Tôi đã phải đợi 3.000 ngày, để được bố tha thứ
Giờ khi đã chuẩn bị bước qua bên kia con dốc cuộc đời, tôi mới thấm thía tình yêu thương và sự hi sinh vĩ đại của những người làm bố và mẹ. Tôi đã không sống như bố tôi đã kì công dạy dỗ, tôi đã hủy hoại cuộc đời ông, khiến ông sống trong đau đớn, hổ thẹn.
Gần 10 năm sống trong cảnh tù đày, tôi đã sắp trả xong món nợ với pháp luật, cho những tội lỗi mà mình đã gây ra. Nhưng có một món nợ mà cho đến tận lúc chết, tôi cũng không bao giờ trả được, đó là món nợ với người cha già nơi quê nhà đã vì tôi mà đau đớn đến chết đi, sống lại.
Đứa con bất hiếu
Trước khi vào tù vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, tôi từng là phát thanh viên của một đài Phát thanh Truyền hình ở Điện Biên. Ngày đó, ở cái phố huyện nhỏ nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi là niềm ao ước của không ít người. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cả bố và mẹ đều là những người có công đánh Tây khỏi đất Điện Biên. Dù là Chủ tịch huyện, nhưng suốt nhiều năm liền làm lãnh đạo, bố tôi vẫn giữ cuộc sống thanh bạch, giản dị. Từ bé, chị em tôi đã được ông dạy về đạo đức làm người, về việc sống cho ngay thẳng, rõ ràng.
Là con gái cả trong gia đình, nhưng tôi lúc nào cũng là người được bố cưng chiều nhiều nhất. Ngay cả trong những khi kinh tế gia đình khó khăn nhất, ông cũng không bắt con phải làm bất cứ điều gì. Khi mà quan niệm “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn rất nặng nề, ông đã cho tôi ăn học tử tế, uốn nắn tôi từ những cái nhỏ nhặt nhất. Bố bảo bố quý tôi vì tôi thông minh, khéo léo, tính nết có nhiều điểm giống bố, nên ông chẳng bao giờ giấu giếm tình yêu và sự ưu ái mà ông dành cho tôi, sự kì vọng vào tôi, hi vọng sau này tôi sẽ công thành danh toại, giúp ông nở mặt, nở mày.
Khi tôi còn bé, tôi là niềm tự hào của bố. Ông nói tôi có dáng đi thanh thoát, giọng nói nhẹ nhàng, gương mặt phúc hậu, nên cuộc đời tôi sẽ vô cùng êm xuôi, bằng phẳng. Ông chẳng bao giờ ngờ được đời tôi ra nông nỗi này, ngày ngày ngồi trong bốn bức tường trại giam, gặm nhấm những đau đớn mà mình đang phải nếm trải, lòng lúc nào cũng day dứt, ân hận, mặc cảm về những sai lầm trong quá khứ.
Chính vì quá yêu thương và kì vọng vào cô con gái đầu lòng, nên cái tin tôi bị công an bắt về tội buôn ma túy chẳng khác nào một liều thuốc độc đối với ông. Khi công an dẫn giải tôi đi, bố tôi nhìn tôi, khóc mà nói rằng: “Bố yêu mày, chăm mày như người trồng cây, chăm cái cây quý, vun vén, uốn nắn, cắt tỉa từng chút một. Thế mà mày lại biến thành cây lá ngón giết chết đời bố”.
Tôi chẳng bao giờ có thể lý giải được những quyết định nông nổi và hồ đồ của mình 10 năm trước, chẳng lẽ tôi lại đổ lỗi cho số phận? Tôi lấy chồng, sinh được 2 con, 1 gái 1 trai. Nhưng cuộc sống gia đình không trọn vẹn như tôi ao ước. Chồng tôi có tình nhân ở ngoài. Bao nhiêu của cải hai vợ chồng tích cóp được, anh ta đều mang đi nuôi bồ, nuôi bịch. Khi biết chuyện, tôi đã van xin chồng vì con cái mà quay đầu lại. Không những không nghe, anh ta còn quay sang dằn vặt, đánh đập tôi, rồi bán hết nhà cửa đi theo người tình. Chúng tôi ly dị, tôi một nách nuôi 2 đứa con nhỏ. Mà khi đó, lương cán bộ chẳng đủ nuôi thân.
