Tôi làm học viên trường “chết lâm sàng”
Lớp học nhốn nháo, cô nói một trò nói hai, hay như gộp chung các học viên trung cấp (TC) năm 2 với các tân sinh viên cao đẳng (CĐ) vào chung một lớp để giảng dạy… là những buổi học ở các trường TC,CĐ đang “ chết lâm sàng”.
Cả khóa mới của một trường TC ở quận 6, TPHCM hiện chỉ có hơn chục học viên đang theo học.
Trong vai tân sinh viên mới nhập học, phóng viên Tiền Phong đã tham gia lớp học ở các trường TC, CĐ khác nhau tại TPHCM, và ghi nhận được nhiều câu chuyện bi hài, trớ trêu. Điều đáng ngạc nhiên là thời điểm này, mùa tuyển sinh đã đi qua hơn 1 nửa chặng đường, thế nhưng nhiều trường chỉ mới có vài chục học sinh theo học. Không khí trường học vắng lặng y như “chùa Bà Đanh”.
Lớp học 2 trong 1
Ngày 7/10, trong vai người đi tìm trường học, chúng tôi ghé trường CĐ Nghề Kinh tế Kỹ thuật (quận 12, TPHCM) để tìm hiểu thông tin ngành học. Sau một hồi tư vấn, mặc dù chưa mua hồ sơ, đóng tiền học phí nhưng với nhu cầu tham quan lớp học, chúng tôi được một nhân viên đào tạo của trường nhiệt tình dẫn đi dạo một vòng quanh trường. Thậm chí, nhân viên này còn bố trí cho phóng viên một chỗ ngồi học thử để xem không khí học tập thế nào.
Từ tầng 1 lên tầng 2, ngoài phòng Đào tạo sáng đèn, 4-5 phòng học còn lại đều tối thui, khóa trái cửa, bụi bặm bám đầy bàn ghế. Nhân viên này vừa đi vừa nói: “Các phòng này đang tạm đóng cửa do chưa có học viên vào học”. Lên đến tầng 3, bắt đầu có tiếng nhốn nháo của học sinh. Khi đến gần cuối dãy, một lớp học khoảng 40 học viên, người ngồi ngang, kẻ đứng dọc… Chuyện trò huyên náo. Thầy giáo trạc tuổi 50 bước xuống chào hỏi rồi nói: “Hôm nay học môn Chính trị cũng nhẹ nhàng, bài vở ít với lại tui có việc bận nên điểm danh xong cho mấy em về sớm”.
“Ban ngày buồn đã dành, buổi tối còn buồn hơn. Nhiều lúc thấy nản muốn bỏ học nhưng nghĩ lại tiếc tiền nhập học với lại ở lâu rồi cũng quen”. Lan tâm sự
Nói xong, thầy đi xuống, cả lớp cũng đi xuống theo rồi kéo nhau ra quán nước ngồi chơi, ăn uống, lúc đó tầm khoảng 4 giờ chiều. Tại sân trường, trong lúc đang nói chuyện với nhân viên phòng đào tạo, một học sinh từ bên kia đường chạy qua, khi đến nơi, em này mở bao thuốc lá, kéo ra điếu rồi mời thầy hút. Thầy giáo cười nhẹ rồi lấy điếu thuốc châm lửa, nói: “Đây là Tài, học viên năm 2 hệ TC, nhà nó ở gần đây nè”. “Ủa, lúc nãy thấy dẫn em lên lớp học của sinh viên hệ CĐ khóa mới mà”, tôi thắc mắc hỏi. “À, do đây là môn chung với lại trường ít sinh viên nên gom cả hệ TC, CĐ lại thành một lớp để cho dễ dạy em à. Hiện, lớp này học được hơn 1 tháng nay và đã kết thúc 2 môn là Tin học và Chính trị, nếu em vào học thì học tiếp môn mới, hai môn đó khi nào có dịp học sau cũng được”, nhân viên này nói.
Video đang HOT
Học viên vô tư lướt điện thoại trên lớp.
Bắt chuyện với một nhóm sinh viên khác, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, cả tháng nay, hơn hai chục tân sinh viên hệ CĐ bị gom chung vào một lớp với hàng chục học viên hệ TC năm 2. Thanh, tân sinh viên ngành Thú y thở dài tâm sự: “Lúc đầu em cũng ngỡ ngàng vì khi nhận lớp không ngờ lại “thập cẩm” thế này. Mấy ngày đầu học em nản lắm, cả trường mà chỉ có được mấy người thôi à”.
