Tòa chưa thể đi xa hơn về nội dung Dương Chí Dũng khai “hối lộ”
“Lời khai về việc đưa tiền của Dương Chí Dũng, tòa nhận định, chưa có tài liệu chứng minh. Việc này rất khác so với nội dung “mật báo”. Nếu có căn cứ đối chiếu, tòa đã phải đi xa hơn nữa” – Thẩm phán Trương Việt Toàn phân tích.
>> Khởi tố vụ án làm lộ bí mật khiến Dương Chí Dũng bỏ trốn
>> Bộ Công an khẩn trương điều tra lời khai của Dương Chí Dũng
Thẩm phán Trương Việt Toàn ngồi ghế chủ tọa trong phiên xử sơ thẩm vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài nêu lý do HĐXX quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS, khác với kiến nghị của VKS là khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác theo Điều 286 vì thông tin được mật báo cho Dương Chí Dũng phải xác định là bí mật nhà nước mới chính xác. Ông Toàn dẫn Quyết định số 13 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước trong lực lượng vũ trang nhân dân, thông tin vụ án như ở Vinalines được xếp vào diện bí mật nhà nước chứ không phải bí mật trong công tác.
Tính chất của 2 tội danh này, thẩm phán Trương Việt Tòa khẳng định, về mức độ rất khác nhau vì hành vi làm lộ bí mật trong công tác chỉ là vấn đề được xem xét, đánh giá trong công việc hàng ngày còn lộ bí mật nhà nước phải căn cứ theo danh mục quy định của nhà nước. Mức độ xâm hại của hành vi làm lộ bí mật nhà nước nghiêm trọng hơn.
Sau quy trình khởi tố vụ án, tòa án sẽ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, cụ thể, như quyết định khởi tố đã nêu rõ là chuyển cho VKSND Hà Nội. VKS sẽ xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố sau đó sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan.
Còn phần những thông tin Dương Chí Dũng đã khai về việc đưa tiền cho các cán bộ cơ quan công an để “chạy tội” như bản án đã nêu, ông Toàn cho biết, kiến nghị xem xét làm rõ của tòa sẽ được gửi đến các cơ quan của VKS và cơ quan công an.
“Đây là trách nhiệm của VKS, trách nhiệm của tòa đến đây là hoàn thành” – ông Toàn phân tích.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (giữa) trong phiên xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm.
Phần thông tin về người mật báo tin bị khởi tố cho Dương Chí Dũng kịp thời trốn chạy, tòa đã nhận định là có nhiều chứng cứ, tài liệu khác đối chứng như lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, tài liệu khác. Cụ thể về vấn đề này, thưa ông?
Tòa đã nêu rõ những nhận định này trong bản án. Một số tài liệu đã nhắc đến như quyển số nhật ký của Dương Chí Dũng (sổ vạn sự), nội dung ghi chép cũng tương tự như những thông tin anh này khai ra tại tòa.
Còn phần nội dung Dương Chí Dũng khai đưa tiền cho các cán bộ công an, có chứng cứ nào để đối chiếu? Tại sao không khởi tố thêm vụ án “đưa, nhận hối lộ” song song với việc khởi tố về vấn đề làm lộ bí mật nhà nước?
Video đang HOT
Lời khai về việc đưa tiền của Dương Chí Dũng, tòa nhận định trước hết, đây chỉ là một lời khai, chưa có tài liệu nào chứng minh cho lời khai này. Việc này rất khác so với nội dung trên. Nếu phần này cũng có căn cứ đối chiếu thì tòa đã phải đi xa hơn nữa. Lời khai này sẽ phải được xem xét, trên cơ sở thu thập thêm các chứng cứ, tài liệu khác.
Ngay việc tại phiên tòa, một nhân chứng khác có mặt là vợ Dương Chí Dũng, bà Phạm Thị Mai Phương xác nhận cùng chồng đi Tuần Châu thăm vợ chồng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, chứng kiến việc Dũng đưa biếu phong bì 10.000 USD hay cùng tham gia chuẩn bị khoản tiền 500.000 USD để Dương Chí Dũng đưa biếu ông này tối 2/5, thực ra cũng chỉ là một lời khai. Việc này, các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo kiến nghị của tòa sẽ đi sâu làm rõ thêm. Ở đây tòa cũng không khẳng định lời khai của bà Phương đúng hay sai.
Một nội dung thông tin gây sốc khác trong lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa là khoản tiền 20 tỷ đồng (1 triệu USD) của bà chủ Công ty Vạn Thịnh Phát (TPHCM) chuyển để cựu Chủ tịch Vinalines đưa cho người mật báo trong dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn. Việc này có sự tham gia của bên thứ 3 này. Nội dung này hoàn toàn có thể xác minh, đối chứng được?
