Toán khó cho bóng đá Việt Nam
Năm con trâu, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến sự trở lại của cựu vương Thái Lan sau 4 năm ngậm ngùi nhìn Việt Nam lên ngôi bá chủ.
Nhưng cục diện hiện tại không đơn giản, và việc Thái Lan có giữ được chiếc Cúp Vàng qua năm con hổ hay không là một câu hỏi lý thú với làng cầu khu vực.
Một nhóm cạnh tranh lý thú
Trước khi trái bóng AFF Suzuki Cup chính thức lăn, bóng đá khu vực bỗng nhộn nhịp với những lời tuyên bố. Việt Nam tuyên bố bảo vệ chiếc cúp vàng thì đã rõ, Thái Lan tuyên bố lấy lại vị thế của mình cũng dễ hiểu, nhưng ngay cả Indonesia, Malaysia cũng không ngoài cuộc. Nếu Malaysia muốn “phục hận” trận chung kết 2018 trước Việt Nam thì đội bóng trẻ Indonesia dưới trào một ông thầy Hàn Quốc mới toanh cũng tuyên bố sẽ làm đối phương bất ngờ.
Mà quả nhiên Indonesia sau đó gây bất ngờ thật, từ chỗ cầm hòa Việt Nam ở vòng đấu bảng – trận đấu có ý nghĩa then chốt giúp họ đứng đầu vòng bảng, đến chỗ vượt qua chủ nhà Singapore ở bán kết và chỉ chịu khuất phục trước Thái Lan ở chung kết, rõ ràng đội bóng trẻ với rất nhiều cầu thủ 19, 20 của Indonesia hứa hẹn một tương lai sáng. Tại SEA Games năm 2022, đội bóng này chắc chắn sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc huy chương vàng bóng đá nam. Và tại AFF Suzuki Cup diễn ra cuối năm 2022, đội bóng này chắc chắn cũng là một tay cừ.
Quang Hải và các đồng đội sẽ phải làm mới rất nhiều trong năm 2022
Sự vươn lên của Indonesia, và ở một góc độ nào đó là sự vươn lên của Singapore sẽ khiến cục diện làng cầu Đông Nam Á thú vị hơn. Ngay cả việc Malaysia bất ngờ bị loại ngay sau vòng bảng cũng không phải là chỉ dấu nghiêm trọng cho thấy sự đi xuống của nền bóng đá này. Theo chính các chuyên gia bóng đá Malaysia, cái thua của họ mang nhiều màu sắc tình huống, đến từ việc có quá nhiều cầu thủ chấn thương, bệnh dịch vào đúng những thời điểm quan trọng nhất. Và như thế vắt từ 2021 sang 2022, có thể dự đoán những Indonesia, Singapore, Malaysia sẽ tạo thành một nhóm cạnh tranh với trình độ tương đương.
Đuối hơn một chút so với nhóm này sẽ là Myanmar, Philippines – hai đội bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup năm nay và thể hiện nhiều loay hoay trong chiến lược phát triển nền bóng đá. Đuối hơn chút nữa là Lào, Campuchia, trong đó riêng Campuchia với tuyên bố “sẽ đá tấn công trước mọi đối thủ” quả nhiên tạo ra những luồng gió mới cho giải đấu. Đá với Indonesia, Malaysia hay Việt Nam, cầu thủ Campuchia quả nhiên cũng cầm bóng phối hợp, chứ không phòng thủ co cụm như ngày nào. Đây cũng là một đội bóng rất trẻ, và vì thế sự mạnh dạn về cách thức chơi bóng có thể còn giúp họ tiến xa.
Cuộc so kè Việt Nam – Thái Lan
Hai trận bán kết lượt đi – lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan tại AFF Cup năm nay hứa hẹn sẽ tiếp tục mở ra những màn so kè kịch tính giữa hai nền bóng đá. Nhiều người nói, chiến thắng 2-0 trong trận lượt đi cho thấy Thái Lan vẫn nhỉnh hơn Việt Nam, ít nhất là ở góc độ tâm lý thi đấu. Nhận định này không sai, bởi quả nhiên cầu thủ Thái Lan nhập trận vững hơn, tận dụng sai sót của đối phương tốt hơn, và sau đó điều tiết nhịp điệu trận đấu theo cách của mình giỏi hơn. Thái Lan cũng có những cầu thủ như Bunmatham hay Chanathip được trải nghiệm ở giải vô địch quốc gia Nhật Bản, giải đấu xuất sắc cấp CLB ở khu vực châu Á. Cứ nhìn cái cách Chanathip cầm bóng xoay trở giữa đám đông (trận bán kết lượt đi với Việt Nam), dứt điểm một chạm để ghi những bàn quyết định (trận chung kết lượt đi với Indonesia), và đặc biệt là cách ứng xử bình tĩnh khi đối phương nóng nảy đủ cho thấy đẳng cấp hiện tại của anh so với các cầu thủ còn lại của Đông Nam Á.
