Toàn bộ tàu sân bay Mỹ nguy cơ vắng bóng trên biển
Việc thiếu tàu sân bay để duy trì sự hiện diện liên tục tại các điểm nóng có thể đe dọa đến khả năng răn đe và chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Một chiếc tàu sân bay Mỹ đang chạy thử trên biển. Ảnh: National Interest
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 3/11, Phó Đô đốc John Aquilo, phụ trách Bộ Tư lệnh Trung tâm hải quân Mỹ, thú nhận rằng trong những năm sắp tới, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ không có bất cứ tàu sân bay nào hiện diện ở các khu vực quan trọng chiến lược như Trung Đông và Đông Á, theo National Interest.
Đây là lần đầu tiên một quan chức hải quân Mỹ công khai thừa nhận nguy cơ tàu sân bay Mỹ không có khả năng duy trì sự hiện diện liên tục ở cả khu vực Trung Đông và Đông Á.
Cũng trong phiên điều trần, Chuẩn Đô đốc Tom Moore, giám đốc chương trình tàu sân bay Mỹ, cho biết, hải quân Mỹ đã vất vả điều hành 10 tàu sân bay kể từ khi tàu sân bay USS Enterprise ngừng hoạt động từ tháng 12/2012 và hiện đang trong giai đoạn bảo trì. Trong số 10 tàu sân bay hiện có, một nửa hạm đội đang phải neo đậu để sửa chữa và 5 tàu khác đang gần như hoạt động hết công suất để đáp ứng yêu cầu tác chiến.
Theo đó, tàu USS Abraham Lincoln hiện đang trong quá trình đại tu và tiếp nhiên liệu, USS George Washington dự kiến sẽ bắt đầu quá trình tương tự vào năm 2017, USS Nimitz chỉ còn vận hành trong 14 tháng, USS George H.W. Bush còn 8 tháng trong khi USS Carl Vinson chỉ còn 6 tháng vận hành.
Để duy trì sự hiện diện liên tục của tàu sân bay tại các khu vực chiến lược, hải quân Mỹ cần ba tàu sân bay để hỗ trợ cho việc triển khai một tàu: một sẵn sàng triển khai ở cảng nhà, một tàu đã triển khai và một tàu trở về nước.
Năm sau, hải quân Mỹ sẽ có trong tay 11 tàu sân bay khi tiếp nhận tàu USS Gerald R. Ford vào biên chế, nhưng tình hình căng thẳng hiện tại sẽ không mấy cải thiện vì mãi tới năm 2021 tàu này mới sẵn sàng cho việc triển khai.
“Những khoảng trống mà tàu sân bay để lại đe dọa hủy hoại khả năng kiềm chế xung đột và đối phó các cuộc khủng hoảng của Mỹ”, Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Hải lực và triển khai lực lượng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ nói trong phiên điều trần hôm 3/11.
“Các tổng thống Mỹ trong 70 năm qua đã hỏi tàu sân bay của chúng ta ở đâu trong thời điểm nổ ra khủng hoảng. Và các đời tổng thống sắp tới của chúng cũng sẽ đặt câu hỏi tương tự, có lẽ sẽ chúng ta chỉ biết im lặng”, ông Forbes nói.
Cuộc khủng hoảng tàu sân bay là thất bại của Mỹ trong chính sách duy trì sự hiện diện liên tục của ít nhất một tàu sân bay ở các điểm nóng trên thế giới. Tại khu vực Trung Đông, tàu USS Theodore Roosevelt đã rời khỏi Vịnh Ba Tư đầu tháng trước và tàu USS Hary S.Truman dự kiến mùa này đông này mới đến nơi.
Theo ông Moore, đây là hậu quả của việc Mỹ thực hiện chính sách duy trì 10 tàu sân bay thay vì 12 chiếc như đề xuất của hải quân, buộc hải quân phải vận hành chúng với cường độ cao hơn thiết kế.