Nói chung, với các khoản tiền Dương Chí Dũng khai ra, kể cả khoản 20 tỷ đồng anh này nói nhận của bà chủ công ty Vạn Thịnh Phát để chuyển cho ông Phạm Quý Ngọ trong dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, tòa chỉ dừng lại ở kiến nghị cơ quan chức năng xem xét làm tiếp. Nếu có căn cứ thì thẩm quyền củng cố chứng cứ thuộc các cơ quan này khi đã thu thập được các tài liệu có liên quan.
Các tố cáo về hoạt động thao túng Vinalines cũng thuộc thẩm quyền xem xét của các cơ quan khác, không thuộc thẩm quyền của tòa án. Với các tài liệu, chứng cứ như thể hiện tại tòa, tòa đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình.
Nhiều ý kiến đặt ra là các nội dung này nên được chuyển đến một cơ quan điều tra độc lập vì nội dung là tố cáo cán bộ cấp cao của Bộ Công an?
Vấn đề này thì liên quan đến thẩm quyền điều tra của nhiều ngành, nhiều cơ quan, thực hiện theo pháp lệnh Điều tra. Có thành lập một cơ quan điều tra độc lập hay không, trong trường hợp nào thì thẩm quyền điều tra thuộc VKSND tối cao, trường hợp nào thuộc CQĐT Bộ Công an đều có quy định cụ thể.
Nhiều người vẫn băn khoăn về tính hợp lý, logic của vấn đề nếu vụ việc tố cáo về cán bộ của Bộ Công an lại được chuyển cho chính cơ quan này xem xét. Quan điểm của cá nhân ông?
Thường trong những trường hợp này, chắc thẩm quyền điều tra phải thuộc Cục Điều tra của VKSND tối cao.
Phiên tòa xử Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng được dư luận trông đợi như là thước đo về quyết tâm phòng chống tham nhũng cũng như thước đo sức mạnh của công lý. Sau khi đã có kết quả của cả 2 phiên xử, là một người ngồi ghế thẩm phán trong phiên xử, ông có thấy hài lòng với quyết định của HĐXX?
Nếu nói về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thì rõ ràng không chỉ thể hiện ở 2 phiên tòa này mà đây là một cuộc đấu tranh thường xuyên, liên tục, lâu dài vả rất bền bỉ. 2 phiên tòa liên quan đến vụ án của Dương Chí Dũng này chỉ là một điểm nhấn, dấu ấn thể hiện quyết tâm đó thôi chứ không phải đến 2 phiên tòa này mới nói lên sự quyết tâm đó. Còn sự quyết tâm đã được khẳng định, xuyên suốt, thường trực thời gian qua vì việc chống tham nhũng là phải trên nhiều mặt trận, không chỉ là xử án tham nhũng.
Những người ngồi ngoài theo dõi phiên tòa thì cảm thấy rất nóng. Trên ghế của HĐXX ông có cảm thấy sức nóng đó?
Nói là sức nóng thì cũng không phải nhưng đúng là HĐXX cũng phải tập trung cao độ để xem xét vụ án, từ khâu nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phiên tòa đến khi xét xử để làm sao xem xét quyết định các bị cáo có tội hay không có tội, tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đến đâu. Như vậy thì không riêng gì phiên tòa này, tất cả các phiên tòa khác HĐXX đều phải rất tập trung suy nghĩ, trí tuệ để nghiên cứu hồ sơ.
Nhiều người khi nói về phiên tòa đã thể hiện sự tiếc nuối đối với bị cáo Dương Tự Trọng cũng như các cán bộ công an dưới quyền khi hành động thiếu lý trí, để tình cảm chi phối nên mới “sa chân”. Đến thời điểm này, có điều gì trong phiên tòa làm ông phải suy nghĩ?
Nếu nói về tình cảm thì tôi thấy, cuộc đời một con người nói chung sẽ có những giây phút, sẽ có những sự việc buộc người ta phải đưa ra quyết định, mà quyết định rất khó khăn nữa. Dù có đưa ra quyết định giải quyết thế nào thì cũng phải dựa trên nguyên tắc là quyết định dựa trên đạo đức nhưng trước hết phải phù hợp với pháp luật (trong pháp luật cũng đã hàm chứa nội dung đạo đức). Không thể nói các cán bộ công an trong vụ án này không được tu dưỡng rèn luyện nhưng chỉ một giây phút thiếu tỉnh táo, trong tích tắc thôi, quyết định không đúng đắn đã để lại rất nhiều hệ lụy không tốt.
Đó cũng là vấn đề tôi suy nghĩ nhiều nhất trong vụ án. Mỗi con người, mỗi đời người đều phải đứng trước những thời khắc như thế nhưng quyết định như nào, vì sự ích kỷ cá nhân hay vì cộng đồng thì hoàn toàn theo sự lựa chọn của cá nhân đó. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì nguyên tắc xuyên suốt là phải phù hợp với pháp luật, với đạo đức thì sẽ không phải hối tiếc trước những quyết định này.
