‘Tội đồ’ của Google làm giàu nhờ ăn cắp công nghệ
Cựu kỹ sư Google – Anthony Levandowski – bị tố đánh cắp các thiết kế độc quyền và tối mật của chủ cũ, mang sang các công ty đối thủ để kiếm tiền.
Levandowski, 40 tuổi, từng làm việc tại Google và là một trong những thành viên chủ chốt trong dự án xe tự lái Waymo của hãng. Là người có niềm đam mê với công nghệ tự động, từ hồi còn ngồi ghế đại học, Levandowski đã đứng đầu một nhóm phát triển xe máy tự lái toàn phần với tên gọi “Ghost Rider”. Sản phẩm được đưa đi tranh giải của Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc Phòng Tiên tiến của Mỹ (DARPA) và là mẫu xe hai bánh duy nhất dự thi lúc bấy giờ. Dự án “điên rồ” đã giúp ông lọt “mắt xanh” của hàng loạt hãng công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon.
Niềm đam mê dẫn dắt Levandowski “đầu quân” cho Google năm 2007 và làm trong các dự án về bản đồ và Street View. Các thiết bị được sử dụng trên các phương tiện Street View tương tự với cảm biến trên các loại xe tự lái.
Anthony Levandowski. Ảnh: New York Times.
Chỉ vài tuần sau khi ký hợp đồng với Google, Levandowski đã thành lập start-up riêng có tên 510 Systems, phát triển các công nghệ giống những gì Google sử dụng để vẽ bản đồ.
Một cựu nhân viên đời đầu của 510 Systems cho biết công ty này chỉ có Google là khách hàng duy nhất trong suốt một năm rưỡi do sự chồng chéo về dự án giữa hai công ty quá lớn. Ban đầu, Google không chú ý nhiều về các dự án ngoài của Levandowski, thậm chí còn ủng hộ tinh thần khởi nghiệp kiểu này. Bởi suy cho cùng, theo triết lý kinh doanh “không cạnh tranh được thì thâu tóm”, Google rồi cũng sẽ mua lại 510 Systems. Năm 2011, “gã khổng lồ tìm kiếm” mua lại 510 Systems với giá 20 triệu USD.
Đến năm 2012, chỉ vài tuần trước khi Google thử chạy xe tự lái đầu tiên trên đường phố, một nhân viên của Cục Xe cơ giới Nevada phát hiện một trong những model được đem thử nghiệm không do Google sở hữu, mà là của 510 Systems. Google chỉ có quyền bảo hiểm đối với mẫu xe chạy thử này. Nói cách khác, hãng phần mềm chi tiền mua lại 510 Systems chỉ để công bố xe tự chạy là dự án của riêng mình, sử dụng công nghệ của Google. Nhưng về mặt kỹ thuật, 510 Systems vẫn giữ quyền sở hữu đối với một số phần cứng trên sản phẩm.
Năm 2016, Levandowski quyết định rời Google để theo đuổi đam mê và thành lập một công ty nghiên cứu xe tải tự động tại San Francisco với tên gọi Otto. Gần một nửa số nhân viên đầu tiên của Otto đều từng làm việc tại Google.
Bước ngoặt về công nghệ
Chỉ trong bốn tháng, Otto tung ra bộ kit có thể biến một chiếc xe bán tải chở hàng của Volvo trở thành phương tiện tự lái. Google cũng phát triển công nghệ tự lái từ 2009 nhưng phải mất tới bốn năm mới hoàn thành để đưa vào thử nghiệm. Vì vậy, ngay cả khi chuyện nghe chừng đơn giản là lắp đặt thiết bị, phần mềm để điều khiển những chiếc xe tải có sẵn, việc Otto đạt được thành tựu chỉ trong bốn tháng vẫn được coi là bước ngoặt lớn về công nghệ.
Những gì Otto đạt được đủ ấn tượng để hãng taxi công nghệ Uber quyết định thâu tóm với giá gần 220 triệu USD vào tháng 8/2016. Uber còn đề cử Levandowski trở thành người đứng đầu bộ phận xe tự lái của họ.
Tháng 2/2017, Waymo, công ty con phát triển xe tự lái của Google, tuyên bố kiện Uber và Levandowski. Hãng phần mềm nói hai đối thủ đã chiếm đoạt bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ đồng thời vi phạm bằng sáng chế.
