Tôi không đặt nặng ‘công dung ngôn hạnh’ với vợ
Cô ấy không thường nấu ăn vì có người giúp việc, chỉ nấu những món ăn chơi và tôi cũng chẳng bận tâm. Con cái cô ấy quan tâm vừa phải, không có mối lo sợ chuyện gì sẽ xảy ra và nói tập tính tự lập cho con.
ảnh minh họa
Không biết tôi có phải kẻ “tạo phản” không nhưng hy vọng các thực tế sẽ biện hộ thay. Tôi khá thoải mái trong cách sống, vợ chồng cùng gặp nhau ở lớp cao học, đám cưới khi tôi 39 và cô ấy 36, hiện giờ đã được 2 cháu. Cô ấy là người rất có sức sống và thẳng thắn, sau khi kết hôn vẫn thỉnh thoảng rủ tôi đến vũ trường. Tôi làm việc ở công ty nước ngoài nhưng rất tệ về khoản nhảy nhót nhưng vẫn đi cùng. Ngồi nhìn vợ nhảy với các bạn trong ánh đèn và tiếng nhạc đưa đẩy, vừa có cảm giác ghen và bực, lại thích thú ngưỡng mộ. Cũng có lần suýt đánh nhau vì một gã cứ giữ lấy không buông mà bảo vệ đã kịp thời can thiệp.
Nếu không có internet chắc tôi chẳng bao giờ nói ra được những điều này. Tôi thấy các tiêu chuẩn như công dung ngôn hạnh về người phụ nữ có vẻ khá mơ hồ và “bội thực” khi đối diện với thực tại và bản ngã con người. Tôi vẫn rất hạnh phúc với vợ dù không phải ai cũng khen ngợi cô ấy. Đơn cử như chị tôi không thích tính cách độc lập (không vâng lời, không theo truyền thống) của cô ấy nhưng trong tâm can tôi vẫn yêu cách sống phong phú và sinh động của vợ, vì mọi chuyện với cô ấy đều rõ ràng, ngay thẳng.
Nói thật tôi cần một người vợ vừa hiểu biết vừa mạnh mẽ như vậy vì cuộc sống có những va vấp mà tôi không thích sự ủy mị hay quá dịu dàng đến mức thụ động. Cô ấy không thường nấu ăn vì có người giúp việc, chỉ nấu những món ăn chơi và tôi cũng chẳng bận tâm. Con cái cô ấy quan tâm vừa phải, không có mối lo sợ chuyện gì sẽ xảy ra và nói tập tính tự lập cho con. Không biết diễn tả sao nhưng tôi không có cảm giác đều đều, quá đủ hay quá thiếu, tất cả như có sự khéo léo dù mọi chuyện đều tự nhiên với cô ấy.
Video đang HOT
Nói về các bạn của vợ, họ đã lập gia đình, trong nhà cứ lục đục những chuyện như nội trợ, chồng cặp bồ, đưa đón con cái, gia đình của chồng và chồng lời ra tiếng vào cứ muốn họ như này như kia. Thỉnh thoảng lại thấy một cô đến nhà chơi và khóc lóc kể lể, tôi thường tránh đi những lúc vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp thế.
Tôi thấy có một điều nguy hiểm xảy ra trong tương phản giữa tư duy và thực tế xã hội hiện nay. Tôi không phải nhà xã hội học nên chỉ có thể nghĩ dường như cánh đàn ông vừa khát khao một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập lại vừa sợ không giữ được. Cảm giác an toàn trấn áp, để muốn có một người có thể chịu đựng mình hàng ngày và đồng thời tìm sự mạnh mẽ trong chốc lát ở bên ngoài. Cũng có thể có những phụ nữ vượt hơn, cũng có thể một số ông chồng không sống thật được với chính họ, vậy nên gia đình thường xảy ra mâu thuẫn.
