Tôi chẳng có lý do gì mà phải nghe theo lời anh…
Vẫn chưa hết hi vọng, tôi tìm đến gặp mẹ anh lần cuối. Hôm đó nhà có khách rất đông. Bà chỉ vào một cô gái rất đẹp: “Đây là con dâu của tôi. Cháu đừng có tới đây nói bậy, nói càn nữa. Muốn làm tiền tôi hả? Không có dễ đâu”. Tôi nhìn bà, nhìn cô gái, cố gắng nuốt nước mắt vào lòng: “Được rồi, cháu sẽ bỏ cái thai. Cháu cũng không liên hệ với con trai bác…”.
Tôi học đại học năm thứ ba thì mẹ tôi mất. Lúc ấy tôi chẳng còn gì. Cái nhà cũng đã bán để lo thuốc thang cho mẹ. Vậy là tôi bắt đầu những ngày vừa học vừa làm. Thật vất vả khi phải bươn chải một mình, chẳng còn tình thân để bám víu.
Chính vì vậy, khi gặp Thắng ở nơi làm thêm, sau đó anh ngỏ lời yêu thì tôi nhận lời. Anh hơn tôi 9 tuổi và tôi nhận ra sự chững chạc, đáng tin nơi một người đàn ông đã có công ăn việc làm ổn định. Tôi ra trường, anh xin cho tôi vào làm việc trong một công ty chế biến thực phẩm theo đúng chuyên môn đã học. Tôi nghĩ, cuộc đời mình từ nay trở đi sẽ không còn lạnh lẽo nữa…
Thế nhưng những ngày vui ngắn ngủi qua đi. Khi biết chúng tôi yêu nhau, mẹ anh quyết liệt phản đối. Bà chẳng nói lý do mà khăng khăng “đã nói không là không”. Thấy tôi buồn, anh hỏi: “Em có muốn chúng mình ra phường đăng ký kết hôn rồi về sống với nhau không?”. Tôi từ chối vì tôi muốn danh chính ngôn thuận được mẹ anh chấp nhận: “Thôi đi anh, làm vậy mẹ biết được sẽ càng giận. Anh cứ để em từ từ thuyết phục mẹ”.
Nhưng mẹ anh vẫn sắt đá. Mỗi khi tôi tới nhà, bà lại mắng chó, chửi mèo; nói gần nói xa. Tôi nhớ có lần, Thắng bực mình nói lại mẹ: “Để chúng con cưới rồi dọn ra ở riêng, khỏi phiền mẹ”. Từ khi biết anh, đó là lần đầu tiên tôi nghe anh trả treo với mẹ. Hậu quả là bà lên cơn đau tim ngất xỉu… Tôi sợ quá bảo Thắng: “Anh đừng trả lời mẹ như vậy nữa, lỡ có chuyện gì, hối hận không kịp”. Anh buồn hiu.
Mấy tháng sau, anh ngập ngừng bảo tôi: “Hay là… tụi mình có con đi em. Mẹ rất mê cháu nội. Biết đâu mình có con rồi thì mẹ sẽ chấp nhận?”.Tính tới, tính lui, tôi thấy anh cũng có lý. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi cũng muốn được sống với anh, làm vợ anh và sinh con đẻ cái cho anh… Vậy là tôi xiêu lòng. Chúng tôi ăn cơm trước kẻng…
Thế nhưng một lần, hai lần và nhiều lần rồi mà chẳng thấy gì. Tôi nghĩ có lẽ một trong hai đứa chúng tôi bị trục trặc. Đúng lúc đó, anh nhận giấy triệu tập đi đào tạo ở nước ngoài 1 năm. Trước hôm anh đi, chúng tôi lại gặp nhau. Anh ôm tôi thật chặt: “Em dừng quá lo lắng. Cha mẹ nào mà không thương con. Chắc chắn mẹ sẽ nghĩ lại. Trong thời gian anh vắng nhà, thỉnh thoảng em nhớ ghé thăm mẹ…”.
Tôi nghe lời anh, nhưng lần nào ghé nhà cũng chỉ nhận được sự ghẻ lạnh. Mẹ anh trông thấy tôi là bỏ vô phòng riêng. Chỉ có Mai Thi, cô em gái ốm yếu của anh, có lẽ thấy tôi tội nghiệp nên hay nán lại chuyện trò. Nhiều lần tôi ghé, không có Mai Thi ở nhà, tôi ngồi một mình ở phòng khách sau đó lặng lẽ ra về vì mẹ anh không tiếp.