Trong một tuyên bố về vụ kiện, Google nói một trong các nhà cung cấp cảm biến đã gửi nhầm email cho họ. Đính kèm trong email đó là một sơ đồ bảng mạch LiDAR được cho là của Uber. “Có một sự tương đồng nổi bật giữa bảng mạch này với thiết kế độc nhất của Waymo”, Google cho biết.
Video đang HOT
LiDAR là công nghệ sử dụng laser để đo khoảng cách. Đây được coi là thành phần thiết yếu tạo nên công nghệ tự lái của Google và là một trong những phần cứng nền tảng giúp hãng tìm kiếm phổ biến bản đồ Street View ra toàn thế giới. Nói cách khác, Google nghi ngờ việc Uber có thể tự phát triển ra được công nghệ như vậy.
Bên cạnh đó, Google còn cáo buộc rằng sáu tuần sau khi nghỉ việc, Levandowski đã tải về “hơn 14.000 tài liệu thiết kế độc quyền tối mật sử dụng trong nhiều hệ thống phần cứng khác nhau của Waymo, trong đó có cả thiết kế bảng mạch và công nghệ LiDAR”. Levandowski bị Google tố là đã chuyển hết dữ liệu từ laptop vào ổ cứng ngoài rồi xoá toàn bộ thông tin trong máy tính để triệt tiêu dấu vết.
Là người thuê Levandowski, khi bị Google kiện, Uber ra sức bảo vệ nhân viên. Hãng gọi xe công nghệ phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định các dữ liệu bị đánh cắp từ Google chưa bao giờ được đưa vào hệ thống của họ. Dù vậy, chưa lần nào Uber bác bỏ trực tiếp thông tin Levandowski đã đánh cắp thông tin của chủ cũ.
Tháng 5/2017, thẩm phán ra quyết định cấm Levandowski tiếp tục nghiên cứu công nghệ LiDAR cho Uber. Cuối tháng dó, Uber sa thải Levandowski vì ông từ chối hợp tác với chính quyền để điều tra về vụ án. Giới phân tích từng dự đoán Uber và Google sẽ có cuộc chiến pháp lý kéo dài sau đó, nhưng chỉ sau 5 ngày, đôi bên quyết định “giảng hoà” với mức phí khoảng 245 triệu USD. Một số nguồn tin cho biết, ngoài việc phải chi tiền cho Google, Uber còn bị cấm sử dụng các thiết bị phần cứng lẫn phần mềm của Waymo.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc cho Levandowski. Ngay sau khi đàm phán thành công với Uber, Google biến ông từ người liên quan thành bị cáo. Mọi thông tin cáo buộc nhân viên cũ mà Google sử dụng đều giống hệt những gì hãng từng dùng để chống lại Uber. Hãng kiện nhân viên cũ với 33 tội liên quan tới đánh cắp và âm mưu ăn trộm bí mật kinh doanh.
Tháng 3/2020, Levandowski nhận một trong 33 tội này. Ông thừa nhận đã xâm nhập dữ liệu về các dự án của Waymo khi làm việc tại Uber. Dù chưa bị tuyên án, Levandowski có thể đối mặt với án phạt 30 tháng tù.
Câu chuyện nhìn từ phía Levandowski
Trước vụ Google kiện Uber, Waymo và Levandowski cũng đã tranh chấp hợp đồng trong một buổi xét xử riêng. Đại diện của Waymo nghi ngờ Levandowski đã “sử dụng thông tin tối mật của hãng để lôi kéo nhân viên để về làm cho một công ty xe tự lái đối thủ khác”, ở đây là Otto. Cuối cùng, ông bị yêu cầu phải trả cho Google 179 triệu USD. Khi đó, ông phải nộp đơn xin phá sản, tuyên bố rằng khối tài sản mình sở hữu trị giá chưa đầy 100 triệu USD, không đủ để trả cho chủ cũ. Hiện, Levandowski vẫn chưa được hạ mức bồi thường.
Levandowski đẩy trách nhiệm về phía Uber. Khi vẫn còn làm việc tại Uber và bị dính vào các cáo buộc, Levandowski vẫn khăng khăng rằng hợp đồng lao động với Uber sẽ trả tiền phạt cho mình. Ông cũng khẳng định Uber đã hứa hẹn sẽ bảo vệ nhân viên khỏi luật sư phía Google.
Tuy vậy, thực tế, các cáo buộc về hành vi của Levandowski đều được đưa ra trước khi ông về làm cho Uber. Những bí mật kinh doanh hãng taxi công nghệ này có được sau này chỉ là kết quả của việc mua lại Otto.