“Tàu Dwight D.Eisenhower phải hoạt động liên tục suốt 24 tháng, trong khi thời gian vận hành dự kiến của nó chỉ 14 tháng. Từ năm 2008 đến nay nó đã được triển khai thực hiện nhiệm vụ 4 lần nhưng chỉ được bảo dưỡng đúng một lần. Cường độ vận hành quá cao so với thiết kế khiến thời gian bảo trì cũng gấp hơn. Không có gì ngạc nhiên nếu có những hậu quả theo sau”, ông Moore cảnh báo.
Giải pháp ứng phó
Hồi tháng 7, nghị sĩ Mike Conaway đã đề xuất một dự luật yêu cầu hải quân Mỹ duy trì hạm đội tàu sân bay 12 chiếc khi tàu sân bay mới USS F. Kennedy được biên chế vào năm 2023.
Video đang HOT
“Các đối thủ của chúng ta đe dọa quyền tự do hàng hải và hoài nghi về khả năng của quân đội Mỹ. Giờ là lúc chứng tỏ sức mạnh và sự quyết tâm với cộng đồng quốc tế bằng việc tăng số lượng tàu sân bay để hải quân Mỹ có thể thực hiện những cam kết cả ở trong nước và nước ngoài”, ông Conaway nói.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Tyler Rogoway của Foxtrolalpha, cuộc khủng hoảng “khoảng trống tàu sân bay” sẽ khiến hải quân Mỹ chú trọng hơn tới những chiếc tàu sân bay nhỏ hơn, có chi phí chế tạo và vận hành ít hơn.
Các tàu sân bay Mỹ hiện nay đều có kích cỡ siêu lớn, trong khi các phi đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay ngày càng bị thu hẹp lại trong hai thập kỷ qua. Trong thời Chiến tranh Lạnh, có gần 90 chiến đấu cơ trên một tàu sân bay lớp Nimitz, còn hiện nay số máy bay trên mỗi tàu chỉ còn 60-65 chiếc.
Rogoway cho rằng việc vận hành một siêu tàu sân bay có chi phí đóng khoảng 12 tỷ USD để chứa ngần này chiến đấu cơ là quá lãng phí, trong khi vai trò đó hoàn toàn có thể được đảm đương bởi các tàu sân bay nhỏ hơn, với chi phí ít tốn kém hơn.
Thay vì đóng mới một siêu tàu sân bay lớp Ford, hải quân Mỹ có thể mua hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth. Nếu thay thế tất cả siêu tàu sân bay khác bằng tàu sân bay lớp Queen Elizabeth cải tiến, hải quân Mỹ có thể gia tăng đáng kể tính linh hoạt của lực lượng tàu sân bay.
Sử dụng những tàu sân bay nhỏ hơn như Queen Elizabeth có thể giúp hải quân Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng tàu sân bay. Ảnh: Realitymod
Với số lượng nhiều hơn các tàu sân bay kích thước nhỏ, các chỉ huy hải quân Mỹ có thể kết hợp tốt hơn các nguồn lực sẵn có với các nhiệm vụ trong quyền hạn của mình tốt hơn. Chẳng hạn, Mỹ không cần một siêu tàu sân bay cho những việc đơn giản như tăng cường sự hiện diện trong một khu vực, hỗ trợ cho các nhiệm vụ tác chiến cường độ thấp, huấn luyện phi hành đoàn, hay thực hiện các chuyến đi thiện chí.
Thực tế, các tàu sân bay nhỏ hơn sẽ thực hiện mọi nhiệm vụ mà một siêu tàu sân bay có thể làm dù tỷ lệ số lần xuất kích bị giảm sút. Đối với các nhiệm vụ cần khả năng của một siêu tàu sân bay, hai tàu sân bay nhỏ hơn triển khai cùng một nơi hoàn toàn có thể gánh vác được.