Anh đi hơn 1 tháng thì tôi phát hiện trong người khác lạ và không thấy kinh nên mua que về thử. Cái vạch hồng hồng thứ hai xuất hiện khiến tôi chới với. Tôi lén tới phòng khám sản khoa để biết kết quả chính xác. Vị bác sĩ ở đó nói tôi chắc chắn đã có bầu. Tôi viết thư cho Thắng nhưng chờ mãi không thấy anh hồi âm. Bí quá tôi đành nói với mẹ anh. Tôi cứ đinh ninh bà sẽ vui mừng…
Không ngờ bà hết mắng tôi, lại mắng cha mẹ tôi không biết dạy con. Bà còn nói, con bà ở cách nửa vòng trái đất thì có phép thăng thiên, độn thổ gì mà làm cho tôi có thai? Tôi khóc: “Tụi con lỡ dại… cứ nghĩ có bầu rồi thì bác sẽ cho phép hai đứa lấy nhau…”. Tôi chưa dứt lời, bà đã xua tay: “Thôi, thôi, đừng có nói nhiều. Tôi đã nói là không đồng ý thì đừng hòng đem cái cày đặt trước con trâu. Cháu có bầu với ai thì về bắt đền người đó”.
Tôi biết bắt đền ai bây giờ? Nhưng tại sao Thắng không trả lời cũng không liên hệ? Tôi không biết tính sao, nửa muốn bỏ, nửa muốn giữ cái thai trong bụng. Cuối cùng tôi nghĩ, mình thuộc loại khó có con nên quyết định giữ… Nhưng tôi lại phân vân: để giữ lại đứa con của Thắng tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đó có công việc rất tốt mà tôi đang làm…
Video đang HOT
Vẫn chưa hết hi vọng, tôi tìm đến gặp mẹ anh lần cuối. Hôm đó nhà có khách rất đông. Bà chỉ vào một cô gái rất đẹp: “Đây là con dâu của tôi. Cháu đừng có tới đây nói bậy, nói càn nữa. Muốn làm tiền tôi hả? Không có dễ đâu”. Tôi nhìn bà, nhìn cô gái, cố gắng nuốt nước mắt vào lòng: “Được rồi, cháu sẽ bỏ cái thai. Cháu cũng không liên hệ với con trai bác…”.
Tôi chỉ nói được vậy rồi đi như chạy ra khỏi nhà. Mai Thi chạy theo tôi: “Chị đừng bỏ cái thai nghe chị, tội lắm. Tại mẹ muốn cưới chị Trinh, con gái bác Giao cho anh hai nên mới làm căng với chị như vậy. Có gì chị liên hệ với em nghe chị…”. Cô nói mà mắt rơm rớm. Tôi cúi mặt quay đi. Giờ thì tôi biết nguyên nhân sự ghẻ lạnh của mẹ anh. Bà không thể chấp nhận một đứa trẻ không có cha như tôi làm con dâu. Đối với bà, chữ “môn đăng hộ đối” phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng biết làm sao được. Tôi vốn dĩ được sinh ra như thế. Kể từ ngày mẹ tôi mất thì tôi thành tứ cố vô thân…
Tôi lên nhà người quen ở Bảo Lộc tá túc rồi sinh bé Khang trên đó. Cũng chỉ định sinh xong sẽ về lại Sài Gòn nhưng rồi tôi tìm được công việc và cũng muốn quên mọi chuyện nên quyết định ở lại. Tôi nghĩ có lẽ Thắng đã học xong và về nước. Mẹ anh chắc cũng đã toại nguyện với chỗ sui gia môn đăng hộ đối mà bà sắp đặt…
… 10 năm thắm thoát qua nhanh. Thằng Khang lớn nhanh như thổi. Cháu cũng quen với cuộc sống chỉ có 2 mẹ con. Thỉnh thoảng có về Sài Gòn, tôi lại đi ngang qua nhà Thắng với suy nghĩ vẩn vơ, biết đâu tôi sẽ tình cờ trông thấy anh… Đôi lúc tôi tự hỏi, điều gì đã khiến Thắng bặt tăm như thế? Anh sang Cu Ba học chứ có phải đi vô rừng rậm Châu Phi đâu mà không liên hệ được với tôi?