Uber giữ im lặng đến tháng 4/2020. Một vài tuần trước khi Levandowski nhận tội, hãng này mới tuyên bố họ sẽ không chịu trách nhiệm về khoản phí 179 triệu USD mà Google đòi Levandowski. Đại diện Uber còn phát biểu rằng nếu biết trước về các hoạt động phi pháp của Levandowski, họ sẽ không bao giờ thuê ông.
Tuy nhiên, luật sư Levandowski phản bác rằng Uber hoàn toàn nhận thức được họ đang thuê ai. Điều này được phản ánh trong một báo cáo chuyên sâu của Uber, được đưa ra trước khi thuê Levandowski. Uber nhận thức được việc nhân viên tương lai từng sở hữu và đã tiêu huỷ các thông tin tối mật độc quyền từ Google.
Levandowski và Uber hiện vẫn chưa giải quyết được bất đồng. Levandowski hiện đã phá sản còn Uber nhất quyết không chịu chi. Những gì xảy ra vẫn sẽ chỉ là đôi bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trong khi đó, Uber đã đóng cửa mảng kinh doanh xe tải tự động. Tháng 7/2018, công ty này tuyên bố hoãn dự án để tập trung phát triển các phương tiện tự lái thay thế khác.
Quyết định của Uber không gây ngạc nhiên. Việc mua lại Otto của Levandowski chỉ khiến Uber gặp thêm rắc rối và gánh nặng tài chính. Việc hãng này đẩy trách nhiệm trả khoản phạt 179 triệu USD về phía Levandowski là ví dụ điển hình cho việc họ muốn tránh xa khỏi “dự án chết”.
Sau khi rời Uber, Levandowski về làm việc tại Pronto.ai – một công ty công nghệ về xe tải tự lái khác. Tuy vậy, khi vướng phải rắc rối pháp lý, ông sớm phải rời ghế CEO vào tháng 8/2019. Công ty này hứa hẹn tung ra sản phẩm đầu tiên mang tên Copilot vào 2019 nhưng các thông tin trên website cho thấy họ giờ vẫn chỉ nhận các đơn đặt hàng trước. Họ cũng không đề cập gì đến Levandowski trên trang chủ.
Thực tế, có nhiều người lên án các tập đoàn công nghệ lớn vì đưa ra các điều khoản không cạnh tranh, sẵn sàng kiện nhân viên cũ vì đi làm cho đối thủ. Giới phân tích cho rằng chính những chính sách này đã kiềm toả việc đổi mới và tạo ra căng thẳng không cần thiết cho đội ngũ lao động khi ngăn cấm họ làm việc trong chính lĩnh vực chuyên môn của mình.
Levandowski là một trường hợp điển hình. Ông không chỉ là một chuyên gia mà còn là người đứng đầu trong lĩnh vực chuyên môn. Ít người có thể so bì được với ông về các thành tựu trong ngành công nghệ xe tự lái. Levandowski có thể được coi là tài sản quý giá đối với Uber. Dù vậy, sai lầm của ông là vượt qua ranh giới mong manh giữa kiến thức sẵn có với bí mật kinh doanh.
David Anderson, thẩm phán ra quyết định Levandowski có 33 tội, cho rằng: “Tất cả đều có quyền đổi công việc. Nhưng không ai trong số chúng ta được quyền lấp đầy túi tham trước khi bước chân ra khỏi nơi làm việc cũ”.
Tiếc nuối lớn nhất của Samsung
Không nhìn thấy tiềm năng phát triển của Android, Samsung đã đánh mất cơ hội mua lại hệ điều hành của Andy Rubin vào tay Google.
Trong cuốn sách mang tựa đề Dogfight: How Apple and Google Went to War and Started a Revolution (tạm dịch: Apple và Google đã chiến đấu và bắt đầu một cuộc cách mạng như thế nào), tác giả Fred Vogelstein đã tiết lộ những gì xảy ra trong cuộc họp giữa đại diện của Android và Samsung vào cuối năm 2004 tại Seoul.
"Cha đẻ Android" từng bị Samsung cười nhạo
Vào thời điểm đó, trong căn phòng với đầy đủ ban giám đốc điều hành Samsung, Andy Rubin đã trình bày kế hoạch phát triển và tầm nhìn tương lai cho "đứa con tinh thần" của mình và những gì ông nhận lại được là sự chê cười. Samsung coi kế hoạch đưa Android trở thành một sản phẩm phổ thông, cho mọi người là một trò đùa.
