“Tôi cứ tưởng…”
Đó là câu nói cửa miệng của nhiều ông chồng, bà vợ khi giữa hai người xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt. Đó cũng là sai lầm nghiêm trọng của nhiều cô gái, chàng trai khi quyết định tiến đến hôn nhân
Tưởng… hiền nhân
Quen nhau được hơn một năm thì Khoa chính thức hỏi cưới Hồng. Thật ra, anh cưới một phần do tự ái, mẹ Hồng cứ xa xa gần gần thúc ép, rằng con gái bà là con nhà lành, xưa rày trai không tới cửa, giờ hai đứa lui tới như vậy mà không có miếng trầu cay, chung rượu lạt để gọi là ra mắt…, ai mà biết được lòng dạ đàn ông!
Thật tình bà cũng lo cho con gái: Con bà là con gái cưng, tuy nhà không khá giả nhưng hầu như Hồng chỉ biết ăn và học, mọi việc đã có mẹ lo. Nếu được về nhà Khoa thì quá tốt. Nhà Khoa chỉ có một mẹ, một con. Bà mẹ đã già, ăn chay trường, cả ngày ở chùa.
Khoa thì hiền lành, quanh năm chẳng mếch lòng ai. Nếu trật cái mối này, con bà sẽ… hơi bị mệt! Vì vậy mà “chất xúc tác” cứ phát huy hết tác dụng để hai đứa nhanh chóng làm đám cưới.
Video đang HOT
Khoa tuy hiền lành nhưng thuộc loại “trai quá lứa”. Cũng chính vì hiền lành, an phận nên Khoa ít giao du rộng rãi và cũng không có nhu cầu phải làm thêm để có của cải tích lũy “làm chuyện lớn”. Ngược lại với tính tình hiền lành của Khoa, Hồng lại hiền theo kiểu… “hiền quá hóa đụt”. Nên ngoài những ưu điểm là trẻ trung, xinh xắn, lễ phép… cô hầu như chưa được trang bị chút gì về cuộc sống của một gia đình nhỏ.
Về nhà chồng, cô co người lại trước mọi người mỗi khi nhà có giỗ chạp, tết nhất, vì mỗi khi đụng tới việc gì, thế nào cô cũng bị chê. Chưa kể là ở nhà quen nhõng nhẽo với ba mẹ và được chiều chuộng, cô cũng dùng chiêu đó mỗi khi muốn Khoa làm gì đó cho mình.
Ban đầu Khoa không nói gì, sau bực mình: “Em muốn gì cứ nói thẳng ra chứ đừng có vòng vo. Nhà này không có thói quen đó”. Hồng khóc với mẹ: “Tưởng đâu lấy được anh chồng hiền lành để nương tựa, ai dè ảnh cộc như gì, tiền bạc không có xài, mà nói ra thì sợ bị chửi…”.
Khoa cũng thở ngắn than dài: “Tưởng cưới được vợ hiền lành, ai dè cưới phải một ma-nơ-canh chẳng biết làm gì hết, kể cả nấu một bữa cơm cũng không nên thân, lại có tật hở chút là khóc nhè…”.
Nếu không có ba bà chị hết lòng thương em, tư vấn cho hai đứa, chắc Khoa và Hồng đã chia tay từ lâu!
Tưởng đổi đời
Khi rời quê Long An lên thành phố vừa học vừa làm, Ly chẳng có gì đáng giá ngoài mấy thùng sách vở. Hết năm thứ hai đại học, Ly quen Hải. Mới gặp nói chuyện có ba lần, Hải ngỏ lời yêu Ly. Thấy anh chàng đẹp trai, tử tế, đã đi làm, nhà lại khá giả, Ly tưởng mình sẽ được đổi đời từ đây nên nhận lời.