Thái Lan vô địch AFF Suzuki Cup hoàn toàn thuyết phục
Cũng phải thừa nhận giải đấu năm nay, Thái Lan có một ông HLV cầm trận rất hay. Ông ấy, Alexandre Mano Polking có 7 năm làm việc với các CLB Thái nên rất hiểu cầu thủ Thái, từ đó đã xây dựng một thứ bóng đá tấn công – đập nhả phát huy hết tất cả sở trường của những cầu thủ Thái. Nhưng Polking không máy móc chơi một bài, một lối trước mọi đối thủ, mà luôn có những ứng biến làm những đồng nghiệp bên kia chiến tuyến phải đau đầu.
Chẳng hạn như trước trận bán kết lượt đi, trong các cuộc đấu với Myanmar, Philippines, Singapore, hai hậu vệ biên của Thái thường dâng lên rất cao, và ông Polking hiểu rằng gặp một đối thủ như Việt Nam, khoảng trống hai cầu thủ này để lại sẽ bị khoét triệt để bởi những pha phản đòn tốc độ. Quả nhiên thuyền trưởng Việt Nam Park Hang-seo muốn khoét vào đấy, với việc bất ngờ tung một cầu thủ tấn công nhanh, khéo, có năng lực bứt tốc như Văn Toàn vào sân ngay từ đầu. Song thực tế 90 phút trận đấu này, hai biên của Thái không còn dâng cao, và cả hệ thống thi đấu của Thái cũng không vội vàng ồ ạt tiến vào “tử cấm thành” đối phương. Nó khiến cho thế trận phản công mà HLV Việt Nam muốn bày ra không có đất phát huy tác dụng.
Với tất cả những lý do đó, Thái Lan xứng đáng với ngôi vua Đông Nam Á. Nhưng phải thấy cái hơn của Thái so với Việt Nam lúc này không phải là cái hơn một trời – một vực như những năm 90 của thế kỷ 20. Trái lại, nó chỉ là một chút nhỉnh hơn về chuyên môn cùng năng lực ứng biến tình huống. Và trong hoạt động thi đấu đối kháng như bóng đá, trước một đối phương chỉ “nhỉnh hơn” như thế, những đội bóng cửa dưới hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Thế nên cũng có lý khi một mặt vẫn thừa nhận cái hơn của Thái Lan, nhưng một mặt nhiều người vẫn tiếc với những tình huống cụ thể mà Việt Nam đối diện, chẳng hạn trận bán kết lượt đi, chẳng hạn như cú trượt chân tai hại của Hồng Duy, khiến cho người Thái có cơ hội mở nút thắt trận đấu từ rất sớm, hay 2 pha sút bóng chạm khung thành đầy tiếc nuối của Nguyễn Quang Hải.
Chúng ta phải làm gì?
Không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ phải tái ngộ Thái Lan. Không ở SEA Games thì ở AFF Suzuki Cup, hai giải đấu cùng diễn ra trong năm 2022. Vậy thì để vượt qua đội bóng đang có chuyên môn nhỉnh hơn mình, chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất là phải giải quyết triệt để vấn đề tâm lý. Không thể phủ nhận chúng ta đã không biết cách điều tiết tâm lý trong suốt 45 phút hiệp 1 của trận bán kết lượt đi. 45 phút ấy, khi Hồng Duy mắc lỗi, Thái ăn bàn khá sớm và khá “hên” thì nhiều cầu thủ Việt Nam, trong đó có cả cầu thủ đeo băng đội trưởng đã tỏ ra nôn nóng. Mà nôn nóng trong một thời điểm đối phương đang có nhiều lợi thế chẳng khác gì tự đưa mình vào vào rọ. Chính từ sự nôn nóng đó mà chúng ta đã không thể tổ chức hàng thủ kỷ luật, dẫn đến những sơ hở lớn trong việc bắt người ở bàn thua thứ 2.