Cho đến cách nay 3 tháng, tôi tình cờ tiếp một đoàn khách ở một Viện nghiên cứu ở TP HCM lên Lâm Đồng chuyển giao công nghệ bảo quản rau quả, tôi đã gặp lại anh. Mới đầu tôi không tin vào mắt mình vì trông anh rất lạ. Hơn 10 năm không gặp, anh đã già đi rất nhiều. Anh cũng đã nhận ra tôi…
Tôi đó chúng tôi đã gặp nhau. Anh kể, sang Cu Ba, anh được chuyển sang học một ngành hoàn toàn mới. Đó là công nghệ sinh học. Nơi anh học nằm cách thủ đô 400 cây số. Mấy tháng đầu, anh gửi thư cho tôi chung với thư gửi cho mẹ vì mong muốn tôi sẽ thường xuyên tới lui nhà anh. “Anh nghĩ, như vậy mẹ sẽ yên tâm và tin rằng chúng ta không có điều gì giấu mẹ. Nhưng chờ mãi không thấy thư trả lời, sau đó anh gửi về địa chỉ nhà trọ của em cũng không thấy hồi âm”…
Anh về nước trễ hơn dự định 6 tháng. Vừa về đến nơi, anh chạy đi tìm tôi thì mới biết tôi đã chuyển đi từ lâu. Anh hỏi mẹ thì bà bảo, sau khi anh đi, tôi đã cặp kè với một anh Việt kiều, bà phát hiện và đã cấm cửa. “Anh về không bao lâu thì em Thi mất vì ung thư máu. Rồi mẹ anh cũng ngã bệnh nằm một chỗ từ đó đến giờ…”- giọng anh nghèn nghẹn.
Cách đây 5 năm, anh đã cưới cô gái tên Trinh mà mẹ anh đã chọn lựa. Tuy nhiên, đến giờ họ vẫn chưa có con. “Em… đã có gia đình riêng chưa?”- anh ngập ngừng hỏi tôi. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại trả lời: “Em đã lập gia đình, con em năm nay đã 10 tuổi”.
Anh quay đi, gỡ mắt kính xuống và cứ lau mãi cái tròng kính vào tấm khăn trải bàn. Mãi một hồi sau anh mới hỏi: “Vậy còn… anh Việt kiều mà mẹ nói? Em không lấy anh ta sao?”. Tôi lắc đầu, định thanh minh là chẳng có anh Việt kiều nào cả. Và từ ngày anh đi, tôi cũng chưa bao giờ biết đến một người đàn ông nào khác. Thế nhưng, tôi lại ngần ngừ rồi im lặng. Sau đó tôi nói dối là đã ly hôn. Anh không nói gì.
Hôm sau anh đến nhà thăm tôi trước khi về Sài Gòn. Anh đã trông thấy thằng Khang. Tôi thấy anh hơi giật mình. Rồi anh hỏi tuổi nó, anh lật bàn tay, bàn chân nó lên săm soi. Anh ngắm nghía từng đường nét trên gương mặt nó… Cuối cùng anh thì thầm điều gì vào tai nó mà tôi thấy thằng bé cười như nắc nẻ.
Từ hôm đó, ngày nào anh cũng gọi điện cho tôi. Cách 2 tuần, anh lại lên thăm thằng Khang. Cho đến một bữa nọ, anh gọi điện nói muốn xin phép tôi cho thằng Khang về Sài Gòn chơi với anh vài bữa. Tôi không đồng ý. Thế là hôm sau đã thấy anh lù lù xuất hiện. Anh chìa cho tôi xấp hồ sơ: “Em xem đi. Anh lên đón con anh về thăm bà nội mà…”.
Thì ra là anh đã nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm ADN. Sau khi có kết quả, anh tức tốc gọi cho tôi…
“Anh đừng làm mọi thứ đảo lộn lên như vậy…”- tôi năn nỉ anh. Nhưng anh lắc đầu: “Chuyện anh cưới vợ là chỉ để mẹ vui lòng. Thật ra, cả anh và Trinh đều biết cuộc hôn nhân của mình không có cơ sở để tồn tại. Xin em, hãy cho thằng Khang về thăm bà nội… mẹ yếu lắm rồi…”- giọng anh như sắp khóc.
Tôi cũng xiêu lòng nhưng lúc ấy, bỗng dưng tôi nhớ tới những lời mẹ anh đã nói, nhớ tới việc bà đã xua đuổi tôi như thế nào… Những oán hận năm xưa lại ùa về. Tôi bảo anh: “Bao nhiêu năm nay, mẹ anh đâu biết có sự tồn tại của nó trên đời này? Chính bà đã bảo nó không phải con anh. Vậy thì cứ coi như ngày xưa, em đã nghe theo lời bà mà bỏ nó… Anh đừng nói nữa…”.
