Tội danh bác sĩ giết người bị khởi tố là chưa thỏa đáng
“Khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường và bị can Đào Quang Khánh về tội theo Điều 242, 246 BLHS là không có căn cứ thuyết phục và chưa thoả đáng!”, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng VPLS Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ.
Luật sư Tạ Anh Tuấn
Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố bị can đối với bac sĩ Nguyễn Mạnh Tường về tội Vi phạm các quy định định về khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc, dịch vụ y tế theo Điều 242 Bộ Luật Hình sự và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả theo Điều 246 Bộ Luật Hình sự.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam đồng phạm của ông Tường là Đào Quang Khánh (SN 1996, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hành vi xâm phạm thi thể.
Xung quanh việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố hai tội danh nêu trên, có rất nhiều ý kiến không đồng tình bởi cho rằng hành vi của bác sĩ Tường là quá tàn nhẫn mà tội danh áp dụng lại quá nhẹ. Để rộng đường dư luận, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng VPLS Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề này.
Theo luật sưTuấn cho biết, việc khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về Điều 242 BLHS, là không có căn cứ thuyết phục cụ thể: Hành vi phạm tội của ông Tường không thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này. Bởi vì cở sở thẩm mỹ viện Cát Tường do ông Nguyễn Mạnh Tường làm chủ chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hành nghề. Tuy nhiên cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động vi phạm Điều 13 và Điều 14 Nghị định 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 hướng dẫn thi hành một số điều Luật khám, chữa bệnh, vi phạm điểm I, khoản 3, Điều 25 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 về điều kiện cấp phép hoạt động với phòng khám chuyên khoa, cụ thể: “…Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể; Các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám”.
Theo quy định này Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường pháp luật cấm không cho phép phẫu thuật tạo hình nâng ngực, hút mỡ bụng… Tuy nhiên, Trung tâm này vẫn thực hiện phẫu thuật dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tử vong.
Để truy cứu TNHS về Điều 242 BLHS phải thoả mãn các dấu hiệu cơ bản sau đây: 1. Dấu hiệu về chủ thể tội phạm; 2. Dấu hiệu về mặt khách thể; 3. Dấu hiệu về mặt khách quan; 4. Dấu hiệu về mặt chủ quan.
Video đang HOT
Trong cấu thành tội phạm của tội danh này về: 1. Dấu hiệu hành vi khách quan: người phạm tội thực hiện hành vi, vi phạm các quy định về khám chữa bệnh hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng những quy định về của Nhà nước về khám chữa bệnh…. về dấu hiệu này Thẩm mỹ viện Cát Tường thoả mãn dấu hiệu này như: không được phép phẫu thuật nâng ngực, nâng vú, hút mỡ bụng… không được Sở Y tế Hà Nội cấp phép vẫn thực hiện chức năng này; 2. Về dấu hiệu về chủ thể của tội phạm này không thoả mãn cụ thể: chủ thể tội danh này phải là chủ đặc biệt chỉ có những người có trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh… mới có thể là chủ thể của tội này.
Mặt khác, trong vụ án này ông Tường là Bác sỹ ngoại khoa chuyên ngành về xương, khớp.. của bệnh viện Bạch Mai, đang được đào tạo về chuyên khoa thẩm mỹ viện chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, do vậy không thể coi ông Tường là chủ thể của tội danh này, hơn nữa dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm cũng không thoả mãn vì người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh thực hiện hành vi do lỗi vô ý.
“Trong vụ án này hoạt động của Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường là vi phạm điều cấm của pháp luật, ông Tường đang được đào tạo chuyên ngành về thẩm mỹ viện, do vậy ông Tường phải nhận thức được việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đối với chị Huyền khi chưa đủ điều kiện hành nghề (hành nghề chui) sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng, sức khoẻ của khách hàng và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra, do vậy hành vi làm chết người của ông Tường thực hiện là do lỗi cố ý gây ra, nên không có cơ sở khởi tố ông Tường về tội danh quy định tại Điều 242 BLHS”, luật sư Tuấn nói.
Theo quan điểm của luật sư Tuấn, việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can Tường về 2 tội danh quy định về Điều 242 và Điều 246 BLHS cũng không có cơ sở.
Luật sư Tuấn phân tích, theo lý luận cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam về nguyên tắc “một hành vi phạm tội không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh”. Như vậy, trong vụ án này hành vi làm chết người của ông Tường, liền sau đó ném xác chị Huyền xuống Sông Hồng với mục đích là xoá dấu vết phi tang, che dấu hành vi phạm tội, nên không thoả mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 246 BLHS, về hành vi này khi đưa vụ án ra xét xử được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 BLHS.
“Nếu xử lý Bị can Tường theo điều 242 BLHS thì khả năng cũng chỉ dừng lại xử lý theo khoản 1 có khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù như trường hợp Bác sỹ Ái làm phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Lộc gây tử vong cũng chỉ bị xử lý theo khoản 1 điều 242 BLHS”, luật sư Tuấn băn khoăn.
Theo luật sư Tuấn, trong vụ án này hậu quả cũng chỉ có 1 người chết theo như khoản 1 điều 242 BLHS qui định. Hành vi ném xác phi tang nạn nhân cũng đã được CQĐT xác định thành một tội độc lập theo khoản 1 điều 246 BLHS: Xâm phạm thi thể, hài cốt (từ 3 tháng đến 2 năm). Tổng hợp hình phạt thì nhiều khả năng Bị can Tường chỉ phải chịu tối đa không quá 7 năm cho cả 2 tội nêu trên.
