Toàn thế giới đã vượt 500 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 12/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 500.300.771 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.207.045 ca tử vong.
Hơn 450 triệu ca đã bình phục, song vẫn còn gần 44.000 ca đang phải điều trị tích cực.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với trên 184,5 triệu ca mắc và trên 1,7 triệu ca tử vong. Tiếp theo là châu Á với trên 144,2 triệu cac mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba với trên 97 triệu ca mắc, còn số ca tử vong tương đương châu Á. Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận trên 56,4 triệu ca mắc và trên 1,29 triệu ca tử vong. Các con số lần lượt ở châu Phi là trên 11,7 triệu ca mắc và trên 253.000 ca tử vong, trong khi ở châu Đại Dương hiện là trên 6,2 triệu ca mắc và trên 57.000 ca tử vong.
Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với trên 82,1 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong. Tiến sĩ Anthony Fauci – Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho biết sự gia tăng số ca mắc mới trong những ngày gần đây là đáng lo ngại, nhưng chưa đến mức phải đưa ra cảnh báo trong khi nhà chức trách đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Theo ông Fauci, số ca mắc gia tăng hiện nay không gây ngạc nhiên do biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh và Mỹ nới lỏng các biện pháp y tế công cộng trên cả nước như quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tại hầu hết các vùng của nước này vẫn ở mức thấp, và do vậy, dự báo số ca nhập viện hoặc tử vong trên cả nước sẽ không tăng cao.
Tương tự, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng dịch trước đó. Sự kết hợp giữa vaccine, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức. Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.
Tại châu Âu, Hà Lan đã ra quy định mới về xét nghiệm, theo đó, bắt đầu từ ngày 11/4, việc xét nghiệm PCR sẽ được thay bằng xét nghiệm nhanh để xác định một người có mắc COVID-19 hay không. Điều này có nghĩa là kết quả xét nghiệm nhanh không còn cần sự xác nhận của Dịch vụ Y tế công cộng thành phố (GGD) như trước đây nữa. Tuy nhiên, các xét nghiệm tại GGD vẫn có thể được thực hiện đối với các nhóm đặc biệt như nhân viên y tế hay những người không thể tự làm xét nghiệm. Trong khi đó, những người cần có bằng chứng về tình trạng sức khỏe, như người đi ra nước ngoài, vẫn cần phải xét nghiệm PCR. Hà Lan cũng sẽ theo dõi virus SARS-CoV-2 theo cách khác mà không còn theo cách thu thập số lượng các xét nghiệm dương tính từ GGD nữa. Bộ trên cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus cũng như sự xuất hiện của các biến thể ua nước thải, mẫu vật phẩm và dựa trên cơ sở số ca nhập viện và tình hình dịch bệnh tại các nhà dưỡng lão.
Cùng ngày, Anh thông báo sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thuốc kháng virus điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho thêm hàng nghìn người, bằng cách bổ sung phương pháp này vào một cuộc thử nghiệm để đánh giá cách thức sử dụng loại thuốc này một cách hiệu quả nhất trong cộng đồng dân số được tiêm chủng cao. Paxlovid là thuốc kháng virus dạng uống điều trị COVID-19, chứa hai thành phần thuốc nirmatrelvir và ritonavir. Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh rằng thuốc kháng virus là một phần trong nỗ lực học cách sống chung với dịch COVID-19 và có thể giảm nguy cơ tử vong ở những người có mức độ bảo vệ thấp sau khi tiêm vaccine.