Hoàn cảnh cùng quẫn khiến tôi dốc hết số tiền có trong tay vào canh bạc cuộc đời. Tôi tham gia vào đường dây buôn bán ma túy, hi vọng có thể thực hiện giấc mơ thoát nghèo để sống vinh hoa, phú quý. Thế rồi, tôi bị bắt ngay lần đầu tiên, chẳng những chưa kịp hưởng cuộc sống giàu sang, mà còn mất cả công danh, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình và gây bao đau đớn cho người thân.
Video đang HOT
Sau này có lần mẹ lên thăm tôi, nghe mẹ tôi kể lại, tôi bị bắt ngày hôm trước thì ngày hôm sau, bố tôi viết đơn xin từ chức Chủ tịch huyện. Dẫu tất cả cấp trên, cấp dưới đều ra sức khuyên ngăn, nhưng ông vẫn kiên quyết không thay đổi. Ông nói: “Cả cuộc đời tôi sống trong sạch và chưa từng làm điều gì hổ thẹn với lương tâm hay tổn hại đến danh dự của gia đình. Tôi không dạy được con thì còn mặt mũi nào mà lãnh đạo người này thế này, bảo ban người kia thế kia”. 2 năm liền sau khi tôi bị bắt, bố tôi chẳng hề bước chân ra khỏi nhà dù chỉ một lần, cũng không bao giờ gặp gỡ bạn bè, hàng xóm. Ông đã từng tự hào vì mình đã sống một cuộc đời chân chính, không ham hố vật chất, danh vọng. Tất cả những điều đó đều bị một tay đứa con gái mà ông yêu thương nhất phá hủy.
Tôi mất tất cả, nhưng còn có cha
Suốt thời gian tôi ở trong trại tạm giam, rồi ngày xử án và suốt mấy năm tôi đi tù, bố tôi tuyệt nhiên không đến thăm tôi. Mọi thông tin tôi biết được về ông đều qua những lần mẹ tôi đến thăm nuôi con, hay qua những lá thư với các anh chị em trong gia đình. Khi nghe mẹ kể bố tôi chỉ trong chưa đầy một năm mà tóc đã bạc trắng đầu, sức khỏe hoàn toàn suy sụp, tôi thấy mình như chết chìm trong tội lỗi. Trong 3 năm đầu, tuần nào tôi cũng viết một lá thư gửi cho bố để cầu xin sự tha thứ của ông. Nhưng chưa một lần nào tôi nhận được thư hồi âm lại. Trong thâm tâm, tôi buồn, nhưng tôi cũng hiểu, vết thương mà tôi để lại trong trái tim ông là không gì bù đắp được.
Bố yêu tôi đến mức chẳng thể nào tha thứ cho lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Mà chính bản thân tôi cũng chẳng thể tha thứ được cho mình. Tôi đi tù, gánh nặng nuôi 2 đứa con nhỏ dại của tôi cũng đổ hết lên đầu ông bà ngoại. Ông bà ngoại nghèo, nên con cái tôi chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Có quá nhiều điều khiến tôi phải đau đớn, dằn vặt, có quá nhiều tội lỗi mà tôi phải sám hối trong những năm tháng tù đày. Dần dần, chính bản thân tôi cũng không tin là mình sẽ được tha thứ. Tôi cứ lặng lẽ sống hết ngày này qua tháng khác trong tù, lầm lũi và tuyệt vọng, để mặc cuộc đời mình cho số phận đẩy đưa.
