Ảnh VPQH)
Thưa ông, tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), lý do gì ông lại đưa ra ý tưởng cho cán bộ đi tham quan nhà tù để giáo dục phòng ngừa tham nhũng?
- Trước hết cần phải nói rằng đây không phải là ý tưởng của tôi. Khi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Học viện cán bộ TP.HCM (đại biểu Trần Hoàng Ngân làm Giám đốc Học viện này - PV), ông Nhân có kể lại câu chuyện lúc ông còn học tập ở nước ngoài: Để những người quản lý hiểu được thực tiễn cuộc sống, cơ quan chức năng đã tổ chức cho họ đi tham quan nhà tù, tham quan bãi rác...
Từ đó tôi mới nảy ra suy nghĩ, các cán bộ, học viên đang học ngành quản lý nhà nước trong hệ thống dịch vụ công cũng cần phải được đưa đi thực tế như vậy. Từ đó sẽ giúp họ rèn giũa bản thân, ý thức được trách nhiệm đối với nhiệm vụ chính trị.
Nếu như học viên được tới tìm hiểu những khu vực bị ô nhiễm môi trường, họ sẽ thấy người dân sống như thế nào, gặp khó khăn gì do ô nhiễm gây ra. Nhờ đó người cán bộ làm tốt hơn việc quản lý nhà nước, quản lý đô thị...
Và ông hy vọng rằng, nếu cho cán bộ đi tham quan nhà tù sẽ có tác dụng cảnh tỉnh họ trước hành vi tham nhũng?
- Tôi nghĩ là ít nhiều sẽ có tác động nhất định. Qua việc tham quan như vậy đôi khi cũng giúp người cán bộ tỉnh ngộ lại, rèn luyện bản thân. Ngoài ra, cũng cần phải nói đến là từ đó, chính chúng ta có điều kiện để giúp cho nhà tù làm tốt hơn công tác quản lý đối tượng phạm tội.
Ở góc độ kinh tế, Karl Marx từng nói nếu như lợi nhuận đến 300% thì có treo cổ người ta vẫn cứ làm. Ở vào trường hợp chỉ đưa cán bộ đi tham quan nhà tù để tác động làm họ sợ hãi không dám tham nhũng, liệu có đủ để làm lòng tham con người bị triệt tiêu?
- Tôi nghĩ ở đây chúng ta bàn về chuyện phòng ngừa tham nhũng là chính. Trong phòng ngừa đòi hỏi sự rèn luyện từ lúc còn học trong môi trường giáo dục. Việc thăm quan nhà tù ở đây của học viên trường cán bộ giống như người học quản trị kinh doanh đi thực tế ở doanh nghiệp, người học ngành y thì đi thực tế ở bệnh viện...
Với việc đi thực tiễn như vậy, người tham quan sẽ được tận mắt thấy cảnh nhà tù, từ đó ít nhiều cũng tác động vào suy nghĩ trong quá trình công tác sau này. Và ít nhất họ cũng hiểu hoặc biết được rằng, nếu có hành vi tham nhũng nói riêng hay những hành vi phạm pháp nghiêm trọng khác, kết cục như thế nào sẽ chờ họ phía trước.
Học viện cán bộ nơi ông làm giám đốc sẽ triển khai cho học viên tham quan nhà thế nào?
- Hiện nay các trường chính trị, đào tạo cán bộ đều có đưa vào chương giảng dạy công tác phòng, chống tham nhũng. Còn với việc cho học viên thực tế tham quan nhà tù thì chúng tôi mới đưa ra ý tưởng. Sau khi tôi phát biểu ở Quốc hội, báo chí thông tin, một cán bộ giảng dạy của Học viện cán bộ TP.HCM đã gửi tin nhắn cho tôi. Người này viết: Em đang đảm nhận giảng dạy bài về Luật phòng, chống tham nhũng cho khoa Luật. Bài phát biểu của thầy tại Quốc hội giúp em thêm những kiến thức trong công tác giảng dạy phòng, chống tham nhũng. Em xin phép xung phong cùng các anh chị học viên học tập và trải nghiệm.
Qua câu chuyện này cho thấy sự hưởng ứng của giáo viên và học viên, bản thân họ mong muốn được trải nghiệm thực tế. Để cho học viên đi tham quan nhà tù cần phải tổ chức, phải liên hệ, cần có thời gian, ít nhất cũng phải 3 tháng mới có thể triển khai được.
Xin cảm ơn ông (!)
Trước đó, chiều 9.11, thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng, đã có nhiều ĐB đưa ra những góp ý khá cụ thể. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM, về mặt giáo dục để ngăn ngừa tội phạm thì không chỉ vấn đề tham nhũng mà còn an ninh trật tự, và đòi hỏi môn giáo dục đạo đức phải được chú trọng từ mầm non, tiểu học. Ông Ngân cho biết, tới đây ở Học viện cán bộ TP.HCM trong chương trình đi tham quan sẽ bổ sung điểm đến là nhà tù, nơi cán bộ tham nhũng bị xử lý để học viên thấy được hậu quả của việc này.
Theo Danviet
Thủ tướng: Đấu tranh mạnh với tội phạm chống người thi hành công vụ Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ xảy ra rất phức tạp, ở nhiều địa phương, trong hoạt động công vụ của nhiều ngành làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính nghiêm minh của pháp luật. Phát huy sức mạnh tổng hợp đấu tranh tội phạm chống người thi hành...