Anh gục đầu khóc như một đứa trẻ. Tôi nhìn anh, thấy tim mình đau nhói. Nhưng tôi chẳng có lý do gì để nghe theo lời anh. Nhất là tôi không muốn làm một người phụ nữ khác phải chịu bất hạnh, tổn thương như mình.
Tôi không biết đó có phải là điều tốt nhất tôi nên làm hay không…
Theo VNE
"Chỉ có điên mới đâm đầu vô đó..."
Tôi nhớ lần đầu tiên, tôi nhận ra tình cảm khác lạ của mình là khi thấy anh đi cùng cô bạn học lớp bên cạnh. Có cái gì đó đâm xuyên lồng ngực khiến tôi muốn ngã quỵ. Tôi chạy vô nhà vệ sinh và ở thật lâu trong đó. Hết giờ giải lao, tôi trở vào lớp mà mắt đỏ hoe. Năm đó chúng tôi học lớp 12.
Tôi và Sơn học chung từ năm lớp 10. Khi ấy tôi ở quê ra, trọ học gần nhà anh. Bắt đầu năm học khoảng 1 tháng thì tôi phát hiện điều đó. Không ngờ khi tôi vừa nói ra, Sơn đã nhiệt tình: "Vậy thì để mình chở bạn đi học luôn cho tiện".
Lúc đầu tôi còn ngại nhưng sau đó Sơn nói mãi khiến tôi xiêu lòng. Từ đó, ngày ngày tôi ngồi sau xe để anh chở đến trường. Sơn sinh trước tôi 9 tháng nên chúng tôi thống nhất tôi làm em, còn Sơn làm anh. Có lẽ thương tôi ở xa nhà nên Sơn chăm sóc tôi như em gái của mình. Có gì ngon ngọt anh cũng mang cho tôi. Học nhóm, anh và tôi cũng học cùng. Tôi cứ nghĩ, mãi mãi chúng tôi sẽ là anh em tốt của nhau như thế.
Không ngờ, tình cảm của tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu nhận ra mình không còn vô tư nữa dù ngoài mặt vẫn cố hồn nhiên vui đùa. Cho đến một ngày, tôi thấy con tim mình tan nát khi Sơn đi với người con gái khác. Mấy hôm sau tôi bảo Sơn: "Từ giờ em đi với nhỏ Phương, anh khỏi chở em nữa". Sơn tưởng thật nên vui vẻ: "Ừ, vậy cũng được. Nói Phương đi đứng cẩn thận, đừng có lạng lách nghe chưa".
Từ đó, tôi không có dịp nào được ngồi sau xe anh nữa. Thay chỗ tôi ngồi đã có một cô bạn khác. Những quan tâm Sơn dành cho tôi trước đây cũng bị san sẻ rất nhiều. Tôi chấp nhận điều đó một cách khó khăn và chỉ biết lấp đầy khoảng trống bằng cách chúi mũi vào chuyện học hành.
Có kết quả thi tốt nghiệp, tôi đỗ thủ khoa. Khi ấy tôi đã về nhà nghỉ hè với ba mẹ. Sơn đạp xe gần 60 cây số về báo tin cho tôi. "Để anh hẹn lớp mình đi liên hoan mừng cả lớp tốt nghiệp, mừng em là thủ khoa..."- Sơn hào hứng nói. Nhưng tôi lắc đầu: "Thôi, để thi đại học xong đã anh à". Hôm đó khi Sơn về, tôi đưa anh ra đến đầu đường, rồi đứng tần ngần mãi mới dám đưa cho anh quyển sách bài tập Toán luyện thi đại học mà tôi mua từ năm lớp 11 nhưng chưa có dịp nào để trao cho anh. Ở trang cuối của quyển sách, tôi đã viết một dòng bằng mực đỏ và hi vọng, nếu anh đọc đến trang cuối cùng thì sẽ nhận ra...
Có lẽ Sơn đã đọc. Từ đó, mỗi mùa hè, anh đều về thăm ba má tôi ở quê. Tôi biết điều đó và cố tình tránh mặt với lý do học trường y rất bận rộn. Có một năm, tôi về ăn tết, nghe má nói: "Thằng Sơn dẫn bạn gái về giới thiệu với ba má. Con nhỏ dễ thương hết sức". Tôi mừng cho anh nhưng vẫn thấy có điều gì đó buốt nhói trong lòng.