Chính từ sự nôn nóng đó mà chúng ta đã không thể chơi thứ bóng đá như mình mong muốn. Một thủ lĩnh thực sự ở trên sân, biết kêu gọi các đồng đội phải hết sức cẩn thận, bình tĩnh, để dần dần thoát bẫy chuyên môn của đối thủ và bẫy tâm lý của chính mình – đó là điều mà Đội tuyển Việt Nam lúc ấy không có được. Mặc dù đây chỉ là câu chuyện của một hiệp đấu, nhưng nếu không chịu nhìn lại để rút ra những bài học quan trọng về tâm lý thi đấu thì chắc chắn chúng ta còn mệt mỏi khi gặp Thái.
Thứ hai, yêu cầu bắt buộc là phải làm mới nhân sự và làm mới cách chơi. Không thể phủ nhận rằng trong hai trận bán kết với người Thái, cầu thủ Việt Nam đều đã nỗ lực hết mình. Nhưng chúng ta nỗ lực trong một quĩ đạo thi đấu mà đối phương có nhắm mắt lại cũng hiểu rõ từng đường đi nước bước. Không hẳn vì ông HLV của Thái từng có thời gian làm HLV trưởng CLB Thành phố Hồ Chí Minh, nên hiểu cầu thủ Việt Nam, và biết điểm mạnh điểm yếu của từng vị trí, mà vì từ vòng loại World Cup 2022 đến AFF Suzuki Cup 2020, chúng ta chủ yếu thi đấu với một nhóm các cầu thủ chủ lực, và nhóm cầu thủ ấy cũng đá với từng ấy những chiêu bài.
Trong một thời điểm nào đó, đấy có thể là một nhóm những cầu thủ tốt nhất và những chiêu bài tối ưu, nhưng nếu không thay đổi, mà cứ lặp đi lặp lại thì chắc chắn không tránh khỏi việc bị đối phương phá bài. Mà giá trị của những thay đổi đã được thể hiện ít nhiều trong trận bán kết lượt về, khi những “chuyên gia dự bị” như Hà Đức Chinh, Hồ Tấn Tài đã được tung vào sân đá chính. Khi ấy, quả nhiên những con người ít được ra sân đã chứng tỏ một nguồn cảm hứng thi đấu lớn lao, và ít nhiều làm đối phương bất ngờ.
Vẫn biết sau lứa U.23 thành danh từ Thường Châu (Trung Quốc) 2018 đến SEA Games 2019, bóng đá Việt Nam đang gặp vấn đề lớn với lứa kế cận. Nhưng những nhà làm chuyên môn bắt buộc vẫn phải “so bó đũa chọn cột cờ” để tìm ra những nhân sự và những cách vận hành tối ưu. Đây chắc chắn là một trong những nhiệm vụ khó nhất của bóng đá Việt Nam trong năm con hổ. Nhưng một kỳ AFF Cup lại diễn ra vào cuối năm, chẳng còn cách nào khác là phải vắt tay lên trán, cùng nhau tìm cách giải bài toán khó.
Có như thế, sau khi để người Thái lấy cúp vàng, chúng ta mới thực sự có cơ hội chạm tay trở lại vào chiếc cúp vàng!
Vé sớm bán kết cho tuyển Việt Nam?
Chiến thắng trước Indonesia sẽ giúp tuyển Việt Nam chắc chắn vào bán kết sớm với ngôi đầu bảng B, dọn đường cho những tính toán xa hơn tới ngôi vương AFF Cup 2020.
Những tính toán xa hơn ấy là điều tuyển Thái Lan đã có sau chiến thắng tối 14/12 trước Philippines. Vượt qua Philippines, Thái Lan đã có mọi thứ họ cần: 3 điểm, vé đi tiếp và bảo toàn nguyên vẹn lực lượng.
Ở bảng B, tuyển Indonesia, Việt Nam và Malaysia đang có cùng 6 điểm. Nếu thắng Indonesia, tuyển Việt Nam sẽ có 9 điểm. Đó cũng là điểm số tối đa mà Indonesia cùng Malaysia có thể giành được. Do đã thắng 2 đối thủ này ở trận đối đầu trực tiếp, tuyển Việt Nam sẽ chắc chắn đi tiếp với ngôi đầu bảng mà không cần quan tâm tới kết quả trận đấu cuối với Campuchia.
Ngôi đầu bảng và bảo toàn lực lượng vì thế là mục tiêu kép của tuyển Việt Nam trước Indonesia tối 15/12.
Xếp hạng bảng B trước ngày thi đấu 15/12. Thắng Indonesia, tuyển Việt Nam giành vé sớm và chắc chắn đầu bảng bất chấp kết quả trận đấu cuối. Đồ họa: Minh Phúc.