Android từng bị Samsung cười nhạo, cho là khó có khả năng phát triển.
"Anh định tạo ra thứ này cùng với ai nào? Các anh có 6 người? Anh đủ tỉnh táo chứ", một vị lãnh đạo của Samsung hỏi vặn.
"Họ cười nhạo tôi khi ra khỏi phòng họp", Andy Rubin nhớ lại những gì mình đã trải qua.
Chẳng bao lâu sau cuộc họp với Samsung, vào tháng 7/2005 Android được Google mua lại với giá 50 triệu USD và Rubin được thuê nắm giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao mảng nội dung di động và kỹ thuật số.
Điều ngạc nhiên là ngay sau đó, ban lãnh đạo Samsung dường như cảm thấy mình đã phạm sai lầm. Họ cố gắng liên lạc và sắp xếp một cuộc hẹn với Rubin nhằm thảo luận về chủ đề "thú vị" mà anh đã giới thiệu trong cuộc họp ở Seoul, chỉ một ngày sau khi thông tin Google mua lại được công bố. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn.
Mặc dù không sở hữu Android, Samsung vẫn là hãng smartphone Android số một thế giới.
Android giờ đây là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, là phần mềm nền tảng cho hơn 2,5 tỷ thiết bị hoạt động. Hơn 80% smartphone toàn cầu sử dụng Android. Với những thành quả đó, Samsung có lẽ đã phạm một sai lầm rất lớn.
Nhờ sự hỗ trợ phát triển và tiếp thị của Google, thế giới smartphone đã thay đổi và mang lại cơ hội tăng doanh số cho những công ty công nghệ lớn như Samsung. Trước khi Android trở thành một đối thủ lớn, danh hiệu "ông hoàng" smartphone vẫn thuộc về Nokia với hệ điều hành Symbian. Với Android, Samsung đã dễ dàng soán ngôi của Nokia vào năm 2012 và trở thành công ty đứng đầu thế giới về điện thoại thông minh cho đến tận ngày nay.
Lịch sử không có chữ "nếu"
Nếu Android rơi vào tay Samsung, mọi thứ có thể sẽ hoàn toàn khác. Việc Google biến Android thành một câu chuyện "cổ tích" thành công, không có nghĩa Samsung có khả năng làm được như vậy.
Rất có thể Samsung sẽ chỉ sử dụng hệ điều hành Android trên các dòng điện thoại của mình hoặc cấp phép sử dụng cho các nhà sản xuất sẵn sàng trả phí, thay vì sẵn sàng cung cấp miễn phí để phát triển dịch vụ như Google.
Cả hai chiến lược này nếu xảy ra sẽ cản trở bước tiến của Android. Các nhà phát triển cũng sẽ ít quan tâm hơn đến việc tạo các ứng dụng trên hệ điều hành vì sẽ không có nhiều sản phẩm điện thoại có cơ hội sử dụng nền tảng này. Một thị trường nhỏ hơn đồng nghĩa với khả năng kiếm tiền từ các ứng dụng và trò chơi sẽ thấp hơn.
Nếu ngày ấy mua Android chứ không để tuột vào tay Google, có thể Samsung sẽ không làm được những thành công như hôm nay.
Điều này rất có thể sẽ mở ra cơ hội lớn cho những đối thủ cạnh tranh khác như Windows Mobile của Microsoft hay Symbian của Nokia, khiến Android đánh mất khả năng thống trị thị trường hệ điều hành số như ngày nay.
Tuy nhiên, tất cả chỉ dựa vào suy đoán, chúng ta không thể biết được tương lai của Android nếu được Samsung mua lại năm 2004. Chỉ có thể suy đoán rằng nhiều khả năng Samsung sẽ không sử dụng chiến lược phát triển như Google.
Nếu Samsung mua lại Android, thị trường smartphone ngày nay có lẽ đã rẽ sang một hướng đi khác mà chúng ta không ngờ tới, và, rất có thể, gã khổng lồ công nghệ Samsung sẽ không có cơ hội để đứng vào vị trí hiện tại.
Có thể bạn chưa biết: Samsung từng cho rằng Android là một trò đùa Trước khi Android về tay Google và dần trở thành hệ điều hành di động nổi tiếng nhất thế giới, Samsung từng có cơ hội mua lại nó. Samsung không nhìn thấy tiềm năng của Android trong những ngày đầu tiên. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc thậm chí đã có cơ hội mua hệ điều hành này từ Andy Rubin trước khi...