Tóc giả làm từ thân chuối tại châu Phi
Trong chuyến thăm một trang trại địa phương, nữ doanh nhân Uganda Juliet Tumusiime nhận ra rằng có rất nhiều thân chuối bị loại bỏ lãng phí trong quá trình canh tác.
Tumusiime đang tìm cách tận dụng rác thải và cô đã nảy ra ý tưởng kinh doanh sáng tạo với chúng.
Thân chuối được xử lý để làm tóc giả, tóc nối. Ảnh: CNN
Gần một thập kỷ sau, ở tuổi 42, Tumusiime là giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Cheveux Organique, công ty sản xuất tóc nối và tóc giả làm từ sợi chuối.
Theo kênh CNN (Mỹ) xu hướng thời trang trong giới trẻ và sức mua ngày càng tăng là động lực tăng trưởng của thị trường nối tóc và tóc giả ở châu Phi, Trung Đông, được dự đoán đạt giá trị 710 triệu USD vào năm 2028.
Tóc nối thường được làm từ tóc thật của con người hoặc các vật liệu tổng hợp như nylon, polyester, acrylic và PVC. Sợi tổng hợp rất phổ biến ở Uganda vì giá thành rẻ, tuy nhiên, chúng không thể phân hủy hoặc dễ tái chế. Một số người phàn nàn rằng tóc giả sợi tổng hợp có thể gây kích ứng da đầu họ. Một nghiên cứu về tóc giả sợi tổng hợp ở Nigeria đã phát hiện ra chúng chứa kim loại nặng và hóa chất có hại.
Cô Tumusiime cho biết nhiều người không nhận ra rằng việc họ đeo tóc giả sợi tổng hợp trên đầu có thể gây kích ứng da và ô nhiễm môi trường khi chúng bị thải loại.
Cô khẳng định rằng không giống như tóc tổng hợp, sản phẩm của Cheveux Organique có thể phân hủy sinh học, bền, dễ dàng tạo kiểu, xử lý và nhuộm màu. Nó cũng có thể được rửa lại bằng nước ấm và dưỡng bằng kem gỡ rối.
Video đang HOT
Tóc giả làm từ chuối có thể chịu được máy sấy và nhiệt độ lên tới 400 độ C. Chúng có độ bền lâu hơn so với sản phẩm từ sợi tổng hợp. Cô Tumusiime bổ sung rằng, vì nó được làm từ thân cây chuối bỏ đi nên đây cũng là một cách giúp hạn chế lãng phí.
Uganda là quốc gia sản xuất và tiêu thụ chuối lớn nhất châu Phi, sản xuất khoảng 10 triệu tấn chuối mỗi ngày. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người dân Uganda tiêu thụ gần một kg trái cây/người mỗi ngày, với hơn 75% dân số sử dụng chuối như một loại thực phẩm chính.
Cheveux Organique hợp tác chặt chẽ với nông dân trồng chuối địa phương, mua những thân chuối có thể bị bỏ đi. Thân cây được tách ra và lấy sợi bằng máy. Sau đó Cheveux Organique sấy khô và xử lý các sợi được chiết xuất rồi chải kỹ để tạo ra kết cấu giống như tóc.
Sản phẩm tóc giả làm từ thân chuối của Cheveux Organique. Ảnh: CNN
Tóc giả từ thân chuối có thể được nhuộm thành ba màu đen, nâu và vàng. Cô Tumusiime cho biết chúng có độ bóng tự nhiên, mềm mại, có thể tết tóc và tạo kiểu linh hoạt. Cô lưu ý rằng loại tóc giả thân thiện môi trường này cũng thích hợp với khí hậu ấm áp và ẩm ướt.
Cheveux Organique cũng gặp nhiều thách thức trong việc biến thân chuối thành tóc giả. Cô Tumusiime cho biết: “Quy trình cần nhiều lao động, từ lấy thân chuối, vận chuyển đến cơ sở, chiết xuất thân cây, xử lý chúng và lượng điện cần thiết cho cả quy trình, tất cả các yếu tố này khiến sản phẩm trở nên đắt đỏ”.