Gần 8 năm tù đày trôi đi trong khắc khoải. Vào cái lúc mà tôi gần như đã không còn hi vọng vào sự tha thứ của bố, thì ông đốt ngột xuất hiện ở trại giam. Ông đến thăm tôi sau 8 năm trời hai bố con không gặp mặt, tiếp thêm cho tôi nghị lực để cố gắng đứng dậy sau vấp ngã. 8 năm! Tôi đã phải đợi gần 3.000 ngày để nhận được sự tha thứ của bố. Nhớ lại ngày hai bố con gặp nhau, lúc cán bộ quản giáo vào báo tin có bố đến thăm, tôi cứ ngỡ mình đang trong cơn mộng du.
Tôi không biết mình đã làm cách nào để đi từ buồng giam đến nhà thăm gặp, chỉ nhớ là đến lúc nhìn thấy bố thì tôi khuỵu xuống, chẳng thể bước tiếp và òa khóc ngon lành như một đứa trẻ. Ông đứng đó, nhìn tôi mỉm cười, tóc ông bạc trắng, gương mặt mệt mỏi, muộn phiền. Bao nhiêu năm không gặp lại, tôi chẳng thể ngờ bố tôi già và yếu đi đến mức như thế. Điều đau đớn nhất là tôi chính là nguyên nhân của mọi dấu hiệu đau đớn ấy.
Câu đầu tiên được nói với bố sau 8 năm xa cách, tôi bảo: “Bố đến thế này là con biết bố đã tha thứ cho con”. Trong buổi nói chuyện hôm đó, ông hoàn toàn không đả động đến quá khứ, vì ông bảo ông chẳng muốn khơi lại vết thương của cả tôi và ông. Cái gì đã qua thì hãy để cho nó ngủ yên. Ông chỉ dặn tôi phải cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình. Đó như là điều kiện để ông tha thứ cho tôi. Ông mua cho tôi mấy bịch sữa, vài gói bánh trứng và tự tay bóc bánh cho tôi ăn, vuốt tóc tôi trìu mến như khi tôi còn bé. 8 năm ròng sống trong đau khổ và giày vò, tôi lại cảm nhận được tình yêu thương từ bố như những ngày thơ ấu, cái mà tôi tưởng đã đánh mất vĩnh viễn.
Cách đây mấy năm, người em trai duy nhất của tôi qua đời. Và đầu năm 2009, tôi cũng đón nhận tin đứa con trai duy nhất của tôi chết do căn bệnh ung thư quái ác. Sai lầm đã khiến tôi phải trả một cái giá quá đắt, khi mà ngay cả tang lễ con trai mình, tôi cũng không thể tự tay lo lắng. Ở trong trại giam, tôi gần như gục ngã vì mát mát đau đớn này. Lại cũng chính là bố tôi lặn lội vượt quãng đường gần “1000km từ Điện Biên vào Thanh Hóa, chỉ để nói với tôi một câu động viên: “Con vừa mất một đứa con trai. Ta cũng đã mất một đứa con trai. Chúng ta đau đớn như nhau. Nhưng chúng ta đều là người trưởng thành, phải biết chấp nhận sự định đoạt của số phận”. Tôi đã vượt qua những ngày tháng khó khăn cùng cực nhờ sự động viên chân thành và thấu hiểu của bố.
Giờ tôi đã chuẩn bị bước qua bên kia con dốc cuộc đời, tôi mới thấm thía tình yêu thương và sự hi sinh vĩ đại của những người làm bố và mẹ. Tôi đã không sống như bố tôi đã kì công dạy dỗ, tôi đã hủy hoại cuộc đời ông, khiến ông sống trong đau đớn, hổ thẹn. Nhưng cuối cùng ông vẫn tha thứ cho tôi, dù phải mất một quãng thời gian dài 8 năm ròng rã. Sự vị tha của ông đã tiếp thêm cho tôi can đảm để đi qua những năm tháng khốn khó này. Ngày trở về, tôi có thể sẽ mất mát nhiều thứ, nhưng ngôi nhà nhỏ bình yên và vòng tay của người cha già thì vẫn luôn chờ đợi tôi…
Theo VNE
Chuyện kể của người con từ bỏ mẹ ruột của mình
Hình ảnh của mẹ, những lời thì thầm của mẹ và cả sự sợ hãi của tôi... Tất cả những điều đó, tôi bắt mình phải nhớ. Để đến bây giờ, khi bơ vơ trên cõi đời, tôi tự hỏi bản thân liệu mình có sai không, khi đã bỏ mẹ ruột của mình vì một người không máu mủ ruột thịt...