Còn Lan, tân sinh viên ngành Dược đứng kế bên nói: “Vào học đây anh phải kiên trì chứ không là nản lắm. Muốn học tốt anh phải lên ngồi hàng đầu và tập trung nghe thầy giảng bài, ở dưới người ta làm gì kệ họ, anh đừng quan tâm”. Lan hiện đang ở ký túc xá ngay tại trường với khoảng hơn chục bạn khác, 6 tháng đầu trường không lấy tiền phòng, chỉ tính tiền điện nước. “Ban ngày buồn đã dành, buổi tối còn buồn hơn. Nhiều lúc thấy nản muốn bỏ học nhưng nghĩ lại tiếc tiền nhập học với lại ở lâu rồi cũng quen”, Lan tâm sự.
“À, còn chuyện nữa vui lắm. Đáng ra bọn em học môn Anh văn trước, nhưng khi trường vừa xếp lịch xong thì nghe bảo thầy giáo bị tai nạn nên phải đổi sang học môn khác đó”, Thanh vừa cười vừa nói.
Trong khi đó, ở một vai diễn khác, chúng tôi thấy lạ lùng trước sự vắng lặng học sinh ở một trường TC thuộc dạng có tiếng ở quận 6, TPHCM. Ngôi trường này gồm 4 tầng lầu khá khang trang, phòng ốc được thiết kế tiện nghi bao gồm thư viện, phòng máy tính, phòng thực hành được trang bị hiện đại. Thế nhưng, hiện chỉ sử dụng 2 phòng để giảng dạy cho vài chục học viên kể cả mới lẫn cũ.
Sáng ngày 6/10, trường này có hai lớp đang học gồm một lớp Tin học khóa cũ hơn chục học viên và lớp Anh văn khóa mới chưa tới chục học viên. Tại lớp học Tin học, mỗi bạn một máy tính ngồi làm bài tập ở một góc trong căn phòng khá rộng rãi. Còn ở lớp Anh văn phía tầng trên, căn phòng có sức chức cả trăm học viên nhưng tính cả giáo viên cũng chưa tới 10 người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là những học viên khóa mới năm nay, đa phần các em đều người thành phố, số ít là học sinh từ ngoại tỉnh.
Một học viên tên T., người Bình Định vào học trường này được hơn 1 tháng nay tâm sự: “Mấy ngày đầu em buồn chán lắm. Trường thì to, lớp thì rộng nhưng cả khóa chưa tới chục người. Đi hết cả trường đếm chưa tới 30 người kể cả giáo viên, ban giám hiệu và học sinh… Em hoang mang không biết tương lai sẽ thế nào?
Như ong vỡ tổ
Học viên ngồi hẳn trên bàn học.
Có dịp tham dự với một lớp học khác của các tân sinh viên hệ TC ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM vào chiều ngày 6/10, chúng tôi cảm nhận lớp học chẳng khác tiệm ăn bình dân của hơn 30 thực khách trong một căn phòng chưa đầy 30 m2. Buổi chiều hôm đó, lớp này học môn Anh văn, nằm ở tầng 3 trong một ngôi nhà khoảng 4 tầng lầu.
Ngay sau giờ giải lao (khoảng gần 3 giờ chiều), nhiều học viên nhanh chân háo hức chạy ra khỏi lớp để đi mua thức ăn từ bên ngoài mang vào trường trong khi cô giáo nằm gục trên bàn với vẻ mệt mỏi. Có thức ăn, một học viên tên Nam ngồi lên bàn, hai chân đặt trên ghế trong khi các bạn khác ngồi vây quanh cùng nhau ăn uống, tám chuyện. Đủ thứ chuyện trời, biển cùng những lời trêu ghẹo lâu lâu xen lẫn những câu chửi thề được các học viên thoải mái không ngần ngại tuôn ra.
Hơn 3 giờ chiều, cô giáo tỉnh dậy, yêu cầu cả lớp trật tự học tiếp. Trên cô nói, dưới học viên buôn chuyện nhốn nháo. Vài học viên nam kỳ kèo thêm thời gian ra chơi: “Tý nữa học đi cô ơi, còn sớm mà…”. “Không được, cô cho các em thêm 10 phút rồi, giờ bạn nào còn ăn vặt, bấm điện thoại là cô phạt nhé”, cô giáo nói. Thế nhưng, cô nói thì cứ việc nói, nhiều bạn vẫn thản nhiên bấm điện thoại, có bạn nam còn ngồi quay lưng không thèm nhìn lên bảng, miệng liên tục nhai quà vặt…
Trên bảng cô giáo viết vài cụm từ vựng rồi yêu cầu học sinh đọc. Cô đọc trước, rồi đếm 1, 2, 3 để các trò đọc theo. Tiết học cứ thế trôi đi được khoảng hơn tiếng đồng hồ thì cả lớp giải tán.