“Theo quan điểm của tôi có thể khởi tố ông Tường về tội giết người theo Điều 93 BLHS và hành vi phạm tội của ông Tường thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tôi phạm của tội danh này”, luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn so sánh, trường hợp phạm tội của ông Tường cũng có những điểm tương đồng với trường hợp dùng dây điện mục đích bẫy chuột ở ngoài cánh đồng nhưng người khác đi qua bị mắc vào gây tử vong thì người phạm tội đương nhiên sẽ phạm tội Giết người theo khoản 2 điều 93 BLHS (biết hành vi mắc dây điện là nguy hiểm đến tính mạng, tuy không mong muốn nhưng vẫn làm bừa thì hậu quả xảy ra phải chịu trách nhiệm). Do đó không nhất thiết cứ phải xác định động cơ mục đích chứng minh ý thức tước đoạt tính mạng người khác thì mới xử lý về tội giết người theo khoản 2 điều 93 BLHS.
Liên quan đến việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh nói trên, trao đổi với báo chí, đại diện gia đình nạn nhân đã bày tỏ sự bất ngờ vì từ việc bị điều tra về hành vi “Giết người” trong vụ án “Giết người” bị khởi tố ban đầu Nguyễn Mạnh Tưởng đã được “điều chỉnh” tội danh thành “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể”. Cũng theo vị đại diện này, mặc dù gia đình không hiểu rõ quy trình của cơ quan điều tra, nhưng không hiểu căn cứ vào những chứng cớ nào mà cơ quan điều tra lại thay đổi việc điều tra hành vi với bác sĩ Tường sau khi gây ra hành vi vô cùng độc ác với chị Huyền!?.
Phương Mai
Theo_VnMedia
Vì sao không khởi tố bác sĩ ném xác tội giết người?
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường bị khởi tố, bắt giam về các hành vi Vi phạm quy định khám, chữa bệnh và Xâm phạm thi thể. Trong khi đó, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Tối 31/10, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, bác sỹ BV Bạch Mai), Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường để điều tra về các hành vi: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và hành vi xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự).
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam đồng phạm của ông Tường là Đào Quang Khánh (SN 1996, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hành vi xâm phạm thi thể. Các quyết định tố tụng trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Theo đánh giá của một số điều tra viên với PV sáng ngày 25/10, việc tìm được thi thể nạn nhân sẽ quyết định rất nhiều trong việc định tội tên Nguyễn Mạnh Tường.
Khi tìm được thi thể nạn nhân mới xác định được nạn nhân chết trước hay sau khi bị ném xuống sông, trước khi đưa ra khỏi thẩm mỹ viện hay trên đường bị đưa đi phi tang mới xác định chính xác được tội danh của ông Tường.
Cụ thể, nếu pháp y tử thi phát hiện trong ngực, bụng nạn nhân có nước thì chắc chắn khi bị ném xuống sông nạn nhân vẫn còn sống và như vậy đã cấu thành hành vi "giết người" theo điều 93 Bộ luật hình sự.
Nguyễn Mạnh Tường bị dẫn giải đến nơi vứt xác chị Lê Thị Thanh Huyền thực nghiệm hiện trường chiều 22/10
Nếu nạn nhân chết đúng như bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường khai nhận thì cần xem xét xử lý theo điều 99 Bộ luật hình sự là "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" hoặc điều 242 Bộ luật hình sự quy định về tội "vi phạm quy định về khám, chữa bệnh".
Trong trường hợp không tìm kiếm được thi thể nạn nhân thì khó có thể khởi tố bị can về hành vi "giết người", một điều tra viên nói.
Theo thông tin đã đưa, mặc dù không có giấy phép hành nghề thẩm mỹ, nhưng bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường vẫn phẫu thuật nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở phố Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi phát hiện nạn nhân ngừng thở, ông Tường cùng nhân viên đưa nạn nhân lên ô tô, mang ra giữa cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng.
Cụ thể, sau khi đặt cọc trước 50 triệu đồng, sáng 19/10 chị Huyền quay lại Thẩm mỹ viện Cát Tường để phẫu thuật thẩm mỹ theo lịch hẹn. Tại đây, ông Tường đã trực tiếp dùng ống bơm kim tiêm loại 50cc để hút khoảng 11 ống mỡ từ phần bụng của chị Huyền.
Sau đó, ông Tường dùng chính các ống bơm trên, bơm lượng mỡ vừa được hút từ bụng lên ngực chị Huyền. Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, chị Huyền có biểu hiện khó thở, sùi bọt mép nên Tường đã tiêm thuốc Diefegam 10mg cho chị Huyền.
Trước tình trạng ngày một nguy hiểm của bệnh nhân, ông Tường không đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu mà tiếp tục chỉ đạo nhân viên thực hiện cấp cứu tại chỗ... Đến tối cùng ngày chị Huyền tử vong. Do sợ trách nhiệm, ông Tường đã cho các nhân viên nghỉ về nhà, thu dọn dụng cụ, sổ sách đem cất giấu, rồi cùng Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền ra cầu Thanh Trì phi tang.
Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng và gia đình nạn nhân đã rất nỗ lực, tìm mọi cách để tìm vớt thi thể chị Huyền, song đến nay vẫn chưa đạt kết quả.
Theo Đất Việt
Vụ BS vứt xác: Gia đình nạn nhân sẽ thuê luật sư "Gia đình đã bàn bạc và dự tính sẽ thuê luật sư vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho gia đình" - ông Quang, cậu chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị bác sĩ vứt xác phi tang, cho biết. Ông Quang trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động Liên quan đến vụ bác sĩ...