Thắng sớm cho chặng đường dài
AFF Cup 2020 kéo dài trong 28 ngày với mật độ trung bình 3,5 ngày một trận. Các cầu thủ vì thế phải đối diện lịch thi đấu dày đặc. Thể lực bị bào mòn, nguy cơ chấn thương, thẻ phạt và yếu tố mới xuất hiện ở giải năm nay là dịch Covid-19 khiến hành trình dài ở AFF Cup ẩn chứa quá nhiều rủi ro.
Việc Malaysia thảm bại trước Việt Nam khi còn 18 người là bằng chứng hiển hiện cho điều đó. Bởi thế, bên cạnh việc giành những điểm, bảo toàn lực lượng đang trở thành ưu tiên hàng đầu với những đội bóng có tham vọng vô địch.
Thái Lan đã và đang làm tốt điều đó. Tuyển Thái không chỉ đi tiếp mà còn giành vé sớm một vòng đấu. Dù còn trận tranh ngôi đầu với Singapore, không thể phủ nhận áp lực đã vơi đi đáng kể với thầy trò HLV Alexandre Polking. Cách người Thái rút Chanathip khỏi sân sau 60 phút trước Myanmar và Philippines cho thấy họ đang tính toán cho chặng đường dài.
Ông Polking thậm chí sẵn sàng thay Chanathip khi tỷ số chỉ là 1-1 và Thái Lan cần thêm một bàn trước Philippines. Tiền vệ của Consadole Sapporo mới chơi 2 trận với hơn 140 phút. Tuyển Thái cũng đã dùng 19 cầu thủ khác nhau sau 3 trận. Ngoài thủ thành Chatchai Budprom và bộ đôi trung vệ, tất cả đều từng "được" ra nghỉ. Điều đó sẽ đảm bảo cho Thái Lan trạng thái thể lực sung mãn trước giai đoạn knock-out.
Chanathip được ra nghỉ 2 trận liên tiếp để giữ sức cho chặng đường dài của Thái Lan. Ảnh: Getty.
Tuyển Việt Nam cũng buộc phải làm được điều tương tự. Với phong độ hiện tại, thắng Indonesia là nhiệm vụ bắt buộc. Nhưng kết quả đó sẽ chỉ trọn vẹn nếu thầy Park cũng cho thấy những toan tính dài hơi.
Giống Thái Lan, ông Park cũng đã dùng 18 cầu thủ sau 2 trận đầu. Trước Lào và Malaysia, HLV người Hàn Quốc thực hiện trọn vẹn 10 quyền thay người. 8 trong số đó đến ở 75 phút đầu. Lực lượng nhân sự lớn cho phép tuyển Việt Nam xoay tua con người, tạo cơ hội nghỉ ngơi tối đa tới nhóm trụ cột.
Cách tiếp cận trận đấu của tuyển Việt Nam hiện cũng phù hợp với chiến lược nhân sự này. Bởi muốn thay người sớm thì phải có bàn thắng sớm. Tuyển Việt Nam không còn chơi phòng ngự phản công như trước các đối thủ lớn tại vòng loại World Cup.
Quang Hải và đồng đội chủ động lao lên, kiểm soát thế trận đồng thời dứt điểm trận đấu từ đầu. HLV Park cũng chủ động đổi người ngay khi có thể. Nghĩa là giống với Thái Lan, đây là chiến lược dành riêng của những đội tuyển muốn bước tới ga cuối của cuộc hành trình.
Tuyển Việt Nam muốn và thích Indonesia chơi tấn công như cách họ đã thể hiện những trận qua. Ảnh: Getty.
Indonesia có cản được tuyển Việt Nam?
Indonesia về lý thuyết là đối thủ lý tưởng để thầy trò ông Park tiếp tục mục tiêu kép này: 3 điểm và hướng về tương lai.
Hai trận với Lào và Campuchia mang tới hình ảnh Indonesia tấn công cởi mở và cũng cho phép đối thủ làm điều tương tự với chính mình. Trước Campuchia, hàng thủ Indonesia vẫn để đối phương tung ra 13 cú dứt điểm, ghi 2 bàn. Lào cũng kịp có một lần lập công dù thua 1-5.
Với đội hình có nhiều cầu thủ mới dự AFF Cup lần đầu, những chàng trai trẻ của Indonesia dường như không chịu bó mình vào các khuôn khổ chiến thuật, kiểm soát phức tạp. Họ đã và đang thể hiện phong cách bóng đá tận hiến, thậm chí có phần bản năng. Đó là điều mà chính Shin Tae-yong cũng phải thừa nhận khi ông cho rằng Indonesia đang thua nhiều bàn không đáng và cần tập trung hơn. Nhưng chỉ đạo của ông là một chuyện, các học trò có đủ tỉnh táo để thực hiện không lại là việc khác.
