Toán khó cho bóng đá Việt Nam
Năm con trâu, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến sự trở lại của cựu vương Thái Lan sau 4 năm ngậm ngùi nhìn Việt Nam lên ngôi bá chủ.
Nhưng cục diện hiện tại không đơn giản, và việc Thái Lan có giữ được chiếc Cúp Vàng qua năm con hổ hay không là một câu hỏi lý thú với làng cầu khu vực.
Một nhóm cạnh tranh lý thú
Trước khi trái bóng AFF Suzuki Cup chính thức lăn, bóng đá khu vực bỗng nhộn nhịp với những lời tuyên bố. Việt Nam tuyên bố bảo vệ chiếc cúp vàng thì đã rõ, Thái Lan tuyên bố lấy lại vị thế của mình cũng dễ hiểu, nhưng ngay cả Indonesia, Malaysia cũng không ngoài cuộc. Nếu Malaysia muốn “phục hận” trận chung kết 2018 trước Việt Nam thì đội bóng trẻ Indonesia dưới trào một ông thầy Hàn Quốc mới toanh cũng tuyên bố sẽ làm đối phương bất ngờ.
Mà quả nhiên Indonesia sau đó gây bất ngờ thật, từ chỗ cầm hòa Việt Nam ở vòng đấu bảng – trận đấu có ý nghĩa then chốt giúp họ đứng đầu vòng bảng, đến chỗ vượt qua chủ nhà Singapore ở bán kết và chỉ chịu khuất phục trước Thái Lan ở chung kết, rõ ràng đội bóng trẻ với rất nhiều cầu thủ 19, 20 của Indonesia hứa hẹn một tương lai sáng. Tại SEA Games năm 2022, đội bóng này chắc chắn sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc huy chương vàng bóng đá nam. Và tại AFF Suzuki Cup diễn ra cuối năm 2022, đội bóng này chắc chắn cũng là một tay cừ.
Quang Hải và các đồng đội sẽ phải làm mới rất nhiều trong năm 2022
Sự vươn lên của Indonesia, và ở một góc độ nào đó là sự vươn lên của Singapore sẽ khiến cục diện làng cầu Đông Nam Á thú vị hơn. Ngay cả việc Malaysia bất ngờ bị loại ngay sau vòng bảng cũng không phải là chỉ dấu nghiêm trọng cho thấy sự đi xuống của nền bóng đá này. Theo chính các chuyên gia bóng đá Malaysia, cái thua của họ mang nhiều màu sắc tình huống, đến từ việc có quá nhiều cầu thủ chấn thương, bệnh dịch vào đúng những thời điểm quan trọng nhất. Và như thế vắt từ 2021 sang 2022, có thể dự đoán những Indonesia, Singapore, Malaysia sẽ tạo thành một nhóm cạnh tranh với trình độ tương đương.
Video đang HOT
Đuối hơn một chút so với nhóm này sẽ là Myanmar, Philippines – hai đội bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup năm nay và thể hiện nhiều loay hoay trong chiến lược phát triển nền bóng đá. Đuối hơn chút nữa là Lào, Campuchia, trong đó riêng Campuchia với tuyên bố “sẽ đá tấn công trước mọi đối thủ” quả nhiên tạo ra những luồng gió mới cho giải đấu. Đá với Indonesia, Malaysia hay Việt Nam, cầu thủ Campuchia quả nhiên cũng cầm bóng phối hợp, chứ không phòng thủ co cụm như ngày nào. Đây cũng là một đội bóng rất trẻ, và vì thế sự mạnh dạn về cách thức chơi bóng có thể còn giúp họ tiến xa.
Cuộc so kè Việt Nam – Thái Lan
Hai trận bán kết lượt đi – lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan tại AFF Cup năm nay hứa hẹn sẽ tiếp tục mở ra những màn so kè kịch tính giữa hai nền bóng đá. Nhiều người nói, chiến thắng 2-0 trong trận lượt đi cho thấy Thái Lan vẫn nhỉnh hơn Việt Nam, ít nhất là ở góc độ tâm lý thi đấu. Nhận định này không sai, bởi quả nhiên cầu thủ Thái Lan nhập trận vững hơn, tận dụng sai sót của đối phương tốt hơn, và sau đó điều tiết nhịp điệu trận đấu theo cách của mình giỏi hơn. Thái Lan cũng có những cầu thủ như Bunmatham hay Chanathip được trải nghiệm ở giải vô địch quốc gia Nhật Bản, giải đấu xuất sắc cấp CLB ở khu vực châu Á. Cứ nhìn cái cách Chanathip cầm bóng xoay trở giữa đám đông (trận bán kết lượt đi với Việt Nam), dứt điểm một chạm để ghi những bàn quyết định (trận chung kết lượt đi với Indonesia), và đặc biệt là cách ứng xử bình tĩnh khi đối phương nóng nảy đủ cho thấy đẳng cấp hiện tại của anh so với các cầu thủ còn lại của Đông Nam Á.