Tôi cũng là đàn ông Việt nên đúng ra không nên nói điều gì “bất lợi” cho cánh đàn ông, nhưng thực tế đã xảy ra “ngấm ngầm” và đang nhiều như tôi đang thấy là các bạn của vợ kết hôn với đàn ông Tây không phải ít. Họ không phải kết hôn vì tiền, sex như tôi nghe đến vì các cô này thấy đều tài sắc, chức này chức nọ, lưu loát, hoạt bát. Tôi chợt nghĩ giống như hiện tượng “chảy máu chất xám” vậy. Cánh đàn ông Việt nghĩ gì mà để các cô ấy “ra đi” như thế?
Cuộc sống tôi thấy khá đơn giản, không nên có định kiến, chỉ cần mở lòng đón nhận những cái tốt, có những cái mình hơn người, có những cái mình thua người, có ai mà hơn người khác hoàn toàn bao giờ, không nên bó buộc người ta phải theo ý mình vì không bao giờ được. Tôi chỉ nghĩ làm sao để xã hội Việt Nam ngày càng văn minh và phát triển.
Theo VNE
Chồng cặp bồ nhưng vẫn luôn mồm yêu cầu vợ "tứ đức"
Trong những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, đàn ông đôi khi cũng là đề tài của các "bình luận viên" nhưng bàn tán về phụ nữ (kể cả độc thân hay đã có gia đình) dường như mới là đề tài sôi nổi nhất.
Những gì được đem ra "bình" chỉ là cô ta đẹp hay xấu, tính cách, đối đãi với người khác thế nào, gia đình bất hoà hay ấm êm, năng lực của cô ta ra sao v.v... suy ra toàn những chuyện xoay quanh công-dung-ngôn-hạnh của người phụ nữ.
Tôi nhận ra rằng: phụ nữ dẫu xinh đẹp đến đâu, đối nhân xử thế tròn vẹn thế nào, năng lực đáng ngưỡng mộ ra sao nhưng chỉ cần dính một cái "phốt", tỉ như có một mối quan hệ không rõ ràng nào đó ngoài chồng ngoài vợ, hoặc có trục trặc trong mối quan hệ với nhà chồng là y như rằng chị ấy sẽ bị dư luận "đập" ngay không thương tiếc. Như vậy, những yếu tố khác dẫu có tuyệt vời đến đâu nhưng chỉ cần một trong các yếu tố thuộc về "công-dung-ngôn-hạnh" của chị có vấn đề là chị mất điểm ngay!
Cô bạn thân của tôi từng "mất điểm" với gia đình chồng chỉ vì trót làm sếp nữ. Bận rộn với vị trí trưởng phòng ở một công ty dịch vụ nên những khi nhà chồng có giỗ, tiệc gì, bạn đều hào phóng chuyện quà cáp để bù đắp cho việc không thể về sớm phụ giúp mọi người chuyện bếp núc, dọn dẹp. Vậy mà bạn vẫn nghe đâu đó sau lưng mình những lời dèm pha kiểu "dâu con gì mà chẳng đảm đang chuyện nấu nướng, nhìn ăn mặc sang trọng ở ngoài vậy chứ chả bao giờ nấu được bữa ăn phục vụ chồng con cho ra hồn", nào là "đàn bà gì mà đi suốt" v.v. & v.v... dù những người thốt ra những lời lẽ cay độc ấy chẳng giỏi kiếm tiền như bạn, con họ chẳng được học trường xịn như con bạn và bản thân họ cũng chẳng làm cho chồng con hãnh diện bởi cái vẻ ngoài sang trọng, lịch lãm cũng như những thành tích đạt được trong xã hội như bạn và quan trọng nhất là ngay cả chồng bạn cũng chưa hề phàn nàn về những gì được cho là "khiếm khuyết" ở bạn.
Bạn than thở, phấn đấu để có được cuộc sống tốt hơn, nhưng đôi khi người ta vẫn đánh giá mình bằng những cái chuẩn vô hình nào đó có khi đã không còn phù hợp với cuộc sống tất bật và đầy rẫy khó khăn như hiện nay.