Sản phẩm tóc giả từ thực vật của Cheveux Organique được kinh doanh tại Uganda và Mỹ, Pháp cùng Anh. Nó được bán lẻ với giá 50 USD (hơn 1,2 triệu đồng) cho 150 gam. Cô Tumusiime cho rằng mức giá này rẻ hơn so với 185 USD cho cùng một lượng tóc người. Nhưng tóc sợi tổng hợp có giá chỉ 1 USD một bó.
Cô Tumusiime cũng khẳng định: “Những người trả mức giá này cuối cùng sẽ nhận được một sản phẩm cao cấp và quan trọng là lợi ích lâu dài mà sản phẩm này mang lại”.
Cheveux Organique không phải là doanh nghiệp duy nhất tạo ra tóc giả từ thực vật. Tại Mỹ, công ty Rebundle có trụ sở tại St.Louis, bang Missouri cũng bán các sản phẩm tóc nối làm từ sợi chuối, trong khi công ty có tên Nourie Hair cung cấp sản phẩm từ chiết xuất rễ nhân sâm và hương thảo.
Thế khó của Mỹ ở châu Phi
Bấy lâu nay, Washington luôn tìm cách tái khẳng định họ là một đối tác đáng lựa chọn của các quốc gia ở châu Phi.
Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp khó khi Trung Quốc cũng đang nỗ lực giành vị thế ở lục địa đen và Nga thì ngày càng tăng cường hiện diện tại châu lục này.
Đầu tư của Trung Quốc vào Tanzania, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Phi, đã tăng vọt trong những năm gần đây. Cụ thể, chỉ trong 10 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2023, Bắc Kinh đã đầu tư gần 10 tỷ USD vào nước này. Minh chứng là khu công nghiệp Sino-Tan trị giá 3 tỷ USD đang nhanh chóng hình thành. Và khi hoàn thành vào cuối năm nay, khu công nghiệp này dự kiến sẽ tạo ra tới 600.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Khoản đầu tư nêu trên chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản vay từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang thực hiện đầu tư chiến lược và tăng cường liên kết thương mại với quốc gia châu Phi này. Theo số liệu của chính phủ, tính đến tháng 12 năm ngoái, Mỹ có 283 dự án đăng ký tại Trung tâm Đầu tư Tanzania. Các doanh nghiệp này đã cung cấp khoảng 55.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu USD để giúp các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Tanzania.
Ngoài Tanzania, Trung Quốc còn tham gia đầu tư mạnh mẽ ở Uganda và Nam Sudan. Ở Uganda, Nhà máy thủy điện Isimba và Nhà máy thủy điện Karuma đã giúp chuyển đổi ngành năng lượng của đất nước. Cả hai con đập của nhà máy này đều do Trung Quốc tài trợ. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni tuyên bố: "Chính phủ và người dân Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của Uganda và châu Phi". Tại Nam Sudan, Trung Quốc chiếm khoảng 75% lượng xuất khẩu xăng dầu và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của đất nước nghèo khó này.
Ông Barnaba Marial Benjamin - Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Sudan - bình luận: "Khi dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc khởi động và mang lại 60 tỷ USD cho các nước châu Phi, chúng tôi nghĩ rằng, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Nam Sudan được hưởng lợi". Một số nhà quan sát cho rằng, các khoản vay dường như không có ràng buộc nào của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành đối tác hấp dẫn hơn của các quốc gia châu Phi.
Ông Joseph Sheffu tại Công ty tư vấn EY Tanzania nhận định: "Phương Tây chắc chắn có quan hệ thân thiết với châu Phi. Họ đang tài trợ cho châu Phi với tư cách là những nước nghèo và đặt ra các quy định về dân chủ và quản trị. Trung Quốc lại hơi trung lập về khía cạnh đó, nhưng theo thời gian, Trung Quốc đã phát triển. Sự phát triển của Trung Quốc đòi hỏi nguồn lực và quan hệ đối tác, họ đã nhanh chóng liên kết với châu Phi".
Người dân Niger biểu tình yêu cầu Mỹ rút quân khỏi quốc gia này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Liu Bao Cheng, trưởng khoa Đạo đức Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, cho biết, vẫn chưa quá muộn để Mỹ cố gắng bắt kịp Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cải thiện sinh kế của người dân châu Phi bằng cách cung cấp cơ hội việc làm và đào tạo kỹ năng tốt hơn cho họ. Ông nhận định: "Trung Quốc và Mỹ có những lợi thế khác nhau trong việc khám phá thị trường châu Phi".
