Tòa đính chính án phí vụ ly hôn vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
TAND TP.HCM vừa ra thông báo đính chính án phí trong vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên được tuyên vào hôm 27.3.
“Về án phí giữa các đương sự, do có sự nhầm lẫn trong tuyên án nên HĐXX đã tuyên sai phần án phí phải chịu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo”, thông báo nêu.
Theo đó, án phí bà Thảo phải nộp sau khi được đính chính là 3,47 tỷ đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà đã nộp trước đó là 241,5 triệu đồng. Do vậy, số tiền án phí mà nguyên đơn phải nộp thêm là 2,34 tỷ.
Án phí ông Vũ phải nộp sau khi đính chính là 4,97 tỷ, được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó là 1,31 tỷ. Do đó, số tiền án phí mà ông Vũ phải nộp thêm là 3,66 tỷ.
Án phí đã được TAND TP.HCM đính chính trong bản án vừa phát hành. Ảnh: Lê Quân. Đồ họa: Như Ý
Trước đó, khi tuyên án chiều 27.3, HĐXX công bố án phí mà vợ chồng “vua cà phê” phải nộp lên đến con số hơn 80 tỷ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí ly hôn 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 34,2 tỷ đồng; ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.
Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân thông báo bà Thảo phải nộp 32,6 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỷ đồng.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân xác nhận với Zing.vn đã đọc nhầm con số án phí. “Do bản án quá dài nên tôi đọc bị nhầm lẫn con số. Bà Thảo chỉ phải nộp án phí tài sản là khoảng 3,3 tỷ đồng, ông Vũ nộp hơn 4,7 tỷ”, ông Xuân nói và cho biết bản án phát hành sau 7 ngày sẽ sửa chữa thành con số chính xác.
Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân là người phân xử sơ thẩm vụ ly hôn của vợ chồng ông Vũ. Ảnh: Lê Quân
Sau hơn 3 năm kể từ ngày bà Thảo nộp đơn, tòa sơ thẩm đã tuyên cho vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi 4 người con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa tính từ năm 2013 đến khi chúng trưởng thành. Ông Vũ có quyền chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên; có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con nếu có đủ điều kiện.
Bà Thảo được nhận 40% tài sản nhưng phải giao cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ và ông sẽ thanh toán lại cho bà bằng tiền. 1.764 tỷ trong tài khoản bà Thảo mà theo xác minh hiện chỉ còn hơn 1,3 tỷ được xem là tài sản chung nên sẽ được cấn trừ. Tổng cộng bà chủ King Coffee được nhận từ ông Vũ hơn 1.200 tỷ.
Ngoài ra ông Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ; bà Thảo được giao quyền sử dụng đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.
Bà Thảo khóc, ông Vũ cười sau phán quyết của tòa Sau khi HĐXX tuyên án, bà Thảo đã bật khóc và nói: “Bản án quá bất công với mẹ con tôi”. Trong khi đó, ông Vũ chỉ cười và từ chối nói về phán quyết của tòa.
Theo Hoài Thanh (Zing)
Tòa án có được phép tước quyền sở hữu cổ phần của vợ "vua cà phê" Trung Nguyên?
Việc HĐXX vụ án ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên quyết định giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tước quyền cổ đông của bà Thảo vẫn đang gây ra nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều.
Zing.vn xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Từ Thanh Thảo, người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy pháp luật kinh doanh tại Đại học Luật TP.HCM, bàn về phán quyết này.
Cổ phần phải do chính cổ đông định đoạt
Dựa vào nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng là chia đôi, nhưng có tính đến công sức tạo lập, đóng góp và duy trì khối tài sản chung, từ đó HĐXX chia ông Vũ được 60% và bà Thảo giữ 40% cổ phần tại Trung Nguyên. Nếu HĐXX chỉ dừng lại ở vấn đề phân chia tài sản là cổ phần theo tỷ lệ nêu trên, dư luận sẽ không có nhiều ý kiến trái chiều và như vậy là HĐXX đã thực hiện đúng chức trách của mình.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 213 luật Dân sự năm 2015: "Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của tòa án". Trong vụ việc này các bên không thống nhất được tỷ lệ phân chia cổ phần nên tòa có quyền quyết định. Nếu các bên không đồng ý với quyết định này có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Việc HĐXX quyết định giao 40% cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Vũ sẽ hoàn tiền tương ứng 40% cổ phần cho bà Thảo là chưa phù hợp với các nguyên tắc pháp lý và không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo với tư cách là một cổ đông của các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Quyết định của HĐXX bị cho là không đảm bảo quyền lợi đối với bà Thảo với tư cách là một cổ đông của các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Lê Quân
HĐXX dựa vào Điều 64 Luật Hôn nhân Gia đình và hướng dẫn tại điểm 4 khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/ của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và Bộ Tư pháp quy định: "Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập", để đi đến quyết giao ông Vũ sở hữu 40% cổ phần của bà Thảo và ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán phần chênh lệch tài sản cho bà Thảo.