Khi anh bạn tôi đưa bạn gái về ra mắt gia đình, mẹ anh đã cực lực phản đối cô gái - trợ lý cho sếp tổng một công ty lớn với lý do: giỏi giang, bận rộn như cô ấy lấy đâu thời gian lo cho gia đình, đã vậy, việc ăn mặc đẹp bên ông sếp tây còn ẩn chứa biết bao rủi ro, bà sợ con gái hiểu biết nhiều, thu nhập cao lấy về có nguy cơ "xỏ mũi" con mình. Là một người hiểu biết, anh cũng chào thua trước những định kiến cổ hủ của mẹ mình.
Không chỉ trong mắt con cháu của Eva, công-dung-ngôn-hạnh của phụ nữ mới bị "soi" đến từng... sợi tóc mà trong tiềm thức của dòng dõi Adam, tứ đức của phụ nữ mới càng bị đề cao hơn bao giờ hết. Có những ông cặp bồ với những cô gái lẳng lơ, khêu gợi, thậm chí là gái làng chơi nhưng lại cực kỳ khắt khe với vợ, từ việc không cho vợ mặc các trang phục gợi cảm đến thái độ nghi ngờ nếu người vợ đột nhiên có những "chiêu" lạ chốn phòng the. Có ông mê mẩn số đo hình thể của các cô người mẫu dù biết thừa đó là "hàng giả" nhưng lại cấm tịt vợ đụng đến dao kéo thẩm mỹ.
Có ông chạy theo người tình chỉ vì cô ta biết chìu chuộng bằng những bữa cơm nóng canh sốt, trong khi vợ ở nhà mải mê theo đuổi những mục tiêu trong sự nghiệp mà xem nhẹ việc chăm sóc miếng ăn giấc ngủ của chồng. Ngược lại, không ít ông "say nắng" những bóng hồng giỏi giang nơi thương trường mà phụ rẫy những người vợ hiền lành, an phận.
Xét cho cùng, bắt phụ nữ "gánh" cả "việc nước" lẫn việc nhà quả là bất công cho họ bởi cái "ách" hai-giỏi quá ư nặng nề, vướng víu, đôi khi thật khó chu toàn cả hai. Nhưng nếu không phấn đấu để cân bằng giữa "đối nội" và "đối ngoại", liệu phụ nữ ngày nay có cán đích trong cuộc đua giữ chồng khi cánh đàn ông hiện đại luôn muốn vợ mình phải giỏi giang để không lệ thuộc, không trở thành gánh nặng của họ, không chỉ muốn vợ đảm đang nội trợ để cha con họ có người chăm sóc, họ còn muốn vợ luôn "đẹp" bằng một ngoại hình rạng rỡ với vốn hiểu biết luôn cập nhật để không trở nên cũ, nhàm.
Xã hội vẫn rao giảng về bình đẳng giới bằng những lý thuyết giáo điều nhưng sự khắt khe trong việc đánh giá các chuẩn mực đạo đức ở phụ nữ chưa bao giờ giảm bớt nếu không muốn nói là càng khắt khe hơn dù cuộc sống vẫn được cho là ngày càng "thoáng" hơn, "tây" hơn. Có điều, những thành tích mà phụ nữ ngày nay đạt được trong việc khẳng định vai trò của mình không hề thua kém nam giới (thậm chí đôi khi vượt trội) đôi lúc khiến người ta ảo tưởng rằng, (ở một khía cạnh nào đó) công-dung-ngôn-hạnh không còn là những rào cản xung quanh họ. Thực ra, các chuẩn mực về công-dung-ngôn-hạnh chưa bao giờ lỗi thời hay bị xem nhẹ so với thời các bà, các mẹ chúng ta, chẳng qua vì không thể xoá bỏ các định kiến về nó nên người ta đành chấp nhận sống chung với nó mà thôi!
Theo VNE