Sơn học Nông nghiệp ở Cần Thơ. Ra trường anh đi làm rồi cưới vợ. Suốt từng ấy năm trời, chúng tôi không gặp nhau lần nào. Tôi học xong cũng về Cần Thơ công tác. Tôi không ngờ có ngày tôi gặp lại anh trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Con gái anh bệnh nhập viện điều trị ngay chính khoa của tôi. Cháu bị sốt cao không rõ nguyên nhân phải nằm lại để theo dõi. Gặp anh, tôi hết sức bất ngờ. Anh cũng mừng rỡ nắm tay tôi lắc mạnh: "Em về đây hồi nào? Sao không liên lạc gì với anh vậy? Mấy năm nay công việc bận rộn quá nên anh không về thăm ba má được...".
Anh nhắc ba má tôi với giọng ấm áp như thể đó là người thân của mình. Đến lúc đó tôi mới biết vợ anh đã mất. Một mình anh bây giờ phải nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, hai đứa sinh đôi 4 tuổi. "Vợ anh mất ngay sau khi sinh 2 đứa nhỏ... Cô ấy bệnh tim. Khi mang thai lần sau, bác sĩ khuyên nên bỏ nhưng cô ấy không bằng lòng"- giọng anh nghèn nghẹn. Tôi lặng người đi. Thảo nào mà tóc anh đã bạc dù khi đó anh và tôi mới ngoài ba mươi.
Cuộc gặp này khiến tôi đánh mất tình cảm của một người đồng nghiệp. Đúng hơn là người ấy đã không thể chờ đợi vì tôi cứ vướng víu 3 đứa trẻ của Sơn. "Cho em thêm thời gian... Nhìn cha con anh ấy bây giờ em không đành lòng..."- tôi nói với anh bạn như vậy. Nhưng anh đã từ chối: "Anh nghĩ không cần như vậy. Nhìn em và mấy đứa nhỏ quấn quýt nhau, anh biết điều gì sẽ xảy ra. Thôi thì dứt khoát càng sớm càng tốt để không ai bận lòng". Vậy rồi người ấy ra đi.
Bây giờ thì 2 đứa út đã 10 tuổi, bé lớn đã vào cấp II. Tóc tôi cũng bắt đầu có vài sợi bạc. 6 năm qua, tôi đã lặng lẽ đi cạnh cha con anh như thể định mệnh đã gắn chúng tôi lại với nhau. Có lần, cách nay chưa lâu, Sơn đưa cho tôi quyển sách giải bài tập Toán lớp 11 mà tôi tặng anh ngày nào. Dòng mực đỏ ở cuối trang sách đã mờ nhưng tôi vẫn đọc được những dòng chữ của chính mình: "Từ bây giờ đôi ngã chia xa... nhưng mãi mãi em vẫn nhớ người ta". Tôi nhẩm tính, đã gần 20 năm. Anh nắm tay tôi, rất lâu mới nói được: "Sao em lại làm như vậy? Phải biết nghĩ tới bản thân chứ? Anh và các con đã tự lo được rồi...".
Tôi nhìn cha con anh mà nhiều khi không cầm được nước mắt. Nếu các cháu là con trai thì có thể dễ dàng hơn, đằng này lại là 3 đứa con gái. Không có bàn tay người mẹ chăm lo, dạy dỗ, tội nghiệp biết chừng nào... Nhưng trên hết, tôi biết rõ trái tim mình đã thuộc về anh, từ những ngày còn học chung hay khi xa cách, chưa có lúc nào tôi quên anh.
Má tôi có lẽ hiểu điều đó nên bảo: "Nếu con thương thằng Sơn thì cứ lấy nó, má không cản...". Thế nhưng rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi thì can ngăn: "Chỉ có điên mới lao đầu vô đó. Con mình mình lo còn mệt mỏi, đằng này con riêng của chồng, hơi sức đâu mà lo? Lỡ mai mốt tụi nó phản thì thêm tức".
Tôi không ngại điều đó vì tôi đã dạy dỗ mấy đứa nhỏ từ khi chúng còn bé, tôi hiểu chúng nó cũng yêu thương tôi như vậy. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy đã quá muộn để nghĩ đến chuyện hôn nhân. Tôi soi gương và chợt buồn khi nghĩ đến những vết chân chim, những sợi tóc bạc, những cơn đau âm ỉ khi trái gió trở trời...
Có phải là tôi đã quá già để làm vợ, làm mẹ?
Theo VNE
Con gái văng tục, ai thèm rước? Nhiều người tưởng cứ văng tục là oai, là thiên hạ nhìn mình bằng con mắt khác, kiểu dân chơi, có máu mặt. Nhưng mà, người ta không thấy thế đâu, họ đang nghĩ thầm trong bụng: "Con gái con đứa, mở mồm ra là chửi bậy, đúng là vô giáo dục". Thời nay, không ít các bạn gái, mở mồm ra là...