Toàn cảnh vụ tấn công sân bay, nhà ga tàu điện ở Bỉ, 34 người chết
Ít nhất 34 người thiệt mạng trong hai vụ tấn công vào sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 22.3, khiến Tây Âu rơi vào tình trạng báo động nguy cơ khủng bố.
Hành khách được sơ tán khỏi sân bay Zaventem, thủ đô Brussels (Bỉ) sau hai vụ nổ ngày 22.3 – Ảnh: AFP
Đài VRT (Bỉ) chiều 22.3 cho biết ít nhất 34 người chết sau 2 vụ tấn công xảy ra ở Brussels, gồm 14 người chết tại khu đi ở nhà ga sân bay Zaventem và 20 người thiệt mạng ở nhà ga tàu điện Moelbeek.
Trước đó các thông tin ban đầu cho hay có 11 người chết ở nhà ga sân bay và 15 người ở ga Moelbeek. Số người bị thương khoảng 100.
Một nhân chứng cho biết ông nghe những tiếng gào thét bằng tiếng Ả Rập trước khi hai vụ nổ liên tiếp xảy ra ở khu đi của nhà ga sân bay Zaventem, theo Reuters. Một công tố viên liên bang của Bỉ cho hay một trong số hai vụ nổ có khả năng là đánh bom liều chết. Reuters cho biết giới chức an ninh phát hiện 1 khẩu AK cạnh thi thể mộtkẻ tấn công ở nhà ga sân bay, cho thấy vụ này như có dấu ấn của IS.
Các đoạn video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều hành khách với máu dính đầy người hoảng loạn bỏ chạy. Khói bốc lên từ khu đi tại sân bay và những cửa kính vỡ vụn.
Nhiều nạn nhân bị thương nặng ở chân, điều này cho thấy có ít nhất một quả bom giấu trong túi xách, một nhân viên sân bay tiết lộ với Reuters.
Hai người bị thương tại hiện trường hai vụ nổ ở sân bay Zaventem, thủ đô Brussels – Ảnh: AFP
Anh, Đức, Pháp và Hà Lan là bốn trong số các nước châu Âu tuyên bố tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh sau vụ tấn công Brussels.
Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở Brussels ngưng hoạt động và quân đội điều thêm binh lính đến Brussels để đảm bảo an ninh.
Phóng viên Alex Rossi của đài Sky News (Anh), có mặt tại hiện trường cho biết ông nghe thấy hai tiếng nổ “rất lớn”. “Tôi có thể cảm nhận tòa nhà rung lắc cùng khói và bụi khắp nơi… Tôi cố đi đến hướng xảy ra vụ nổ thì thấy nhiều người bị sốc và hoảng loạn”, ông Rossi cho hay.
Video đang HOT
Ông Alphonse Youla (40 tuổi), một nhân viên làm việc ở sân bay, cho Reuters biết ông nghe thấy một người đàn ông thét lên bằng tiếng Ả Rập trước vụ nổ đầu tiên. “Sau đó, kính trên trần vỡ và rơi xuống”, ông Youla kể lại.
Khói bốc lên từ nhà ga sân bay Zaventem sau hai vụ nổ liên tiếp – Ảnh: Reuters
“Tôi đã giúp khiêng 5 thi thể nạn nhân thiệt mạng, chân của họ bị hủy hoại”, ông nói khi hai bàn tay còn dính đầy máu. Một nhân chứng khác cho hay hai vụ nổ xảy ra tại khu vực check-in (làm thủ tục ký gửi hành lý).
Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố: “Đây là khoảng thời gian đen tối đối với đất nước chúng ta. Đất nước chúng ta phải hứng chịu những đợt tấn công mù quáng, bạo lực và hèn nhát”.
Theo Cơ quan vận hành giao thông công cộng Bỉ STIB, có 15 người trên tàu điện ngầm thiệt mạng và 55 người bị thương trong vụ nổ ở nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek ở Brussel, gần các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU), xảy ra 1 giờ ngay sau vụ tấn công ở sân bay. Trong khi đó, một số hãng tin cho hay không có thương vong trong vụ tấn công nhà ga tàu điện ngầm này.
Toa tàu bị nổ tan tành ở nhà ga Maelbeek – Ảnh: Twitter
Đài VRT (Bỉ) phát bức ảnh một toa tàu điện ngầm tại nhà ga Maelbeek bị biến dạng, cửa và cửa sổ bị vỡ.
