Tốc độ lây lan virus corona tỉ lệ nghịch thời gian chế vắc-xin
Sự lây lan của virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi Trung Quốc liên tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng vọt
Tính đến ngày 5-2, tổng số ca nhiễm 2019-nCoV tại Trung Quốc lên đến gần 24.000 ca, trong đó có một trẻ sơ sinh chỉ mới 1 tháng tuổi ở tỉnh Quý Châu. Số trường hợp thiệt mạng tăng lên 492 tại Trung Quốc.
Bên ngoài Trung Quốc, tốc độ lây lan 2019-nCoV thấp hơn. Đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm 2019-nCoV ngoài Trung Quốc, gồm 1 người ở Philippines và một người Hồng Kông từng đến tâm dịch ở TP Vũ Hán hồi tháng trước.
Trước diễn biến phức tạp liên quan đến 2019-nCoV, Trung Quốc đã đồng ý cho phép các chuyên gia y tế của Mỹ vào nước này như một phần nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giúp chống lại sự lây lan của virus gây chết người.
Nhà Trắng hôm 3-2 xác nhận Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị cho các chuyên gia Mỹ tham gia nhiệm vụ của WHO để nghiên cứu và giúp chống lại nCoV ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Theo truyền thông Trung Quốc, một bệnh viện với khoảng 1.000 giường bệnh được xây trong 8 ngày để điều trị cho những người nhiễm virus ở Vũ Hán đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên vào ngày 3-2. Bệnh viện thứ hai với 1.600 giường dự kiến đi vào hoạt động cuối tuần này.
Các nhân viên y tế kiểm tra ảnh chụp cắt lớp vi tính của một bệnh nhân tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 2-2 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các nhà sản xuất thuốc đang chạy đua bào chế vắc-xin điều trị cho bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV và hy vọng được phê duyệt trong năm nay. Đây được xem là một mục tiêu đầy tham vọng khi vắc-xin tiềm năng phải vượt qua hàng loạt cuộc thử nghiệm về tính an toàn trước khi được sử dụng rộng rãi.
Theo tạp chí Washington Examiner (Mỹ), một loại vắc-xin tiềm năng có thể có tác dụng đối với 2019-nCoV đang được lưu trữ tại một phòng thí nghiệm ở TP Houston, bang Texas – Mỹ. Loại vắc-xin này lần đầu được phát triển vào năm 2012 dành cho bệnh nhân mắc Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể có hiệu quả tương tự trong đợt lây lan virus lần này.
Bác sĩ Peter Hotez thuộc Trung tâm Phát triển vắc-xin của Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ) đã giúp tạo ra vắc-xin nói trên nhưng vẫn chưa thể được sử dụng phổ biến. Ông Hotez cho rằng vắc-xin này có thể được điều chỉnh để ngăn chặn 2019-nCoV lan rộng hơn nhưng phải mất vài tháng tới chúng mới được thử nghiệm trên người.
Khoảng 10 công ty dược phẩm đã lên kế hoạch về phương pháp điều trị 2019-nCoV hoặc các dự án vắc-xin liên quan, gồm hãng Johnson & Johnson và Inovio Enterprises (Mỹ). Tuy nhiên, mỗi phương pháp bắt buộc phải trải qua một số giai đoạn kiểm tra và thử nghiệm lâm sàng, có khả năng kéo dài thời gian phát triển và ra mắt vắc-xin đến hơn 1 năm. Vào thời điểm đó, giới chuyên gia lo ngại nCoV trở nên nguy hiểm hơn.
Ông Hotez cho hay: “ Kịch bản ác mộng là khi giai đoạn phát triển vắc-xin diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì vắc-xin vốn là sản phẩm phải được kiểm tra nghiêm ngặt nhất và tốn không ít thời gian”.
Chuyên gia này cũng cảnh báo 2019-nCoV có khả năng tái phát nên đòi hỏi có thêm nghiên cứu y sinh mỗi khi dịch bệnh bùng phát nếu các nhà nghiên cứu không thể tạo ra một loại vắc-xin chung trên toàn cầu chống lại virus này. Theo ông Hotez, đây là đại dịch của thế kỷ XXI và việc tiêm phòng cần phải được ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc lạc quan tỉ lệ tử vong do 2019-nCoV gây ra sẽ giảm khi các phương pháp điều trị và nguồn cung thiết bị y tế phù hợp được huy động đến TP Vũ Hán.
