Tối nay, bão số 1 cách mũi Cà Mau 300 km
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều 1.1, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 trong năm 2019, có tên quốc tế là PABUK.
Bản đồ dự báo đường đi của cơn bão số 1
NGUỒN: TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA
Lúc 22 giờ cùng ngày, tâm bão số 1 ở vào khoảng 6,0 độ vĩ bắc và 109,3 độ kinh đông, cách đất liền các tỉnh Nam bộ khoảng 470 km về phía đông nam, cách Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 400 km về phía đông nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 – 75 km/giờ, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 – 15 km. Đến 22 giờ tối nay (2.1), tâm bão ở khoảng 6,2 độ vĩ bắc và 106,3 độ kinh đông, cách mũi Cà Mau khoảng 300 km về phía đông nam, cách Côn Đảo khoảng 280 km về phía nam.
Video đang HOT
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên là phía bắc vĩ tuyến 5,0 độ vĩ bắc.
Từ đêm 1.1 đến hết ngày 3.1 ở vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động.
Trong ngày 1.1, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có công điện gửi các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và Kiên Giang yêu cầu các địa phương tìm cách liên lạc, hướng dẫn tàu, thuyền tránh xa vùng biển nguy hiểm trong cơn bão số 1…
Cà Mau cấm người, phương tiện ra khơi
Chiều 1.1, đại tá Đoàn Văn Giang, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết các đồn biên phòng phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi ngư dân đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện hoạt động gần khu vực nguy hiểm nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Tại các cửa biển, Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biên phòng, phối hợp các lực lượng chức năng và địa phương hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu theo quy định. Đặc biệt thực hiện nghiêm lệnh cấm tất cả người, phương tiện ra biển hoạt động theo lệnh của UBND tỉnh Cà Mau từ lúc 12 giờ ngày 1.1.
Lê Khoa
Theo Thanhnien
Cứu nạn 8 thuyền viên và tàu cá bị nạn trên vùng biển TT-Huế
Lúc 7 giờ 40 ngày 22-12, 8 thuyền viên trên tàu cá số hiệu ĐNa 90946 TS gặp nạn tại vùng biển TT-Huế đã được lực lượng cứu nạn hàng hải khu vực II đưa về bờ an toàn và bàn giao cho các cơ quan liên quan.
Trước đó, lúc 10 giờ 55 ngày 21-12, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II) nhận được điện thoại của thuyền trưởng tàu ĐNa 90946 TS là ông Nguyễn Mỡ (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Trong lúc tàu cá đang hành nghề tại vùng biển TT- Huế thì bị sự cố hỏng máy chính, không khởi động lại được.
Máy liên lạc ICOM của tàu cũng hết nguồn điện ắc quy dự phòng nên tàu ĐNa 90946 TS không thể liên lạc với các tàu xung quanh đến trợ giúp được.
Tàu cứu nạn SAR 274 đưa các thuyền viên tàu cá bị nạn về bờ.
Thời điểm này, tại khu vực tàu bị nạn có mưa giông, tàu có xu hướng trôi dạt, nhiều khả năng mất liên lạc với đất liền do sóng điện thoại di động ngày càng yếu dần. Thuyền trưởng Nguyễn Mỡ đã yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau khi nhận thông tin trên, Trung tâm II đã báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời động viên tinh thần các thuyền viên tàu ĐNa 90946 TS, hướng dẫn tàu bị nạn các biện pháp hạn chế trôi dạt.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam ngay lập tức điều động tàu SAR274 đang thường trực tại Đà Nẵng khẩn trương rời bến đi cứu nạn lúc 19 giờ 30 cùng ngày. Sau gần 4 giờ đồng hồ vượt qua sóng gió, đêm tối mù mịt, đến 23 giờ 15 cùng ngày, lực lượng cứu nạn tàu SAR 274 sử dụng các thiết bị tìm kiếm ban đêm và đã tìm thấy tàu cá ĐNa 90946 TS và toàn bộ 8 thuyền viên và cứu vớt an toàn. 8 thuyền viên bị nạn được chuyển về tàu SAR274 để được chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và các nhân viên cứu nạn đã hỗ trợ buộc tàu, tiến hành lai dắt tàu ĐNa 90946 TS về bờ, bảo toàn tài sản của bà con ngư dân.
Các thuyền viên trên tàu cá ĐNa 90946 được cứu nạn gồm: Nguyễn Mỡ (1972), Lê Văn Toàn (1982, cùng trú Sơn Trà- Đà Nẵng); Trần Văn Tuấn (1979), Mai Hồng Khanh (1983), Lê Văn Cu (1973, cùng trú Hội An - Quảng Nam) ; Lê Văn Là (1977), Nguyễn Quốc (1977, cùng trú Duy Xuyên - Quảng Nam) và Lê Văn Minh (1980, trú Ninh Hòa - Khánh Hòa).
Thông tin từ Trung tâm II cho biết: Trước đó ngày 21-12-2018, tàu SAR412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cứu nạn thành công 8 ngư dân và hỗ trợ đưa tàu cá ĐNa 90364 TS bị nạn trên biển về Đà Nẵng an toàn. Cùng thời điểm đó, tàu cứu nạn SAR411 cũng đã cứu nạn thành công 1 du thuyền và 5 thuyền viên gặp nạn trên biển.
K.T
Theo Congan
Phó Thủ tướng: "Hết sức chủ động ứng phó với lũ trong thời gian tới" Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như nỗ lực của các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long trong ứng phó với lũ đầu mùa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị không được chủ quan, hết sức chủ động để ứng phó với lũ trong thời gian tới. Ngày 23/9, Phó Thủ tướng...