Không có động cơ vì tình cảm nào có thể mang ra để biện hộ cho mỗi hành động, quyết định. Như chúng tôi, chúng tôi vẫn phải xử người nhà, người thân một cách bình thường. “Pháp bất vị thân” là ở chỗ đấy”.
Theo Dantri
"Thông tin Dương Chí Dũng đưa ra chắc phải có căn cứ!"
"Những thông tin Dương Chí Dũng đưa ra trước tòa chắc phải có những căn cứ. Nếu biết 100% lời khai không có căn cứ thì tòa sẽ không khởi tố vụ án mới" - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nhận định.
>> Bộ Công an khẩn trương điều tra lời khai của Dương Chí Dũng
>> Khởi tố vụ án làm lộ bí mật khiến Dương Chí Dũng bỏ trốn
Ngày 9/1, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - có những chia sẻ với phóng viên Dân trí trước những tình tiết mới diễn ra tại phiên xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Ông Lê Như Tiến nhận định những lời khai của Dương Chi Dũng trước tòa chắc phải có căn cứ
Ông có bất ngờ không khi Dương Chí Dũng khai trước tòa rằng được ông Phạm Quý Ngọ (Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines, Thứ trưởng Bộ Công an) báo tin mật?
Đây là tin mật, chưa ai biết nên tôi thấy chắc chắn phải có một ai đó ở một cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Tôi bất ngờ là bất ngờ với một người cụ thể mà Dương Chí Dũng đã khai. Còn ai ở cấp cao báo cho Dương Chí Dũng thì tôi đã tiên lượng được trước sẽ có người như thế!
Lời khai của một bị án như Dương Chí Dũng có đáng tin không, thưa ông?
Những thông tin Dương Chí Dũng đưa ra trước tòa chắc phải có những căn cứ. Nếu không có căn cứ thì sẽ không tuyên bố khởi tố vụ án mới. Chắc là có căn cứ nào đó nhất định thì họ mới đề xuất như thế. Nếu biết 100% không có như thế thì chắc chắn sẽ không đề xuất như thế.
Ông nhìn nhận thế nào việc Hội đồng xét xử tuyên bố khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại điều 263 Bộ luật hình sự?
Khi khởi tố điều tra thì các đương sự có quyền chứng minh những vấn đề liên quan đến mình. Còn trong quá trình điều tra, chính người bị nghi ngờ sẽ phải chứng minh mình hoàn toàn vô tội, không nhận hối lộ, không lộ lọt bí mật công tác, để cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Anh phải chứng minh được điều ấy, còn nếu không thì rõ ràng sẽ là tội phạm.
Để đảm bảo tính khách quan, theo ông vụ án hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước nên giao cho cơ quan nào làm rõ?
Dư luận e ngại nếu giao cho Bộ Công an làm thì thiếu khách quan vì một đồng chí là lãnh đạo của bộ. Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào lãnh đạo ngành công an, nhất là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và tập thể Đảng ủy công an Trung ương chắc cũng đủ sáng suốt để điều tra một cách khách quan.
Bên ngành công an cũng có hai cơ quan điều tra đó là cảnh sát điều tra và an ninh điều tra. Nếu bình thường cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm vụ việc này, nhưng nếu cần thì cơ quan anh ninh điều tra cũng có thể vào cuộc.
Ngoài ra, chúng ta còn có các cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, không những thế các cơ quan khác cũng có thể sử dụng bộ máy của cơ quan điều tra để vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa đảm bảo khách quan. Cũng có thể đề xuất thành lập một cơ quan điều tra độc lập về vụ án mới này. Còn cơ quan nào chủ trì chính, chắc cơ quan nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật (ngành điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...) sẽ ngồi với nhau để tìm ra lời giải này.
Bộ Công an cũng vừa khẳng định sẽ điều tra lời khai của Dương Chí Dũng, ông đánh giá thế nào về động thái tích cực này?
Tôi rất tin lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Trần Đại Quang, sẽ rất vô tư, khách quan và sẽ chỉ đạo nghiêm túc vụ án này.
Còn qua việc xét xử các vụ án tham nhũng lớn gần đây tôi thấy hoạt động của bộ máy phòng chống tham nhũng khá quyết liệt, tạo nên hiệu quả như chúng ta đã thấy. Điều đó thể hiện sự quyết liệt và cũng thể hiện cam kết của Đảng, nhà nước ta về việc tuyên chiến với tham nhũng đã có kết quả.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Phạm tội, trốn đâu cho khỏi lưới trời Trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng là bị cáo làm tốn giấy mực của các nhà báo nhiều nhất. Cùng nhìn lại một số mốc sự kiện đưa Dương Chí...