Thái Lan vô địch AFF Suzuki Cup hoàn toàn thuyết phục
Cũng phải thừa nhận giải đấu năm nay, Thái Lan có một ông HLV cầm trận rất hay. Ông ấy, Alexandre Mano Polking có 7 năm làm việc với các CLB Thái nên rất hiểu cầu thủ Thái, từ đó đã xây dựng một thứ bóng đá tấn công – đập nhả phát huy hết tất cả sở trường của những cầu thủ Thái. Nhưng Polking không máy móc chơi một bài, một lối trước mọi đối thủ, mà luôn có những ứng biến làm những đồng nghiệp bên kia chiến tuyến phải đau đầu.
Chẳng hạn như trước trận bán kết lượt đi, trong các cuộc đấu với Myanmar, Philippines, Singapore, hai hậu vệ biên của Thái thường dâng lên rất cao, và ông Polking hiểu rằng gặp một đối thủ như Việt Nam, khoảng trống hai cầu thủ này để lại sẽ bị khoét triệt để bởi những pha phản đòn tốc độ. Quả nhiên thuyền trưởng Việt Nam Park Hang-seo muốn khoét vào đấy, với việc bất ngờ tung một cầu thủ tấn công nhanh, khéo, có năng lực bứt tốc như Văn Toàn vào sân ngay từ đầu. Song thực tế 90 phút trận đấu này, hai biên của Thái không còn dâng cao, và cả hệ thống thi đấu của Thái cũng không vội vàng ồ ạt tiến vào “tử cấm thành” đối phương. Nó khiến cho thế trận phản công mà HLV Việt Nam muốn bày ra không có đất phát huy tác dụng.
Với tất cả những lý do đó, Thái Lan xứng đáng với ngôi vua Đông Nam Á. Nhưng phải thấy cái hơn của Thái so với Việt Nam lúc này không phải là cái hơn một trời – một vực như những năm 90 của thế kỷ 20. Trái lại, nó chỉ là một chút nhỉnh hơn về chuyên môn cùng năng lực ứng biến tình huống. Và trong hoạt động thi đấu đối kháng như bóng đá, trước một đối phương chỉ “nhỉnh hơn” như thế, những đội bóng cửa dưới hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Thế nên cũng có lý khi một mặt vẫn thừa nhận cái hơn của Thái Lan, nhưng một mặt nhiều người vẫn tiếc với những tình huống cụ thể mà Việt Nam đối diện, chẳng hạn trận bán kết lượt đi, chẳng hạn như cú trượt chân tai hại của Hồng Duy, khiến cho người Thái có cơ hội mở nút thắt trận đấu từ rất sớm, hay 2 pha sút bóng chạm khung thành đầy tiếc nuối của Nguyễn Quang Hải.
Chúng ta phải làm gì?
Không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ phải tái ngộ Thái Lan. Không ở SEA Games thì ở AFF Suzuki Cup, hai giải đấu cùng diễn ra trong năm 2022. Vậy thì để vượt qua đội bóng đang có chuyên môn nhỉnh hơn mình, chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất là phải giải quyết triệt để vấn đề tâm lý. Không thể phủ nhận chúng ta đã không biết cách điều tiết tâm lý trong suốt 45 phút hiệp 1 của trận bán kết lượt đi. 45 phút ấy, khi Hồng Duy mắc lỗi, Thái ăn bàn khá sớm và khá “hên” thì nhiều cầu thủ Việt Nam, trong đó có cả cầu thủ đeo băng đội trưởng đã tỏ ra nôn nóng. Mà nôn nóng trong một thời điểm đối phương đang có nhiều lợi thế chẳng khác gì tự đưa mình vào vào rọ. Chính từ sự nôn nóng đó mà chúng ta đã không thể tổ chức hàng thủ kỷ luật, dẫn đến những sơ hở lớn trong việc bắt người ở bàn thua thứ 2.
Chính từ sự nôn nóng đó mà chúng ta đã không thể chơi thứ bóng đá như mình mong muốn. Một thủ lĩnh thực sự ở trên sân, biết kêu gọi các đồng đội phải hết sức cẩn thận, bình tĩnh, để dần dần thoát bẫy chuyên môn của đối thủ và bẫy tâm lý của chính mình – đó là điều mà Đội tuyển Việt Nam lúc ấy không có được. Mặc dù đây chỉ là câu chuyện của một hiệp đấu, nhưng nếu không chịu nhìn lại để rút ra những bài học quan trọng về tâm lý thi đấu thì chắc chắn chúng ta còn mệt mỏi khi gặp Thái.
Thứ hai, yêu cầu bắt buộc là phải làm mới nhân sự và làm mới cách chơi. Không thể phủ nhận rằng trong hai trận bán kết với người Thái, cầu thủ Việt Nam đều đã nỗ lực hết mình. Nhưng chúng ta nỗ lực trong một quĩ đạo thi đấu mà đối phương có nhắm mắt lại cũng hiểu rõ từng đường đi nước bước. Không hẳn vì ông HLV của Thái từng có thời gian làm HLV trưởng CLB Thành phố Hồ Chí Minh, nên hiểu cầu thủ Việt Nam, và biết điểm mạnh điểm yếu của từng vị trí, mà vì từ vòng loại World Cup 2022 đến AFF Suzuki Cup 2020, chúng ta chủ yếu thi đấu với một nhóm các cầu thủ chủ lực, và nhóm cầu thủ ấy cũng đá với từng ấy những chiêu bài.