Cho đến tận bây giờ, dù đã hơn 10 năm trôi qua, những kí ức lúc thơ bé khi tôi 7 tuổi vẫn liên tục trở lại. Hình ảnh của mẹ, những lời thì thầm của mẹ và cả sự sợ hãi của tôi... Tất cả những điều đó, tôi bắt mình phải nhớ. Để đến bây giờ, khi bơ vơ trên cõi đời, tôi tự hỏi bản thân liệu mình có sai không, khi đã bỏ mẹ ruột của mình vì một người không máu mủ ruột thịt...
Khi tôi còn nhỏ, tôi thân thiết với ông bà ngoại hơn cả. Có một sự thật là tôi không thích mẹ. Dù khi ấy tôi mới chỉ là một đứa trẻ, nhưng tôi luôn có cảm giác mẹ không yêu thương tôi, nhất là khi tôi lên 5 tuổi, mẹ dùng cán chổi đánh tôi chỉ vì một buổi trưa tôi quấy khóc không chịu ngủ. Chính ông bà ngoại cũng không muốn mẹ chăm sóc tôi vì 2 người sợ mẹ sẽ dùng đòn roi để giáo dục tôi như vậy. Vài roi của mẹ bằng cán chổi đã khiến tôi ngất đi vì sợ hãi và đau đớn. Sau khi từ trạm xá trở về, tôi nhìn mẹ bằng một ánh mắt khác, xa cách và lạnh lẽo.
Mẹ dường như đã biết mình sai và cảm thấy có lỗi nên mua rất nhiều kẹo, sữa, bánh cho tôi, nhưng tôi tuyệt đối không động đến. Nhiều lần nhẹ nhàng với tôi không được, bà cũng từ bỏ luôn ý định xin lỗi và thân thiết trở lại với tôi. Bố tôi sống ở một thành phố khác do công việc nên rất ít khi về nhà. Thành ra, người chăm sóc và yêu thương tôi nhiều nhất lại là ông bà ngoại. Nhà tôi kinh tế không khá, ông ngoại chỉ có một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử nhỏ, số tiền kiếm được hàng ngày không ổn định nên bữa cơm trong nhà thường đạm bạc. Nhưng hễ có khách, ông luôn trích ra một nửa số tiền kiếm được để mua dưa hấu cho tôi vì nó là loại quả tôi thích ăn nhất. Nhiều khi, thù lao ông kiếm được chỉ đủ để mua một miếng dưa nhỏ, nhưng đối với tôi đó đã là một niềm vui thích rồi.
Sau này, ông ngoại dù đã ngoài 60 tuổi vẫn còn cuốc đất, xin mùn, rồi gieo hạt dưa. Ông cười tươi nói với tôi rằng: "Ông trồng cho Đậu Đậu của ông cả một vườn dưa, sau này ngày nào Đậu Đậu cũng có dưa để ăn, không phải chờ tiền công của ông để mua dưa nữa", vườn dưa được ông ngoại chăm sóc cẩn thận, ngày nào ông cũng dậy sớm nhổ cỏ, xới đất, chăm bón nên rất tốt. Nhìn mầm dưa mập mạp, ông luôn miệng nói: "Chỉ mấy tháng nữa, Đậu Đậu có thể ăn dưa thỏa thích". Thế nhưng, cả vườn dưa tốt như vậy lại chỉ có một cây ra hoa và kết được đúng 2 trái. Khi dưa bắt đầu lớn, lộ vỏ ra dưới lớp lá xanh, ông ngoại tôi cứ chốc lát lại ra kiểm tra 1 lần. Buổi tối, ông ngủ cũng không yên vì còn lo canh dưa, ông sợ trẻ con hàng xóm ăn trộm mất. Rốt cuộc tôi cũng được ăn 2 quả dưa ấy, tôi ăn một mình dưới ánh nhìn âu yếm và hạnh phúc của ông ngoại.
