Tôi phải làm sao khi hôn nhân sắp đổ vỡ?
Tôi và anh quen nhau từ lúc còn cắp sách đến trường, sau nhiều năm mới tiến đến hôn nhân. Thuở mới về sống chung, lương của anh lãnh về, anh đưa hết cho tôi.
Nếu không biết cách xử sự, đồng tiền có thể khiến gia đình tan vỡ
Cùng với tiền lương của tôi, tôi tính toán sẵn tiền mua gạo, điện nước mắm muối, chợ búa cho một tháng rồi để riêng; còn bao nhiêu tôi để vào một cái hộp trong tủ, chỉ cho anh thấy và dặn anh có cần gì thì cứ lấy.
Video đang HOT
Mọi sự diễn ra êm đẹp, ngày Tết, ngày lễ, thăm anh em họ hàng, anh luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Tôi cũng không eo hẹp với em chồng, vì chúng tôi chưa có con, đời sống cũng không chật vật … Tôi không có thói quen lục bóp, cũng không bao giờ dòm ngó tiền của chồng, anh đưa thì tôi nhận, không than thở, không đòi hỏi.
Cho đến khi tôi sinh con … về nhà mẹ ở vài tháng, bặt một thời gian không nắm tay hòm chìa khóa thì bỗng nhiên mọi sự thay đổi. Anh đổi chỗ làm, lương bao nhiêu tôi không biết. Dần dần tiền lương anh không còn đưa tôi nữa. Lúc đó, mãi lo chăm sóc sinh linh nhỏ bé, và lại cũng không túng thiếu nên tôi không nghĩ đến chuyện “quản lý” tiền của anh. Mọi sự đã có gia đình tôi chăm lo cho hai mẹ con.
Đến lúc con tôi bắt đầu đi học, tiền học, tiền bán trú, tiền sách vỡ … lương tôi không đủ “bao tiêu” hết, cha mẹ tôi cũng lần lượt hưu trí, thì tôi bắt đầu lo bươn chải nghĩ cách kiếm thêm, chứ không dám đòi anh đưa, vì sợ lương anh không đủ, khiến anh bận lòng.
Nghĩ vậy, tôi đi làm thêm cả ngày chủ nhật để có thêm thu nhập. Anh cũng biết điều đó nhưng không có ý kiến gì, chỉ thay tôi đưa đón con đi học thêm … Một hôm, tôi nghe cô em dâu bên chồng khoe vừa được chồng tôi tặng tiền mua máy hát đời mới, lại còn phân bì tôi sung sướng vì có chồng làm ra tiền.
Tôi hơi chưng hửng và trong khi chưa nghĩ ra cách gì để hỏi chồng thì lại nghe chị bà con bên chồng “khen”: “Chồng em thiệt có hiếu, sắm cho cha mẹ đủ thứ tiện nghi trong nhà”.
Tôi ngậm bồ hòn, hỏi nhỏ người chị chồng về tin tức đó có thiệt không, thì lại nghe thêm rằng: “Nó đem tiền về gởi mẹ giữ dùm nữa kia, em làm vợ mà sao không biết quản lý tiền chồng, để nó phải đem gởi mẹ”.
Tôi nghe mà say xẩm mặt mày, giận đến run người. vì anh đã làm tôi mất mặt với gia đình chồng. Nhưng nói giận vậy thôi chứ khi anh đi làm về, tôi nhẹ nhàng bảo: “Bây giờ con cái đã lớn, đủ thứ nhu cầu học hành, anh tính toán chia lương ra, bao nhiều phần báo hiếu cho cha mẹ, bao nhiêu để lại dằn túi xài, còn bao nhiêu lo cho con, chứ không thể khoán trắng cho em mãi được”.
Chỉ đến khi tôi mở miệng anh mới đưa tôi mỗi tháng 100.000 đồng. Anh nói: gọn lỏn “Anh chỉ có thể đưa bấy nhiêu để góp vào tiền học phí cho con”… Một thời gian sau, mỗi tháng anh tăng thêm 50.000 đồng. Cho đến lúc số tiền anh đưa tôi hàng tháng được 300.0000 đồng thì chúng tôi bắt đầu nói lời ly hôn.
Bạn bè tôi nói mọi chuyện là lỗi ở tôi, tôi đã không quản lý, để anh tự do giữ tiền. Có người bạn nói: “Lương của chồng chị không lõi được một xu với chị, xài bao nhiêu là do chị phân phát lại”. Có người thì rạch ròi, chi li:: “Mình thỏa thuận với chồng một tháng đưa chừng 5 đến 10 phần trăm lương cho cha mẹ, còn bao nhiêu phải để mình quản”…
Tôi nghe xong, thiệt phân vân, bởi lẽ biểu tôi vì chuyện tiền nong mà xào xáo gia đình, vợ chồng lục đục tôi không làm được. Bảo tôi không cho anh lo cho cha mẹ anh, tôi cũng không làm được, sợ anh bị mang tiếng bất hiếu …
Vả lại, tôi cũng đã “lên tiếng”, anh nói “chỉ có khả năng đưa bấy nhiêu”, thì tôi biết làm sao hơn được…
Nhưng hình như tôi cũng cảm thấy mình không giống ai, vì cứ mười người thì hết chín người nói đi làm về nộp hết lương cho vợ, hoặc nói quản lý hết tiền của chồng…
Phải chăng quả thiệt là lỗi nơi tôi ? Tôi phải làm sao đây khi hôn nhân sắp đổ vỡ?
Theo VNE