Trong một thời điểm nào đó, đấy có thể là một nhóm những cầu thủ tốt nhất và những chiêu bài tối ưu, nhưng nếu không thay đổi, mà cứ lặp đi lặp lại thì chắc chắn không tránh khỏi việc bị đối phương phá bài. Mà giá trị của những thay đổi đã được thể hiện ít nhiều trong trận bán kết lượt về, khi những “chuyên gia dự bị” như Hà Đức Chinh, Hồ Tấn Tài đã được tung vào sân đá chính. Khi ấy, quả nhiên những con người ít được ra sân đã chứng tỏ một nguồn cảm hứng thi đấu lớn lao, và ít nhiều làm đối phương bất ngờ.
Vẫn biết sau lứa U.23 thành danh từ Thường Châu (Trung Quốc) 2018 đến SEA Games 2019, bóng đá Việt Nam đang gặp vấn đề lớn với lứa kế cận. Nhưng những nhà làm chuyên môn bắt buộc vẫn phải “so bó đũa chọn cột cờ” để tìm ra những nhân sự và những cách vận hành tối ưu. Đây chắc chắn là một trong những nhiệm vụ khó nhất của bóng đá Việt Nam trong năm con hổ. Nhưng một kỳ AFF Cup lại diễn ra vào cuối năm, chẳng còn cách nào khác là phải vắt tay lên trán, cùng nhau tìm cách giải bài toán khó.
Có như thế, sau khi để người Thái lấy cúp vàng, chúng ta mới thực sự có cơ hội chạm tay trở lại vào chiếc cúp vàng!
'Không có cúp 'Su...' thì không có ghế'
Chuyện bên Singapore nhưng nước láng giềng Malaysia lại dấy lên tranh luận dữ dội nhất và đưa ra câu không có cúp Suzuki thì không có ghế.
Câu chuyện bỗng trở thành vấn đề tranh luận sau AFF Suzuki Cup, nhất là khi HLV người Nhật của đội chủ nhà Singapore Tatsuma Yoshida bị buộc phải từ chức.
LĐBĐ Singapore đối xử tệ với HLV Yoshida nhưng các cầu thủ vẫn tri ân ông, bế cả con cái ra sân bay tiễn ông về nước. Ảnh: AFP
Chuyện bên Singapore nhưng nước láng giềng Malaysia lại dấy lên tranh luận dữ dội nhất và đưa ra câu "không có cúp Suzuki thì không có ghế". Và giới chuyên môn cũng đã đưa ra quan điểm mang tính chỉ trích phía LĐBĐ Singapore là với việc ép một HLV có công đổi mới bóng đá Singapore theo hướng tích cực như thế thì đừng hòng có một HLV chấp nhận làm việc với kế hoạch dài hơi.
Ngay cả giới chuyên môn ở Singapore, đặc biệt là các cựu danh thủ đã không đồng ý với việc LĐBĐ Singapore "vắt chanh bỏ vỏ" hoặc không nhìn thấy sự tiến bộ của đội nhà và công việc mà HLV Tatsuma Yoshida đã làm được cho đảo quốc Đông Nam Á này. Họ phân tích ông Yoshida đến với bóng đá Singapore từ tháng 6-2019 và chỉ trong thời gian ngắn đã mang đến luồng gió mới, đặc biệt là phong cách chơi rất hiện đại cho đội tuyển Singapore được ông trẻ hóa. Họ muốn LĐBĐ Singapore nhìn nhận lại quá trình sau chín năm rệu rã của bóng đá Singapore thì ông Yoshida đã làm được những gì và thành tích lọt vào bán kết là điều mà đã lâu bóng đá Singapore không có suất.
Thế mà chỉ vì Singapore không có cúp vàng Suzuki là lập tức "đường ai nấy đi".
Các cựu danh thủ Singapore và dư luận nước này đang lên án lãnh đạo LĐBĐ Singapore "ăn xổi ở thì" và không đủ tầm để nhìn nhận những thay đổi tích cực của một nền bóng đá. Thậm chí là họ còn đánh giá thấp lãnh đạo LĐBĐ Singapore không bằng tầm nhìn của LĐBĐ Campuchia với bộ đôi HLV người Nhật dù không đưa Campuchia vào bán kết nhưng vẫn được khen ngợi bởi đã làm mới một đội tuyển Campuchia chơi thứ bóng đá không hề chịu khuất phục trước các đối thủ lớn.
ESPN: Ông Park và tuyển Việt Nam nên chia tay nhau nếu... Tờ ESPN vừa có bài bình luận sau khi tuyển Việt Nam bị Thái Lan loại ở bán kết AFF Cup 2020 với dòng tít: Sau khi mất ngôi vương AFF Suzuki Cup, tuyển Việt Nam sẽ đi đâu về đâu?. Mở đầu bài viết của tác giả Gabriel Tan trên ESPN nhận định, "Từng lên ngôi vô địch Đông Nam Á năm...