Tôi có nên đi tìm nguồn gốc của mình sau 38 năm ra đời
Vợ bảo dù cho việc tôi bị bỏ rơi bởi nguyên nhân gì thì biết gốc gác của mình cũng là cần thiết, để nếu cần thì phải phụng dưỡng bố mẹ ruột, đền đáp công sinh thành.
Ảnh minh họa
Tôi 38 tuổi, một vợ hai con, cuộc sống tạm ổn về mọi mặt. Nay tôi có một việc muốn hỏi ý kiến của các độc giả, mong nhận được nhiều ý kiến giúp cho tôi nhìn khách quan hơn trong vấn đề của mình. Tôi vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi và cha mẹ nuôi đã đón về nuôi dưỡng từ khi tôi còn ẵm ngửa. Đến nay tôi cũng chỉ biết có vậy về thân thế của mình. Trước khi mẹ mất có để lại một băng ghi âm, không có thông tin gì hơn. Cha mẹ nuôi hiếm muộn, hai cụ lấy nhau đã lâu mà không có con nên rước tôi về nuôi và hết mực yêu thương. Đến nhiều năm sau cha mẹ mới sinh được em nhưng luôn yêu thương, đối xử với anh em tôi như nhau, không có sự khác biệt nào. Cá nhân tôi là người nhạy cảm, sống nội tâm song cũng chưa một lần phải chạnh lòng hay buồn về tình cảm mà cha mẹ dành cho mình. Tôi được nuôi dưỡng khá đầy đủ so với chúng bạn xung quanh, nhất là giai đoạn bao cấp, bao gia đình khốn khó thì anh em tôi vẫn có gạo trắng, cơm ngon, bởi cha mẹ khá năng động và chịu khó làm thêm.
Tôi lớn lên bình an, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi cũng yêu thương, kính trọng hai cụ thật nhiều. Ngay từ khi biết suy nghĩ, tôi đã sớm hình thành quan điểm rằng mình giống như một sinh linh đã bị vứt bỏ, nay tồn tại được trên cõi đời này là do nhân duyên, lòng tốt và công dưỡng dục của bố mẹ nuôi chứ người sinh ra tôi không có ý nghĩa gì. Người ta sinh ra con thì dễ, nuôi con mới khó, xã hội đầy rẫy những chuyện con rơi con vãi đó thôi, công nuôi dưỡng dục mới đáng phải mang ơn, trả nghĩa cả cuộc đời. Tôi thấy mình thực sự không có nhu cầu nào khác ngoài phận sự làm một người con tốt của bố mẹ nuôi. Tôi lảng tránh tất cả các cơ hội có thể có được thông tin về người sinh ra mình và tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi tìm gốc gác của bản thân. Ngay cả bây giờ, khi cha mẹ nuôi đã khuất, tôi cũng không nghĩ đến. Mới đây, vợ nói chuyện với tôi một cách rất nghiêm túc, thuyết phục tôi đồng ý để gia đình đi tìm gốc gác hoặc chí ít cũng có thông tin về cha mẹ ruột tôi. Lý do vợ đưa ra là:
Thứ nhất để tránh chuyện con cháu lấy nhầm nhau cùng huyết thống mà không biết. Thứ hai là chuyện tâm linh, nhà tôi thờ cúng bố mẹ nuôi và gia tộc bên bố nuôi tôi sợ rằng không đúng, sái sẩm, không linh ứng. Thứ ba là tôi cần phải nghĩ đến các con vì chúng có quyền biết gốc gác của mình. Cuối cùng là “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, dù cho việc tôi bị bỏ rơi có do nguyên nhân gì thì biết về gốc gác của mình cũng là cần thiết, để nếu cần thì phải phụng dưỡng bố mẹ ruột, đền đáp công sinh thành.
Tôi phản đối kịch liệt, trừ lý do thứ ba khiến tôi suy nghĩ chút ít mỗi khi nhìn các con của mình nô đùa. Tôi dùng mọi lý lẽ cũng như tâm sự thực tâm nhưng có vẻ vợ vẫn không xuôi. Nàng nói tôi không nên quên gốc gác, biết nguồn cội vẫn hơn, sống với bố mẹ nuôi đã trọn chữ hiếu và nay hai cụ không còn nữa, mình tìm cha mẹ ruột không phải để cầu lợi thì sao không làm cho các con? Quan điểm ấy khiến tôi cũng tự hỏi không biết mình đang đúng hay sai?