Điều này cần phải được xem xét lại để đảm bảo đúng với tinh thần quy định của các điều khoản trên. Ví dụ, hai vợ chồng dùng tài sản chung để mua một chiếc xe tải và người chồng sử dụng chiếc xe tải này để làm nghề chở hàng thuê, còn người vợ ở nhà làm nội trợ, khi ly hôn tòa sẽ quyết định giao chiếc xe tải này cho người chồng tiếp tục sử dụng để hoạt động nghề nghiệp và người chồng sẽ phải hoàn lại cho bên người vợ phần trị giá tài sản chênh lệch.
Như vậy là hợp lý vì nếu chúng ta chia đôi chiếc xe tải bằng cách bán nó đi và chia cho mỗi bên bằng tiền theo tỷ lệ thì vô hình trung người chồng không còn điều kiện để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.
Một ví dụ khác, hai vợ chồng có một căn nhà chung và đang được người vợ sử dụng để kinh doanh spa, còn người chồng làm nghề tự do. Khi ly hôn, tòa có quyền quyết định cho người vợ sở hữu căn nhà để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp và hoàn lại cho người chồng giá trị căn nhà theo phương án phân chia tài sản...
Còn trong vụ án ly hôn này, đối tượng phân chia là cổ phần của các bên trong Trung Nguyên chứ không phải là tài sản gắn liền với nghề nghiệp của một bên.
Ông Vũ được tòa giao toàn bộ cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Lê Quân
Chúng ta cần lưu ý rằng quyền sở hữu cổ phần không chỉ dừng lại ở việc sở hữu một loại tài sản thông thường, mà việc sở hữu cổ phần chủ yếu là để xác lập tư cách cổ đông. Từ tư cách cổ đông sẽ xác lập các quyền của cổ đông như các quyền về quản trị công ty (quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ, quyền yêu cầu triệu tập và triệu tập họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT, BKS...); quyền tài sản đối với cổ phần (chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế...); quyền được chia cổ tức; quyền ưu tiên mua cổ phần mới khi công ty chào bán; quyền về thông tin, kiểm soát trong công ty...
Việc xác lập, chấm dứt tư cách cổ đông và các quyền của cổ đông là một chế định đặc thù của Luật Doanh nghiệp, do vậy các vấn đề này phải được quyết định theo các quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo Điều 114 Luật Doanh nghiệp, trừ một số ngoại lệ và điều lệ quy định, cổ đông có quyền tự do định đoạt cổ phần của mình như chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế... Do đó, sau khi được tòa phân chia cổ phần theo tỷ lệ nêu trên, số cổ phần này đã trở thành tài sản riêng của các bên, khi đó các bên có toàn quyền định đoạt số cổ phần mà họ nắm giữ. Luật Doanh nghiệp không có quy định cho bất kỳ thể nào có quyền tước bỏ quyền sở hữu cổ phần của cổ đông.
Đồng thời, quyền sở hữu cổ phần với tư cách là một loại vốn góp trong công ty được Hiến pháp, Luật Đầu tư và pháp luật liên quan bảo hộ, bảo đảm quyền sở hữu. Sau khi phân chia, cổ phần đã trở thành tài sản riêng, các bên có chuyển nhượng, tặng cho... số cổ phần này cho bên kia hoặc người khác thì đó là quyền của các bên, hay nói đúng hơn là quyền của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Do vậy, nếu tòa quyết định tước hết quyền sở hữu cổ phần của một bên và yêu cầu cổ đông phải chấp nhận để đổi lấy bằng tiền, điều này dẫn đến việc tước bỏ hàng loạt các quyền của cổ đông nêu trên. Đối với cổ đông khi sở hữu cổ phần không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà quan trọng hơn là để xác lập và thực hiện liên tục các nhóm quyền nêu trên, đó mới là giá trị mà cổ đông mong muốn đạt được khi đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần. Việc hoán đổi cổ phần để nhận lại bằng tiền này, nếu có phải được sự đồng ý của hai bên, khi đó bà Thảo có quyền từ chối.