Video đang HOT
Bệnh nhân COVID-19 rời bệnh viện dã chiến sau khi khỏi bệnh, tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi làn sóng dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc đại lục, nơi chứng kiến số ca mắc mới đang ngày một gia tăng được cho là do sự lây lan của phiên bản BA.2 của biến thể Omicron. Tuyên bố trên của WHO được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Vũ Hán hơn 2 năm trước.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết ngày 12/4 nước này ghi nhận 210.755 ca mắc mới, trong đó có 33 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 15.635.274 ca. Theo kế hoạch, giới chức y tế Hàn Quốc vào cuối tuần này sẽ công bố “kế hoạch hậu Omicron” mới nhằm dỡ bỏ thêm các biện pháp giãn cách xã hội và cho phép người dân không phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Tại Thái Lan, số liệu thống kê chính thức được công bố ngày 12/4, số ca tử vong vì COVID-19 lại vượt trên 100 ca trong ngày thứ ba liên tiếp. Cụ thể, với thêm 101 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên 26.298 ca. Do hầu hết các ca tử vong trong làn sóng dịch gần đây là những người chưa tiêm vaccine hoặc những người dễ tổn thương, giới chức y tế đang triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho các nhóm này. Tuy nhiên, cũng trong ngày 12/4, số ca mắc mới đã giảm nhẹ, với 19.982 ca. Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong 28 ngày qua ở nước này. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ về một đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ Songkran sắp tới.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccinep phòng COVID-19 tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Indonesia, chính phủ đã quyết định gia hạn thực thi Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) bên ngoài hai đảo Java và Bali kể từ ngày 12 – 25/4. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế, ông Airlangga Hartarto, cho biết tình hình lây lan dịch bệnh đang tiếp tục có chiều hướng giảm và hiện không có tỉnh nào áp dụng PPKM ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất). Ngoài ra, tất cả các tỉnh thành vẫn tiếp tục kiểm soát hiệu quả tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở cấp độ 1.
Một nghiên cứu được công bố trên JAMA Neurology chỉ ra rằng COVID-19 có thể gây tổn thương cho người bệnh ở phần não bộ có liên quan đến khứu giác. Đây được cho là lời giải thích hợp lý về chứng mất khứu giác kéo dài sau khi mắc COVID-19 mà 1,6 triệu người Mỹ hiện nay đang mắc phải.
Theo nghiên cứu trên, những người mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ cao bị tổn thương các mạch máu và sợi trục thần kinh – các phần của tế bào thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào khác – trong hệ khứu giác của họ, cũng như vùng não bộ có chức năng nhận biết mùi hương. Theo tác giả của nghiên cứu, các tổn thương sợi trục thần kinh quan sát được ở một số bệnh nhân cho thấy tình trạng mất khứu giác do COVID-19 gây ra có thể diễn biến nghiêm trọng và thậm chí không thể phục hồi.
Thế giới đã ghi nhận trên 499,2 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 499.242.989 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.203.950 ca tử vong.
Số bệnh nhân đã bình phục là 448.858.137 người, trong khi vẫn còn 45.310 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.062.989 ca mắc và 1.012.151 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.039 ca).
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 183,9 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 143,8 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 97 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 56,4 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.
Ngày 11/4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo ca nhiễm biến thể mới mang tên XE đầu tiên ở nước này là một phụ nữ đến từ Mỹ và xuống sân bay Narita vào ngày 26/3. Biến thể XE là biến thể tái tổ hợp giữa hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron. Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á báo cáo về biến thể XE, với ca nghi nhiễm được xác định ngày 2/4. Tiếp đó là các ca được ghi nhận tại Ấn Độ ngày 6/4 và 9/4.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, giới chức thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phân chia toàn bộ thành phố thành những vùng theo 3 loại trong nỗ lực kiềm chế số ca mắc COVID-19 gia tăng hiện nay. Giới chức thành phố cho biết đã chỉ định 7.624 khu vực quản lý bị phong tỏa, 2.460 khu vực kiểm soát hạn chế và 7.565 khu vực phòng ngừa. Theo đó, khu vực quản lý bị phong tỏa là những cộng đồng dân cư, làng mạc, các đơn vị lao động hoặc điểm tụ tập ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua. Những người tại các khu vực này sẽ trải qua 7 ngày quản lý phong tỏa và tiếp đó là 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà. Các dịch vụ thiết yếu sẽ được cung cấp tới tận nhà.
Vùng kiểm soát hạn chế là những khu dân cư không có ca mắc COVID-19 nào trong 7 ngày qua. Trong vòng 7 ngày này, người dân khu vực này sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người có nhu cầu cấp thiết ra ngoài như đến bệnh viện, trong hai khu vực nói trên có thể rời khu vực sinh sống của mình vì lý do này, song hoạt động di chuyển của họ chịu sự quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, vùng phòng ngừa là những khu dân cư không có ca mắc COVID-19 nào trong 14 ngày qua. Người dân tại vùng này về nguyên tắc được phép di chuyển tại nơi mà họ sinh sống với hạn chế nghiêm ngặt về quy mô tụ tập. Tuy nhiên, họ vẫn bị cấm đi tới hai vùng nói trên.
