Toan tính riêng của các thế lực diệt IS
Mối bận tâm về tranh giành ảnh hưởng thời kỳ hậu IS khiến các bên tham gia cuộc chiến ở Trung Đông mải chĩa mũi dùi vào nhau mà không thực sự nhắm vào IS.
Các chiến binh người Kurd ở thành phố Hasaka, Syria hồi tháng 8. Ảnh: NYTimes
Sự xuất hiện và tồn tại dai dẳng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông suốt hai năm qua khiến giới quan sát tình hình quốc tế cảm thấy khó hiểu, bởi xét về tổng thể, thực lực của nhóm khủng bố này yếu hơn rất nhiều so với các lực lượng đối địch xung quanh, theo VOX.
IS là một lực lượng nhỏ, thiếu thốn về mặt tài chính và không chuyên nghiệp nếu so sánh với các lực lượng quân đội tương đối lớn và được trang bị hiện đại hơn của Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các cường quốc khu vực như Iran và Arab Saudi, những nước đang tuyên chiến với nhóm khủng bố này.
Giới quan sát thường cho rằng IS tồn tại được do có sự “chia rẽ” giữa các đồng minh chống lại nhóm khủng bố này. Tuy nhiên, Michael Knights, một chuyên gia về Iraq ở Viện Chính sách Trung Cận Đông cho rằng có những lý do sâu xa hơn khiến IS có thể tồn tại dai dẳng và đe dọa đến an ninh toàn cầu như vậy.
Theo ông Knights, tất cả các nước Trung Đông đều đang tuyên chiến với IS, nhưng không nước nào coi IS là kẻ thù chính của họ. Trên thực tế, các nước này coi cuộc chiến tranh chống IS chỉ là sự chuẩn bị cho điều mà họ tin là cuộc chiến quan trọng hơn rất nhiều giữa các cường quốc khu vực với nhau. “Nhiều bên tham gia chiến đấu chống IS đơn giản là đang tự tìm cho mình chỗ đứng tốt hơn cho các cuộc xung đột khác. Có rất nhiều cuộc chiến bên trong cuộc chiến chống IS đã và đang diễn ra”, chuyên gia này nói.
“Thay vì làm suy yếu và đánh bại IS, các đồng minh và đối thủ của Mỹ có những mục đích phức tạp. Đối với họ, cuộc chiến hiện nay thực sự là một cuộc chơi nhằm định hướng cho hoạt động mang tính chất quyết định sẽ diễn ra ngay khi IS bị đánh bại”, ông Knights nhận định. Các cường quốc khu vực như Iran và Arab Saudi chủ yếu coi cuộc chiến chống IS như là một cách giúp họ chiếm vị thế có lợi nhất trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kiểu Chiến tranh Lạnh ở Trung Đông thời hậu IS.
Một ví dụ khác là dân quân người Kurd, lực lượng thành công nhất hiện nay trong cuộc chiến chống IS, nhưng mục đích chính của họ không phải là đánh bại phiến quân, mà là thiết lập một nhà nước tự trị ở biên giới Iraq và Syria. Một khi giành lại được các phần lãnh thổ do IS chiếm giữ trong “nhà nước tự trị” này, người Kurd sẽ không còn là đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống IS như trước nữa.
Bình luận viên kỳ cựu Rukmini Callimachi của NYTimes cũng cho rằng dân quân người Kurd chỉ sẵn sàng chiến đấu ở khu vực miền bắc Syria, nơi họ chiếm đa số và có thể dễ dàng đẩy lùi IS. Cuối tháng trước, dân quân người Kurd đã giành lại thành phố Sinjar phía bắc Iraq chỉ sau chưa đầy 48 giờ tấn công. Nhưng sau đó, họ tiến quân rất chậm chạp ra bên ngoài Sinjar, và các chỉ huy của họ giải thích rằng đây không phải là địa bàn của người Kurd, mà là của người Arab dòng Sunni.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nước láng giềng Syria, nơi dân quân người Kurd đã tiến đến làng Elin Eissa hồi đầu năm nay, chỉ cách sào huyệt Raqqa của IS có 50 km, nhưng họ không chịu tiến thêm. “Chúng tôi không nên tiến xa hơn xuống phía nam”, Redur Xelil, phát ngôn viên chính của lực lượng người Kurd ở Syria nói trong một cuộc phỏng vấn.
Nói cách khác, các đồng minh chống IS không chỉ bị chia rẽ, tất cả họ còn coi đây là một bàn đạp cho cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, giữa người Arab và người Kurd, giữa các phe phái do Arab Saudi lãnh đạo và Iran dẫn dắt.
Video đang HOT
Phiến quân IS ở thành phố Tikrit, Iraq năm 2014. Ảnh: AFP
Thế khó của Mỹ
Theo giới phân tích, bản thân Mỹ cũng bị mắc kẹt trong những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đồng minh trong cuộc chiến chống IS, khiến chiến dịch không kích của họ không thu được kết quả như mong đợi sau gần hai năm tiến hành.
Ông Knights cho rằng nước Mỹ đang loay hoay với “các lựa chọn bất khả thi giữa đồng minh Sunni truyền thống và lực lượng Shiite đầy triển vọng vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS”.
Cho đến nay, Mỹ và các đối tác đã không coi trọng lực lượng người Arab dòng Sunni. Hồi tháng 10, chính quyền Obama đã thừa nhận chương trình trị giá 500 triệu USD huấn luyện hàng nghìn quân địa phương, đa phần là dòng Sunni, đã thất bại.