Không một ai, kể cả tòa án được quyền tước bỏ quyền sở hữu cổ phần của cổ đông, qua đó sẽ dẫn đến tước bỏ luôn tư cách cổ đông, mà vấn đề này phải do chính cổ đông quyết định.
Không khác nhau về địa vị pháp lý
Nếu cho rằng giữa ông Vũ và bà Thảo thường xuyên phát sinh các vụ kiện về kinh doanh thương mại, điều này làm doanh nghiệp khó hoạt động, do đó, để doanh nghiệp ổn định, hoạt động hiệu quả nên cần thiết giao cổ phần cho một người nắm giữ. Tôi cho rằng lập luận này là chưa có sức thuyết phục.
Trong một xã hội pháp lý văn minh thì việc các bên thực hiện quyền kiện để bảo vệ quyền lợi của mình là chuyện hết sức bình thường.
Một trong những cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 161) là trao cho cổ đông quyền khởi kiện người quản lý công ty. Theo đó, cổ đông, nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ khi họ vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty, không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao...
Nếu chúng ta cho rằng vì là người sáng lập và đi đầu, nắm vai trò chủ yếu phát triển Tập đoàn Trung Nguyên nên cần thiết giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần cũng là quan điểm chưa hợp lý.
Cần biết rằng công ty là một pháp nhân, khi công ty được thành lập là lúc công ty tồn tại hoàn toàn độc lập với các thể nhân sáng lập ra công ty.
Các thể nhân sáng lập công ty chỉ có thể chi phối công ty thông qua việc thực hiện các quyền của cổ đông trong khuôn khổ pháp luật, điều lệ và quy chế quản trị nội bộ công ty. Công ty là của tất cả cổ đông hùn hạp vốn, công ty không phải của riêng bất kỳ cổ đông nào, kể cả cổ đông sáng lập.
Bản án của HĐXX đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Lê Quân
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại Điều 113, cổ đông sáng lập chỉ có một đặc quyền duy nhất là được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết nếu công ty có phát hành cổ phần này và thời gian nắm giữ cũng chỉ giới hạn trong 3 năm đầu. Ngoài ra giữa cổ đông sáng lập và cổ đông thông thường không có khác nhau về địa vị pháp lý.
Khi thành lập và lựa chọn loại hình công ty cổ phần, các cổ đông phải chấp nhận nguyên tắc phân chia quyền lực, đó là điều hiển nhiên, không thể đảo ngược, thuộc về bản chất của công ty cổ phần.
Còn giả sử có bất kỳ cổ đông nào có hành vi gây rối, cản trở hoạt động của công ty, thì cần phải giải quyết vấn đề này theo đúng quy trình và quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự, chứ đó không phải là lý do để buộc cổ đông phải ra khỏi công ty.
Trong các nguyên lý về quản trị công ty cổ phần hiện đại (của IMF, WB, OECD...) đều khuyến cáo công ty cổ phần nên tạo ra một cơ cấu cổ đông đa dạng, một cơ chế phân tán rủi ro hiệu quả, đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát lẫn nhau của cổ đông, khi đó công ty cổ phần mới có thể phát triển ổn định và bền vững hơn.
Bà Thảo khóc, ông Vũ cười sau phán quyết của tòa
Sau khi HĐXX tuyên án, bà Thảo đã bật khóc và nói: "Bản án quá bất công với mẹ con tôi". Trong khi đó, ông Vũ chỉ cười và từ chối nói về phán quyết của tòa.
Theo Từ Thanh Thảo (Zing)
Điểm mấu chốt cần tháo gỡ trong phiên xử cuối vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên Vụ kiện ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ kéo dài hơn 3 năm, sau 10 lần hòa giải bất thành, tranh chấp khối tài sản ở Trung Nguyên vẫn chưa đi đến hồi kết. Liệu Vũ - Thảo có tái hợp? Ở phiên tòa chiều 25/2, tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn của...