Giới chức thành phố Thượng Hải cho biết việc phân chia mỗi khu vực có thể được điều chỉnh nhằm đối phó với bất kỳ sự thay đổi nào về tình hình dịch bệnh. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, thành phố Thượng Hải ngày 10/4 ghi nhận 914 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25.173 ca không có biểu hiện triệu chứng.
Học sinh rời trường học ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 11/1/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm dần, ngày 11/4, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố chi tiết kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học sau thời gian giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, các trường học sẽ nối lại việc giảng dạy trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn từ ngày 19/4 và có thể bố trí căn cứ theo tình hình thực tế mỗi trường.
Đối với các trường trung học, sau khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học (DSE) bắt đầu từ ngày 22/4, các trường sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày sớm nhất từ ngày 3/5 và muộn nhất là vào ngày 10/5. Các trường tiểu học sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày sớm nhất từ ngày 19/4 và các trường có thể quyết định xem có cần chia các lớp học theo giai đoạn hay không, nhưng muộn nhất là vào ngày 3/5 sẽ nối lại việc dạy học trực tiếp toàn trường. Các trường mẫu giáo sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn, sớm nhất vào ngày 3/5. Theo đó, 1/3 học sinh sẽ đi học trở lại từ ngày 3/5, trong khi 2/3 số học sinh còn lại sẽ đi học sau đó 1 tuần kể từ ngày 10/5 và toàn trường là từ ngày 16/5.
Sau khi các trường nối lại việc giảng dạy trực tiếp, giáo viên, nhân viên và học sinh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày, nếu có kết quả âm tính mới được đến trường. Chính quyền Hong Kong sẽ cung cấp 10 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các trường học và ước tính có hơn 300.000 học sinh cần sử dụng, dự tính đủ cho các trường sử dụng trong tháng 5. Theo Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cách làm này nhằm bảo vệ những học sinh chưa tiêm vaccine, vì nếu không tiêm vaccine các em sẽ dễ bị lây nhiễm và lây bệnh cho học sinh đã tiêm. Tuy nhiên, các học sinh đã tiêm vaccine dù có nhiễm sẽ không bị bệnh nặng, học sinh chưa tiêm do không có vaccine bảo vệ nên sẽ dễ có triệu chứng nặng.
Học sinh chưa tiêm vaccine sẽ không được phép tham gia một số hoạt động ngoại khóa ngoài trời như thể thao, âm nhạc... vào nửa ngày còn lại sau khi hoàn thành lớp học trực tiếp nửa ngày. Ngoài ra, tất cả giáo viên, nhân viên và khách tới trường phải có giấy chứng nhận tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền Hong Kong sẽ đánh giá lại và điều chỉnh các biện pháp trên vào cuối tháng 5. Cục trưởng Cục giáo dục Dương Nhuận Hùng cho biết nếu tỷ lệ tiêm vaccine của học sinh trung học đạt 90% thì có thể tổ chức giảng dạy trực tiếp cả ngày. Đối với trẻ từ 3-11 tuổi do tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp nên các trường tiểu học, mẫu giáo vẫn duy trì các lớp học trực tiếp nửa ngày. Tính đến ngày 10/4, mới chỉ có 329.060 (62,4%) trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3-11 tuổi hoàn thành mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Ngày 10/4, Hong Kong ghi nhận trên 1.900 ca mắc COVID-19, mức thấp rõ rệt so với đỉnh dịch trên 58.000 ca vào ngày 9/3.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong ngày 11/4, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lần đầu tiên trong 7 tuần qua, đã giảm xuống dưới 100.000 ca/ngày trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh ở nước này do biến thể Omicron đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 11/4 ghi nhận thêm 90.928 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 21 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 15.424.598 ca. Đây là lần đầu tiên, số ca mắc mới tại Hàn Quốc giảm xuống mức 5 chữ số kể từ ngày 22/2 khi phát hiện 99.562 ca mắc mới, và cũng là mức thấp trong gần 2 tháng qua sau mức 90.438 ca ghi nhận vào ngày 16/2. Số liệu mới nhất này phản ánh xu hướng đi xuống của dịch bệnh, từng dao động từ 300.000 - 400.000 ca/ngày trong vài tuần qua, với mức cao nhất là 620.000 ca ngày 17/3. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 258 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 19.679 ca. Tỉ lệ tử vong là 0,13%.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày 10/4 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 10/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 498.702.829 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.202.406 ca tử vong. Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 443.728.802 người, trong khi vẫn còn 48.771.621 bệnh nhân đang...