Sân bay Zaventem hủy tất cả chuyến bay cho đến 6 giờ sáng mai 23.3 (tức 11 giờ theo giờ VN). Sân bay này hiện trong tình trạng bị phong tỏa và hành khách được sơ tán. Tuyến đường sắt đến sân bay ngừng hoạt động. Hành khách lên xe buýt đến một khu vực được đảm bảo an toàn.
Tất cả nhà ga xe lửa ở Bỉ đóng cửa và dịch vụ đường sắt từ thủ đô London đến Brussels tạm ngừng hoạt động sau vụ tấn công.
Lực lượng an ninh tại các quốc gia khắp Tây Âu được đặt trong tình trạng báo động cao độ do lo ngại các phần tử theo tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành các đợt tấn công khủng bố. IS từng lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công Paris hồi tháng 11.2015.
Hành khách phải đi bộ trong đường hầm tàu điện ngầm sau vụ nổ ở nhà ga Maelbeek – Ảnh: Reuters
Các vụ nổ ở sân bay và nhà ga xe lửa xảy ra chỉ bốn ngày sau khi nghi phạm Salah Abdeslam (công dân Pháp) bị bắt ở Brussels do tình nghi tham gia vụ khủng bố thủ đô Paris, Pháp hồi tháng 11.2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon hôm qua 21.3 cảnh báo Bỉ đang trong tình trạng báo động cao độ trước nguy cơ tấn công trả đũa.
Trước khi các vụ tấn công xảy ra, cảnh sát và binh sĩ Bỉ đã được điều đồng tăng cường tuần tra trên các con đường, nơi công cộng và cảnh giác cao độ.
Mặc dù đa số sân bay ở châu Âu kiểm tra nghiêm ngặt hành lý, nhưng công tác kiểm tra chỉ diễn ra một khi hành khách ký gửi hành lý. Hệ thống an ninh được trang bị khắp các sân bay, nhưng không gì có thể ngăn chặn hành khách đi bộ mang túi xách chứa bom vào nhà ga sân bay, theo Reuters.
“Cuộc điều tra đang diễn ra… Chúng tôi lo ngại các nghi phạm đứng sau những vụ tấn công sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở Brussels đang lẩn trốn”, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho hay trong buổi họp báo ngày 22.3.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Vụ tấn công Brussels là trả thù cho nghi phạm khủng bố Paris vừa bị bắt?
Lúc Salah Abdeslam - nghi phạm vụ khủng bố Paris bị bắt ở Brussels - Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders tuyên bố: "Hắn đã sẵn sàng để khởi động một điều gì đó ở Brussels". Liệu "điều gì đó" có phải là vụ tấn công Brussels?
Cửa kính vỡ sau vụ nổ tại sân bay Zaventem, Brussels hôm 22.3 - Ảnh: Reuters
Trốn trước họng súng
Liệu "điều gì đó" có phải là vụ tấn công vừa làm rung chuyển Brussels? Ai cũng có thể nghĩ ngay đến điều đó. Và có nhiều bằng chứng, dấu hiệu cho điều đó. Nhưng trước tiên, hãy quay lại với "linh cảm" đầy đủ của ông Reynders.
BBC dẫn lời Ngoại trưởng Reynders thậm chí còn nói rằng "điều gì đó" có thể là sự thật "vì chúng tôi đã phát hiện nhiều loại vũ khí - vũ khí hạng nặng - trong các cuộc điều tra đầu tiên. Chúng tôi cũng phát hiện một mạng lưới mới xung quanh hắn ở Brussels". Theo lời ông Reynders, đích thân Abdeslam cũng đã khẳng định y có kế hoạch tấn công Brussels.
Cuộc tấn công Brussels mang hơi hướng của một vụ tấn công khủng bố liên hoàn mà các lực lượng cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã gieo rắc suốt thời gian qua. Sau 4 tháng "bay nhảy" ngoài vòng pháp luật, Abdeslam bị bắt ngay ở Brussels, trước mũi của hàng loạt nhân viên an ninh không chỉ của Bỉ mà của nhiều nước nữa. Ai cũng biết gia đình Abdeslam ở Bỉ, ai cũng biết Abdeslam đã chạy qua Bỉ sau vụ khủng bố Paris đẫm máu ngày 13.11.2015. Mọi cuộc săn lùng quy mô nhất đều tập trung ở Bỉ, vậy mà Abdeslam vẫn có thể ở đó, ngay ở trái tim nước Bỉ, phải 4 tháng sau ngày chạy trốn mới bị bắt.