Công nhân đeo khẩu trang làm việc tại cảng Nam Thông – Trung Quốc, hôm 31-1 Ảnh: REUTERS
Video đang HOT
IMF vẫn lạc quan về kinh tế Trung Quốc
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hôm 3-2 ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới, đồng thời bày tỏ niềm tin về khả năng phục hồi của kinh tế nước này.
Tại buổi họp báo mới đây, người phát ngôn IMF Gerry Rice cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống virus của Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh “rõ ràng đang nhìn nhận vấn đề một cách rất nghiêm túc”. Theo ông Rice, Trung Quốc là một nền kinh tế có đủ nguồn lực và sự quyết tâm để giải quyết hiệu quả những thách thức gây ra bởi virus.
Trong một tuyên bố hôm 4-2, Chủ tịch Hội đồng Giao nhận hàng hóa quốc gia Thái Lan (TNSC), bà Ghanyapad Tantipipatpong, khẳng định quốc gia này có thể mất 64,6 triệu USD trong lĩnh vực xuất khẩu sang Trung Quốc ở quý đầu của năm 2020. Bà Tantipipatpong cho biết thêm rằng trái cây và rau củ tươi sẽ là 2 mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dù vậy, theo bà Tantipipatpong, TNSC vẫn duy trì dự đoán tăng trưởng xuất khẩu chung năm nay ở mức 0%-1%, bởi virus nhiều khả năng chỉ làm giảm 0,11% lượng hàng, trước khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa Thái Lan trở lại để bù đắp cho “nhu cầu dồn nén”.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan trong năm 2019, với sức mua 29,2 tỉ USD, tương đương 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan. Cao Lực
Kêu gọi cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang dã
Các nhà hoạt động đang kêu gọi Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang đã. Theo BBC, hơn 70% bệnh lây nhiễm mới nổi ở con người xuất phát từ động vật, đặc biệt là động vật hoang dã.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2019-nCoV nhiều khả năng bắt nguồn từ dơi. Những virus gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cũng bị cho là bắt nguồn từ dơi, trước khi lây nhiễm sang cầy hương và lạc đà rồi đến con người.
“Chúng ta đang tiếp xúc với nhiều loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng mà trước đây chúng ta chưa từng. Do đó, chúng ta gặp phải nhiều căn bệnh mới liên quan đến sự tiếp xúc giữa con người với virus, vi khuẩn và ký sinh trùng lạ” – ông Ben Embarek, chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, khẳng định.
Theo một nghiên cứu mới đây, được tiến hành trên gần 32.000 loài động vật có xương sống trên cạn, gần 20% trong tổng số này bị mua bán trên thị trường động vật hoang dã toàn cầu – cả hợp pháp lẫn trái phép.
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WFF) khẳng định cuộc khủng hoảng 2019-nCoV là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy cần chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng không bền vững động vật hoang dã làm vật nuôi, thực phẩm và thuốc men.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã làm rõ rằng lệnh cấm mà họ đưa ra chỉ là tạm thời khi khẳng định: “Việc chăn nuôi, vận chuyển hay buôn bán động vật hoang dã sẽ bị cấm từ ngày ban hành thông báo đến khi dịch bệnh chấm dứt”.
Bắc Kinh từng đưa ra lệnh cấm tương tự khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2002. Lộc Minh
Xuân Mai
Theo nld.com.vn
Bác sĩ ở Vũ Hán phải mặc tã làm việc, bị đánh và thiếu tiếp tế
Tâm lý của nhiều người ở Vũ Hán đang trong tình trạng căng thẳng vì dịch virus corona nhưng các nhân viên y tế tại đây còn căng hơn nhiều. Họ đang mạo hiểm mạng sống với virus và cả người nhà bệnh nhân.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Vũ Hán chia sẻ ông đã không về nhà trong suốt 2 tuần qua và phải khám tới 150 người trong một ca trực đêm gần đây. "Tất cả đều lo sợ. Một số người trở nên tuyệt vọng sau khi chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh", vị bác sĩ giấu tên kể lại với tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
"Tôi có nghe ai đó nói loáng thoáng trong hàng rằng anh ta đã chờ lâu tới mức nếu có dao anh ta chỉ muốn đâm tôi một nhát. Nhưng giết vài người bác sĩ như chúng tôi thì đâu có làm mọi thứ nhanh hơn phải không?", vị bác sĩ tâm tư.
Để ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (nCoV), Trung Quốc đã quyết định cách ly hơn 60 triệu dân. Nhưng tình trạng thiếu y bác sĩ, bệnh viện quá tải đã khiến nhiều người dân bị kích động.