Bình luận viên Callimachi cho rằng đây là những vấn đề quan trọng, bởi tình trạng chia rẽ ở Trung Đông là một hiểm họa cho chiến lược và các lợi ích của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và về lâu dài, sau khi IS bị đánh bại.
Để thoát khỏi thế bế tắc này, Mỹ cần phải cân bằng lợi ích giữa nhóm người Shiite thân Iran và người Sunni thân Arab Saudi để họ không tìm cách đấu đá lẫn nhau, hoặc nếu cần thiết phải thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với một bên. Trong cả hai trường hợp này, theo ông Knights, “Mỹ cần phải bắt đầu chuẩn bị răn đe hoặc tham gia các cuộc chiến sau đó từ bây giờ vì các đối thủ của họ đã và đang bắt đầu hành động”.
Với việc chỉ còn một năm nữa trong nhiệm kỳ, ông Obama có rất ít thời gian để cải thiện tình hình. Có lẽ ông sẽ gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ để quản lý tốt hơn khu vực biên giới vốn là tuyến đường chính cho lực lượng jihad nước ngoài xâm nhập Syria.
Cuộc chiến chống IS có thể sẽ còn ám ảnh người kế nhiệm ông Obama. Ảnh:Whitehouse
Tương tự, ông Obama cũng có thể tăng gấp đôi các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy tiến trình hòa bình Vienna và đạt nhận thức lớn hơn với Nga về IS. Ông cũng có thể hợp tác với Pháp và Anh, cũng như một mức độ nào đó với Nga nhằm mở rộng chiến dịch không kích phiến quân.
Theo chuyên gia Andrew Bowen, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông ở Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, di sản mà Tổng thống Obama để lại cho người kế nhiệm là một thách thức lớn với rất ít lựa chọn ngoài việc theo đuổi mạnh mẽ hơn với chính sách hiện nay và tái xây dựng niềm tin cũng như cải thiện quan hệ với các đồng minh trong khu vực.
“Chừng nào các quốc gia trong khu vực còn tin rằng sẽ có các cuộc xung đột lớn hơn sau khi IS bị tiêu diệt, họ vẫn sẽ còn nhắm vào nhau thay vì chống IS. Và đây thực sự là một vấn đề lớn đối với nước Mỹ, khiến cuộc chiến chống IS có thể còn kéo dài”, chuyên gia Knights nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Hé lộ hệ thống hầm ngầm né bom của IS
Chiến binh người Kurd mới chiếm được một thành phố ở Iraq ấn tượng với những đường ngầm và hầm tránh bom phiến quân Nhà nước Hồi giáo xây nên.
Một chiến binh người Kurd hồi đầu tuần dẫn đường tham quan nơi ẩn náu của IS ở thành phố Sinjar, Iraq. Nhóm phiến quân cực đoan chiếm thành phố phía bắc Iraq hồi tháng 8/2014, và đã xây dựng các đường ngầm ở những nơi khác tại Syria và Iraq. Nhưng Sinjar là một trong số ít những nơi IS bị đẩy lui, do đó người ngoài có cơ hội hiếm hoi được nhìn thấy cách chúng xây dựng đường hầm.
"Có nhiều đường hầm đến nỗi chúng tôi không thể đếm xuể", Hussein Khuru Murad, một binh sĩ người Kurd nói. "Đường hầm này giúp chúng đi xuống và tới một cửa hàng trên phố, sau đó dẫn đến nhà máy sản xuất bom của chúng."
Đây có thể là nơi ở của IS, với nhiều chai nước vứt vương vãi. Trong đó, một số chai chứa nước tiểu, một cách để phiến quân giải quyết nhu cầu cá nhân, tránh phải ra ngoài khi máy bay bay trên đầu.
Nhà bếp của IS tại ở Sinjar. Lò nướng bị hỏng, nhưng một chiếc lò nấu có những hộp cà phê tan ở bên cạnh, đang chờ được đun nóng.
Raad Ahmed Ali, binh sĩ lực lượng Peshmerga người Kurd, cho biết những thành viên của dân tộc thiểu số Yazidi thuộc lực lượng người Kurd đã thay thế những hình vẽ, chữ viết của IS bằng những dòng chữ mới.
Raad Ahmed Ali thị sát một hầm tránh bom dưới lòng đất của IS, một phần trong mạng lưới các đường hầm được xây ở Sinjar.
Murad cho biết những đường hầm được xây đầu tiên nhằm tránh bị theo dõi. Khi chiến dịch không kích để tái chiếm Sinjar được tăng cường, IS thiết kế một mạng lưới tổng thể các đường hầm để phiến quân có thể tránh phải ra ngoài. Chúng cũng đục các lỗ trên tường nhà để di chuyển giữa các phòng và giữa các tòa nhà để những người bên ngoài không thể theo dõi.
Sĩ quan an ninh người Kurd trưng bày các tài liệu hành chính thu thập được ở Sinjar.
Một tài liệu được tìm thấy ở Sinjar về việc gửi thêm phiến quân ra tiền tuyến ở thành phố.
Trọng Giáp
Ảnh: WSJ
Theo VNE
Chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc các mục tiêu IS tại Syria Các chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên thực hiện các vụ không kích vào vị trí của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS tại Syria, sau khi một binh sỹ nước này thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần biên giới. Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Defense) Các chiến đấu cơ của...