Hành khách phải sơ tán sau vụ nổ tại sân bay Zaventem ngày 22.3.2016 - Ảnh: Reuters
Không cần phải có "mạng lưới khủng bố mới" như Ngoại trưởng Reynders loan báo, bao nhiêu đó cũng đủ thấy mạng lưới chân rết "cũ" xung quanh Abdeslam hùng hậu tới đâu, tinh ranh tới đâu để có thể "giấu" Abdeslam ngay trước mũi các lực lượng an ninh hùng hậu nhất, các phương tiện tối tân nhất. Và hắn thậm chí không "nằm im" khi đang trốn.
Mà cũng đâu cần phải đợi cho đến khi Abdeslam bị bắt, chính quyền Bỉ mới biết còn nhiều kẻ khủng bố khác đang lởn vởn ở đâu đó. Chính quyền Bỉ đã nêu đích danh Mohamed Abrini - một người Bỉ gốc Morocco - đã "biến mất" sau khi giúp đỡ nhiệt tình Abdeslam chuẩn bị cho vụ tấn công Paris. Báo Guardian cho biết từ sau vụ khủng bố Paris, cảnh sát Bỉ cũng truy lùng Soufiane Kayal, một người từng đi cùng với Abdeslam hồi tháng 9 năm ngoái, bị phát hiện tại biên giới Áo - Hungary.
Chắc chắn, cái mạng lưới xung quanh Abdeslam còn có nhiều kẻ nữa. Và điều bọn chúng có sẵn kế hoạch trả thù cho y là hoàn toàn logic.
Kẻ khủng bố "ngoan hiền"
Sau khi bị bắt, Abdeslam tỏ ra "ngoan hiền" đến đáng kinh ngạc. Dẫu là nghi phạm với cáo buộc đem bom đến Paris hoa lệ, lần này Abdeslam cực kỳ hợp tác với các nhà điều tra, theo thông tin từ luật sư của Abdeslam. Abdeslam không màng đến quyền im lặng mà nhiều người đoán rằng một kẻ khủng bố gan lì như hắn ta sẽ vịn đến. Abdeslam thậm chí còn kể với các nhà điều tra rằng lẽ ra y đã nổ banh xác ở sân vận động Stade de France trong vụ khủng bố hồi tháng 11 vừa qua rồi, nhưng đổi ý vào phút chót.
Cả nước Bỉ đang báo động - Ảnh: Reuters
Người ta có thể nghĩ rằng các "đồng nghiệp khủng bố" của Abdeslam đã trả thù ngay sau khi tên này bị bắt giữ. Nhưng sau những gì xảy ra, dường như đòn trả thù đó do chính Abdeslam "dàn dựng" sẵn, xem thời điểm y bị bắt cũng là "hiệu lệnh" để những kẻ đồng lõa ra tay, đâm thêm một cú đau nhói vào trái tim nước Bỉ. Abdeslam đã có đến 4 tháng để chuẩn bị cho "vở kịch khủng bố" đó, quãng thời gian có khi dài hơn cả sự mong đợi của chính hắn ta.
Đó không chỉ là một đòn trả đũa đơn thuần. Dẫu đích thân Abdeslam có "dàn dựng" nó hay "đàn anh" của hắn chuẩn bị sẵn, những kẻ khủng bố cũng đang muốn chứng tỏ rằng chúng vẫn đang sống, đang đe dọa và đang tấn công dẫu có bị săn lùng gắt gao đến đâu. Rằng chúng vẫn có thể gieo rắc nỗi sợ hãi ngay cả khi một phần tử khét tiếng nào đó có vừa bị bắt. Rằng ngay cả khi đang bị săn lùng, chúng vẫn có thể chuẩn bị để gây chấn động thế giới.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Thổ Nhĩ Kỳ: Đánh bom tự sát ở Istanbul, ít nhất 5 người thiệt mạng Một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra tại khu vực đông du khách ở trung tâm thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 19.3 khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Lực lượng pháp y có mặt tại hiện trường vụ đánh bom tự sát ngày 19.3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters Cảnh sát, trực thăng và nhiều...