Quả thực tôi đang nghĩ, giả sử vì sự tình cờ hoặc khách quan nào đó mà biết cha mẹ ruột đang đau yếu, ở hoàn cảnh cần giúp đỡ thì chắc tôi cũng giúp nhưng chẳng thể nào tôi phụng dưỡng chân thành được. Hoặc giả cha mẹ ruột vinh hoa phú quý thì tôi cũng chẳng cần trục lợi. Cơ bản là tôi thấy mình không có nhu cầu tìm cha mẹ ruột vì bất cứ lý do gì. Đó là chưa nói tôi còn thấy có lỗi với vong linh cha mẹ nuôi nếu đi tìm cha mẹ ruột. Tôi có cố chấp không? Tôi sẽ chỉ hành động khi tự mình thấy cần thiết. Tuy nhiên, tôi rất muốn nghe góc nhìn của các độc giả trong câu chuyện này. Chân thành cảm ơn mọi ý kiến.
Video đang HOT
Theo VNE
Mỗi khi cãi nhau, vợ chửi cả nhà chồng
Mỗi lần cãi vã nhau là vợ cháu thường chửi bới bố, mẹ ruột cháu, chửi bằng những từ ngữ rất thô tục.
Cháu năm nay 27 tuổi, đã lập gia đình gần 2 năm, có 1 đứa con trai 8 tháng tuổi, vợ cháu cũng 27 tuổi. Nhưng gia đình cháu hiện nay không được hạnh phúc, vợ chồng cháu bất đồng quan điểm, hay cãi vã với nhau, mỗi lần cãi vã nhau là vợ cháu thường chửi bới bố, mẹ ruột cháu, chửi bằng những từ ngữ rất thô tục.
Hai vợ chồng cháu đều có công việc ổn định, công chức Nhà nước cả; cháu biết là cuộc sống vợ chồng mới ra riêng gặp rất nhiều khó khăn, cháu cũng thường hay khuyên vợ cả hai cùng cố gắng. Những hôm không đi làm, cháu cũng tranh thủ giúp công việc nhà với vợ vì đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình (nói thật là cháu cũng hơi vụng về, làm cũng hơi chậm) bản thân cũng cố gắng.
Trước lúc mới quen nhau, cháu cũng dẫn vợ về nhà và nói gia đình cháu cũng khó khăn, còn 2 đứa em nhỏ đang đi học, nên bữa sau khi cưới nhau về thì 2 đứa mình tự thân vận động thôi, bố mẹ cho ăn học, tìm cho công ăn việc làm như vậy thôi.
Nhưng đến khi sinh đứa con đầu lòng thì vợ hay so bì giữa bên nội và bên ngoại, vợ cháu nói sao bên ngoại cho nhiều thứ mà bên nội không cho gì cả, trong khi đó bố cháu đang bị đau nằm một chỗ, lại thêm nuôi 2 đứa em đi học nên không có tiền để giúp đỡ, vợ cháu cứ suốt ngày than vãn, so sánh.
Ảnh minh họa.
Cháu cũng có nói chuyện, phân tích mà vợ cháu bất đồng quan điểm không chịu thay đổi suy nghĩ, những lúc nói chuyện là vợ cháu la to lên, kể lể bên ngoại cho tôm, cá, tiền bạc... còn bên nội không cho gì; còn chửi bới bố mẹ cháu, nói bố mẹ cháu ăn không ngồi rồi, suốt ngày đi tám chuyện, vợ còn trực tiếp điện thoại về chửi bố mẹ cháu, chửi bằng những từ rất thô tục.
Còn về phần cháu, lúc bình thường thị vợ cũng vui vẻ, nhưng khi giận nhau thì nói cháu chỉ sống bám, không biết lo cho cuộc sống, chửi cháu là siêng ăn nhác làm, dùng những từ thô tục để chửi; cháu cũng không biết tại sao vợ cháu lại như vậy.
Mỗi lần cháu về quê nội đưa bố cháu đi chữa bệnh là vợ gây sự, chửi bới cháu, nói chung mỗi lần cháu về quê nội là vợ lại gây sự; vợ cháu còn bất hòa với hai đứa em cháu, suốt ngày nói anh em nhà cháu chỉ là bọn siêng ăn nhác làm, mà trong khi đó em cháu đang học đại học, cũng đối xử lễ phép với vợ.