Trong bối cảnh hải quân Mỹ phải triển khai cùng lúc ở nhiều nơi hơn bao giờ hết, việc tăng cường lực lượng tàu sân bay là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của tương lai. Điều này đặc biệt đúng khi Mỹ đang muốn “xoay trục sang Thái Bình Dương” và phải đương đầu với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc, nơi nhiều tàu sân bay nhỏ sẽ hữu ích hơn vài siêu tàu sân bay, Rogoway nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
5 vũ khí nguy hiểm nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh
Tàu ngầm hạt nhân, súng trường tấn công, máy bay tiêm kích và xe tăng là những vũ khí lợi hại của các cường quốc trong cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Một chiếc trực thăng hải quân lượn trên tàu ngầm hạt nhân USS George Washington của Mỹ. Ảnh: USNS
Chiến tranh Lạnh được coi là giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, với kho vũ khí khổng lồ của các cường quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào, đe dọa hủy diệt nền văn minh thế giới. Ngoài vũ khí hạt nhân, sau đây là 5 loại vũ khí nguy hiểm nhất được tạo ra trong thời kỳ này, theo đánh giá của National Interest.
Tàu ngầm hạt nhân USS George Washington
Vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh có tốc độ phát triển ngoạn mục. Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên lửa đạn đạo thực thụ mang tên USS George Washington được Mỹ bắt đầu chế tạo chỉ 12 năm sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Ban đầu được thiết kế như một chiếc tàu ngầm tấn công, thân của tàu ngầm USS George Washington được kéo dài ra để chứa được 16 tên lửa đầu đạn hạt nhân Polaris. Mỗi tên lửa có tầm bắn 2.400 km, tạo ưu thế vượt trội cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo trước số ít máy bay B-29 có khả năng ném bom hạt nhân sau Thế chiến II.
Những tiến bộ trong công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân giúp đầu đạn hạt nhân W-47 chỉ còn có trọng lượng 326 kg và đủ bền để gắn lên tên lửa Polaris. Mỗi đầu đạn W-47 có sức công phá 600 kiloton, mạnh hơn rất nhiều so với sức công phá 15 kiloton của quả bom "Little Boy" rơi xuống Hiroshima năm 1945, dù quả bom này nặng tới gần 4.400 kg.
Tiểu liên AK-47
Mẫu súng trường tấn công Avtomat Kalashnikova năm 1947, hay AK-47 như chúng ta vẫn thường biết đến, là một trong những vũ khí dễ nhận biết nhất.Với hộp tiếp đạn 30 viên và vẻ ngoài hầm hố, AK-47 hiện diện khắp nơi trên thế giới, từ đường phố ở Los Angeles cho tới các con đường ở Mogadishu.
AK-47 là mẫu súng được sử dụng trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Ảnh:Military
AK-47 nhẹ, độ bền cao và rất dễ bắn. Loại súng này dễ sử dụng, đến mức trẻ em cũng có thể thao tác thành thạo, và rất nhiều lính trẻ em ở châu Phi đã sử dụng AK-47 trong các cuộc xung đột.
Súng AK-47 được kỹ sư Liên Xô Mikhail Kalashnikov phát triển, lấy cảm hứng thiết kế từ M-1 Garand của Mỹ và StG-44 của Đức, súng trường tấn công thực thụ đầu tiên trên thế giới. Sau đó nó trở thành vũ khí tiêu chuẩn của bộ binh Liên Xô, Trung Quốc và nhiều quân đội các nước khác.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2007 cho thấy hơn 75 triệu khẩu súng AK-47 đã được sản xuất và sử dụng trên khắp thế giới, chiếm đến 20% tổng số súng trường trên toàn cầu. Mỗi năm, vũ khí cá nhân giết từ 20.000 đến 100.000 người trong các cuộc xung đột, trong đó AK-47 chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tiêm kích ném bom F-4 Fantom
Tiêm kích ném bom F-4 Fantom là minh chứng điển hình về tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của ngành hàng không thời kỳ hậu chiến. Được đưa vào hoạt động chỉ 13 năm hoạt động sau khi kết thúc Thế chiến II, F-4 đã có thể chở tới hơn 8 tấn bom đạn - gần bằng oanh tạc chiến lược pháo đài bay B-29, trong khi nó chỉ là một máy bay tiêm kích.