Bà ngoại cũng rất thương tôi theo cách riêng của mình. Quần áo của tôi đều do một tay bà may vá, cắt ghép từ những quần áo cũ trong nhà. Dù không nói ra, nhưng tôi biết ông bà ngoại có ý tách mẹ khỏi tôi. Ngày tôi bị mẹ dùng cán chổi đánh đến ngất xỉu, mẹ tôi sợ 1, thì ông bà ngoại sợ 10. Sau ngày đó, ông bà nói với mẹ, không để mẹ nuôi dạy tôi theo cách như vậy nữa. Mà thực tế, dường như mẹ cũng không hề có nhu cầu chăm sóc và quan tâm tôi. Tôi không biết mẹ làm gì, đi đâu cả, cho dù mẹ ở nhà của ông bà ngoại nhưng không ăn cùng ông bà và tôi mà thường nấu cơm ăn riêng một mình. Bố tôi nếu có về thì cũng sẽ ăn cùng mẹ.
Hồi ấy, tôi thấy gia đình mình thật buồn cười, bởi bạn bè tôi kể, cả nhà chúng đều ăn chung với nhau, không có chuyện ăn riêng 2 mâm giữa những người trong nhà. Mẹ đi thăm bố cũng đi một mình mà không hề rủ tôi đi theo. Thực ra, cũng có lần, mẹ nhân lúc ông bà không để ý, khẽ gọi tôi để cho bộ quần áo mới hoặc cái kẹo nhưng tôi đều vờ như không nghe thấy rồi vội vã bước đi. Tình cảm giữa mẹ con tôi vì thế ngày càng nhạt nhòa.
Năm tôi vào lớp 1, ông ngoại bán đi chiếc đài ông vẫn dùng nghe tin tức hàng ngày để có tiền nộp học cho tôi. Ông nói, từ giờ ông không cần nghe đài nữa vì buổi tối, ông còn ngồi nghe tiếng tôi tập đọc. Bà ngoại khéo léo may cho tôi bộ quần áo mới để tôi có thể diện vào ngày đầu tiên đến trường. Còn mẹ thì dửng dưng như người không liên quan. Điều đó không làm tôi buồn vì đã quá quen với sự lạnh nhạt ấy. Tôi vào học được 2 tháng thì bà ngoại mất. Bà đi bắt cá ngoài ruộng rồi trúng gió, ngất luôn ở đó. Lúc người ta phát hiện ra và đưa bà về thì bà đã không còn biết gì nữa. Suốt 1 tuần sau đó, bà không tỉnh lại một lần nào rồi cứ thế ra đi khi chưa kịp nói lời cuối với ông cháu tôi.
Bà mất, ông trở thành người duy nhất gần gũi, thân thiết với tôi. Một buổi chiều khi tôi đang ngồi chơi ở đầu ngõ, mẹ tôi bỗng dưng đến ngồi cạnh và kể chuyện cho tôi nghe. Mẹ nói, mẹ không phải là con của ông ngoại. Mẹ là con riêng của bà ngoại. Điều đó nghĩa là ông ngoại không có quan hệ ruột thịt với mẹ. Và tất nhiên, tôi cũng như thế. Thực ra khi ấy, tôi không hiểu nhiều về chuyện đó. Vì không hiểu nên tôi không quan tâm. Sau khi tiết lộ điều đó với tôi, mẹ dặn tôi không được nói gì với ông.