Hôm 28-1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán đã bị một nhóm người nhà của bệnh nhân nCoV vây đánh. Quần áo bảo hộ của họ bị xé rách ngay trong khu vực cách ly, theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh.
Khuôn mặt hằn vết khẩu trang và thiết bị bảo hộ của một nữ y tá - Ảnh: People Daily
Tại một bệnh viện khác, một người bị ho và sốt không rõ vì không hài lòng điều gì đó đã cởi khẩu trang và cố tình ho vào các nhân viên y tế. Đoạn video sau đó lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những nguy hiểm không thể lường trước đối với các y bác sĩ.
Các bệnh viện ở Vũ Hán - tâm dịch nCoV - đã đạt tới cực hạn cả về sức chứa lẫn sức người. Một bác sĩ thổ lộ công việc dồn dập khiến ông phải đóng bỉm và cố gắng uống ít nước để không mất thời gian đi vệ sinh. "Các đồng nghiệp của tôi cũng chẳng khá hơn là bao", vị này ngao ngán.
Một bác sĩ yêu cầu giấu tên ở Bệnh viện y dược Tongji cho biết anh đã mặc duy nhất một bộ đồ bảo hộ trong cả ca trực 10 tiếng do tình trạng thiếu thốn. Theo anh này, đồ bảo hộ cần phải được thay mới mỗi khi ra vào khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm.
Một tờ báo của Vũ Hán thông tin thành phố đã nhận 10.000 bộ quần áo bảo hộ, 800.000 khẩu trang N95, 5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 kính bảo hộ.
Tuy nhiên, theo vị bác sĩ ở Bệnh viện Tongji, những thiết bị được hỗ trợ có chất lượng rất tệ, một số cái đã bị hư hỏng trước khi sử dụng. "Tôi không chắc ai đã đưa những thiết bị này đến bệnh viện, nhưng cứ như thế thì chết bác sĩ chúng tôi mất".
Hôm 30-1, một bác sĩ ở Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán đã lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cầu cứu. Ông cho biết bệnh viện của mình rất cần các thiết bị y tế như kính bảo hộ, bộ đồ bảo hộ dùng một lần và khẩu trang N95, nhấn mạnh kho trang thiết bị của bệnh viện hầu như đã cạn kiệt.
SCMP đã liên lạc và được kết nối thêm với những bác sĩ khác tại bệnh viện. Họ vô cùng bức xúc vì có thông tin các "sếp" trong bệnh viện lấy khẩu trang từ kho vật tư của bệnh viện còn nhiều hơn những người đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nCoV.
"Các sếp lãnh đạo kiểm tra bệnh viện của chúng tôi thì đeo mặt nạ N95 hàng đầu, trong khi các bác sĩ và y tá chiến đấu nơi tiền tuyến chỉ có những khẩu trang bình thường. Tôi thực sự cạn lời", một bác sĩ bức xúc.
Để giải tỏa bớt áp lực cho các bác sĩ ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã huy động 1.400 nhân viên quân y. Một số địa phương gần Hồ Bắc như Bắc Kinh cũng gởi hàng ngàn y tá, bác sĩ để giải vây.
Việc đưa hai bệnh viện dã chiến hơn 2.600 giường vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các y bác sĩ ở Vũ Hán trong vài ngày tới.
Hai bàn tay nứt nẻ, sưng lên vì làm việc liên tục của một y tá ở Vũ Hán - Ảnh: Weibo
Thiếu đồ bảo hộ chuyên dụng, một nhóm bác sĩ ở Trung Quốc phải chế đồ bảo hộ bằng túi đựng vật tư y tế - Ảnh chụp màn hình
Các bác sĩ nằm la liệt, trên người còn nguyên đồ bảo hộ vì kiệt sức sau ca trực - Ảnh chụp màn hình
Một bác sĩ ở Vũ Hán mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu vực cách ly - Ảnh: AFP
Các y tá chăm sóc cho một bệnh nhân ở Vũ Hán trong khu vực cách ly - Ảnh: REUTERS
Bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân trong khu vực cách ly của một bệnh viện Vũ Hán - Ảnh: AFP
BẢO DUY
Theo tuoitre.vn
Ước tính bom tấn: Đã có hơn 75.000 người nhiễm virus corona ở "ổ dịch" Vũ Hán? Tạp chí uy tín The Lancet hôm 31-1 công bố nghiên cứu cho thấy ước tính 75.815 người đã bị nhiễm virus corona ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. The Lancet, một trong những tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới, cho biết kể từ ngày 25-1 tới nay, 75.815 người đã bị nhiễm bệnh ở TP Vũ Hán, trong...