Tình cảnh này cũng diễn ra ở một lớp ngành Dược của các học viên năm 2 hệ TC của một trường thuộc quận 12, TPHCM. Trong ngày chúng tôi đến lớp học bắt đầu từ 7 giờ nhưng đúng thời gian trên chỉ có khoảng 20 học viên có mặt.
Mãi đến khoảng 8 giờ thì số học viên tăng được gấp đôi. Lớp học không đông nhưng do phòng rộng nên thầy dùng máy chiếu, micro để giảng bài. Tuy nhiên, trên thầy độc thoại dưới trò thoải mái việc riêng. Lâu lâu, thầy lại “cả lớp im lặng”. Tuy nhiên mệnh lệnh thức ấy như để trấn an cho chính thầy.
9 giờ, cả lớp ra chơi, lại cảnh học viên tranh thủ đi mua đồ ăn sáng, nước uống, vài học viên khác rủ nhau ra làm ly cà phê rồi sau đó vào học tiếp. Thấy tôi giở cuốn sách ra tỏ vẻ nghiên cứu, một học viên tên Hải ngồi bên nói: “Bạn mới hả hay là đi học thay ai đây? Mà kệ đi, không phải sợ, cứ ngồi chơi cho sướng”.
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Kiến nghị tăng học phí mầm non lứa tuổi 6-18 tháng
Tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thí điểm "Đề án giữ trẻ 6-18 tháng tuổi" do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức sáng 8.10, đại diện nhiều trường mầm non (MN) thực hiện đề án này đã kiến nghị tăng học phí và vệ sinh phí đối với trẻ ở lứa tuổi này do đặc thù nuôi dạy rất khó khăn.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2014-2015, đề án được tổ chức thí điểm tại 13 trường MN của 8 quận huyện gồm với 60 bé trong nhóm 6-12 tháng tuổi, 115 trẻ từ 13-18 tháng tuổi. Sang năm học 2015-2016, Sở tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm tại 4 quận huyện theo lộ trình. Đến nay đã có 12 quận, huyện thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 41 trường MN công lập.
Ảnh minh họa
Theo đánh giá chung của Sở GD-ĐT TPHCM, sau một năm thực hiện thí điểm đề án, hầu hết các trường đều được sự quan tâm, hỗ trợ về mặt kinh phí để cải tạo, xây mới các phòng học phục vụ nhóm trẻ với mức đầu tư mỗi nhóm trẻ từ 120-300 triệu đồng; các trường đều đảm bảo giáo viên theo quy định; đa số các trường đều nhận đủ trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân gần khu công nghiệp, khu chế xuất...
Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, việc nhận trẻ từ 6-18 tháng gặp nhiều khó khăn như tuyển dụng nhân viên cấp dưỡng cho nhóm trẻ, vì trong quy định nhà trường không có định biên cho vị trí này. Vì thế cần nhận được sự hỗ trợ từ phía Sở GD- ĐT cũng như Sở Nội vụ bổ sung thêm định biên. Một số trường kiến nghị về việc cần tăng thêm học phí và vệ sinh phí ở các nhóm trẻ này vì đặc thù đòi hỏi sự chăm sóc cao, tỉ mỉ cẩn thận và số lượng giáo viên nhiều hơn, các đồ dụng, đồ sinh hoạt cho bé cũng cần trang bị như sữa tắm riêng, khăn lau riêng, giấy ăn riêng... nên không thể áp dụng mức thu như bình thường.
Theo Đ. Trinh (Người lao động)
Tăng học phí: Ra trường, sinh viên sẽ thành "con nợ" "Với mức tăng học phí như hiện nay, khi ra trường sinh viên sẽ gánh một khoản nợ khá lớn. Hơn nữa, 2 năm sau khi ra trường, nếu mức lương thấp, các em sẽ không đủ khả năng trả nợ", PGS.TS.Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lo ngại. Từ ngày 1.12.2015, bình quân học phí ở các trường...