Vào một chiều khi tôi vừa tan học, đang đứng đợi ông đến đón ở cổng trường thì mẹ bất ngờ xuất hiện. Mẹ nói mẹ sẽ đi thăm bố bây giờ và muốn tôi đi cùng. Rồi không đợi tôi đồng ý, mẹ vội vã kéo tay tôi đi. Tôi cảm thấy như mẹ đang bỏ trốn và ép tôi đi theo cùng. Tôi nói, phải về bảo với ông ngoại đã. Mẹ nói: "Đã nói rồi, nói rồi. Không phải ông ruột của con, con cũng không phải quan tâm quá", rồi lại kéo tôi đi. Tôi lấy đủ cớ để có thể quay về nhưng mẹ nhất quyết không nghe. Khi đến bến xe, lúc vào nhà vệ sinh, tôi chỉ đợi mẹ đóng cửa lại là quay người bỏ đi. Tôi mải miết chạy, chỉ sợ mẹ bắt được sẽ giữ chặt tôi ngồi trên ô tô và tôi sẽ mãi mãi không được gặp ông ngoại nữa.
Con bé gần 7 tuổi là tôi lúc ấy vừa chạy vừa khóc. Tôi nhớ ông ngoại lúc ông hào hứng bổ quả dưa đầu tiên trong vườn dưa ông trồng cho tôi, nhớ ông ngồi cặm cụi khâu lại từng chỗ quần áo rách cho tôi bên ánh đèn yếu ớt tỏa ra từ chiếc đèn dầu, nhớ ông đợi tôi ở cổng trường mỗi khi tôi tan học. Ông thường để tôi ngồi trên xe rồi dát xe về tới nhà chứ ông không đạp xe. Ông nói ông sợ đường ghồ ghề, Đậu Đậu của ông bị đau...Tôi chạy thẳng về trường.
Trời đã tối mịt. Ông tôi vẫn đứng trước cổng trường. Dáng ông gầy, chùng xuống trong bóng đêm dày đặc. Nghe thấy tiếng tôi, ông lập cập quay lại. Dù ông không phải là ông ngoại thật của tôi thì tôi cũng không quan tâm. Tôi sẽ không đi cùng mẹ cho dù mẹ có quay lại đón tôi. Thế nhưng mẹ để lại tôi cho ông thật. Nói thật lòng, tôi không thấy thiếu vắng khi mẹ ra đi bởi nếu mẹ có ở đây, mẹ cũng chẳng chăm sóc tôi, mẹ cũng như người dưng đối với tôi.
Khi tôi vào cấp ba thì ông ngoại mất. Tôi trở thành đứa trẻ bơ vơ trên cõi đời này. Khi ấy, tôi mới nhớ ra mình còn có một người mẹ và tôi còn có cả bố nữa. Bố mẹ chưa một lần quay lại tìm tôi, khi tôi bỏ mẹ đi vào hôm đó. Thế nhưng trước khi mất, ông ngoại đưa cho tôi một mảnh giấy, trên đó có ghi địa chỉ của bố mẹ. Ông ngoại nói tôi nên tìm bố mẹ, đừng sống một mình. Thực lòng, tôi không biết mình có nên đi tìm bố mẹ không, bởi sự cách xa quá lâu về thời gian khiến tôi không có cảm giác ấm lòng khi nghĩ về họ, và chắc gì, khi tôi tìm đến, bố mẹ đã đồng ý nhận tôi? Rốt cuộc thì tôi vẫn không biết, tự sống một mình hay sống cùng gia đình, cuộc sống nào sẽ tốt hơn đối với tôi?
Theo VNE
Bố vợ giúp con rể giải tỏa nhu cầu sex Tôi choàng tỉnh vì có ai đó chạm vào mình. Bố bảo hiểu tôi xa vợ lâu, muốn giúp tôi 'giải toả' những bức xúc về tâm sinh lý. Tôi cưới vợ cách đây 5 năm. Hơn một năm sau chúng tôi có con - một bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh. Lần đó, vợ tôi về nhà ông bà ngoại để...