Tiêm kích F-4 Fantom thực hiện một cuộc ném bom. Ảnh: USAF
Được sử dụng rộng rãi trong không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ và nhiều đồng minh như Đức, Nhật, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, F-4 là loại máy bay có hai động cơ lớn, có khả năng linh hoạt cao để chiếm ưu thế trên không, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hạm đội tàu chiến, chế áp hệ thống phòng không đối phương, trinh sát, ngăn chặn và yểm trợ cự ly gần trên không.
F-4 đã tham gia nhiều cuộc chiến trên thế giới, và đến nay phần lớn những chiếc F-4 được chế tạo ra đã nghỉ hưu, nhưng một số vẫn hoạt động ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và quân đội một số nước khác.
Súng trường FN-FAL
Súng trường FN-FAL là loại vũ khí cá nhân phổ biến trong các lực lượng của NATO thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Từ một thiết kế của hãng sản xuất vũ khí nhỏ Fabrique Nationale ở Bỉ, FN-FAL đã trở thành vũ khí được quân đội nhiều nước sử dụng để thay thế các súng bộ binh có từ thời Thế chiến II.
Súng trường FN-FAL từng được sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước phương Tây. Ảnh: WarHistory
FN-FAL là khẩu súng trường tự động cỡ nòng 7,62 mm với một băng đạn gồm 20 viên, giúp lính bộ binh có được hỏa lực lớn trên chiến trường. Về mặt kĩ thuật, do trọng lượng và kích cỡ đạn lớn, FN-FAL được xếp vào diện súng trường chiến đấu, không phải là súng trường tấn công.
Súng trường FN-FAL được sử dụng rộng rãi trong quân đội phương Tây cũng như nhiều nước ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Trong cuộc xung đột ở Falkland/Malvinas, cả lục quân Anh lẫn lục quân và thủy quân lục chiến Argentina đều sử dụng loại súng này. Tuy nhiên, đến nay mẫu thiết kế này đã bị coi là lỗi thời và hầu hết các súng trường FN-FAL đều đã không còn được sử dụng.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Chieftain
Xa tăng chiến đấu Anh Chieftain là một trong những xe tăng có uy lực nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Được đưa vào sử dụng năm 1966, Chieftain là xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất và được vũ trang hạng nặng nhất của cả khối NATO lẫn khối Hiệp ước Warsaw.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Chieftain nổi bật với khẩu pháo 120 mm. Ảnh: WarHistory
Chieftain được nâng cấp từ xe tăng Centurion, loại tăng đã từng xuất hiện vào cuối Thế chiến II. Chieftain có lớp giáp tốt hơn nhiều so với chiếc Centurion, và động cơ cũng được cải tiến đáng kể. Điều thực sự khiến chiếc xe tăng này nổi bật so với những loại xe tăng đương thời là khẩu pháo cỡ nòng 120 mm. Khẩu pháo rãnh xoắn L11A5 này lớn và mạnh hơn rất nhiều so với khẩu 105 mm trên xe tăng M60 Mỹ hay khẩu 115 trên xe tăng T-62 của Liên Xô.
Chieftain được sử dụng trong các đơn vị quân đội Anh, trong đó có Sư đoàn Thiết giáp số 1. Sư đoàn này là bộ phận của quân đội Anh đồn trú ở Rhine, Đức, có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực rộng lớn ở Tây Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Xe tăng này cũng được quân đội Iran sử dụng trong thời kỳ chiến tranh với Iraq.
Minh Anh
Theo VNE
Mỹ đưa tàu sân bay mới đến đồn trú tại Nhật Bản Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 1.10 để làm nhiệm vụ đồn trú tại đây, thay cho tàu USS George Washington. Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan cập cảng Yokosuka, Nhật Bản ngày 1.10, bắt đầu nhiệm vụ đồn trú thay cho tàu USS George Washington - Ảnh: Reuters Tàu sân...