Cháu đã nói chuyện với bố mẹ vợ về tình hình như vậy, nhưng vợ cũng không thay đổi quan điểm. Xin chương trình tư vấn cháu phải làm sao để giải nỗi bất hòa giữa vợ và bố mẹ cháu, cháu xin chân thành cảm ơn.
Chuyên gia tâm lý tư vấn:
Chào bạn!
Qua những gì bạn chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng bạn đang băn khoăn không biết làm thế nào để giải quyết sự bất hòa giữa vợ và bố mẹ bạn. Chúng tôi chia sẻ nỗi niềm này cùng bạn.
Hai vợ chồng thường bất đồng quan điểm về vấn đề gì? Khi cô ấy có những lời xúc phạm bố mẹ bạn thì bạn đã làm gì?
Trong cuộc sống hôn nhân, mâu thuẫn vợ chồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng thường cãi vã nhau mà không cùng nhau ngồi lại để đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết mâu thuẫn và cải thiện mối quan hệ thì cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên cảnh thẳng, mệt mỏi, không có lối thoát.
Chúng tôi không rõ vợ bạn như vậy có phải là do áp lực công việc, chăm sóc con cái mà sinh ra cáu giận, cãi vã nên cô ấy có những lời nói không hay với bố mẹ bạn hay đó chính là tính cách mà vợ bạn vốn có?
Trong cuộc sống dù là vợ chồng hay bất cứ mối quan hệ nào khác sự tôn trọng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể vợ bạn chịu áp lực từ công việc, chăm sóc con cái nên có nhiều lúc nóng giận không kiềm chế được cảm xúc và có những lời nói chưa phù hợp. Nhưng dù có nóng giận đến mấy thì cô ấy vẫn là phận làm con trong gia đình, việc cô ấy thể hiện sự tôn trọng với bố mẹ chồng cũng chính là tôn trọng chồng mình.
Bạn nghĩ sao về việc sẽ ngồi lại để nói chuyện thẳng thắn với vợ về những điều chưa được hài lòng về nhau? Bạn cũng cần nhìn nhận lại bản thân xem mình có thiếu sót gì không, mỗi lần cãi nhau nguyên nhân từ vấn đề nào nhiều nhất qua đó để tìm cách khắc phục.
Bạn có thể nhẹ nhàng lựa những lúc hai vợ chồng vui vẻ để chia sẻ về mong muốn, suy nghĩ của mình và phân tích cho cô ấy thấy những thái độ, hành vi của cô ấy là không đúng, nó khiến bạn cảm thấy buồn, mất lòng tự trọng và làm tình cảm vợ chồng rạn nứt.
Bạn cũng chia sẻ về việc cô ấy lấy bạn không chỉ lấy một người chồng về để thành một gia đình mà cô ấy cũng là dâu con trong nhà, là một thành viên trong đại gia đình lớn vì thế nếu cô ấy có thái độ ứng xử vô lễ, thiếu tôn trọng vô hình chung vợ tự tách mình ra khỏi gia đình và khiến mọi người không thể yêu thương, quý trọng cô ấy.
Thêm vào đó, bạn cũng có thể tìm hiểu xem giữa vợ mình và bố mẹ đã xảy ra mâu thuẫn gì, đồng thời bạn có thể làm cầu nối để giúp hai bên có thể hòa hợp với nhau.
Có nhiều trường hợp khi bạn đã trao đổi mà vợ không thay đổi hoặc như cô ấy cảm thấy không chấp nhận được hoàn cảnh gia đình của bạn thì hai vợ chồng cũng cần xem xét về mục đích hôn nhân có đạt được hay không? Nếu như sống chỉ để chịu đựng nhau thì vô hình chung cuộc sống hôn nhân là bế tắc, mệt mỏi cho cả hai.
Đến lúc đó hai vợ chồng có thể cho nhau khoảng thời gian riêng như ly thân để xem xét về mong muốn tiếp tục chung sống. Bạn nghĩ sao về điều này?
Theo VOV
Cười ra nước mắt chuyện bố vợ và con rể Ngoài bố ruột, mẹ ruột ra, thì người mà tốt với tôi nhất, lo lắng cho tôi nhiều nhất, ấy chính là bố vợ tôi! Quả thực, trên đời này, chắc chẳng có ông bố vợ nào thương và lo lắng cho con rể nhiều như bố vợ tôi: Những khi vợ tôi vòi quà, ông thường dấm dúi vào tay tôi vài...