Cách Indonesia lao lên phía trước rõ ràng là lối nhập trận mà tuyển Việt Nam yêu thích. Bởi trong thế trận đôi công, đội mạnh hơn, đồng đều hơn cả trong tấn công và phòng ngự sẽ chiếm ưu thế. Công Phượng và đồng đội có thể ghi bàn sớm, đóng hòm trận đấu và hoàn tất nhiệm vụ.
HLV Park đương nhiên thích điều đó. Nói với báo giới trước trận, ông bảo: "Báo chí Indonesia nói chúng tôi có điểm yếu ở 2 cánh, thì họ cứ nói đội tuyển tấn công vào chỗ đó thôi. Tôi cảm ơn thông tin mà báo bạn đã đưa ra".
Hai trận đã qua của Indonesia có 12 bàn, trung bình 6 bàn mỗi trận. Những trận đấu của Indonesia có số bàn trung bình/trận cao nhất toàn giải.
Trong lần chạm trán gần nhất hồi tháng 6, Indonesia đã cho thấy nét chiến thuật tương tự khi gặp Việt Nam. Đội bóng xứ vạn đảo cầm bóng 29%, nhưng có 71 đợt lên bóng so với 106 bên phía Việt Nam. Có cảm giác Indonesia cứ có bóng là lao về phía trước. Tốc độ lên bóng quá nhanh khiến Indonesia trở nên dễ đoán, đội hình của họ không đủ thời gian để tổ chức lại, qua đó lộ ra nhiều khoảng trống. Indonesia vì thế ghi nhiều bànm nhưng cũng để thủng lưới không ít bởi những cầu thủ tấn công đẳng cấp thấp.
Lào chỉ có 1 bàn sau 3 trận và đó là bàn vào lưới Indonesia. Campuchia ghi 3 bàn từ đầu giải, thì 2 trong số đó trước Indonesia. Thứ bóng đá sôi động ấy từng được chính lứa cầu thủ này của Indonesia thể hiện tại SEA Games 2019 qua trận thắng 4-2 trước Myanmar hay 8-0 trước Brunei. Trong nhóm 4 đội dẫn đầu AFF Cup lúc này, Thái Lan, Singapore, Việt Nam mới lọt lưới tổng cộng 2 bàn. Một mình Indonesia thua 3 bàn.
Ý thức tiến về phía trước rõ ràng đã ăn sâu vào tiềm thức lứa cầu thủ này của Indonesia. Và đó là điều Shin Tae-yong chưa thể thay đổi dù ông đã có gần 2 năm gắn bó với đội tuyển. Nếu 2 năm mà Shin vẫn chưa làm được điều đó, vài ngày ngắn ngủi rõ ràng là không đủ.
Họ sẽ một lần nữa lao thẳng vào cái bẫy mà tuyển Việt Nam đã giăng sẵn ở Bishan?
Họ đã nói gì trước trận?
- HLV Park Hang-seo (Việt Nam): "Ông ấy từng dẫn dắt tuyển Hàn Quốc dự World Cup và là HLV đàn em mà tôi cũng yêu thích. Tôi sẽ cố gắng có chiến thắng đẹp nhất trước ông Shin".
- HLV Shin Tae-yong (Hàn Quốc): "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình. Ai cũng biết tuyển Việt Nam là đội Đông Nam Á duy nhất vào đến vòng loại thứ ba World Cup. Đội nào ở AFF Cup cũng đồng tình họ là đội mạnh nhất".
Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Indonesia tại bảng B AFF Cup 2020 sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 15/12 trên sân Bishan.
Highlights AFF Cup 2020: Việt Nam 3-0 Malaysia Quang Hải, Công Phượng và Hoàng Đức lần lượt ghi bàn, giúp tuyển Việt Nam hạ Malaysia 3-0 ở lượt trận thứ ba của bảng B tại AFF Cup 2020 tối 12/12.
Áp lực quán quân Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF Suzuki Cup 2020 đã chính thức khai mạc trên đất Singapore hôm 5-12 với sự tham dự của 10 đội bóng: Thái Lan, Singapore, Myanmar, Philippines, Timo Leste (bảng A) và Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia (bảng B). So với kế hoạch, giải đấu đã bị lùi lại 1 năm, do ảnh hưởng...