Còn đối với Nga, các quan chức Mỹ đang bắt đầu chấp nhận rằng, chiến lược ép Niger và các nước châu Phi bị chiến tranh tàn phá khác cắt đứt quan hệ với Moscow và "đi theo các chuẩn mực dân chủ phương Tây" không còn hiệu quả nữa. Theo đó, các nhà lãnh đạo châu Phi, trong khi nói với các nhà ngoại giao và các quan chức Mỹ rằng họ muốn duy trì quan hệ với Washington, phần lớn đã bác bỏ những đề xuất rằng đất nước họ "cần thực hiện dân chủ (kiểu phương Tây) một cách đầy đủ hơn".
Hiện, các quốc gia trên khắp lục địa đen, bao gồm: Chad, CH Trung Phi, Mali và Libya, đã quay sang Nga để được hỗ trợ an ninh. Những người khác đã phản đối yêu cầu cải cách của Mỹ, cho rằng phương Tây không có quyền thuyết giảng về dân chủ ở châu Phi khi họ phớt lờ những vấn đề tương tự với các đồng minh ở những nơi khác trên thế giới. Những lời từ chối đó, bao gồm cả ở Niger, đã thử thách các quan chức Mỹ khi họ cố gắng tìm cách giữ vững mối quan hệ đối tác lâu dài của Washington với các quốc gia có nhiều khoáng sản. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Phi đã hoan nghênh sự hiện diện của Nga, cho rằng Moscow có thể cung cấp hỗ trợ an ninh nhanh chóng khi Mỹ không thể.
Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, đằng sau hậu trường, Washington tin rằng, việc rút lui hoàn toàn khỏi các quốc gia "đang gặp thách thức về dân chủ" có thể là điều không khôn ngoan và làm như vậy "sẽ để lại một khoảng trống lớn cho các đối thủ cạnh tranh" như Nga hay Trung Quốc nhảy vào. Do đó, chiến lược gần đây nhất của Mỹ "nhấn mạnh vào các vấn đề tiêu cực của lực lượng quân sự tư nhân Nga ở châu Phi nhằm ngăn cản các nước liên minh với Moscow". Tuy nhiên, cho đến nay, nỗ lực đó vẫn chưa đảo ngược được quyết định hợp tác với Nga của các nhà lãnh đạo châu Phi.
Quan chức Mỹ trên thừa nhận, nhu cầu trước mắt của họ về sự hỗ trợ và an ninh là quá lớn và Mỹ không thể cung cấp loại trợ giúp đó. Và rõ ràng, Nga đã nắm bắt cơ hội để giúp đảm bảo an ninh cho các nước châu Phi. Ví dụ, giờ đây lần đầu tiên tại Niger, Bộ Quốc phòng Nga đang giám sát một nhiệm vụ an ninh mới, triển khai các cố vấn quân sự đến giúp huấn luyện quân đội Niger. Các động thái của Nga đã làm dấy lên cảnh báo đối với các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden, những người đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận với chính quyền quân sự để cuối cùng sẽ cho phép quân đội Mỹ ở lại nước này.
Hiện, vẫn chưa rõ lực lượng Mỹ sẽ rời Niger trong bao lâu hoặc liệu có cách nào đàm phán để họ ở lại hay không. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết có khả năng Mỹ vẫn giúp huấn luyện quân đội ở Niger. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder mới đây xác nhận đã "bắt đầu các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Niger về việc rút lực lượng Mỹ khỏi nước này một cách có trật tự" và cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang cử một phái đoàn tham gia các cuộc thảo luận, nhưng không đưa ra khung thời gian phái đoàn đến hoặc quân Mỹ rời khỏi Niger.
Nếu Quân đội Mỹ rời đi, Washington sẽ mất quyền tiếp cận căn cứ quân sự quan trọng mà nước này dựa vào để chống lại các nhóm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Căn cứ máy bay không người lái của Mỹ ở Niger được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, chìa khóa để nhắm vào các thành trì khủng bố trong khu vực.
Thấy gì từ 3 thập kỷ 'công du châu Phi đầu năm' của các ngoại trưởng Trung Quốc? Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc lựa chọn các quốc gia châu Phi là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của năm nói lên nhiều điều về tham vọng của Bắc Kinh và vị thế của châu Phi trên trường thế giới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng gặp gỡ...