Quen nhau đúng hai tháng, má Hải biểu hai đứa lo làm đám cưới. Ly nói mình còn phải hoàn thành chương trình đại học, còn đi làm. Hải phẩy tay: “Má anh tiền để đâu cho hết. Cưới xong, em cứ việc đi học chứ có làm gì mà lo”. Má Hải cũng hứa sẽ sang tên cho vợ chồng cô ngay một căn phố hiện đang cho thuê để lấy tiền sinh sống và có tiền cho Ly ăn học…
Thấy viễn cảnh đổi đời khá rạng rỡ, Ly ưng chịu và thông báo cho gia đình biết. Má cô có vẻ mừng nhưng ba cô thở dài: “Chưa biết đâu là may đâu là rủi đó nghen con. Ba thấy cái gì gấp quá cũng không tốt…”.
Đúng là má Hải sang tên ngay cho vợ chồng cô một căn nhà như đã hứa sau đám cưới. Tưởng mình có số lấy chồng giàu sang nhưng Ly lại thấy chồng mình có vẻ quá hờ hững với vợ. Ban đầu, Ly hiểu thái độ đó như là một sự tế nhị khi trong nhà có hai người đàn bà quan trọng.
Vốn là một thôn nữ, sống trong gia đình nền nếp, Ly tự dặn mình tập chịu đựng cho quen. Không ngờ, lúc có thai đứa con đầu lòng, Ly tá hỏa phát hiện chồng mình không phải là… đàn ông đích thực. Khi Ly mang chuyện này ra nói với mẹ chồng, lúc đó bà mới khóc lóc thú nhận là bà biết hết chuyện của con trai. Nhưng vì quá muốn có cháu và cũng tránh tiếng đời dị nghị nên mới bảo con trai lựa ngay một cô gái nào hiền lành vừa ý mà cưới. Lúc này Ly chỉ biết kêu trời!
Tưởng… tình đủ lớn
Phương, nhân viên của một công ty liên doanh nước ngoài đóng tại TPHCM, đã ly hôn chồng 3 năm nay nhưng khi nhắc về người chồng cũ, cô vẫn không khỏi… hết hồn. Cô quen anh từ những ngày còn là sinh viên đại học. Lúc đó, Dũng cứ nằng nặc bắt Phương phải nhận lời yêu mới chịu nghe, không thì anh sẽ… tự tử.
Mà Dũng làm thật. Ít nhất ba lần bạn bè của Dũng phải nháo nhác lên tìm Phương để cô chăm sóc Dũng. Lần thì anh ta trèo lên ngọn cây nhảy xuống, hai lần uống thuốc ngủ… hòng lấy khổ nhục kế để làm động lòng Phương. Lúc đó, Phương yêu thì ít mà sợ thì nhiều nên nhắm mắt nhận lời.
Cũng kể từ đó, anh ta luôn gầm gừ bên Phương, không cho anh chàng nào lai vãng tới gần Phương. Đến khi ra trường nhận việc làm xong, anh ta đòi cưới gấp. Phương bắt đầu thấy sợ hơn. Nhưng lần lữa mãi, thấy chung quanh bạn bè không còn ai “ở không” trong lúc Dũng vẫn kiên trì đeo bám, Phương đành liều. Hy vọng khi mình là của Dũng, anh ta sẽ sống tốt hơn.
Phương cũng chỉ tưởng vậy thôi. Cưới về, ngay hôm sau ngày cưới, Phương đã biết ngay thế nào là chồng đánh. Vậy nhưng khi hết rượu, Dũng lại nói chuyện rất… dễ thương, mua quà làm hòa với vợ. Thế nhưng hầu như chiều nào Dũng cũng có rượu. Phương mà cãi lại thì Dũng vừa đánh vừa lôi cả dòng họ cô ra chửi mắng.
Chịu hết xiết, sau khi sẩy thai đứa con đầu lòng, Phương đành ra tòa ly dị. Cũng “năm cơm bảy cháo” mới xong. Song Dũng vẫn cứ bám riết theo cô quậy phá… Phải cậy đến nhiều người giúp sức và an ủi, Phương mới thoát khỏi căn nhà địa ngục đó.
Bởi vậy, cái câu “trăm năm tính cuộc vuông tròn/phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” lúc nào cũng có giá trị. Đừng tưởng rằng mình có thể một tay chống trời, có thể làm thay đổi cục diện từ gia thế đến nhân thân người đầu gối tay ấp.
Theo Người Lao Động